Từ vụ án oan ông Huỳnh Văn Nén: Thủ phạm là tư duy “chỉ có mi, không có ai”?



Nếu cái tư duy "chỉ có mi" đè nặng, hằn sâu trong những người có quyền điều tra, bắt giam, truy tố, xét xử công dân thì dù có bằng chứng gỡ tội, dù phát hiện ra mâu thuẫn trong chứng cứ thì người ta vẫn “tự bịt mắt mình” để làm oan cho người vô tội.

Trong bài “Ai đã đẩy ông Huỳnh Văn Nén tù oan 17 năm” của Infonet đăng tải nội dung kháng nghị của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao đối với bản án hình sự sơ thẩm số 96/HSST ngày 31/8/2000, bản án kết tội oan ông Huỳnh Văn Nén. Kháng nghị đã chỉ ra rất nhiều điểm vi phạm tố tụng dẫn đến vụ án oan sai này. Tại sao từ những vi phạm tố tụng khá rõ ràng như vậy mà bản án vẫn được tuyên? Một số chuyên gia pháp lý cho rằng điều này có sự góp phần không nhỏ của tư duy "suy đoán có tội". Phải chăng, đây là một trong những "thủ phạm cần vạch mặt" trong những vụ án oan kiểu ông Huỳnh Văn Nén.

Bởi, dù bất cứ động cơ mục đích gì, nếu mang trong mình “suy đoán có tội” chắc chắn những vụ án oan sẽ không thể giảm. Nếu cái tư duy "chỉ có mi" đè nặng, hằn sâu trong những người có quyền điều tra, bắt giam, truy tố, xét xử công dân thì dù có bằng chứng gỡ tội, dù phát hiện ra mâu thuẫn trong chứng cứ của mình thì người ta vẫn “tự bịt mắt mình” để làm oan cho người vô tội.

Vẫn trong chuỗi bài viết đi tìm câu trả lời “Ai đã đẩy ông Nén vào vụ án oan 17 năm”, PV đã có cuộc phỏng vấn luật sư Phạm Công Út, Trưởng VP Luật sư Phạm Nghiêm (Đoàn Luật sư TpHCM) về vấn đề này. Luật sư Phạm Công Út là một trong những luật sư đã hỗ trợ rất tích cực để ông Huỳnh Văn Nén được giải oan. Bài trả lời phỏng vấn dưới đây cũng là một trong quan điểm về "thủ phạm" gây ra vụ án oan ông Huỳnh Văn Nén.
Ls Phạm Công Út (ngoài cùng bên phải) đi cùng ông Huỳnh Văn Truyện, cha ông Huỳnh Văn Nén, trong hành trình "giải oan"
Thưa ông, được biết ông là một trong những luật sư tích cực trong quá trình minh oan cho ông Huỳnh Văn Nén. Vậy cơ sở nào khiến ông tin rằng ông Nén oan sai để theo đuổi đến cùng?
Từng là người công tác cũng khá nhiều năm trong ngành tòa án, tôi cũng từng tham gia xét xử khá nhiều các vụ án hình sự nên tích lũy một số kinh nghiệm của người tiến hành tố tụng thuộc giai đoạn xét xử, tức là giai đoạn sau khi cơ quan cảnh sát điều tra đã điều tra vụ án hình sự dưới sự giám sát, phê chuẩn của Viện kiểm sát hoàn thành các công đoạn của họ.

Quan sát thì tôi thấy, cơ quan kiểm sát cũng khá nghiêm khắc trong quá trình kiểm sát việc điều tra của cơ quan điều tra nên từ đó, phía tòa án, cơ quan xét xử thường cả tin vào hai cơ quan tiến hành tố tụng trước đó nên họ thường có cảm giác hồ sơ vụ án đã đến tòa là bị can, bị cáo không thể bị truy tố oan được.


Nhưng thực tế không phải chắc như đinh đóng cột với công thức kiểu ấy. Khi chất lượng các Đại biểu Quốc hội ở các thập kỷ gần đây ngày càng được nâng lên thì thông qua các cuộc chất vấn gay gắt thì mới thấy, có không ít vụ án đã từng bị tòa án tuyên, sau đó lại bị hủy vì bị cáo hoàn toàn vô tội.


Với tôi, ấn tượng là các vụ án Nguyễn An Trung (Việt kiều Nhật), Phạm Thị Út (Tp.HCM)… trong thời gian trước đây đã cho tôi thấy, niềm tin hoàn toàn vào các cơ quan cảnh sát điều tra, viện kiểm sát, và ngay cả tòa án, cũng không phải là chắc chắn đúng một cách tuyệt đối.


Chính nhờ những kinh nghiệm tư pháp được tích lũy ấy, khi tôi và các đồng nghiệp nhận lời bào chữa bảo vệ cho ông Huỳnh Văn Nén trong vụ án giết người, cướp tài sản đối với bà Nguyễn Thị Bông ở Hàm Tân. Sau khi đọc hồ sơ và Quyết định Giám đốc thẩm vụ án, tôi cho rằng, ông Nén không thể có hành vi giết người, cướp của như bản án Sơ thẩm trước đó đã tuyên.
 

Mặt khác, khi có lời tố giác tội phạm của anh Nguyễn Phúc Thành về nghi can khác đã có những dấu hiệu cố ý làm sai lệch hồ sơ nhằm bảo vệ quá trình tố tụng trước đó, tôi đã kết luận với thân nhân của ông Huỳnh Văn Nén và các đồng nghiệp rằng, sẽ không thể có phiên xử Huỳnh Văn Nén được mở ra. Ông Nén sẽ được cho tại ngoại để chờ ngày đình chỉ việc khởi tố vụ án, đình chỉ việc khởi tố bị can.


Niềm tin ấy còn mạnh mẽ hơn khi tôi tham gia dự cung ông Nén với điều tra viên, kiểm sát viên và các đồng nghiệp của mình.


Một ông Nén lần đầu gặp gỡ đã để lại cho tôi hình ảnh của người tù phẫn uất, đau đớn vì bị hàm oan suốt hơn 17 năm. Thay vì trả lời vào trọng tâm các câu hỏi của cán bộ điều tra thì ông chỉ gằn giọng bác bỏ những câu hỏi nghe như những lời buộc tội vốn đã từng hằn sâu trong tiềm thức của ông ấy, có dấu vết của sự bức cung, đày đọa thể xác.


Sau đó, chúng tôi đã tiếp cận hiện trường, nơi gần với vụ thảm án năm nào. Ngày nay thị trấn Tân Minh ấy đông đúc, ồn ào, tất bật kẻ mua, người bán, không còn là chốn đồng quê vắng lặng của vùng Căn cứ 6 cách đây gần 20 năm. Nhưng khi hỏi về ông Nén, tuyệt nhiên ai cũng kết luận một câu chắc nịch: “Nén bị oan! Người khác giết nhưng Nén phải đi tù…”


Từ đó, chúng tôi đã quyết tâm đi đến đích của lẽ phải cùng với số phận của ông Nén.

Phải chăng "nguyên tắc suy đoán vô tội" đã khiến ông có đầy đủ niềm tin rằng ông Nén oan sai?


Đúng vậy! nguyên tắc ấy buộc việc chứng minh tội phạm phải bằng chứng cứ khách quan chứ không từ lời khai. Dù một người nào đó một mực chối tội nhưng một khi chứng cứ chống lại người ấy thì việc nhận tội hay không chỉ nhằm thỏa mãn niềm tin của người tham gia vào việc buộc hoặc gỡ tội. Ở đây, chứng cứ mơ hồ, hoàn toàn mang tính suy diễn, chủ yếu chỉ dựa vào lời nhận tội của ông Nén trong giai đoạn điều tra. Việc xem nặng giá trị lời khai hơn chứng cứ ấy đã phá vỡ nguyên tắc “trọng chứng hơn trọng cung”.


Có ý kiến cho rằng phần lớn những vụ án để xảy ra oan sai là người điều tra, truy tố, xét xử nặng tư duy "suy đoán có tội". Hay nói cách khác là kiểu suy nghĩ "chỉ có mi (mày), không có ai"?


Tôi cho rằng, nguyên căn của các vụ án oan có thể xuất phát từ nhu cầu “thành tích thi đua”. Điều tra viên thì nôn nóng phá án nhanh, mà nghi can thì ai cũng né tránh sự thật bất lợi khiến việc điều tra kéo dài, phải tường trình thậm chí kiểm điểm, “mất thi đua”. Phía kiểm sát viên cũng vậy, mà phía thẩm phán cũng thế. Nhất là vào những tháng cuối kỳ của năm thi đua thì họ phải đạt chỉ tiêu tỉ lệ phần trăm số lượng vụ án đã giải quyết xong.

Ngoài ra, khi ra tòa, bị cáo phản cung không nhận tội giống như trước đó ở cơ quan điều tra, thì tòa chỉ căn cứ vào chứng cứ là các bản khai trước đó mang các bút lục của hồ sơ để chứng minh rằng, bị cáo đã từng nhận tội và khai tỉ mỉ hành vi phạm tội của mình. Từ đó, tòa không cần chứng minh thêm nữa. Đó là nguyên tắc suy đoán có tội, bất chấp những mâu thuẫn từ các chứng cứ trong hồ sơ vụ án. Kiểu tư duy đổ diệt cho nghi can, bị can, bị cáo: “Chỉ có mày, không có ai”.


Phải chăng tư duy suy đoán có tội cũng đã "lây cả sang báo chí" khi ông Nén kêu oan?

Khi ông Nén kêu oan, “báo ngành” của lực lượng Công an đôi khi có thái độ hướng dư luận tin chắc rằng “tên bị cáo ấy gian manh, tráo trở, quanh co chối tội, thủ đoạn ghê gớm…” để bênh vực cho quá trình điều tra mà có khi họ không hề có một ngày được trang bị nghiệp vụ chuyên môn của điều tra viên, kiểm sát viên, hay thẩm phán. Có thể họ cần bảo vệ sự đoàn kết nội bộ, hoặc vì nhiệm vụ chính trị, hoặc nhằm khai thác đề tài phóng sự sao cho hấp dẫn mà vơ luôn chức năng không phải của mình vào những bài báo nặng nề hơn bất kỳ bản cáo trạng hay bản án nào, không chỉ hướng dư luận cùng giận dữ “hung thủ” như họ, mà còn tác động có chủ đích vào việc xét xử của tòa án.

Khi ông Nén kêu oan, CA Bình Thuận đã cử điều tra viên Cao Văn Hùng đi xác minh tin tố giác tội phạm gỡ tội cho ông Nén. Có ý kiến cho rằng đó là đưa người có “động cơ suy đoán có tội” đi xác minh chứng cứ gỡ tội cho bị cáo. Luật sư có bình luận gì về ý kiến này?


Việc cho điều tra viên chính đi xác minh đơn tố giác sau khi đã kết thúc giai đoạn điều tra, theo tôi, là một quyết định thiếu kinh nghiệm và bản lĩnh của người lãnh đạo. Vì bản chất đơn tố giác chính là đơn tố cáo. Mà việc xử lý đơn tố cáo phải có quyết định xử lý đơn tố cáo để tìm ra sự thật khách quan của việc điều tra trước đó, sau đó phải có văn bản trả lời đơn tố cáo ấy là có căn cứ hay không có căn cứ. Nhưng ở đây, người xử lý đơn tố cáo lại chính là người đã từng là người tiến hành tố tụng khác với nội dung đơn tố cáo thì không thể có kết quả khách quan, vô tư trong khi làm nhiệm vụ.

Vậy, nhìn lại vấn đề, ông bình luận gì về ý kiến cho rằng tâm lý “suy đoán có tội”, là một trong những thủ phạm gây oan sai?


Khi trình độ năng lực về điều tra, truy tố, hoặc xét xử không cao thì người tiến hành tố tụng không thể có kiểu tư duy khám phá được, người ta đành phải chọn chủ nghĩa kinh nghiệm để làm việc. Mà kinh nghiệm thì cho thấy, trước đó cũng có người bị oan, nhưng rất ít so với người không oan. Dưới mắt họ, thường đã bắt là không oan, đã truy tố là không sai, nên tòa án cứ thế mà tin vào các cơ quan tiến hành tố tụng trước đó. Khi bị cáo kêu oan cho rằng bị bức cung nên nhận tội, tòa án thường hỏi bí một câu quen thuộc: “Bị cáo có chứng cứ gì chứng minh là bị bức cung không?” Tất nhiên là không ai chứng minh được những quá khứ bị đánh đập thế nào trong bốn bức vách, nơi chỉ có người điều tra và người bị điều tra. Ngay cả ông Nén cởi trần ra trước tòa để phơi những vết thương bị đánh đập cũng bị tòa mỉm cười nhạo mà thôi.

Theo infonet
Nguồn: http://www.ijavn.org/2015/12/tu-vu-oan-ong-huynh-van-nen-thu-pham-la.html

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn