Kiềm chế Trung Quốc: Nhiệm vụ bất khả thi?

Ngô Di Lân

clip_image002

Những phát biểu thể hiện lập trường cứng rắn trước Trung Quốc của Donald Trump cho thấy rằng vị tổng thống này dù thiếu nhạy bén về ngoại giao nhưng hoàn toàn đủ tỉnh táo để nhận ra rằng hiện nay Trung Quốc chứ không phải Nga, mới là đối thủ chiến lược số một của Mỹ. Do đó, tuy Trump đã “giết chết” Hiệp định TPP và Bộ Ngoại giao Mỹ mới đây đã tuyên bố chấm dứt chiến lược “xoay trục về Châu Á” mà Obama đã khởi xướng nhưng nhiều khả năng chính quyền Trump vẫn sẽ tiếp tục theo đuổi những đường lối chính được vạch ra trong chiến lược xoay trục bởi những lợi ích quốc gia cơ bản của Mỹ ở Châu Á vẫn chưa hề thay đổi.

Từ góc nhìn của Bắc Kinh, rõ ràng những động thái chính trị - ngoại giao của Mỹ trong thời gian gần đây thể hiện ý đồ ngăn chặn Trung Quốc mở rộng sức ảnh hưởng ở Châu Á của Mỹ. Tuy chính phủ Mỹ từ trước tới giờ đều phủ nhận điều này nhưng trên thực tế quan điểm cho rằng Mỹ cần phải kiềm chế Trung Quốc đã và đang nhận được nhiều sự ủng hộ của các học giả và nhà nghiên cứu chính sách ở Mỹ trong những năm gần đây. Nhưng liệu kiềm chế Trung Quốc có phải là cách thức tốt nhất để Mỹ duy trì vị thế độc tôn hiện nay của mình ở Châu Á hay không?

Để trả lời câu hỏi trên, bài viết này của tác giả đưa ra hai luận điểm chính. Một là, cần phân biệt rõ ràng hai mục tiêu sau: (1) kiềm chế sự trỗi dậy của Trung Quốc và đánh bại tham vọng bá quyền (hegemonic ambition) của Trung Quốc ở Châu Á nói chung và (2) ngăn chặn các nỗ lực đơn phương nhằm mở rộng lãnh thổ (territorial expansion) của Trung Quốc ở Biển Đông. Hai là, trong tương lai gần, chỉ có mục tiêu ngăn chặn bành trướng lãnh thổ của Trung Quốc ở Biển Đông là thật sự cần thiết và khả thi.

Chính sách kiềm chế: xưa và nay

Cha đẻ của chính sách kiềm chế trong Chiến tranh Lạnh là nhà ngoại giao Mỹ George Kennan - tác giả của “Bức điện dài“ (Long Telegram) và bài viết “Nguồn gốc hành vi của Liên Xô“ (Sources of Soviet Conduct) lừng danh. Trong hai bài viết kinh điển này, Kennan đã lập luận rằng nguồn gốc của mâu thuẫn Mỹ-Xô chủ yếu xuất phát từ tư duy đối ngoại dựa trên nỗi bất an truyền thống của người Nga trước các mối đe doạ từ bên ngoài. Để bảo vệ lãnh thổ rộng lớn mênh mông của mình, các nhà lãnh đạo Nga từ trước tới giờ luôn phải đề phòng, cảnh giác trước mọi mối hiểm hoạ lớn nhỏ. Vì vậy người Nga không có văn hoá thoả hiệp như người Mỹ-Anh mà thay vào đó có tư duy chiến đấu “một mất, một còn” để đảm bảo an ninh. Do đó, theo Kennan, cách tốt nhất để Mỹ đối phó với Liên Xô là thực thi một chiến lược kiềm chế kiên trì và dài hạn với mục tiêu chính là ngăn chặn khuynh hướng bành trướng của Liên Xô ở phạm vi toàn cầu, đặc biệt là ở các trận địa trọng yếu như Tây Âu và Đông Á.

Tại thời điểm đó, Kennan cho rằng nếu Mỹ có thể áp dụng triệt để chiến lược này với Liên Xô một cách lâu dài và bền bỉ thì hệ thống Liên Xô sẽ từ từ suy yếu và tan rã. Có lẽ đây cũng là mong muốn của những người đang kêu gọi Mỹ kiềm chế Trung Quốc, mà trong đó GS. John Mearsheimer (ĐH Chicago) là một trong những tiếng nói có trọng lượng và uy tín nhất. Là người sáng lập ra trường phái tân hiện thực tấn công (offensive realism), Mearsheimer cho rằng mọi cường quốc đều theo đuổi mục tiêu tối đa hoá quyền lực của mình bởi trong một thế giới vô chính phủ (anarchy), quốc gia nào càng mạnh thì càng đảm bảo được an ninh của mình. Theo ông, một quốc gia sẽ chỉ thực sự an toàn trong một thế giới vô chính phủ khi nó là bá quyền (hegemon) duy nhất trong hệ thống. Khi mà Mỹ đang là bá quyền duy nhất hiện nay rồi và Trung Quốc có tham vọng trở thành bá quyền thứ hai ở Châu Á thì rõ ràng xung đột lợi ích giữa hai bên là không thể tránh khỏi.

Những học giả có khuynh hướng “diều hâu” như Mearsheimer cho rằng Trung Quốc càng mạnh thì định nghĩa vệ lợi ích quốc gia của nước này càng rộng. Theo lẽ tự nhiên, Trung Quốc sẽ muốn có nhiều sự tự do để tùy ý hành động và muốn có nhiều sự kiểm soát hơn đối với các khu vực kế cận để đảm bảo an ninh của mình. Trên thực tế, các nhà lãnh đạo Bắc Kinh đã cho thấy tham vọng xây dựng một “hạm đội hải dương xanh” đủ mạnh để có thể bảo vệ vùng nước duyên hải Trung Quốc đồng thời kiểm soát được những vùng biển trọng yếu nhất trên thế giới như hải quân Mỹ đang làm. Trong khi đó, Trung Quốc vẫn đang phát triển các vũ khí “chống tiếp cận” (anti-access), nhằm giới hạn tầm hoạt động của quân đội Mỹ ở Châu Á và làm suy yếu khả năng răn đe của Mỹ, đặc biệt trong phạm vi chuỗi đảo thứ nhất (first island chain) trải dài từ đảo Okinawa ở Nam Nhật Bản cho tới Biển Đông.

clip_image004

Bản đồ Chuỗi đảo thứ nhất và thứ hai ở Châu Á. Nguồn: Tragedy of Great Power Politics (Mearsheimer, 2014)

Trong một tương lai xa hơn, khi Trung Quốc đã đủ mạnh về cả mặt kinh tế lẫn quân sự rồi, rất có thể nước này sẽ dùng thế mạnh quân sự của mình để uy hiếp các đồng minh Mỹ trong khu vực, đẩy Mỹ vào tình thế rất khó: một là bảo vệ đồng minh và chấp nhận rủi ro chiến tranh với Trung Quốc, hai là bỏ rơi các đồng minh của mình và đối mặt với nguy cơ toàn bộ hệ thống liên minh toàn cầu của mình bị tan rã. Dù trường hợp nào xảy ra đi nữa thì đây cũng là một viễn cảnh thua-thua cho phía Mỹ. Hơn nữa, một khi Trung Quốc trở thành một siêu cường toàn cầu như Mỹ, rất có thể nước này sẽ can thiệp vào khu vực Châu Mỹ, đặc biệt là Nam Mỹ, vốn là sân sau của Mỹ. Điều này sẽ buộc Mỹ phải phân tán sự tập trung và lực lượng của mình, do đó làm suy yếu các cam kết an ninh của Mỹ ở các khu vực trọng yếu khác.

Dù bá quyền Trung Quốc có thân thiện (benign) đi chăng nữa, một nước Trung Quốc hùng mạnh vẫn là cái gai trong mắt của Mỹ bởi Bắc Kinh sẽ có tiếng nói quyết định trong những vấn đề ở Châu Á. Nếu như vậy thì Mỹ sẽ càng trở nên phụ thuộc vào Trung Quốc để đạt được những mục tiêu quan trọng của mình như phi hạt nhân hoá Bán đảo Triều Tiên, v.v… Do đó, sự trỗi dậy của Trung Quốc trong bất kì trường hợp nào vẫn là mối đe doạ lớn đối với lợi ích cốt lõi của Mỹ là duy trì vị thế siêu cường độc tôn của mình ở Châu Á-Thái Bình Dương.

Trên cơ sở đó, Mearsheimer đề xuất phía Mỹ triển khai chiến lược kiềm chế tương đối giống với những gì Mỹ đã thực hiện trong suốt chiều dài của Chiến tranh Lạnh để đối phó với Liên Xô. Cụ thể hơn, Mearsheimer cho rằng Mỹ cần xây dựng một tập hợp lực lượng để tạo ra đối trọng với Trung Quốc. Nói cách khác, Mỹ cần phải dẫn đầu một liên minh các quốc gia chống lại Trung Quốc bằng việc nâng cao năng lực quốc phòng cho những nước láng giềng đang có mâu thuẫn với Trung Quốc và thậm chí can thiệp quân sự để hỗ trợ những nước này nếu không còn lựa chọn nào khác.

Kiềm chế Trung Quốc: Nhiệm vụ bất khả thi?

Có hai câu hỏi lớn có thể đặt ra đối với khuyến nghị chính sách trên. Một là, liệu kiềm chế thành công Trung Quốc có phải là một nhiệm vụ khả thi hay không? Nói cách khác, Mỹ có thể áp dụng được chiến lược này để ngăn chặn Trung Quốc như họ đã từng làm với Liên Xô trong Chiến tranh Lạnh hay không? Hai là, giả sử việc kiềm chế Trung Quốc khả thi đi nữa thì liệu kiềm chế Trung Quốc có phải là một hành động cần thiết để Mỹ bảo vệ lợi ích của mình ở Châu Á hay không? Theo quan điểm của tác giả, câu trả lời cho cả hai câu hỏi trên đều là: không.

Xét về tính khả thi và hiệu quả, cần phải nhìn nhận một cách thẳng thắn rằng một chiến lược kiềm chế toàn diện sẽ có tổn phí rất lớn trong khi nhiều khả năng sẽ không có tác dụng đối với Trung Quốc.

Thứ nhất, chỉ vì chính sách kiềm chế có tác dụng trong Chiến tranh Lạnh không có nghĩa là ngày nay nó sẽ có hữu hiệu đối với Trung Quốc vì thời thế đã thay đổi và Trung Quốc không phải là Liên Xô. Trung Quốc ngày nay tuy là một cường quốc hạt nhân và là cường quốc quân sự thứ hai trên thế giới chỉ sau Mỹ, nhưng ít ra tại thời điểm này nó chưa trở thành một “đế chế” với tham vọng toàn cầu như Liên Xô. Trung Quốc chưa tìm kiếm đồng minh để chống Mỹ, cũng chưa đưa quân can thiệp vào sân sau của Mỹ như Liên Xô đã từng làm. Trung Quốc cũng chưa có một hệ tư tưởng với sức hút toàn cầu hay một mô hình phát triển đủ hấp dẫn để lôi kéo các quốc gia ra khỏi trật tự thế giới Mỹ. Mặt khác, nền kinh tế Trung Quốc và Mỹ lại có sự lệ thuộc rất lớn vào nhau và Trung Quốc là bạn hàng lớn nhất của rất nhiều các nước Châu Á nên việc kiềm chế Trung Quốc sẽ có tổn phí rất cao mà khó mang lại hiệu quả.

Hơn nữa, cần nhớ rằng để Mỹ có thể kiềm chế được Trung Quốc thì nước này buộc sẽ phải nhận được sự hợp tác từ các quốc gia láng giềng của Trung Quốc. Tuy nhiên trên thực tế thì gần như chẳng có nước nào hiện nay sẵn sàng đứng về phe Mỹ và chống Trung Quốc một cách tuyệt đối. Kể cả những nước bị đe doạ an ninh nghiêm trọng nhất nếu Trung Quốc độc chiếm được Biển Đông như Việt Nam hay Philippines cũng vẫn chưa sẵn sàng để làm điều này. Dù quan hệ Việt-Mỹ đã trở nên nồng ấm hơn rất nhiều trong những năm gần đây, Hà Nội vẫn chưa cho phép hải quân Mỹ sử dụng quân cảng Cam Ranh như một căn cứ quân sự, càng chưa sẵn sàng tham gia vào một liên minh chống Trung Quốc với Mỹ.

Đồng minh Philippines của Mỹ dưới thời Tổng thống Duterte tuy sẽ không cắt đứt quan hệ với Mỹ nhưng đã cho thấy rằng họ sẵn sàng hàn gắn quan hệ với Trung Quốc sau những bước đi cứng rắn của chính quyền Aquino, dù điều này làm phật lòng Mỹ. Vì vậy, nếu chiến lược kiềm chế mà Mearsheimer đề xuất yêu cầu Mỹ xây dựng một cấu trúc liên minh tựa như NATO ở Châu Á thì gần như nó sẽ chắc chắn thất bại bởi những đối tượng hiện nay có nhiều lý do nhất để tham gia vào liên minh này cũng là những nước lệ thuộc vào Trung Quốc nhiều nhất và muốn tránh chọc giận Bắc Kinh nhất.

Hơn nữa, bản thân các sử gia vẫn còn tranh luận về tính hiệu quả của chiến lược kiềm chế trong Chiến tranh Lạnh. Nếu như ngày đó Tổng bí thư Andropov rồi Chernenko không lần lượt ra đi để Gorbachev lên nắm quyền ở Liên Xô thì chẳng có gì đảm bảo rằng Chiến tranh Lạnh sẽ kết thúc hay chủ nghĩa cộng sản sẽ tan rã ở Châu Âu. Hơn nữa, bản thân các nhà lãnh đạo phương Tây lúc đó cũng hết sức ngạc nhiên và sửng sốt khi Gorbachev liên tiếp thoả hiệp với Mỹ và khoanh tay đứng nhìn khi Bức tường Berlin sụp đổ vào tháng 11 năm 1989. Nếu như những người trong cuộc tự tin về tính hiệu quả của chiến lược kiềm chế đến vậy thì chẳng có lý do gì để họ cảm thấy ngạc nhiên trước sự kết thúc của Chiến tranh Lạnh vào thời điểm đó.

Như vậy, việc kiềm chế Trung Quốc một cách toàn diện không thể đảm bảo sẽ mang lại hiệu quả như mong muốn nhưng lại có tổn phí lớn vì nó chắc chắn sẽ khiến Trung Quốc tức giận và thi hành chính sách cứng rắn hơn. Chính sách kiềm chế sẽ củng cố nỗi sợ hãi bị bao vây cô lập của Trung Quốc và chứng minh rằng phe diều hâu trong nội bộ Trung Quốc đã đúng. Một khi phe diều hâu ở Trung Quốc thắng thế, nhất định Bắc Kinh sẽ còn thi hành các chính sách cứng rắn hơn nữa. Đây là hệ quả mà bất kể chính khách nào ở Washington đều muốn tránh và vì vậy thực thi chiến lược kiềm chế một cách toàn diện nhiều khả năng sẽ gây phản tác dụng.

Hơn nữa, tuy Mỹ cần lên tiếng phản đối và ngăn chặn những hành động thiếu tính xây dựng của Trung Quốc nhưng cô lập Trung Quốc sẽ là hành động thiếu khôn ngoan bởi Washington cần sự hợp tác của Bắc Kinh trong các vấn đề quản trị toàn cầu (global governance). Từ chống biến đổi khí hậu, chống phổ biến vũ khí hạt nhân cho tới can thiệp nhân đạo, Trung Quốc với sức nặng của mình đang ngày càng trở thành một đối tác không thể thay thế trong việc giải quyết các vấn đề toàn cầu nóng bỏng. Vì vậy, nếu người Mỹ muốn giải quyết các vấn đề toàn cầu, họ không còn lựa chọn nào khác ngoài bắt tay với người Trung Quốc. Đây sẽ là điều không tưởng khi hai nước ở trong tình trạng đối đầu thù địch như Mỹ và Liên Xô trong thời kỳ đầu của Chiến tranh Lạnh.

Vì những lý do trên, tác giả cho rằng không những chiến lược kiềm chế như đã được đề xuất không khả thi vào lúc này mà nó còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ phản tác dụng nữa.

Xét về khía cạnh thiết yếu, tác giả cũng nhận định rằng chưa đến lúc Mỹ buộc phải thực thi chính sách kiềm chế toàn diện đối với Trung Quốc.

Thứ nhất, mặc dù Trung Quốc có nhiều lợi ích kinh tế ở Nam Mỹ, ở Châu Phi và kể cả ở Trung Đông nhưng họ không sẵn sàng can thiệp vào những nơi đó như Liên Xô và họ cũng không có nguồn lực để lật đổ chính quyền ở các nước láng giềng để thành lập các quốc gia vệ tinh như Liên Xô đã từng làm ở Đông Âu. Nói cách khác, Trung Quốc chưa đặt ra các thách thức ở quy mô toàn cầu cho Mỹ như Liên Xô ngày trước.

Thứ hai, nhìn vào biểu hiện của Trung Quốc kể từ khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, đa phần các học giả hiện nay đều cho rằng Trung Quốc không phải là một thế lực “cách mạng” (revolutionary power). Nói cách khác, các nhà lãnh đạo Trung Quốc chưa cho thấy tham vọng lật đổ trật tự thế giới hiện nay do Mỹ đứng đầu và thiết lập một trật tự thế giới của riêng mình. Lý do bởi họ là một trong những quốc gia được hưởng lợi nhiều nhất từ trật tự thế giới hiện nay. Chỉ sau hơn ba thập kỷ mở cửa, nền kinh tế Trung Quốc đã vươn lên vị trí số hai và đưa hàng trăm triệu người dân Trung Quốc thoát cảnh đói nghèo. Đây là một điều không tưởng dưới bất kì một trật tự kinh tế - chính trị nào khác.

Nền kinh tế dựa trên xuất khẩu của Trung Quốc sẽ phát triển phồn thịnh nhất trong một thế giới tự do với an ninh hàng hải được đảm bảo bởi hải quân Mỹ. Điều này không có nghĩa rằng đây là trật tự thế giới lý tưởng nhất đối với Trung Quốc về mọi mặt. Nếu có quyền lựa chọn, các lãnh đạo Trung Quốc chắc chắn sẽ muốn sửa đổi một số “luật chơi” cho công bằng hơn. Tuy nhiên điểm mấu chốt ở đây là các nhà lãnh đạo Trung Quốc chưa bất mãn đến độ cảm thấy buộc phải lật đổ trật tự hiện nay và thay thế bằng một trật tự thế giới của riêng mình như Hitler vào những năm 1930.

Cuối cùng, tuy Trung Quốc nay đã hùng mạnh hơn trước rất nhiều nhưng xét về mọi mặt vẫn còn thua kém Mỹ rất nhiều. Một nghiên cứu mới đây đã khảo sát ý kiến của hơn 300 học giả hàng đầu Trung Quốc về quan hệ quốc tế tại một hội thảo ở Bắc Kinh. Kết quả của cuộc khảo sát cho thấy đa số các chuyên gia đều tin rằng Trung Quốc sẽ khó có thể vượt mặt được Mỹ trong vòng 10 năm tới và họ tin rằng chính sách xoay trục của Mỹ đang đặt ra thách thức lớn đối với Trung Quốc và là nguyên nhân dẫn đến các chính sách cứng rắn mới đây của chính quyền Bắc Kinh. Do đó, Mỹ không có lý do gì để tìm cách kiềm chế sự trỗi dậy của Trung Quốc, đặc biệt nếu như đây là một sự trỗi dậy thực sự hòa bình.

Kiềm chế Trung Quốc ở Biển Đông: Vì sao và làm thế nào?

Mỹ cần phải chấp nhận rằng sự trỗi dậy của Trung Quốc là một thực tế không thể chối bỏ và Mỹ gần như không thể làm gì để kìm hãm sự trỗi dậy của Trung Quốc mà không tự hủy hoại chính mình. Tuy nhiên điều này không đồng nghĩa với việc Mỹ nên khoanh tay đứng nhìn Trung Quốc chèn ép các nước láng giềng và ngang nhiên bành trướng lãnh thổ ở Biển Đông bất chấp luật pháp quốc tế. Hiện nay chính quyền Bắc Kinh đang theo đuổi chiến lược “tằm ăn dâu” từng bước mở rộng phạm vi kiểm soát của mình ở Biển Đông với mục tiêu cuối cùng là thâu tóm toàn bộ vùng biển trọng yếu này. Đây mới là mối đe dọa thực sự đối với lợi ích an ninh của Mỹ.

Một khi các nhà lãnh đạo Trung Quốc tin rằng Mỹ và các đồng minh không thể hóa giải được chiến lược bành trướng của họ, họ sẽ kết luận rằng đây là một cách thức tốt để thách thức Mỹ ở các khu vực khác, sát sườn với Mỹ hơn khi điều kiện cho phép. Chúng ta cũng biết rằng các quốc gia luôn có xu hướng “sao chép” các chính sách có hiệu quả của các nước khác. Chính vì thế, rất có thể những đối thủ khác của Mỹ hiện nay như Nga cũng sẽ học theo mô hình bành trướng của Trung Quốc ở Biển Đông và áp dụng nó ở những khu vực có ảnh hưởng trực tiếp đến an ninh của Mỹ và các đồng minh như ở Đông Âu.

Hơn nữa, Mỹ cần phải ngăn chặn bước tiến của Trung Quốc ở Biển Đông bởi những hành động hiện nay của Trung Quốc là những đòn tấn công trực tiếp vào trật tự khu vực dựa trên luật lệ (rules-based). Tất cả những gì Trung Quốc đang làm hiện nay, từ bồi đắp đảo nhân tạo cho tới dùng vũ lực để uy hiếp tàu bè của các nước láng giềng là những hành động vi phạm luật pháp quốc tế. Nếu Mỹ không thuyết phục được Trung Quốc ngưng những hành động trên có nghĩa là họ ngầm chấp nhận cho Trung Quốc dùng sức mạnh của mình để thay đổi hiện trạng, bất chấp luật pháp quốc tế. Cuối cùng, lúc này là cơ hội tốt nhất để Mỹ có thể ngăn chặn được bước tiến của Trung Quốc bởi sức mạnh của Trung Quốc vẫn còn chưa ngang bằng với Mỹ. Có thể trong 5, 10 năm tới Trung Quốc sẽ suy yếu và không còn là mối hiểm họa nữa nhưng có thể họ sẽ trở nên ngang bằng với Mỹ hoặc thậm chí là mạnh hơn. Lúc đó dù Mỹ muốn kiềm chế Trung Quốc ở Biển Đông, họ cũng sẽ không còn cơ hội nữa.

Vậy phải làm thế nào để có thể kiềm chế được Trung Quốc ở Biển Đông? Theo tác giả, Mỹ cần thực hiện một chiến lược “Phản ứng Linh hoạt” với mục tiêu lớn nhất là hạn chế và vô hiệu hoá các nỗ lực của Trung Quốc nhằm thay đổi hiện trạng lãnh thổ và cán cân quyền lực ở Biển Đông bằng cách buộc nước này phải trả giá cho mọi hành động thiếu xây dựng và gây leo thang căng thẳng. Chiến lược này có bốn đặc điểm chính: kịp thời, độc lập, chọn lọc và tương xứng.

Thứ nhất là, kịp thời: Mỹ cần trả đũa kịp thời sau khi Trung Quốc có hành động leo thang căng thẳng để gửi đi tín hiệu rằng Trung Quốc sẽ phải trả giá cho bất kì hành động nào không mang tính chất xây dựng, dù lớn dù nhỏ. Ví dụ thực tế là chỉ hai ngày sau khi Bắc Kinh đơn phương tuyên bố thiết lập ADIZ trên vùng biển Hoa Đông, Mỹ đã lặp tức đưa hai “pháo đài bay” B-52 bay qua để gửi đi tín hiệu rằng mình không công nhận ADIZ của Trung Quốc. Việc buộc Trung Quốc phải trả giá ngay lập tức cho tất cả các hành động thiếu tính xây dựng ở Biển Đông sẽ thuyết phục các nhà lãnh đạo ở Bắc Kinh rằng những bước đi gây leo thang căng thẳng của họ sẽ “lợi bất cập hại”.

Thứ hai là, độc lập: biện pháp trả đũa phải được thực hiện một cách độc lập, tức mỗi đòn trả đũa đều phải là một hành động cụ thể và đủ đơn giản để Mỹ có thể triển khai tức thì. Ví dụ cụ thể của một hành động trả đũa độc lập là việc Mỹ đưa tàu khu trục USS Lassen đi qua vùng 12 hải lý để thách thức yêu sách chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông vào cuối năm 2015. Một đòn trả đũa sẽ độc lập nếu nó không cần phải được triển khai cùng lúc với nhiều biện pháp khác và không cần sự đồng ý hay phối hợp của các bên khác.

Thứ ba là, chọn lọc: đòn trả đũa phải nhắm vào các mục tiêu cụ thể để nhắm vào. Đây là một yếu tố vô cùng quan trọng bởi chọn lọc mục tiêu sẽ giảm thiểu rủi ro Trung Quốc leo thang qua việc đáp trả bằng các đòn trừng phạt ở quy mô lớn. Điều này cũng sẽ giúp xây dựng tính chính đáng cho chính sách kiềm chế của Mỹ bởi các đòn trả đũa hoàn toàn chỉ nhắm vào các đối tượng trực tiếp tham dự vào các hành động nhằm thay đổi hiện trạng ở Biển Đông. Ví dụ như thay vì bao vây cấm vận Trung Quốc, Mỹ nên ngăn chặn các hành động cải tạo và bồi đắp đảo nhân tạo của Trung Quốc thông qua việc trừng phạt các cá nhân và công ty có liên quan đến hành động này. Trong trường hợp này, Mỹ phải nhắm vào công ty nạo vét thuộc Tập đoàn Giao thông và Xây dựng Trung Quốc (CCCC). Đồng thời Mỹ có thể cấm đi lại và phong toả tài sản ở nước ngoài của các quan chức Trung Quốc có liên quan đến các hành động cải tạo và bồi đắp đảo nhân tạo ở Biển Đông. Hơn nữa, việc nhắm vào các công ty có thể sẽ tránh cho Mỹ phải đối đầu trực tiếp với chính phủ Trung Quốc.

Cuối cùng là, tương xứng: độ mạnh của đòn trả đũa phải tương xứng với hành động khiêu khích của Trung Quốc. Yếu tố này sẽ giúp giảm thiểu khả năng leo thang xung đột giữa hai bên, tránh xảy ra chiến tranh chính quy ở diện rộng. Hơn nữa, việc phản ứng một cách tương xứng như vậy sẽ giúp người Trung Quốc hiểu rằng họ mới là người quyết định xem Trung Quốc sẽ phải trả cái giá lớn đến mức nào cho các hành động của mình. Nói cách khác, Bắc Kinh cư xử càng thô bạo thì đòn trả đũa càng cứng rắn, Trung Quốc càng mềm mỏng thì đòn trả đũa càng nhẹ nhàng.

Kết luận

Mỹ không thể kiểm soát được sự trỗi dậy của Trung Quốc và hơn nữa, một Trung Quốc hùng cường nhưng thân thiện và có trách nhiệm là một nhân tố tích cực thúc đẩy sự phát triển của cả thế giới. Tuy nhiên Mỹ không thể khoanh tay đứng trước tham vọng độc bá của Trung Quốc ở Biển Đông bởi sớm muộn chính sách bành trướng của Trung Quốc ở vùng biển này sẽ đe dọa an ninh của Mỹ và các đồng minh.

Chính quyền Trump đã tuyên bố chấm dứt chính sách xoay trục nhưng cũng như người tiền nhiệm của mình, tân tổng thống Donald Trump sẽ buộc phải đối mặt với thách thức từ Trung Quốc. Trong bối cảnh hiện nay, chiến lược phản ứng linh hoạt như tác giả đã đề xuất là cách tốt nhất để Mỹ kìm hãm bước tiến của Trung Quốc ở Biển Đông.

Chiến lược này sẽ không có tác dụng ngay trong một sớm một chiều nhưng nếu Mỹ có thể duy trì chiến lược này một cách kiên trì và bền bỉ, họ sẽ thuyết phục được các nhà lãnh đạo Bắc Kinh rằng việc độc chiếm Biển Đông không những là một mục tiêu bất khả thi mà còn có tổn phí cực kỳ to lớn nếu họ cố chấp theo đuổi. Và nếu Mỹ thành công trong việc thuyết phục Trung Quốc từ bỏ tham vọng ở Biển Đông, họ sẽ không những đảm bảo được ngôi vị dẫn đầu của mình mà còn chứng minh cho tất cả thấy rằng nước Mỹ tiếp tục xứng đáng được lãnh đạo thế giới.

N.D.L.

__________

* Ngô Di Lân là nghiên cứu sinh tiến sĩ tại Đại học Brandeis, Hoa Kỳ. Bài viết thể hiện quan điểm riêng của cá nhân tác giả.

Nguồn: http://nghiencuuquocte.org/2017/03/20/kiem-che-trung-quoc-nhiem-vu-bat-kha-thi/

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn