Tàu cá, cuộc chiến âm thầm của Trung Quốc trên Biển Đông

Những hoạt động có hệ thống của tàu cá Trung Quốc nằm trong mục tiêu ngắn hạn và dài hạn của chiến lược bành trướng ở Biển Đông. Trung Quốc có hàng chục ngàn tàu cá hoạt động trên Biển Đông, con số lớn hơn gấp bội các nước ASEAN.

clip_image001

Một đoàn tàu đánh cá Trung Quốc trên Biển Đông. (Hình: Getty Images)

Từ trước đến nay, qua nhiều hình thức, Trung Quốc nhiều lần vi phạm Công pháp quốc tế trên Biển Đông, bằng những sự lấn chiếm hải đảo của Việt Nam và Philippines, bằng tuyên bố chủ quyền về cái gọi là Đường lưỡi bò và gần đây với việc bồi đắp các đảo nhân tạo.

Bên cạnh đó, có một việc làm liên tục và lặng lẽ hơn nên ít gây sự chú ý, đó là hoạt động của tàu đánh cá. Những va chạm tranh chấp giữa đội tàu cá với nước khác nếu đôi khi xảy ra thì cũng chỉ được coi như chuyện thường tình ngoài dự tính và không thể tránh khỏi trên mặt biển.

Nhưng nhìn toàn bộ và nhận xét về những sự kiện gần đây, thì vấn đề không chỉ đơn giản như thế. Những hoạt động có hệ thống của tàu cá Trung Quốc nằm trong mục tiêu ngắn hạn và dài hạn của chiến lược bành trướng ở Biển Đông. Trung Quốc có hàng chục ngàn tàu cá hoạt động trên Biển Đông, con số lớn hơn gấp bội các nước ASEAN.

Cũng đừng nên quên, khác với mọi quốc gia, trên Biển Đông, tàu cá Trung Quốc – một tàu hay một đội tàu – luôn được yểm trợ bởi tàu hải giám. Tàu hải giám Trung Quốc (China marine surveillance) là loại tàu cảnh sát biển, không phải chiến hạm tuần duyên. Trên lý thuyết đây là tàu bán quân sự thuộc một cơ quan dân sự, vũ khí trang bị chỉ từ súng nhỏ cho tới đại liên. Với tàu hải giám, Trung Quốc tỏ ra không sử dụng phương tiện quân sự, nhưng khi cần thiết chiến hạm hải quân có thể sẵn sàng can thiệp.

Trong một bài trên tờ Washington Post ngày 12 tháng Tư, ký giả Simon Denyer khẳng định Trung Quốc đang dùng hạm đội tàu đánh cá và lực lượng ngư dân đông đảo của họ cho trận chiến bí mật trên Biển Đông. Trận chiến đó có hai mục tiêu rõ ràng là trước mắt vơ vét tài nguyên hải sản và lâu dài mở rộng việc xác định chủ quyền biển đảo. Ngư dân là con chủ bài, là hàng tiền vệ của Trung Quốc trong trận chiến không công khai ấy. Trung Quốc sẽ không phá vỡ hòa bình và không nổ súng trước, vì họ có đủ ưu thế để thắng trận trong mọi trường hợp.

Trong những tuần lễ vừa qua, tình hình căng thẳng giữa Trung Quốc với nhiều nước ASEAN, không chỉ Việt Nam và Philippines mà còn Indonesia và Malaysia. Cuối tháng Ba, Malaysia khám phá một đội khoảng 100 tàu cá được một tàu hải giám hộ tống, xâm phạm lãnh hải của mình gần bãi ngầm Luconia. Tọa độ này chỉ cách đảo Borneo của Malaysia dưới 100 hải lý, nhưng cách bờ biển phía nam đảo Hải Nam Trung Quốc tới 800 hải lý.

Một vụ căng thẳng khác xảy ra vào ngày 20 tháng Ba khi Indonesia bắt giữ một tàu cá Trung Quốc đánh bắt trái phép gần quần đảo Natuna. Trong khi tàu cá này đang bị lôi về Indonesia thì một tàu hải giám Trung Quốc đến, dùng sức mạnh hơn để cản việc kéo, cho đến khi tàu Indonesia phải buông giây kéo.

Mặc dù đang có mối quan hệ khá tốt đẹp với Trung Quốc, chính phủ Indonesia đã phản ứng rất giận dữ với sự kiện ấy, và khẳng định là Bắc Kinh đã phá hoại những nỗ lực duy trì hòa bình trong vùng biển tranh chấp. Bộ Quốc Phòng Indonesia cam kết sẽ điều phái chiến hạm lớn đến yểm trợ cho các tàu tuần duyên, triển khai lực lượng đồn trú bảo vệ những hải đảo xa và kể cả việc có thể dùng chiến đấu cơ F-16 tuần thám vùng lãnh hải.

Đầu tháng Tư, Việt Nam bắt giữ một tàu dầu Trung Quốc tiếp tế nhiên liệu cho những tàu cá hoạt động xâm phạm vùng biển thuộc chủ quyền Việt Nam. Đây là trường hợp rất hiếm thấy, vì Việt Nam luôn tránh những hành động có thể tạo điều kiện cho Trung Quốc viện cớ làm lớn chuyện hơn. Tất cả các nước ASEAN không nước nào có quân lực ngang tầm cỡ Trung Quốc nếu xảy ra một trận chiến tranh toàn diện, vì vậy việc gia tăng lực lượng và vũ khí chỉ có thể nhằm mục đích chống trả trong những xung đột nhỏ nhất thời.

Việc tàu cá mở rộng hoạt động trên Biển Đông trước hết là một phần của nỗ lực gia tăng thu hoạch thủy sản mà nguồn cung cấp trong vùng biển thuộc Trung Quốc đã gần cạn kiệt. Trung Quốc có 15 triệu ngư dân và ngành xuất cảng hải sản đứng vào hàng đầu thế giới. Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hiệp Quốc (FAO) ước lượng mỗi đầu người dân Trung Quốc một năm tiêu thụ khoảng 80 pounds hải sản, gần gấp đôi trung bình của toàn cầu, và tiếp tục gia tăng 8% từng năm.

Nhưng Trung Quốc cũng còn sử dụng đội tàu đánh cá để bắt đầu một chuỗi hành vi nhằm khẳng định những yêu sách chủ quyền phi lý trên Biển Đông. Khi xảy ra tranh chấp va chạm nào, Trung Quốc đều nêu lên lập luận phi lý về Đường lưỡi bò và cho rằng Biển Đông là nơi ngư dân của họ đã hoạt động từ nhiều thế kỷ trong lịch sử.

Bài báo trên tờ Washington Post nêu ra trường hợp của Chen Yuguo, 50 tuổi, thuyền trưởng một tàu cá ở ngư cảng Tanmen bờ biển phía Nam đảo Hải Nam. Ông này cho biết đánh bắt trong vùng biển Trường Sa đang còn tranh chấp, thu hoạch khá hơn nhiều so với những chỗ khác. Chen nói thêm: “Đây là vùng biển của Trung Quốc. Không hoạt động tại đó thì làm sao có thể xác định chủ quyền của chúng tôi.”

Cũng theo  Simon Denyer, tác giả  bài báo, thì “đánh bắt, bảo vệ, chiếm đoạt và kiểm soát” là một chuỗi trong trình tự lấn chiếm Biển Đông của Trung Quốc. Bắc Kinh xem các ngư dân và tàu cá là công cụ quan trọng trong việc mở rộng sự hiện diện và khẳng định những yêu sách của Trung Quốc trong các vùng biển tranh chấp.

Ngư dân Trung Quốc, với sự hỗ trợ bởi các tàu cảnh sát biển, được khuyến khích hải hành đi rất xa đất nước mình đến gần bờ biển của các quốc gia khác. Nhà cầm quyền Trung Quốc trang bị miễn phí cho các tàu cá hệ thống Bắc Đẩu, hệ thống định vị vệ tinh giống như GPS của Mỹ. Khi cần các tàu cá có thể liên lạc trực tiếp để tàu hải giám tới ngay địa điểm được báo.

Những tàu hoạt động xa cũng được trợ cấp nhiên liệu. Chính quyền tỉnh Hải Nam cũng trợ giúp cho việc đóng những tàu lớn hơn, có vỏ bọc thép, cho hạm đội ngư thuyền khoảng 50,000 chiếc riêng ở vùng Biển Đông. Tất cả những việc làm ấy cho thấy mục đích chính của tàu cá Trung Quốc không chỉ là đánh bắt hải sản mà còn nhằm sẵn sàng gây hấn với các nước láng giềng khu vực.

Thêm nữa, Trung Quốc còn có một đội võ trang nhẹ gọi là Dân quân biển (Tanmen Maritime Militia) ngụy trang vào trong hạm đội tàu cá. Trong vụ cưỡng chiếm Hoàng Sa năm 1974, hải quân Việt Nam Cộng Hòa đã đụng độ với dân quân loại này. Thuyền cá của Tanmen cũng từng nhiều lần khiêu khích các chiến hạm Mỹ đi vào Biển Đông, đồng thời còn làm nhiệm vụ vận chuyển vật liệu xây dựng tới các khu vực Trung Quốc đang cải tạo và xây dựng trái phép ở quần đảo Trường Sa.

Rodger Baker, phân tích gia hàng đầu của Tổ chức Tình báo Toàn cầu Stratfor, nhận định rằng việc sử dụng lực lượng dân quân biển đang khiến Trung Quốc phải đối mặt với rủi ro lớn. Ông nói: “Khi bị xúi giục bằng những luận điệu chủ quyền, chủ nghĩa dân tộc, hay chủ nghĩa yêu nước, các thuyền trưởng tàu cá sẽ cho rằng họ có thể hành động ngang ngược vì đã có người đứng sau bảo vệ. Và họ nghĩ rằng mình có thể vượt quá các giới hạn.” Theo ông, tâm lý đó chắc chắn gây ra nhiều cuộc khủng hoảng hơn nữa trên Biển Đông.

Nguồn: http://www.nguoi-viet.com/absolutenm2/templates/viewarticlesNVO.aspx?articleid=226226&zoneid=403

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn