Hình thù Chính sách đối ngoại của Trump

Nguyễn Quang Dy

“Ai kiểm soát Biển Đông sẽ thống trị châu Á, và ai thống trị châu Á sẽ thống trị thế giới”.

Còn quá sớm để phán đoán chính sách đối ngoại của Donald Trump, vì bố trí nhân sự vẫn chưa xong và tổng thống đắc cử vẫn chưa nhậm chức (20/1). Nhưng một tổng thống phi truyền thống như Trump không đợi nhậm chức mới ra tay tạo dấu ấn. Và bổ nhiệm nhân sự chủ chốt thế nào cũng là một chỉ dấu về chính sách. Muốn tránh sai lầm như cũ, các nhà quan sát không cần đợi bàn cờ sắp xếp xong, mà cần thay đổi thước đo và lăng kính (paradigm). Bánh xe đối ngoại của Trump đã chuyển động, và hình thù đang rõ dần.

Trước hiện tượng Trumpism, đảng Dân Chủ (cũng như Cộng Hòa) đã sai lầm và thất bại. Không chỉ có các chính khách, mà cả các chuyên gia và nhà báo cũng nhầm. Kết luận vội vàng, thích khẳng định hoặc phủ định, dễ sa vào bẫy cực đoan và ngộ nhận. Muốn tránh cái bẫy đó, cần khiêm tốn lắng nghe, để đổi mới tư duy và hành động. Không phải biết nhiều hay biết ít, mà là biết chưa đủ, (nhưng tưởng đã biết hết). Một nửa ly nước chưa phải là ly nước, nhưng ly nước đã đầy thì không thể rót thêm. Cố chấp và ngộ nhận là vấn nạn chung, không chừa ai. Muốn tránh vô cảm và vô minh, phải vượt qua chấp và ngã.

Đặc thù Trumpism về đối ngoại

Theo lịch sử Trumpism (với truyền thống dân túy của Pat Buchanan) không phải ngẫu nhiên mà tỷ phú Donald Trump, với tham vọng và cơ hội chính trị, đã trúng cử tổng thống. Đó là biểu tượng của một trào lưu có tư tưởng khá đồng nhất. Tuy Trumpism không giống quan điểm của chính giới (establishment) về thương mại, nhập cư, chủng tộc, và đối ngoại, nhưng nó lại khác với giới bảo thủ vốn lãnh đạo đảng Cộng Hòa.

Trước hết, có thể khẳng định chính sách đối ngoại của Trump là một chính sách “phi truyền thống”, không giống các chính quyền trước. Nó thực dụng và linh hoạt, chủ yếu dựa vào biến số (chứ không phải hằng số). Thay vì dựa trên di sản của Obama (như Hillary Clinton), Donald Trump bỏ qua các quy ước truyền thống khi quyết sách (như vô chấp, vô chiêu). Nó có thể tiềm ẩn rủi ro thất bại, nhưng cũng có thể tiềm ẩn cơ hội thành công. Có lẽ một người thông minh như Bill Gates chắc không nhầm khi lạc quan nhận xét như vậy, tuy lúc này mọi thứ liên quan đến Donald Trump đều có thể gây tranh cãi.

Thứ hai, chính sách đối ngoại của Trump có thể đoạn tuyệt (departure) với chính sách truyền thống (di sản của Kissinger) là hợp tác với Trung Quốc trên cơ sở “một nước Trung Hoa” (theo thỏa thuận Shanghai Communique từ 1972). Chính sách đó đã lỗi thời, vì Trung Quốc đã trỗi dậy như quái vật Frankenstein, đe dọa các nước láng giềng là đồng minh của Mỹ, thách thức lợi ích cơ bản của Mỹ và trât tự thế giới. Đã đến lúc Mỹ thay đổi tư duy về trật tự thế giới giữa các nước lớn và bàn cờ quốc tế. Có nhiều dấu hiệu Trump muốn hòa hoãn với Nga để vô hiệu hóa liên minh Trung-Nga, nhằm đối phó Trung Quốc.

Thứ ba, có thể nói chính sách đối ngoại của Trump dựa trên học thuyết “hòa bình qua sức mạnh” (Peace Through Strength), mà tổng thống Ronald Reagan trước đây đã áp dụng khá thành công. (Xem Peter Navarro & Alexander Gray, Donald Trump’s Peace Through strength Vision for the Asia-Pacific, Foreign Policy, November 7, 2016). Quan điểm này có thể là trụ cột cho chính sách châu Á của Trump, trong khi ưu tiên đầu tư lớn (1.000 tỷ USD) để xây dựng hạ tầng trong nước làm đòn bẩy ban đầu để phục hồi sức mạnh Mỹ.

Quan điểm này dựa trên hai nguyên tắc chính: một là không được hy sinh lợi ích kinh tế trong nước cho những mục tiêu đối ngoại (tức “America first”). Hai là chính sách đối ngoại mới sẽ dựa trên quan điểm “hòa bình qua sức mạnh” (với một hạm đội gồm 350 tàu chiến). Nói cách khác, Trump sẽ từ bỏ chủ trương “kiên nhẫn chiến lược” (strategic patience) của Onbama (mà tôi thường gọi là “tiếng kèn ngập ngừng”). Obama thích “lãnh đạo từ phía sau” (leading from behind) nên thiếu một chiến lược hiệu quả để đối phó với Trung Quốc, làm vô hiệu hóa chủ trương xoay trục sang châu Á (là tầm nhìn đúng).

Muốn có một chiến lược châu Á hiệu quả, phải dựa trên vai trò lớn hơn của Nhật, như là “cánh tay phải” của Mỹ ở Đông Á, nhưng Nhật phải sửa đổi điều 9 hiến pháp. Đồng thời phải dựa trên quan hệ đồng minh gắn bó với Philippines. Theo Michael Austin (giám đốc chương trình nghiên cứu Nhật Bản tại American Enterprise Institute), cải thiện quan hệ với Philippines là ưu tiên hàng đầu trong chính sách Châu Á. Việc Duterte xoay trục sang Trung Quốc là một thất bại của Obama, mà Trump phải tìm cách đảo ngược.

Những bước đi ban đầu

Ngay sau Hội nghị APEC tại Peru (21/11) Trump tuyên bố sẽ rút khỏi TPP, trong khi TPP là một chân kiềng của chiến lược “tái cân bằng” (dựa trên 3 yếu tố kinh tế, ngoại giao, và an ninh). Dù Trump có nâng tổng số tàu chiến lên 350 chiếc (như tuyên bố), thì cũng không thay thế được TPP. Vì vậy, uy tín của Mỹ ở khu vực sẽ giảm sút. Thủ tướng Singapore Lee Hsien Loong nói, “Uy tín đồng minh của Mỹ đang bị thử thách. Làm sao đồng minh còn tin được vào Mỹ nữa?” (Berkshire Miller, Foreign Policy, Nov 23, 2016).

Hệ quả là các nước khu vực buộc phải: (1) Chạy đua vũ trang (như Việt Nam đang đàm phán mua tên lửa BrahMos của Ấn Độ); (2) Xoay trục theo hướng hợp tác với Trung Quốc (như Duterte và Abdul Razak); (3) Co cụm lại thành các nhóm nước để đối phó, như ý tưởng về tứ giác “Japan- Australia-Vietnam-India Partnership” (JAVI).

Trong quá trình tranh cử, thủ tướng Abe đã gặp Hillary Clinton, mà không gặp Donald Trump. Chính vì vậy mà sau khi Trump thắng cử, Abe đã phải vội vàng đến New York gặp Trump “không chính thức” (17/11), mặc dù tổng thống Obama không hài lòng. Cùng ngày, Michael Flynn (cố vấn an ninh quốc gia của Trump) đã gặp phái đoàn đại diện tổng thống Hàn Quốc. Nhật và Hàn Quốc là hai đồng minh chủ chốt của Mỹ tại Đông Á, trong tam giác chiến lược Mỹ-Nhật-Hàn. Dù muốn hay không, Nhật phải đáp ứng yêu cầu của Trump, đóng vai trò cánh tay phải của Mỹ để đảm bảo an ninh Đông Á, cũng như hỗ trợ cho các đồng minh ASEAN ở Biển Đông (như Philippines và Việt Nam).

Ngoài vai trò của Nhật và Hàn Quốc, vai trò của Đài Loan đang nổi lên như một lá bài chiến lược quan trọng, trong chính sách châu Á của Trump, để đối phó với thách thức của Trung Quốc. Trong khi Kissinger đến Bắc Kinh hội đàm với Tập Cận Bình và Vương Kỳ Sơn (1-2/12), thì tổng thống đăc cử Donald Trump đã điện đàm với tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn. Trong bối cảnh căng thẳng Trung-Mỹ, cuộc điện đàm này không những làm Bắc Kinh bất ngờ và tức giận, mà còn làm chính giới Mỹ lo ngại và phản ứng.

Trump còn có một quyết định gây tranh cãi khác là bổ nhiệm Rex Tillerson (ExxonMobil CEO) làm ngoại trưởng Mỹ. Tillerson không những là một ông chủ dầu khí có uy quyền và kinh nghiệm đàm phán với nhiều nguyên thủ, mà còn có quan hệ gần gũi với tổng thống Nga Putin. Với quyết định gây tranh cãi này (vì Tillerson thân Putin), Trump bộc lộ xu hướng muốn hòa hoãn với Nga để giải quyết các vấn đề rắc rối ở Syria và Ukraine, đồng thời để cô lập và đối phó với thách thức của Trung Quốc. Vì vậy, trong khi các cơ quan tình báo Mỹ kết luận Putin đứng sau các vụ hacking của Nga can thiệp vào bầu cử tổng thống Mỹ (và Obama tuyên bố sẽ trả đũa), thì Trump lại kiên quyết bác bỏ các cáo buộc đó.

Lý giải lá bài Đài Loan

Không chờ nhậm chức (20/1), Trump đã đi một nước cờ phi truyền thống rất táo bạo, không có tiền lệ, bỏ qua nghi thức ngoại giao thông thường, thậm chí không tham khảo Nhà Trắng hay Bộ Ngoại Giao. Trump ngang nhiên gọi bà Thái Anh Văn là “tổng thống”, bất chấp phản ứng của Bắc Kinh. Theo Harry Kazianis (editor, National Interest, December 10, 2016), “lá bài Đài Loan chỉ là bước một của chiến lược châu Á mới”.

Ngày 4/2, Trump còn viết trên twitter: “Trung Quốc có hỏi chúng ta không khi họ phá giá đồng tiền (làm khó cho các công ty của chúng ta cạnh tranh), đánh thuế nặng sản phẩm của chúng ta nhập khẩu vào nước họ (Mỹ không đánh thuế họ), hay xây dựng một khu liên hợp quân sự lớn giữa Biển Đông? Tôi không nghĩ như vậy”.

Ngày 11/12, Trump nói với Fox News: “Tôi hoàn toàn hiểu chính sách Một nước Trung Hoa, nhưng tôi không hiểu tại sao chúng ta lại bị ràng buộc bởi chính sách Một nước Trung Hoa trừ phi chúng ta thỏa thuận với họ liên quan đến các thứ khác bao gồm thương mại… Tôi không muốn Trung Quốc ra lệnh cho tôi được phép nói chuyện với ai… Và tại sao một số quốc gia lại có thể nói rằng tôi có được nghe điện thoại hay không”…

Các cố vấn của Trump cũng ủng hộ chơi lá bài Đài Loan:

John Bolton (cựu đại sứ LHQ): “Mỹ có cái thang ngoại giao…lúc này cần chơi lá bài Đài LoanKhông ai ở Bắc Kinh có quyền phán quyết chúng ta được nói chuyện với ai”.

Peter Navarro (cố vấn chính sách Đông Á): “Đài Loan là ‘ngọn đèn dân chủ’ ở Đông Á… có vị trí quân sự xung yếu… không được bỏ rơi”.

Michael Pillsbury (Cố vấn Bộ Quốc phòng): “Trump muốn đàm phán ván bài mới với Trung Quốc và muốn làm Trung Quốc thức tỉnh”.

Daniel Blumenthal (học giả về Đông Á): “Đây là bước khởi đầu tốt để khôi phục sự cân bằng trong quan hệ Mỹ-Trung”.

Tony Fabrizio (chiến lược gia về bầu cử): “Trump là người “hậu ý thức hệ”, không thể xem xét qua lăng kính “ý thức hệ truyền thống”.

Nước cờ đó có tính toán, có chủ định, do các cố vấn chủ chốt (thân Đài Loan) lên kế hoạch từ trước. Ngoài vai trò chính của Bob Dole (senator, presidential candidate), còn Reince Priebus (Chief of Staff), Edwin Feulner (Heritage Foundation president, transition team). Reince Priebus đã đến Đài Loan lần cuối vào 10/2015, và Edwin Feulner đã đến Đài Loan sau bầu cử. Nước cờ này có thể làm thay đổi cuộc chơi (game changer), đe dọa đảo ngược chính sách truyền thống “một nước Trung Hoa” của các chính quyền trước.

Trump đã chủ động chơi “lá bài Đài Loan”, để tỏ ra cứng rắn với Bắc Kinh, và bảo vệ Đài Loan là “ngọn đèn dân chủ” (bacon of democracy). Chưa rõ Trump định dùng Đài Loan làm lá bài để mà cả, hay là bước khởi đầu cho một chiến lược mới cứng rắn nhằm thay đổi nguyên trạng “một nước Trung Hoa”, theo chủ thuyết “Hòa bình qua sức mạnh”. Dù sao, Trump đã gửi thông điệp cho các đồng minh châu Á là Mỹ không bỏ rơi họ, đồng thời gửi thông điệp cho các bên liên quan là Trump không muốn chơi theo luật chơi cũ. Có thể Trump không vướng gánh nặng quá khứ nên sẵn sàng chơi sát ván với Trung Quốc.

Trong khi một số người chỉ trích Trump về “nước cờ vụng về thiếu suy nghĩ, của một người non nớt về ngoại giao”, một số khác lại khen Trump “tính toán khôn ngoan”, làm đảo lộn thế cờ truyền thống và nguyên trạng “Một nước Trung Hoa”. Nó mở ra hướng đi mới, biến Đài Loan thành lá bài chiến lược, nhằm “tái cân bằng” Đông Á theo cách của Trump. Bắc Kinh đã bị bất ngờ, nên phản ứng khá lúng túng (và dè dặt) khi Trump chủ động tạo ra tình huống khủng hoảng bằng nước cờ gambit (và “brinkmanship”), để dồn Trung Quốc vào thế bị động đối phó: hoặc Trung Quốc phải xem xét lại lập trường cứng rắn đối với Đài Loan (có thể phải xuống thang), hoặc phải phản ứng quyết liệt hơn (khi chưa sẵn sàng).

Các cuộc điện đàm hay gặp mặt vừa diễn ra, đều liên quan đến thay đổi chính sách, và bắt đầu theo một quy luật (dù có hay không có vai trò Ivanka Trump). Tiếp theo điện đàm giữa Trump và Thái Anh Văn, ngày 6/12, TNS Marco Rubio còn đề xuất một dự luật trừng phạt Trung Quốc (phong tỏa tài sản và không cấp visa) cho những người Trung Quốc nào góp phần xây dựng các dự án hạ tầng tại khu vực đang tranh chấp ở Biển Đông.

Với đội ngũ cố vấn chống Trung Quốc có thể tham gia bộ máy an ninh quốc gia, khu vực Châu Á-TBD sẽ là trọng tâm của Mỹ, và chủ trương xoay trục sang châu Á của Trump sẽ chú trọng hơn về sức mạnh quân sự, và tăng ngân sách quốc phòng. Hải quân sẽ tăng từ 273 lên 350 tàu chiến, với 3 tàu chở sân bay mới (nâng tổng số lên 13 chiếc). Chương trình sản xuất máy bay chiến đấu tàng hình F-22 có thể sẽ tiếp tục (ngoài loại F-35).

Hai quan điểm đối ngoại

Kissinger là kiến trúc sư của Chính sách Trung Quốc, nên tư duy và lợi ích của ông gắn liền với “China Lobby” và quan điểm “Một nước Trung Hoa”. Với trò chơi “constructive engagement”, Kissinger và các chính quyền Mỹ đã giúp Trung Quốc trỗi dậy như Frankenstein (lời Nixon). Nay 93 tuổi, Kissinger đã thăm Trung Quốc 80 lần (kể từ 1971) và quen biết hầu hết lãnh đạo Bắc Kinh. Kissinger khen Tập Cận Bình “không giống Mao”.

Trong cuốn sách “World Order” của Kissinger (Penguin, 9/2015), ông ấy khuyên Washington hợp tác toàn diện với Bắc Kinh để “cùng diễn biến” (co-evolution) và tránh bẫy chiến tranh “Thucydides”. Nếu Trump nghe Kissinger, ông “có thể theo đuổi trò chơi nước lớn với Bắc Kinh như G2”, hy sinh hoặc bỏ qua lợi ích các nước nhỏ”. (“Deciphering Trump’s Asia Policy”, Mira Rapp-Hooper, Foreign Affairs, Nov 22, 2016).

Vậy Trump sẽ nghe theo Henry Kissinger (đã 93 tuổi) hay các cố vấn (muốn cứng rắn với Trung Quốc)? Cuộc tranh luận về chính sách còn đang tiếp diễn.

Theo Kazianis, ván bài Đài Loan của Trump là “bước một trong chiến lược mới về Châu Á, với tầm nhìn rộng cho cả khu vực Indo-Pacific”. Cú sốc này (làm rung động thế giới) đã đáp ứng khuyến nghị lâu nay của các chuyên gia châu Á là phải cứng rắn trước “sự hung hăng của Trung Quốc” (Chinese aggression). Nếu Trump nghe lời khuyên của các chuyên gia về châu Á (như Peter Navarro, Michael Pillsbury, Randy Forbes, Alexander Gray), Mỹ có thể kiềm chế được Trung Quốc. (Xem “Donald Trump’s Taiwan Call just Step One of a New Asia Strategy”, Harry Kazianis, National Interest, December 10, 2016).

Kazianis cho rằng “dưới thời Trump, quan hệ của Mỹ với Việt Nam sẽ tăng cường, với khả năng hải quân Mỹ sẽ sử dụng quân cảng Cam Ranh”. Kazianis cũng khuyến nghị nếu bỏ TPP, chính quyền Trump cần đàm phán thương mại song phương với tất cả các thành viên TPP, với trọng tâm đặc biệt là Japan, Vietnam, Taiwan và Australia. Theo Kazianis, đây là cơ hội tốt để thay đổi chính sách đối ngoại Mỹ, trong đó xoay trục sang châu Á phải là ưu tiên hàng đầu (như “Asia first”). Chính quyền Trump cần sớm thỏa thuận thương mại song phương với Việt Nam và Đài Loan. (Xem “How Donald Trump Can Make the Pivot to Asia Great Again”, Harry Kazianis, National Interest, Nov 14, 2016).

Để đối phó với Trung Quốc, Kazianis khuyến nghị chính quyền Trump: (1) Không sợ nói ra sự thật; (2) Bổ nhiệm một đội ngũ điều hành giỏi nhất; (3) Đừng hứa gì nếu không làm được; (4) Sẵn sàng cho một cuộc chiến lâu dài. (Xem “4 Ways America Can Push Back Against China”, Harry Kazianis, National Interest, Nov 25, 2016).

Trong khi quan điểm của Kazianis về Trung Quốc phản ánh quan điểm cứng rắn của nhóm cố vấn cho Trump (như Peter Navarro), một số chuyên gia hàng đầu khác về đối ngoại và an ninh Châu Á, lại tỏ ra ôn hòa và gần hơn với quan điểm “realist” của Kissinger. Trong một “bàn tròn chính sách” gần đây, “How America Can Lead in Asia”, Joseph Prueher, Stapleton Roy, Paul Heer, David Lampton, Michael Swaine, Ezra Vogel, (National Interest, December 12, 2016) đã khuyến nghị như sau (chỉ tóm tắt mấy điểm chính):

- “Trung Quốc không có khả năng bá quyền khu vực (China is in no position to seek regional dominance)

- “Trung Quốc không phải là kẻ thù cũng không phải là bạn, và Trung Quốc không nhất thiết có ý đồ xâm chiếm hay bành trướng

- “Mỹ cần tìm cách cân bằng lực lượng một cách ổn định với một Trung Quốc mạnh hơn và có nhiều ảnh hưởng hơn trước

- “Mỹ nên thừa nhận những lo lắng và lợi ích an ninh sống còn của Trung Quốc… và nên nhìn nhận Đài Loan trong khuôn khổ “một nước Trung Hoa”

- “Trong mối quan hệ Trung-Mỹ phức tạp và phụ thuộc lẫn nhau, Mỹ cần duy trì cán cân quân sự ổn định với Trung Quốc ở mức cả hai bên có thể chấp nhận…

Mặc dù giáo sư Ezra Vogel (một học giả hàng đầu về Nhật và Đông Á) là thầy giáo cũ của tôi ở Harvard, nhưng tôi không tán thành quan điểm của họ đánh giá về Trung Quốc trong bài này, (không đúng với thực tế diễn ra tại Biển Đông). Tuy là những học giả và chuyên gia hàng đầu, nhưng họ có thể không được lòng chính quyền Trump.

Việt Nam cần làm gì

Trong 8 năm dưới thời Obama, khi Hillary Clinton & John Kerry làm ngoại trưởng (khá thuận lợi), nhưng Việt Nam đã bỏ phí cơ hội nâng cấp quan hệ đối tác chiến lược với Mỹ (thành “chuyện đã rồi”). Nay chính quyền Mỹ thay đổi (không còn TPP), quan hệ Mỹ-Trung-Việt trở nên khó hơn cho Việt Nam tiếp tục đu dây và mà cả với Mỹ về nhân quyền hay Cam Ranh (dù Cam Ranh có trở nên quan trọng hơn đối với Mỹ).

Trong bối cảnh đó, Việt Nam cần tăng cường đối tác chiến lược với Nhật (và các nước có liên quan) để vận động cho mô hình tứ giác “Japan-Australia-Việtnam-India Partnership”. Trước những biến động bất ngờ đang “ập đến cùng một lúc”, Việt Nam cần nhạy bén thay đổi tư duy để thích ứng với cục diện mới, tránh nguy cơ lệ thuộc hơn vào Trung Quốc (bài học Thành Đô). Muốn tránh tụt hậu, Việt Nam phải đổi mới “vòng hai” (reform 2.0) trước khi quá muộn. Trong bối cảnh đó, hợp tác song phương sẽ thay thế cho đa phương.

Trong tam giác Mỹ-Nhật-Hàn, Trump tìm cách trấn an hai đồng minh chủ chốt tại Đông Á. Trong Tam giác Mỹ-Trung-Đài, Trump đang chơi “lá bài Đài Loan” để kiềm chế Trung Quốc ở Đông Á và Biển Đông bằng chính sách “Brinkmanship”. Trong tam giác Mỹ-Trung-Việt (thời “hậu Obama”), với chủ trương xoay trục què quặt (vì thiếu TPP), Việt Nam cần lấp lỗ hổng đó bằng tứ giác “Japan-Australia-Vietnam- India Partnership”.

Theo Dr Thitinan (đồng tác giả của Báo cáo Asia Foundation), “Nhật có thể phải đảm đương vai trò thay Mỹ trong bức tranh an ninh Đông Nam Á “. Vì vậy, Nhật, Hàn Quốc và Đài Loan sẽ có vai trò quan trọng hơn trong chiến lược xoay trục mới của Trump. Việt Nam cần tăng cường hợp tác với Nhật và Đài Loan (vì an ninh Biển Đông và v/đ Formosa).

Thay lời kết

Liên Xô đã sụp đổ vì chạy đua vũ trang, làm quốc gia khổng lồ này kiệt quệ, trong khi thể chế chính trị thối nát và lòng tin trong nước khủng hoảng. Bài học của Liên Xô cũng là bài học cho Trung Quốc. Dù Tập Cận Bình cố làm khác với Gorbachev, nhưng nếu không chịu đổi mới chính trị, thì màn kịch cuối cùng của Trung Quốc (endgame) sẽ không khác với Liên Xô (David Shambaugh, The Coming Chinese Crackup, Wall Street Journal, March 6, 2015). Một khi tài chính kiệt quệ, chế độ suy tàn, thì vũ khí hiện đại cũng trở thành vô dụng. Sức mạnh một siêu cường phải gồm cả “sức mạnh cứng” và “sức mạnh mềm”.

Gót chân Asin của một quốc gia không hẳn là sức mạnh quân sự, mà là sức khỏe tài chính (và chính trị nội bộ). Vấn đề không phải là quốc gia đó có bao nhiêu tàu chiến và máy bay, mà là ngân sách và dòng tiền thế nào, nội bộ và lòng dân ra sao. Chỉ cần quan sát dòng tiền là biết quốc gia đó sẽ đi về đâu. Chỉ cần quan sát dòng người bỏ đất nước ra đi là biết quốc gia đó còn tồn tại được bao lâu. Một quốc gia dù tiềm lực quân sự vẫn còn hùng mạnh, nhưng có thể bị kiệt quệ về tài chính và suy xụp về chính trị và xã hội. Theo Bloomberg, số tiền chạy khỏi Trung Quốc là $1.000 tỷ/năm (nay dự trữ chỉ còn hơn $3.000 tỷ). Mô hình “chuyên chế dẻo dai” (Resilient Authoritarianism) đã giúp Trung Quốc cất cánh và tăng trưởng 2 con số trong gần 3 thập kỷ. Nhưng nay mô hình đó đã hết đà và Trung Quốc đang suy thoái (“China’s Great Leap Backward”, James Fallow, Atlantic, December 2016).

N.Q.D.

Tác giả gửi BVN.

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn