Hải sản nguy hiểm từ hai phía

Nhóm phóng viên tường trình từ Việt Nam

Cá dùng để làm chả cá ở Lý Sơn. RFA photo

Bài tường tình này xem như một lời cảnh báo sau những gì chúng tôi tận mắt chứng kiến cách mà người ta xử lý hải sản, gồm tôm, cá, cua, ghẹ, mực, nghêu… và cả rong biển, mực biển. Dường như sự nguy hiểm của các loại thực phẩm liên quan đến hải sản đều bắt nguồn từ hai phía gồm môi trường biển hiện tại và trách nhiệm của người bán hải sản. Trong đó, vấn đề trách nhiệm của người bán hải sản cần đặt lên hàng đầu và cần phải có điều chỉnh kịp thời nếu như họ không muốn gián tiếp giết chết đồng loại của mình.

Cách xử lý của người chế biến và bán hải sản ra sao?

Một người không muốn nêu tên, từng là nhà buôn các loại hải sản ở miền Trung Việt Nam chia sẻ: “Cái người Việt Nam mình bây giờ chịu cảnh chết chậm, bởi con cá nó mới nhiễm độc, nó chưa chết thì mình đánh lưới về ăn. Biển độc vài chục năm mà mới có một năm thì làm sao mà hết độc. Con cá nó đánh về thì mình mua ăn chứ thực ra nói không độc là không đúng… Chính quyền nói là hết độc nhưng chính quyền nói thì làm sao mình tin được! Người mình dù sao cũng thành dân nhược tiểu rồi, cứ ăn từ từ rồi ngấm từ từ, đến khi đổ bệnh chết thì cứ nghĩ mình bị bệnh khác chết chứ đâu có nghĩ là mình bị nhiễm độc”.

Người này chia sẻ thêm là hiện nay, hầu như vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm của các loại hải sản hoàn toàn không có. Nếu may mắn lắm thì các cơ sở sản xuất có sự quản lý của ngành vệ sinh an toàn thực phẩm và hơn hết là cơ sở đó có nhiều người lao động, xuất hàng cho nước ngoài mới hi vọng đảm bảo khâu vệ sinh, an toàn thực phẩm. Còn lại, hầu như người Việt nói chung và chiếm số đông là ít quan tâm đến vệ sinh an toàn thực phẩm. Chuyện ruồi nhặng bâu vào thực phẩm, ướp lạnh quá lâu, để bị hôi thối rồi dùng chất hóa học tẩy là chuyện rất bình thường của các cơ sở chế biến thực phẩm nói chung và hải sản nói riêng.

Đặc biệt, khi mà cơn gió thị trường nặng mùi Trung Quốc kéo qua Việt Nam thì mọi chuyện trở nên đảo lộn. Người này đưa ra nhận xét trên và giải thích thêm là bởi hầu hết từ nông dân cho đến ngư dân, thương nhân Việt Nam khi bước vào sới đấu với dòng hàng hóa từ Trung Quốc đều phải chấp nhận một luật chơi chung, đó là giá cực rẻ, màu mè cực bắt mắt và vệ sinh hay chất lượng thì có các loại hóa chất hỗ trợ. Muốn có mùi thơm thì dùng hóa chất, muốn ngọt, ngon thì dùng đường hóa học, muốn sạch thì dùng thuốc tẩy, cứ như vậy mà sản xuất, mua bán…

Phơi rong biển trên đường lộ. RFA photo

Với kinh nghiệm buôn hàng hải sản lâu năm và từng tận mắt chứng kiến các loại cá để ruồi nhặng bâu đen đúa trước khi xay thành chả cá, người này khẳng định hầu hết các loại chả cá trên thị trường đều không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Và người này chua chát nói thêm là hình như cái bao tử của số đông người Việt đã quen chịu đựng với tất cả các loại thực phẩm nguy hiểm nên dường như ít thấy người nào bị ngộ độc vì chả cá, mà có khi ngộ độc rồi cũng không biết mình ngộ độc vì thứ gì.

Đó mới chỉ riêng chả cá, món phổ thông, dễ xài nhất Việt Nam, hiện tại, vấn đề an toàn vệ sinh cho cây rong biển cũng đáng bàn, đặc biệt là ở huyện đảo Lý Sơn, khu du lịch được cho là còn nguyên sơ và an toàn về môi trường biển. Hầu như các điểm thu gom và xử lý rong biển đều có vấn đề. Điều này chúng tôi từng chứng kiến một người đàn ông đi nhặt rong biển, tập trung vào một chỗ bên cạnh đống rác, sau đó mang về nhà phơi trên đường bê tông, xe cộ qua lại cán lên hàng trăm bận tạo thành một bánh rong biển mỏng dính. Khi lấy rong trở về, người ta phải dùng xẻng nạo từng mảng và rửa qua nước lạnh, sau đó xử lý bằng hóa chất tẩy trắng tinh, và phơi khô một lần nữa bán ra thị trường.

Lý giải cho việc phơi dưới đường bê tông để xe cán qua lại rồi mới tẩy trắng thay vì rửa sạch rồi phơi ngay từ đầu, một người chuyên cung cấp rong biển, không muốn nêu tên, nói rằng nếu để nguyên rong biển mà không chần qua bánh xe khi phơi thì hàm lượng mùi gây tanh và màu đen không thể nhả ra khỏi thân rong, người ta buộc phải mượn bánh xe và nhiệt độ của đường bê tông để làm cho rong vừa khô vừa vỡ những gì có màu đen, sau đó mới tẩy được, mới có loại rong biển trắng tinh, mới cạnh tranh nổi với các loại rong biển nhập từ Trung Quốc.

Lại thêm chuyện vì cạnh tranh với Trung Quốc! Và có vẻ như người làm rong biển rất hồn nhiên trong chuyện xử lý trắng cây rong, họ cũng không hay biết chất mà họ đang dùng tẩy rong là chất độc hại.

Độc từ biển

Đi thu nhặt rong biển ven bờ ở Lý Sơn, Quảng Ngãi. RFA photo

Chuyện độc từ biển thì có vẻ như ai cũng biết, nhưng nếu nói rằng những món gỏi rong biển quen thuộc ở các làng du lịch trong bữa cơm trưa, cơm tối đều có thể là những thứ độc hại thì ai cũng ngạc nhiên. Nhưng có một sự thật là hầu hết rong biển đều có vấn đề bởi cho đến thời điểm hiện tại, ít có ai dám khẳng định rong biển được lấy từ nguồn nước sạch, từ vị trí biển không nhiễm độc.

Ông Một, ngư dân ở Quảng Ngãi, chia sẻ: “Làm răng nó đủ an toàn được, vì cống xả Formosa thì nó xả thẳng ra biển mà, Nhật 30 năm sau nó còn vớt cá bỏ, mình mới một năm thì làm sao hết độc? Riêng cây rong biển thì không bao giờ hết độc, bởi các ống xả thành phố đều đưa ra sông, biển, mà rong và biển là loại hấp thụ chất bẩn nhanh nhất, cây rong biển phơi khô trên mặt đường rồi sau đó đem xử lý hóa học thì không thể nói là sạch được, an toàn được. Rau trồng thì đất mình cũng nhiễm độc, các loại phân bón hóa học và thuốc trừ sâu đều nhiễm vào đất và đất của mình thì nhiễm kim loại hết. Nói chung thì khó mà có cây rau sạch được. Nhật họ qua Việt Nam thuê đất trồng rau ở Lâm Đồng cũng phải xử lý đất cho sạch rồi mới dám trồng. Chỉ có người Việt Nam là sống trên những nơi gần cống rãnh, môi trường ô nhiễm vẫn thấy vui vẻ hạnh phúc thôi…!”.

Ông Một cho biết thời gian biển miền Trung bị nhiễm độc, ngoài các loài tôm, cá, mực, cua, ghẹ… bị chết, rong biển cũng chết hàng loạt và tự đứt gốc trôi nổi trên mặt biển. Dòng hải lưu và hướng gió mùa khô chuyển từ Bắc vào Nam, rong biển cũng trôi nổi theo chiều này, thường thì rong biển ở Hà Tĩnh sẽ xuất hiện ở bờ biển Huế và rong biển ở Huế lại trôi nổi ở Quảng Nam, Quảng Ngãi. Điều này sẽ gây ra ngộ nhận về nguồn gốc rong biển và không ít rong biển từ vùng biển nhiễm độc đang trôi nổi trên thị trường.

Có thể nói rằng hiện tại, vấn đề hải sản nhiễm độc trôi nỗi trên thị trường đang là câu chuyện đau đầu của người Việt Nam, cùng với vấn đề này là thực phẩm không có nguồn gốc rõ ràng, thực phẩm Trung Quốc theo đường tiểu ngạch và các loại thực phẩm, hải sản trong nước được xử lý một cách thiếu vệ sinh an toàn thực phẩm. Nói cho cùng, chợ và cửa hàng vốn là nơi cung cấp nguồn thực phẩm, lương thực cho con người. Nhưng với tình trạng con người thiếu trách nhiệm trong vệ sinh an toàn thực phẩm như hiện tại, mỗi cái chợ đều trở thành nơi phát tán độc hại và với đà này, khoảng cách giữa chợ và nghĩa địa đang ngày càng thêm xích lại gần hơn!

Nguồn: http://www.rfa.org/vietnamese/reportfromvn/dangerous-seafood-from-both-sides-ttvn-05182017104401.html

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn