Giới hạn của cải tổ tại Trung Quốc: Nỗ lực thích nghi của chế độ độc tài đụng phải một bức tường

Youwei1, Foreign Affairs, tháng Năm/tháng Sáu 2015
Trần Ngọc Cư dịch
Bài viết cung cấp một cái nhìn có hệ thống về các khủng hoảng đang xảy ra ở Trung Quốc. Tác giả là một học giả Trung Quốc, ở ngay trong nước và phải mang tên giả. Điều đó tự nó cho thấy: (1) Tình trạng khủng bố tư tưởng nghiêm trọng của Trung Quốc; và (2) Điều đó không ngăn cấm được suy nghĩ của giới tinh hoa trong việc nghiền ngẫm (và tìm lối thoát) về hiện trạng và thể chế của nước nhà.
Tất nhiên, đó không phải chỉ là tình hình ở Trung Quốc. Mà còn ở một nước đàn em của nó: Việt Nam.
Bauxite Việt Nam
Kể từ khi bắt đầu có những cải tổ thời hậu-Mao vào cuối những năm 1970, chế độ cộng sản tại Trung Quốc liên tục thách đố các tiên đoán về một cái chết đang chờ đợi nó ở cuối đường. Chìa khóa cho sự thành công của chế độ này nằm trong cái mà người ta có thể gọi là “nỗ lực thích nghi bằng đường lối độc tài” – tức sử dụng các cải tổ chính sách để thay thế cho việc thay đổi định chế từ cơ bản. Dưới thời Đặng Tiểu Bình, điều này có nghĩa là cải tổ nông nghiệp và cởi trói doanh nghiệp. Dưới thời Giang Trạch Dân, điều này có nghĩa là chính thức chấp nhận một nền kinh tế thị trường, cải tổ các công ty nhà nước, và gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới. Dưới thời Hồ Cẩm Đào và Ôn Gia Bảo, điều này có nghĩa là cải tổ an sinh xã hội. Nhiều người vẫn còn kỳ vọng một đợt cải tổ sâu rộng dưới thời Tập Cận Bình – nhưng họ có thể sẽ thất vọng.
Nhu cầu cải tổ thêm nữa vẫn còn tồn tại, vì nạn tham nhũng tràn lan, tình trạng bất bình đẳng gia tăng, cộng với các vấn đề môi trường. Nhưng thời kỳ thích nghi bằng đường lối độc tài đang chạm phải giới hạn của nó, vì không còn nhiều tiềm năng cho việc diễn biến thêm nữa trong khuôn khổ độc tài hiện nay của Trung Quốc. Một tình trạng quân bình tự củng cố trong sự tù đọng đang được hình thành, điều này sẽ khó phá vỡ nếu không có một cú sốc kinh tế, xã hội hay quốc tế tác động vào.
TRUNG QUỐC LÀ MỘT BIỆT LỆ?
Một lý do cho việc mất động lực là, hầu hết các cải tổ dễ thực hiện đều đã được tung ra. Cải tổ nông nghiệp, khuyến khích doanh nghiệp, thúc đẩy mậu dịch, cải thiện an sinh xã hội – tất cả những nỗ lực này đã tạo ra những lợi ích và người thụ hưởng mới đồng thời ít gây tổn thất cho các lợi ích của giới cầm quyền. Những cải tổ còn sót lại là những thay đổi khó thực hiện, như hủy bỏ các độc quyền nhà nước trong các khu vực kinh tế quan trọng, tư hữu hóa đất đai, trao cho Quốc hội quyền quyết định về vấn đề ngân sách, và thiết lập một hệ thống toà án độc lập. Xúc tiến các cải tổ này có thể là bắt đầu đe dọa việc nắm giữ quyền lực của Đảng Cộng sản Trung Quốc, một việc mà chế độ không sẵn sàng chấp nhận.
Một lý do khác cho việc mất động lực trong tiến trình cải tổ là việc hình thành một khối chống cải tổ ngày càng lớn mạnh. Ít ai muốn đảo ngược các cải tổ đã diễn ra, vì chúng đã gia tăng chiếc bánh một cách nhanh chóng. Nhưng nhiều người trong giới quan liêu và giới chóp bu thông thường sẽ thoả mãn hơn với việc kéo dài nguyên trạng đến vô tận, vì việc cải tổ hạn hẹp là người bạn tốt nhất của chế độ tư bản thân hữu.
Còn xã hội nói chung thì sẽ ra sao? Lý thuyết hiện đại hóa dự đoán rằng phát triển kinh tế sẽ mở rộng quyền hạn cho xã hội, việc này cuối cùng sẽ dẫn đến thay đổi chính trị. Với GDP đầu người khoảng 7.000 USD, liệu Trung Quốc có đi theo logic này không? Nhiều người cho rằng Trung Quốc sẽ không diễn biến như vậy, vì nước này là một trường hợp ngoại lệ. Họ cho rằng vấn đề chính tại Trung Quốc tùy thuộc vào sản lượng hàng hóa mà chính phủ cung cấp hơn là tùy thuộc vào các quyền mà nó bảo vệ cho người dân. Doanh nhân được kết nạp vào hệ thống, sinh viên bị chủ nghĩa dân tộc đánh lạc hướng, nông dân và công nhân chỉ biết quan tâm đến công bằng về vật chất [material justice]. Nhưng nói đúng ra, ở Trung Quốc cái biệt lệ không phải là xã hội hay văn hoá, mà chính là nhà nước.
Tại Trung Quốc, cũng như tại các nước khác, phát triển kinh tế đã đưa đến tranh chấp: nông dân đòi hỏi giảm thuế, công nhân muốn có nhiều chế độ bảo hộ lao động hơn trước, sinh viên đang thành lập các nhóm hoạt động, doanh gia đang tổ chức các nhóm thiện nguyện, các tổ chức báo đài bắt đầu tố cáo các hành vi bất chính của quan chức, và luật sư đang bênh vực nhân quyền. Hành động tập thể đã tăng vọt; Trung Quốc hiện có hơn một triệu tổ chức phi chính phủ ở hạ tầng. Internet cũng đặt ra một thách thức to lớn cho chế độ, bằng cách kết nối người dân bình thường lại với nhau – và với giới trí thức.
Cuộc phản kháng chống kế hoạch của chính quyền xây một nhà máy hóa dầu ở tỉnh Chiết Giang. Tháng Mười, 2012. Ảnh: REUTERS / STRINGER
Tuy nhiên, muốn cho những mưu cầu thực tiễn trở thành những đòi hỏi chính trị, người dân cần đến các kỹ năng tổ chức và biết nêu lên các vấn đề ý hệ. Những đòi hỏi này ít ra cũng cần một chút không gian chính trị để phát triển, nhưng không gian ấy gần như không hiện hữu tại Trung Quốc. Nếu Đảng Cộng sản Trung Quốc có học được một điều gì từ phong trào dân chủ năm 1989 và kinh nghiệm Xô-viết chăng nữa, thì đó là bài học cho thấy “một đốm lửa riêng lẻ có thể gây ra đám cháy lớn cho cả một cánh đồng”, như tục ngữ Trung Quốc vẫn nói. Được trang bị bằng những nguồn lực to lớn, chế độ đã dần dà phát triển một bộ máy tinh vi, hiện diện khắp nơi và cực kỳ hữu hiệu để “duy trì ổn định chính trị,” một bộ máy đã ngăn chặn thành công nửa thứ hai trong logic của thuyết hiện đại hóa được thể hiện. Cái hệ thống đảm bảo an ninh nội địa này được thiết kế để triệt tiêu bất cứ dấu hiệu chống đối nào, dù có thực hay do tưởng tượng, từ trong trứng nước. Ngăn ngừa thậm chí còn quan trọng hơn cả đàn áp – trên thực tế, việc đàn áp các cuộc biểu tình bằng bạo lực được coi là một dấu hiệu của sự thất bại. Thế mạnh của nhà nước Trung Quốc không được phản ánh nhiều qua hàm răng nhọn hoắt bằng qua những ngón tay khéo léo của mình.
Ngôn luận bị kiểm duyệt, trên báo chí và trên Internet, để ngăn chặn việc công bố bất cứ một điều gì bị coi là “gây rắc rối.” Các hành vi của người dân thậm chí còn bị theo dõi kỹ hơn. Ngay cả những hành vi bề ngoài có vẻ phi chính trị cũng có thể bị coi là nguy hiểm; năm 2014, Hứa Chí Vĩnh (Xu Zhiyong), một nhà hoạt động pháp lý từng lãnh đạo chiến dịch đòi cơ hội giáo dục bình đẳng cho con em của những lưu dân vùng quê, bị kết án bốn năm tù ở vì “phá rối trật tự công cộng.” Những cuộc tụ tập ở nơi công cộng đều bị hạn chế, thậm chí các cuộc tụ tập tại tư gia cũng có vấn đề. Tháng Năm 2014, một số học giả và luật sư bị bắt giữ sau khi tham dự một buổi lễ tưởng niệm dành cho phong trào 1989 tại một tư gia. Thậm chí việc ký vào các kiến nghị cũng có thể bị trừng phạt.
Cảnh sát bán quân sự tại Quảng trường Thiên An Môn, tháng Mười Một, 2012. Ảnh: REUTERS / DAVID GRAY
Cảnh sát bán quân sự tại Quảng trường Thiên An Môn, tháng Mười Một, 2012. Ảnh: REUTERS / DAVID GRAY
Cũng không kém phần quan trọng là cái đường lối quần chúng đang hình thành – nghĩa là, chỉ đạo quần chúng chính thức – về nhu cầu bức thiết của Trung Quốc trong việc duy trì ổn định chính trị. Một mạng lưới quản lý an ninh đã được thiết lập trên cả nước, gồm các bộ máy thư lại an ninh rộng lớn và một mạng lưới ngoại-thư lại [extra-bureaucratic network] gồm các lực lượng tuần tra, các phụ tá giao thông đường phố, và các người theo dõi dân chúng. Hàng trăm ngàn “tình nguyện viên an ninh,” hay “điểm chỉ viên an ninh,” đã được tuyển mộ từ các tài xế tắc xi, công nhân vệ sinh, người trông coi tại các bãi đậu xe, và các người bán hàng rong trên đường phố để báo cáo “người hoặc hành động khả nghi.” Báo chí cho biết, một khu dân sinh ở Bắc Kinh có đến 2.400 “lãnh đạo đơn vị cao ốc” có thể ghi nhận bất cứ dấu hiệu bất thường nào diễn ra chỉ cách vài phút, với giá hiện nay cho mỗi mẩu thông tin được qui định là hai nguyên (khoảng 0,30 USD). Hệ thống này truy tìm các mối đe dọa tội phạm và khủng bố cùng với những người gây rối chính trị, nhưng những nhà bất đồng chính kiến lại là mục tiêu chính của nó.
Tại Trung Quốc ngày nay, Big Brother, hay Anh Lớn2, có mặt khắp nơi. Mạng lưới an ninh nội bộ vừa mạnh nhưng cũng vừa tinh vi như một mạng nhện, vừa có mặt khắp nơi nhưng cũng vừa vô hình dạng như nước. Những người có đủ khôn ngoan để tránh né chính trị hoàn toàn thậm chí sẽ không cảm nhận được mạng lưới này. Nhưng, nếu họ vượt qua đường cấm, nhà cầm quyền của thế giới vô hình này sẽ tức khắc hành động. Phản ứng quá đà của quan chức được coi là một đức tính, chứ không phải là một cái gì xấu xa: “chặt một con gà, phải dùng đến lưỡi dao giết bò”, như ngạn ngữ thường nói, là hoàn toàn được chấp nhận, và tốt hơn cả là đừng để vấn đề tuột ra ngoài tầm kiểm soát.
Hệ thống giám sát này có hiệu quả trong việc duy trì trật tự. Nhưng nó đã giảm thiểu cơ may để cho bất cứ một xã hội dân sự trưởng thành nào được phát triển tại Trung Quốc đương đại, đừng nói chi đến tổ chức chính trị. Và vì thế, thậm chí trong khi các mối bất bình lan rộng khắp nơi, cán cân lực lượng giữa nhà nước và xã hội luôn luôn nghiêng hẳn về phía nhà nước. Các phong trào xã hội, cũng như cây cỏ, cần không gian để lớn mạnh. Và khi không gian này không hiện hữu, cả phong trào lẫn cây cối đều phải úa tàn.
ANH KHỔNG LỒ BỊ CHÔN CHÂN
Thiếu hậu thuẫn từ trên xuống hoặc từ dưới lên, việc cải tổ tại Trung Quốc hiện gặp bế tắc và thậm chí có thể đang thụt lùi. Lãnh đạo hiện nay vẫn duy trì luận điệu cải tổ, và trên thực tế đã phát động một số nỗ lực cải tổ. Nhưng như người Trung Quốc thường nói, “sấm to, mà chỉ mưa nhỏ giọt”.
Có ý nghĩa nhất chính là chiến dịch chống tham nhũng của Tập. Đã đưa đến việc hạ bệ 74 quan chức cấp tỉnh trên hai năm qua, cộng với hàng trăm ngàn viên chức cấp thấp hơn, chiến dịch này chắc chắn là rất mạnh mẽ. Suốt ba thập niên trước khi Tập lên nắm quyền, chỉ có ba quan chức cấp quốc gia mất chức vì tham nhũng; trong vòng chưa được ba năm dưới thời của Tập, năm quan chức cấp quốc gia đã bị trừng trị. Nhưng ta không nên coi chiến dịch chống tham nhũng là một chương trình cải tổ. Thay vì khuyến khích các phương tiện truyền thông tự do hơn, các tòa án độc lập hơn, và các nhóm giám sát mạnh dạn tố cáo và chặn đứng tham nhũng, chiến dịch này được thúc đẩy và kiểm soát từ trên xuống và có tính bí mật, tàn bạo, và tính toán chính trị. Ư Kỳ Nhất [Yu Qiyi], kỹ sư tại một công ty nhà nước, bị cáo buộc tham nhũng, đã chết vì bị tra tấn trong một cuộc thẩm vấn vào năm 2013. Chu Văn Bân (Zhou Wenbin), cựu Hiệu trưởng Đại học Nam Xương, cũng cho biết là đã bị tra tấn vào đầu năm 2015. Điều này làm người ta nhớ lại những chiến dịch “sửa sai” dưới thời Mao (mặc dù với cường độ thấp hơn) hoặc thậm chí liên tưởng đến những biện pháp kỷ luật dưới các vương triều Trung Hoa. Các chiến dịch này có xu thế đưa đến việc tập trung quyền lực hơn nữa, chứ không giảm bớt chút nào, tăng cường tính chính đáng của những lãnh đạo có sức lôi cuốn cá biệt, bất chấp các bộ máy quan liêu.
Nhiều cải tổ nhỏ nhoi cũng đang được xúc tiến trong một số lãnh vực khác, nhưng không mảy may có tính chuyển đổi cơ chế. Đại hội Đảng 18, được tổ chức vào cuối năm 2012, nhấn mạnh cải tổ pháp chế, nhưng cho đến nay, vẫn chưa thấy có gì diễn ra ngoài việc tái cấu trúc hành chánh. Một sắc lệnh của Ủy ban Trung ương Đảng vào cuối năm 2014 hứa hẹn củng cố “những cơ chế truy tố và xét xử độc lập và công bằng,” nhưng đồng thời qui định nguyên tắc đầu tiên của cải tổ luật pháp là “khẳng định quyền lãnh đạo của Đảng Cộng sản Trung Quốc”. Cán bộ Đảng thường chấp nhận vai trò quan trọng của “dân chủ qua thảo luận” [deliberative democracy], và đầu năm nay, Đảng đưa ra một kế hoạch nhằm “củng cố chế độ dân chủ thảo luận xã hội chủ nghĩa” [socialist deliberative democracy], nhưng không ai hiểu rõ làm sao để việc thảo luận trở nên có ý nghĩa, nếu không có cách trừng phạt thái độ ù lì của cơ chế.
Người ta cũng thường xuyên bàn về đổi mới luật lệ áp dụng cho các tổ chức phi chính phủ. Tuy vậy, tiến bộ trong lãnh vực này diễn ra rất chậm chạp và đáng nghi ngờ, như được cho thấy trong việc cưỡng bức giải thể chương trình Lập nhân Hương thôn Đồ thư quán [the Liren Rural Library project], một chương trình tập trung vào việc học tập ngoại khóa của con em vùng nông thôn Trung Quốc. Lãnh vực kinh tế đã chứng kiến một số cải tổ thực sự, như việc giảm bớt các rào cản trong việc cấp giấy phép cho doanh nghiệp và việc đưa vào hoạt động ngân hàng nhiều tính cạnh tranh hơn trước, nhưng nhiều người vẫn coi những nỗ lực này là yếu ớt, vì các độc quyền nhà nước trong một số lãnh vực kinh tế gần như không ai được đụng tới. Trong chính sách xã hội, việc nới lỏng chính sách một con là một tiến bộ, nhưng việc này có thể không đủ để tạo ra một cải thiện đáng kể.
Nằm bên dưới sự trì trệ của việc cải tổ là tình trạng bế tắc ý thức hệ. Cái gọi là nguyên tắc kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa đã dẫn đường cho Trung Quốc trên 30 năm qua, cho phép tính liên tục chính trị và công cuộc cải tổ kinh tế cùng tồn tại. Nhưng nó luôn luôn chứa đựng một cái gì mâu thuẫn từ bên trong, vì hệ thống pháp lý khách quan [the impersonal legal system], một yếu tố mà kinh tế thị trường luôn luôn đòi hỏi, có tiềm năng cạnh tranh với lãnh đạo đảng đầy cá tính [the personalized party leadership] trong vai trọng tài tối hậu cho các vấn đề công. Trong những năm gần đây, câu hỏi sau đây đã khẩn cấp nổi lên hàng đầu: Bên nào là quan trọng hơn, nhu cầu của kinh tế thị trường hay nhu cầu của Đảng Cộng sản?
Trên thực tế, các nhu cầu của Đảng đã thắng thế. Nhưng chế độ chưa phát triển được một cách lý giải ý thức hệ chặt chẽ và hợp thời để biện minh cho hậu quả vừa nói. Rõ ràng là, chủ nghĩa Marx không đủ sức biện minh. Càng ngày chế độ càng dựa vào Khổng giáo, với sự nhấn mạnh tùy tiện vào việc trị nước nhân từ trong một tôn ti trật tự. Nhưng Marx và Khổng đang sống chung một cách gượng gạo vì trên danh nghĩa Đảng vẫn còn đi theo chủ nghĩa Mác-Lê, vốn tập trung vào bình đẳng xã hội [equality] và đi ngược lại Khổng giáo vốn nhấn mạnh tôn ti trật tự [hierarchy].
Tập thường xuyên đưa ra cái gọi là những giá trị cốt lõi xã hội chủ nghĩa. Hiện được dán khắp Trung Quốc, các giá trị này gồm có “thịnh vượng, dân chủ, văn minh, hài hòa, tự do, bình đẳng, công lý, pháp trị, ái quốc, tận tụy, liêm khiết, tình hữu nghị”. Danh mục này nghe như một mảnh chắp vá tùy tiện chứ không phải là một viễn kiến chặt chẽ. Nó phản ánh nỗi bất an hơn là sự tự tin, với lý do rõ ràng là: một hành động mà thiếu cơ sở ý thức hệ thì sẽ yếu ớt và không bền vững.
Một người phản kháng bị bắt giữ ở tỉnh Chiết Giang, tháng Mười, 2012. Ảnh: REUTERS / CARLOS BARRIA
Một người phản kháng bị bắt giữ ở tỉnh Chiết Giang, tháng Mười, 2012. Ảnh: REUTERS / CARLOS BARRIA
BỐN TƯƠNG LAI
Trung Quốc đang đối diện với bốn tương lai có thể xảy ra. Trong tương lai thứ nhất, một viễn cảnh mà Đảng Cộng sản hiện nay ưa chuộng nhất, Trung Quốc sẽ trở thành một “Singapore dùng steroids” [a “Singapore on steroids”]3, như chuyên gia về Trung Quốc Elizabeth Economy từng nói. Nếu chiến dịch chống tham nhũng là triệt để và bền vững, một tân chính đảng có thể ra đời, một đảng có thể cai trị Trung Quốc vừa hữu hiệu vừa nhân đạo. Các cải tổ chính sách sẽ tiếp tục, tiềm năng kinh tế của quốc gia sẽ được cởi trói, do đó năng suất và tiến bộ sẽ tăng cường tính chính đáng và quyền lực của chính đảng mới này.
Nhưng một tương lai như thế không thể xảy ra vì nhiều lý do. Một lý do là, Singapore ít độc tài hơn Trung Quốc đương đại khá xa; Singapore có nhiều đảng và có tự do chính trị hơn nhiều. Mặc dù tại đó, sự cạnh tranh chính trị không hoàn toàn công bằng, nhưng trong cuộc bầu cử năm 2011 các đảng đối lập đã giành được 40 phần trăm số phiếu dân chúng. Nếu muốn bắt chước Singapore, Trung Quốc sẽ phải mở rộng cạnh tranh chính trị một cách đáng kể, có thể sẽ phải bước đi trên một con dốc trơn trợt dẫn đến dân chủ đa nguyên – một hậu quả mà Đảng Cộng sản không dám liều lĩnh chấp nhận. Ngoài ra, Singapore là quốc gia bé tẻo, và vì thế cái giá của việc giám sát hệ thống hành chính của mình là tương đối nhỏ nhoi. Trung Quốc là đất nước khổng lồ, và càng ngày Đảng càng thấy khó khăn trong việc cai quản một bộ máy chính quyền rộng lớn, nhiều cấp từ trên xuống dưới.
Tương lai thứ hai và có khả năng tồn tại nhất, chí ít trong ngắn hạn, là tiếp tục nguyên trạng [the status quo]. Dù với bất cứ vấn đề nào mà nó mang theo, thì mô hình hiện tại của chế độ, tức “chủ nghĩa xã hội với đặc tính Trung Hoa”, vẫn chưa phải đến lúc cạn kiệt sức sống. Từ vấn đề dân số đến đô thị hóa đến toàn cầu hóa đến cách mạng công nghệ thông tin, các yếu tố cấu trúc đã từng tạo điều kiện cho sự trỗi dậy của Trung Quốc vẫn còn tồn tại và sẽ tiếp tục vận hành thêm vài năm tới, và chế độ có thể tiếp tục thụ hưởng từ những yếu tố này.
Nhưng tình trạng này không kéo dài mãi mãi: một chế độ đặt cơ sở của tính chính đáng trên thành tích kinh tế cần phải tiếp tục tăng trưởng để duy trì chỗ đứng quyền lực của mình. Với mức tăng trưởng chậm lại, nỗi lo sợ về một hạ cánh cứng [hard landing] ngày càng sâu sắc. Bong bóng nhà đất, sản xuất quá tải, bất ổn tài chính, nhu cầu tiêu thụ nội địa yếu ớt, và bất bình đẳng xã hội gia tăng là những chỗ yếu của Trung Quốc. Một cuộc vỡ bong bóng đầu tư nhà đất, chẳng hạn, có thể tạo ra các vấn đề cho toàn nền kinh tế và còn lan đến cả lãnh vực chính trị, khi các chính phủ địa phương mất đi một nguồn ngân sách quan trọng mà họ đã dựa vào để hỗ trợ các dịch vụ công cộng và an ninh nội bộ.
Trường hợp này có khả năng mở ra một tương lai thứ ba: dân chủ hóa thông qua một cuộc khủng hoảng, đưa đến một hậu quả không mấy tốt đẹp. Trong tình thế kinh tế Trung Quốc bị tổn thất nặng nề và các đòi hỏi chính trị ngày một leo thang, xung đột có thể sẽ gia tăng cường độ chứ không giảm bớt, và nhiều trái bom nổ chậm mà chế độ hiện tại đã cài đặt cho mình (một cuộc khủng hoảng nhân khẩu, nạn tàn phá môi trường, sự căng thẳng với các dân tộc ít người) cuối cùng có thể bùng nổ, làm cho các vấn đề thêm nghiêm trọng. Hậu quả có thể là sự tái xuất hiện một dạng thức độc tài nào đó khi Trung Quốc bật ngược để thoát ra một cuộc xáo trộn dân chủ (democratic disorder).
Một kịch bản thứ tư – dân chủ hóa trong vòng kiểm soát và theo trình tự – là viễn cảnh tốt nhất cho Trung Quốc nhưng tiếc là không thể xảy ra. Một ban lãnh đạo sáng suốt tại Bắc Kinh ngay từ bây giờ có thể từng bước đặt nền móng cho một cuộc chuyển đổi nhiên hậu, với các cuộc tuyển cử đa đảng sẽ được tổ chức vào giai đoạn cuối đường. Từng bước tăng cường tính độc lập của tòa án, trao cho Quốc hội quyền giải quyết các vấn đề ngân sách, khuyến khích sự phát triển của xã hội dân sự, và đưa tính cạnh tranh vào trong nội bộ Đảng [intraparty competition], đây là những biện pháp dọn đường cho một cuộc chuyển đổi êm ả về sau. Những biện pháp này kết hợp với các cải tổ chính sách liên quan đến dân số, dân tộc thiểu số, và môi trường có thể sẽ giúp Trung Quốc tránh được một số chấn thương trong tương lai. Tuy nhiên, việc cải tổ có chuẩn bị và có trình tự này đòi hỏi một liên minh những nhà chính trị ủng hộ cải tổ trong ban lãnh đạo Đảng, nhưng thành phần này hiện đang vắng bóng và không thể xuất hiện trong một tương lai gần.
Riêng với các thế lực bên ngoài, điều mà họ có thể làm được là rất hạn chế. Áp lực từ bên ngoài có xu thế châm ngòi chủ nghĩa dân tộc như một phản ứng chống chế, chứ không đưa đến chủ nghĩa tự do bản địa. Đối với một đất nước có tầm cỡ và lịch sử như Trung Quốc, dân chủ hóa phải xuất phát từ bên trong. Nhưng sự thể các nước hùng mạnh nhất thế giới thường là những nước dân chủ tự do có thể tạo được một sức thu hút ý thức hệ mạnh mẽ – và do đó cách tốt nhất để phương Tây đóng góp cho diễn biến chính trị sau cùng của Trung Quốc là họ phải duy trì được sức mạnh, tự do, dân chủ, và thành công cho chính mình trước đã.
Chú thích:
1Youwei là tên giả của một nhà nghiên cứu làm việc tại Trung Quốc (FA.).
2Anh Lớn là lãnh tụ tối cao của Ocania được mô tả trong tiểu thuyết 1984 của George Orwell như một biểu tượng hiện diện khắp nơi của một chế độ giám sát ngột ngạt (DG).
3 Steroids ở đây chỉ một chất hormone tổng hợp có tác dụng tăng cơ và xương, hay dùng như doping trong thể thao (DG).
Dịch giả gửi BVN.

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn