Không có bài thuốc tiên để giải cứu!

Bộ Nông nghiệp & PTNT đang vận động nhân dân cả nước tham gia “giải cứu” nạn ế thừa thịt heo để cứu người chăn nuôi. Vấn nạn được mùa mất giá, đươc giá mất mùa, cung-cầu thất thường, khâu trung gian ăn bẫm, v.v…

Thật ra đây là câu chuyện đại sự và vô cùng gian khổ của phát triển, chưa nói đến các yếu tố đầu cơ, các yếu tố chính trị trong ngoài nước. Không có bài thuốc tiên nào đâu. Bài học đắt giá về dưa hấu, thanh long, đỉa, móng trâu, hành tím, v.v… không phải là các bài thuốc tiên - vì nó chỉ là những suy nghĩ lô-gic của tư duy, chứ không phải của cuộc sống thực trong đời sống kinh tế và xã hội. Các biện pháp cấp cứu như tiêm morfine để giảm đau mà sống tiếp vẫn rất cần, song không thể là giải pháp căn cơ.

Đây chỉ là bài viết mở đầu cho những vấn đề cần tiếp tục suy ngẫm thảo luận rộng rãi và cầu thị trong xã hội dân sự và trong giới kỹ trị, giới học thuật mà tìm lời giải từng bước. Có 3 mảng sẽ phải tiếp tục khai phá:

1) Nông dân phải cùng nhau tự làm gì để tự cứu mình.

(2) Nhà nước làm gì với tính cách là “bà đỡ” của kinh tế thị trường.

(3) Xã hội dân sự của giới doanh nghiệp và doanh nhân làm gì để tương trợ nông dân và giúp vai trò bà đỡ của nhà nước.

Dân chủ và thể chế có năng lực là chìa khóa cho các giải pháp.

Tô Văn Trường

Ở các nước đã phát triển có một nền nông nghiệp gắn với thị trường và một giai cấp nông dân làm chủ ruộng đất và đã giác ngộ, thì nhà nước có vai trò rất hạn chế, thậm chí chỉ xoay quanh trong chuyện thuế má, trợ giá.

Nhưng ở Việt Nam hiện nay hoàn toàn khác. Cái “bà đỡ” này chủ yếu chỉ quen thu “viện phí” mà nhiều khi lại có quyền quyết định xem người ta có được chửa hay không, nếu lỡ chửa thì có được đẻ hay không. Vậy thì điểm tắc nghẽn đầu tiên là nhà nước.

Mà nông dân thì đã có tổ chức gì đâu để tự cứu mình, ngoài các nông hội hình thức. Các doanh nghiệp, trừ một số rất ít, đa số là trục lợi trên mồ hôi của nông dân, như các loại công ty lương thưc mua bán trung gian chẳng hạn, v.v...

Thông tin trên báo chí được quan tâm nhất trong cuộc họp đầu tháng 4 vừa qua, Thủ tướng đã truy vấn trách nhiệm của Bộ Nông nghiệp & PTNT và Bộ Công thương vì khủng hoảng thừa thịt heo?

Bài ca “cứu nạn” thừa dưa hấu, hành tím, thanh long, v.v… hình như các vị lãnh đạo quản lý nhà nước vẫn chưa thuộc. Chúng ta đang làm phần ngọn và luôn điều hành theo kiểu xử lý tình thế. Theo cách này chúng ta sẽ còn phải giải cứu dài dài, chỉ nay mai thôi, dân buông đàn thì vấn đề thiếu và giá thịt heo lại lên trời, lúc ấy sẽ giải cứu kiểu gì ?

Có điều cần lý giải, dù tình cảnh nào (thừa hay thiếu) thì người nuôi/trồng và người tiêu thụ vẫn không có lợi mà chỉ lợi khâu trung gian. Đây chính là vấn đề kinh tế thị trường cần sự can thiệp của nhà nước nhưng chưa được quan tâm. Vậy phải tìm nguyên nhân chính mà gỡ. Có nhiều nút thắt, song các nút thắt dưới đây cần phải làm trước.

Định hướng thị trường (nhu cầu và chủng loại)

Trong đó, việc đa dạng hóa thị trường, tránh phụ thuộc vào Trung Quốc là điều phải làm trước tiên. Thương lái Trung Quốc ra vào Việt Nam đã gây bao nhiêu vụ tày trời như mua gom lá điều, rễ cây quế, đỉa, móng trâu... để phá hoại kinh tế theo lối binh pháp Tôn Tử đã nhiều năm rồi nhưng tại sao dân ta vẫn bị lừa? Tại sao quản lý Nhà nước buông lỏng hoặc bó tay trước những thủ đoạn kinh doanh trái pháp luật của thương lái Trung Quốc?

Cần phải đa dạng sản phẩm mà các thị trường cần. Viện nghiên cứu phát triển Thái Lan (TDRI) ngay từ thập niên 80 đã nhận xét rất chí lý: “Việt Nam chỉ sản xuất cái mình quen làm là lúa và lợn”. Thái Lan không đi vào phát triển đàn lợn vì họ cho rằng những người giàu có nhất là ở vùng Vịnh chỉ thích ăn động vật hai chân. Và Thái Lan đã đi đúng hướng là phát triển gia cầm rất thành công theo cái mà thị trường cần. Họ biết rõ là sản phẩm của họ sẽ tiêu thụ ở đâu. Ta thì tất cả mù tịt, trôi nổi theo "điều hành" của thương lái Trung Quốc. Vì vậy, vai trò thông tin của cơ quan nhà nước (hai Bộ Nông nghiệp & PTNT và Bộ Công thương) tuy có đủ ban bệ nhưng hoạt động không hiệu quả.

Trong giải quyết khâu này, cần phát huy tinh thần chủ động nghiên cứu thị trường của doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp tư nhân cùng với các hiệp hội doanh nghiệp, kết hợp với trách nhiệm cung cấp thông tin và hỗ trợ của cơ quan Nhà nước.

Làm tốt khâu chế biến, bảo quản

Chẳng có nước nào gần như 100% nông sản (trong đó có thịt) là ăn tươi, do vậy, nhiều loại nông sản từ giết mổ/thu hoạch đến thị trường chỉ tiêu thụ trong ngày (thậm chí vài giờ) thì không rủi ro, mới là lạ. Do đó, cần chấn chỉnh làm tốt khâu chế biến bảo quản sản phẩm tươi, nếu muốn mở rộng thị trường xuất khẩu nông sản thực phẩm.

Kết nối sản xuất và thị trường.

Về mặt tổ chức quản lý Nhà nước nên giao về một đầu mối chịu trách nhiệm. Giống như quản lý phân bón từ tháng 3/2017 Chính phủ đã giao cho Bộ Nông nghiệp & PTNT chịu toàn bộ trách nhiệm về quản lý nhà nước. Nhìn rộng hơn, phải chăng hãy để cho Bộ Nông nghiệp & PTNT chịu trách nhiệm toàn bộ về nông sản (nông, lâm, thủy) từ sản xuất đến tiêu thụ, xuất khẩu (thực chất doanh nghiệp họ làm, nhà nước chỉ lo các khâu về chính sách). Trong nước thì làm sao người sản xuất và người tiêu thụ xích lại gần nhau nhất (Thế giới có hệ thống cửa hàng OUTLET chính là loại này, không có trung gian).

Báo chí nói nhiều, dân bán rẻ mà người mua vẫn phải chịu mua đắt. Còn xuất khẩu, hãy chọn cái gì có lợi nhất hãy xuất, không thì thôi. Gạo bán ra giá thấp hơn trong nước, lại mua phân bón, thuốc bảo vệ thực vật... chi phí thêm xăng dầu, làm suy thoái đất, môi trường... thì bài toán về tổng thể có nên làm không. Nông dân không thể tự quyết, đây chính là việc của Nhà nước, làm sao cho dân có thu nhập cao hơn.

Sản xuất thị trường, cung cầu lộn xộn vừa qua là từ hành chính chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm các Bộ chồng chéo nhau dẫn đến vô hiệu hóa nhau rất đáng sợ cho bộ máy, đáng thương cho dân. Đáng chú ý là các nguyên tắc, qui luật về thị trường bị buông trôi, lấy chính trị làm nền cho kinh tế nên mới như mươi năm vừa qua mà không ai dám sửa! Bộ máy đông như quân Nguyên, ăn như tàu há mồm, kiệt sức dân mà không ai dám dẹp. Chết chìm là phải!

Ngoài ra, phải chấn chỉnh lại về hành chính, cái gì cũng đẩy lên Trung ương, lên Thủ tướng. Nhưng đó là cái khó "xơi", cho dù là nhỏ như "nhận tặng xe sang", biết là không được mà vẫn nhận "rồi báo cáo lên Thủ tướng". Nhưng cái dễ thì dù qui định bắt buộc phải hỏi cũng chẳng cần hỏi, hoặc làm trước hỏi sau, như 50 năm/70 năm thời hạn của Dự án Formosa.

Đúng là 'Hành chính” không có "Nền"! Cái gì cũng hỏi Trung ương, cái gì Trung ương cũng hỏi cấp dưới, kể cả chuyện dân đánh lộn với nhau. Không có quốc gia dân chủ tiến bộ nào có nền hành chính vận hành như vậy.

Chỉ đạo và kiến tạo

Chỉ đạo và kiến tạo của các cấp cũng phải chuyển từ tư tưởng trọng cung sang tiếp cận hướng cầu, không lấy số đầu con, diện tích sản lượng làm mục tiêu trong kế hoạch giao. Xin lưu ý hiện nay kế hoạch phát triển kinh tế xã hội vẫn giao như ngày xưa, kèm theo là bố trí ngân sách để đảm bảo các chỉ tiêu đó. Điều này tiếp tục làm tăng cung dẫn đến thừa sản phẩm mà không ai và ban ngành nào chịu trách nhiệm!!

Đổi mới cách thức cung cấp dịch vụ công

Đầu tư công và dịch vụ công chỉ nên tập trung vào những khâu mà không làm hoặc làm kém hiệu quả. Việc ta tiếp tục hỗ trợ kinh phí cho người trồng lúa nếu họ cấy lúa là vô hình trung bao cấp cho người tiêu dùng nước ngoài. Lẽ ra, phải tăng cường đầu tư để làm tăng năng lực ứng phó với sự thay đổi của thị trường và hoàn cảnh (công nghệ, nhân lực, quản trị và quản lý, thông tin, dự báo) thì lại sử dụng ngân sách hỗ trợ đầu vào, để tăng cung!?

Lời kết

Ngành sản xuất nông nghiệp nước ta hiện nay vẫn ở tình trạng tự phát manh mún nên không tránh khỏi nạn thừa ế nông sản. Nông dân là người thiệt nhất, nhưng trách nhiệm là thuộc quản lý nhà nước. Bộ máy quản lý nhà nước về nông nghiệp ở nước ta có đủ các cấp từ trung ương đến cơ sở, nhưng không ai chịu trách nhiệm về nạn thừa ế nông sản diễn ra trong nhiều năm nay.

Trong các Bộ có trách nhiệm chưa thấy được quyết tâm cũng như chưa có chương trình hành động nhắm thẳng đến chiến lược: nông nghiệp phải được chuyển sang một thời kỳ mới, sản xuất trong cơ chế thị trường hiện đại.

Song song với các biện pháp kỹ thuật, cần cải cách thể chế, quy kết trách nhiệm đối với cơ quan quản lý nhà nước thì mới có thể thúc đẩy nông nghiệp một cách căn cơ. Ưu tiên, xây dựng các dịch vụ phục vụ nông nghiệp bao gồm từ dạy nghề, cung ứng nông cụ, giống má cho tới các quỹ và tổ chức tín dụng, bảo hiểm nông nghiệp, thuỷ lợi và công nghệ sau thu hoạch, cập nhật, dự báo thị trường và chuỗi tiêu thụ sản phẩm. Hãy để cho muôn vàn dịch vụ tư nhân, hợp tác xã , công ty cổ phần với Nhà nước đảm nhận các dịch vụ này.

Mặt khác, vai trò Nhà nước trong việc bảo vệ sản xuất nông nghiệp thông qua hoạt động ký kết, thực thi các FTA cần được nâng cao chất lượng và có sự phán xét của nông dân vốn thấp cổ bé họng và thiếu thông tin.

T.V.T.

Tác giả gửi BVN

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn