Ý KIẾN CỦA MỘT PHỤ HUYNH QUA VIỆC TỰ PHONG GIÁO SƯ Ở TRƯỜNG ĐẠI HỌC TÔN ĐỨC THẮNG

Lý Trọng Đạo

Một tuần lễ nay, cuộc tranh luận về việc trường đại học (ĐH) tự phong Giáo sư (GS) qua “phát pháo mở màn” của Đại học Tôn Đức Thắng (ĐHTĐT) có vẻ như đang tăng nhiệt mặc dù thời tiết đang chuyển sang cuối thu mát mẻ.

Trước hết, cần phải minh định rằng, đổi mới ĐH, bao gồm việc ĐH được quyền tự chủ, trong đó có việc ĐH tự phong GS cho mình (dĩ nhiên danh xưng GS phải được hiểu theo nghĩa phổ quát của văn minh nhân loại) là việc không đơn giản, không thể tùy tiện đưa ra những khái niệm, định nghĩa theo kiểu “đặc thù”, mà phải đổi mới ĐH với tâm thế tuân theo các giá trị phổ quát, hướng đến cái chung, tất cả vì sự nghiệp phát triển ĐH Việt Nam, góp phần đưa đất nước nhanh chóng cất cánh khỏi sự lạc hậu, trì trệ. Vì lẽ đó, phải đầu tư cho chương trình đổi mới ĐH bằng tất cả trí tuệ, tâm huyết của cả xã hội (dĩ nhiên các trường ĐH lãnh nhiệm vụ tiên phong) với thái độ cực kỳ thận trọng, bởi việc này ảnh hưởng rất lớn đến xã hội, qua đó ảnh hưởng đến tiền đồ của đất nước.

Đọc qua nhiều bài báo viết về vấn đề “ĐH tự phong GS’’ (ĐHTPGS), tôi đặc biệt tâm đắc với ý kiến của GS Nguyễn Đăng Hưng trong bài viết tựa đề “Vài ý kiến về việc bổ nhiệm GS, PGS ở các trường Đại học” đăng trên trang www.boxitvn.net . Toàn bộ bài viết của GS Nguyễn Đăng Hưng toát lên tinh thần thực sự cầu thị, khách quan, vô tư, hết sức tâm huyết với nền giáo dục ĐH nước nhà, nhất là những giải pháp đề xuất của GS rất thông thoáng, phù hợp với chuẩn mực học thuật cao của thế giới văn minh hiện đại. Hơn thế nữa, nó còn dễ dàng dung hòa giữa mong muốn và trình độ phát triển của ĐH Việt Nam hiện nay, đáp ứng được nguyện vọng muốn học tập trong môi trường chất lượng chuẩn quốc tế của hàng trăm ngàn học sinh đang chuẩn bị vào ĐH với trình độ khoa học cần phải có của những GS sẽ được mỗi trường ĐH tự phong trong tương lai.

Tựu trung, nhiều ý kiến của bạn đọc, của các nhà quản lý (PGS-TSKH Bùi Mạnh Nhị, Chánh Văn phòng Hội Đồng chức danh giáo sư nhà nước), các chuyên gia, học giả danh tiếng từ nước ngoài làm việc nhiều năm tại Việt Nam (Nguyễn Đăng Hưng, Ngô Bảo Châu, Nguyễn Thiện Tống, Nguyễn Đình Đức.v.v…) có thể gộp lại thành bốn nhóm:

- Nhóm 1: Ủng hộ việc ĐHTPGS, nhưng phải có bài bản khoa học, có quy trình, tiêu chuẩn theo chuẩn mực quốc tế, có lộ trình thực hiện minh bạch, hợp lý, có tính đến trình độ phát triển của ĐH Việt Nam nói chung và nội lực, đẳng cấp của từng trường ĐH nói riêng, có quan tâm nghiêm túc đến sự cảm nhận và kỳ vọng của phụ huynh Việt đối với các GS đại học - một thành phần thuộc về tầng lớp tinh hoa của xã hội - có quan tâm nhiều đến tiêu chí tuyển dụng nhân sự của các cơ quan, doanh nghiệp trong thời kỳ hội nhập toàn cầu. Việc ĐHTPGS nhất thiết phải làm thí điểm có chọn lọc thận trọng dưới sự giám sát chặt chẽ của cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam (chọn trường ĐH mạnh, đẳng cấp cao, chẳng hạn ĐH Quốc gia Hà Nội hoặc ĐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh để làm thí điểm) trước khi cho phép thực hiện đại trà. Ngoài ra, dòng ý kiến này cũng cho rằng, việc ĐHTPGS  có ảnh hưởng lớn đến xã hội, không chỉ là việc nội bộ của trường ĐH như cách quan niệm của ĐH Tôn Đức Thắng, bởi một điều đơn giản mà ai cũng biết trình độ khoa học của GS, đẳng cấp, giá trị thực sự  của người GS ký vào mảnh bằng tốt nghiệp mà sinh viên sẽ xem là kỷ vật thiêng liêng một thời đi học, là một trong những tài sản quý báu nhất của đời người, đặc biệt là vốn liếng độc nhất trong giai đoạn đi xin việc làm đầy gian nan khổ ải lúc mới ra trường

  - Nhóm 2: Ủng hộ ĐH Tôn Đức Thắng tự phong GS với mục tiêu hướng đến đổi mới là đáng khích lệ, đồng thời cũng phê phán cách làm của trường là thiếu khoa học, không minh bạch, thậm chí vi phạm pháp luật hiện hành (1), bởi ĐHTĐT đã làm theo kiểu ngược đời, “sinh con rồi mới sinh cha”, tự phong GS cho ông Lê Vinh Danh, hiệu trưởng nhà  trường từ tháng 12/2012, nhưng quy định về việc bổ nhiệm GS của nhà trường chỉ mới được thông qua vào tháng 7/2015)(1). Ngoài ra, ĐHTĐT là trường công lập, lẽ đương nhiên, ban giám hiệu, giảng viên đều là những người thầy cô gương mẫu không một giờ phút nào xa rời thiên chức cao quý của nhà giáo, hơn nữa lại là những công chức-viên chức hưởng lương từ tiền thuế của dân (từ ngân sách nhà nước), nên càng phải  tuân thủ Luật Cán bộ Công chức 2008, Luật Giáo dục Đại học 2013. Nói rõ hơn, tại Việt Nam hiện nay, công chức-viên chức chỉ được quyền làm những điều mà pháp luật cho phép. Chỉ có người dân bình thường mới được quyền làm những điều mà pháp luật không cấm.

-Nhóm 3: Không ủng hộ việc ĐHTPGS, cứ để Hội đồng Chức danh Giáo sư  Nhà nước phong GS như từ trước đến giờ.

-Nhóm 4: Ủng hộ việc ĐHTPGS vô điều kiện.

Cho đến thời điểm này, dòng ý kiến thuộc  nhóm 1nhóm 2vẫn là chủ đạo.

Với tư cách là một phụ huynh có con em sắp vào học một trường ĐH Việt Nam, trước sự việc hệ trọng nhưng không kém phần rôm rả này, tôi đã “tức cảnh sinh tình”, viết đôi câu đối sau đây, kính mời quý bạn đọc thưởng lãm trong lúc thư giãn.

  Câu đối do tôi đưa ra chưa ‘’chuẩn’’ và cũng chưa ‘’chỉnh’’. Chân thành mong nhận được sự chỉ giáo của quý bạn đọc:

* Trước danh chính, sau ngôn thuận, không màng danh lợi phù vân, không tấn phong huyễn hoặc, luyện đức tâm liêm chính, người vô tư tài năng thực thụ ắt có vinh danh giữa nhân quần bách tuế.      

* Trong pháp trị, ngoài viễn kiến, phải cần thượng tôn pháp lut, có phản biện quang minh, xây kinh tế thị trường, nước thịnh vượng nội lực bền lâu đầy đủ chính pháp trong quốc sự thiên thu.

L.T.Đ.

Chú thích:

                    (1): Xem  http://www.thanhnien.com.vn/giao-duc/truong-dh-ton-duc-thang-tiep-tuc-bo-nhiem-giao-su-609121.html

Tác giả gửi BVN

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn