Nóng bức như bàn cờ thời cuộc Biển Đông trước mắt

Nóng bức như bàn cờ thời cuộc Biển Đông trước mắt

1. Biển Đông đang nóng rẫy: 'Một tai nạn trên Biển Đông có thể khơi mào chiến tranh Mỹ-Trung'

Máy bay chiến đấu F/A 18 của Hải quân Mỹ cất cánh từ tàu sân bay USS Nimitz ở Biển Đông.

Một chuyên gia về chính sách từng giảng dạy tại Đại học Yale của Hoa Kỳ cảnh báo một ‘tai nạn’ ở Biển Đông có thể dẫn tới chiến tranh Mỹ-Trung, và nguy cơ xung đột xảy ra giữa hai cường quốc này hiện nay cao hơn bất kỳ thời điểm nào trong 20 năm qua.
Trong một bài viết cho tờ The Commentator, Giáo sư Michael Auslin, từng giảng dạy môn Lịch sử tại trường Đại học Yale, nêu ra 3 tình huống mà ông nói có thể dẫn tới xung đột.
Tình huống thứ nhất, theo ông Auslin là một tai nạn máy bay đâm va vào nhau trên không phận Biển Đông, tương tự như vụ một chiến đấu cơ Trung Quốc và một phi cơ trinh sát của Hải quân Mỹ đụng nhau ngoài khơi đảo Hải Nam, gây ra một vụ tranh cãi quốc tế.
Giáo sư Auslin nói rằng trong bối cảnh Hải quân Mỹ đang xem xét tới việc điều tàu chiến tới phạm vi 12 hải lý cách các đảo nhân tạo do Trung Quốc xây dựng trong Biển Đông, và như thế tiến vào vùng biển mà giờ Trung Quốc tuyên bố là thuộc lãnh thổ có chủ quyền của họ, thì khó có thể tránh khỏi những hành động quấy nhiễu của các tàu Trung Quốc đối với các tàu Mỹ, có nguy cơ dẫn tới một tai nạn tàu va vào nhau, kéo theo phản ứng của cả hai bên.
Ông Auslin nói đó là điều mà Trung Quốc đã làm với tàu bè của các nước khác, và một tai nạn có thể dẫn hai nước tới chỗ đối đầu với nhau.
Giáo sư Auslin nói tình huống này rất dễ xảy ra, một khi Trung Quốc hoàn tất việc xây các phi đạo trên các quần đảo trong Biển Đông, tạo điều kiện cho các chiến đấu cơ tuần tra trong không phận của các đảo này.
Tình huống thứ nhì, theo Giáo sư Auslin, là Trung Quốc có thể cố tình tạo điều kiện cho một vụ đối đầu bằng cách chỉ thị cho máy bay của họ đeo sát máy bay của Mỹ, với hy vọng sẽ tăng nguy cơ xảy ra xung đột để buộc chính phủ của Tổng Thống Obama nhượng bộ, trong bối cảnh Hoa Kỳ còn đang phải ứng phó với nhiều thách thức ở Trung Đông và với Nga ở Châu Âu.
Tình huống thứ ba là nếu Trung Quốc chặn đầu các máy bay của các nước đồng minh của Mỹ như Philippines chẳng hạn. Washington lúc đó có thể can thiệp một cách chính đáng, viện lẽ Mỹ có nghĩa vụ bảo vệ luật pháp quốc tế.
Giáo sư Auslin nhận định trong khi không có một cơ chế nào để giải toả căng thẳng, và trong bối cảnh giữa hai nước hiện thiếu sự tin tưởng lẫn nhau, và khả năng quân sự của Trung Quốc đang được tăng cường, thì càng ngày càng có nhiều rủi ro hơn đối với Hoa Kỳ trong việc đối đầu với tham vọng bành trướng của Trung Quốc.
Ông Auslin kết luận rằng trong 20 năm qua, chưa có lúc nào mà nguy cơ xảy ra xung đột giữa hai nước lớn này lại cao đến mức này.

2. Phi cơ Mỹ phát hiện vũ khí Trung Quốc đặt trên đảo mới bồi ở Trường Sa

Ảnh chụp bố phòng của Trung Quốc tại Đá Chữ Thập (Fiery Cross Reef, đá ngầm Vĩnh Thử theo tiếng Trung Quốc, Kagitingan theo Philippines), Trường Sa từ máy bay do thám Hoa Kỳ P-8A Poseidon, ngày 21/05/2015.Reuters/U.S. Navy/
Các bức ảnh mà máy bay do thám Mỹ chụp được trong thời gian gần đây cho thấy rõ là Trung Quốc đã chuyển vũ khí lên một hòn đảo nhân tạo mà họ đang bồi đắp tại vùng quần đảo Trường Sa. Vũ khí này đã đặt một hòn đảo do Việt Nam kiểm soát gần đấy trong tầm bắn.
Theo tiết lộ của một số quan chức cao cấp Mỹ, được nhật báo Wall Street Journal trích dẫn vào hôm qua, 28/05/2015, các phi vụ trinh sát mà Hoa Kỳ mới thực hiện gần các công trình bồi đắp mà Trung Quốc đang thực hiện đã phát hiện được hai cỗ pháo cơ động trên một trong những hòn đảo nhân tạo của Trung Quốc.
Đây là bằng chứng khẳng định mối nghi ngờ được nêu lên trong thời gian qua là Trung Quốc bồi đắp đảo nhân tạo nhằm mục tiêu quân sự. Các bức không ảnh đồng thời phản bác lập luận mà Bắc Kinh vẫn liên tục đưa ra gần đây theo đó các công trình họ đang thực hiện ở Biển Đông chủ yếu mang tính chất dân sự.
Một quan chức Mỹ xác định rằng vũ khí mà Trung Quốc đặt trên đảo đó không phải là một mối đe dọa quân sự đối với máy bay hay tàu thuyền của Hoa Kỳ, nhưng hoàn toàn có thể bắn tới các hòn đảo lân cận dưới quyền kiểm soát của các nước khác.
Đảo do Việt Nam kiểm soát bị đe dọa
Một số quan chức khác của Mỹ đã nhận định một cách cụ thể là tầm bắn của các cỗ pháo của Trung Quốc bao trùm một hòn đảo do Việt Nam kiểm soát, từng được Hà Nội trang bị bằng mốt số loại vũ khí. Theo báo Wall Street Journal, cho đến hết ngày hôm qua, chính quyền Việt Nam chưa có bình luận gì về thông tin này.
Tiết lộ về vũ khí Trung Quốc trên một hòn đảo mà họ bồi đắp tại Trường Sa được đưa ra vào lúc chính Bắc Kinh cũng thừa nhận là họ đang chuyển vũ khí đến đảo Hải Nam, vùng lãnh thổ Trung Quốc gần Trường Sa nhất.
Theo ấn bản Anh Ngữ Want China Times của tờ Vượng báo (Want Daily) tại Đài Loan vào hôm nay, Tân Hoa Xã ngày hôm qua đưa tin là Quân đội Trung Quốc đã quyết định đưa nhiều loại vũ khí tối tân nhất đến đảo Hải Nam.
Trong số các vũ khí mà quân đội Trung Quốc công khai phô trương tại cảng Tú Anh, thành phố Hải Khẩu (Hai Kou), có chiến đấu cơ J-10, trực thăng chiến đấu hạng nặng WZ-10, xe tăng lội nước hạng nhẹ 63A, xe chở tên lửa chống tăng, xe chỉ huy bọc thép.
Tân Hoa Xã không ngần ngại cho rằng đảo Hải Nam có rất nhiều khả năng trở thành căn cứ quân sự chính của Quân đội Trung Quốc nếu nước này lao vào một cuộc chiến ở Biển Đông, do đó chính quyền muốn chuẩn bị tâm lý sẵn sàng cho cư dân tại đấy trong trường hợp xảy ra xung đột quân sự.
T.N.

3. Báo chí Mỹ vào cuộc, đòi Washington đáp trả sự khiêu khích của Trung Quốc

Hình ảnh do máy bay trinh sát Mỹ P-8A chụp được ngày 21/05/2015 cho thấy nhiều tàu hút cát của Trung Quốc hoạt động trong vùng đảo Vành Khăn. REUTERS/U.S. Navy/Handout via Reuters/Files
Vào lúc Bắc Kinh không ngần ngại dùng cả lời nói lẫn hành động cụ thể chống lại việc Washington can dự vào tình hình Biển Đông, đang trở nên căng thẳng do các hoạt động bồi đắp và xây dựng mà Trung Quốc đang tiến hành trên các bãi ngầm ở quần đảo Trường Sa, The Washington Post, một tờ báo có uy tín hàng đầu tại Hoa Kỳ, vào hôm qua đã công khai biểu lộ thái độ bất bình, và lên tiếng kêu gọi chính quyền Mỹ phải có phản ứng đáp trả cụ thể trước các hành vi của Bắc Kinh bị tờ báo gọi là «khiêu khích nguy hiểm».
Nguyên do trực tiếp khiến tờ Washington Post bất bình là sự kiện xảy ra vào tuần trước, khi một chiếc phi cơ do thám của Mỹ, trong lúc bay trên Biển Đông gần các bãi ngầm ở vùng Trường Sa mà Trung Quốc đang bồi đắp, đã bị Hải quân Trung Quốc cảnh cáo đến 8 lần. Không những thế, ngay sau đó, Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã lên tiếng đả kích phía Mỹ, tố cáo một hành vi «vô trách nhiệm và rất nguy hiểm».
Vấn đề tuy nhiên, theo tờ báo Mỹ, là các hoạt động của Hoa Kỳ hoàn toàn hợp pháp và hợp tình, hợp lý. Chuyến bay của chiếc phi cơ do thám Mỹ nằm trong các nỗ lực của Washington nhằm đánh động dư luận về những hành động khiêu khích nguy hiểm của Trung Quốc, khi cho ồ ạt xây dựng hạ tầng cơ sở tại một khu vực đang tranh chấp ở Biển Đông, nhằm áp đặt các yêu sách chủ quyền của họ.
Theo tác giả bài báo, Trung Quốc đã lấn lướt các láng giềng bằng cách xây dựng nhanh chóng nào là phi đạo, bến cảng, nào là các hạ tầng cơ sở khác tại một trong những vùng biển nhạy cảm nhất Châu Á – với những đòi hỏi chủ quyền chồng chéo lên nhau. Điểm nguy hại được nhấn mạnh là nguy cơ Trung Quốc tìm cách giới hạn lưu thông trên không và trên biển qua khu vực gần các cơ sở mà họ đang hoàn tất ở Biển Đông.
Đối với The Washington Post, có thể là không thể nào ngăn chặn được các công việc mà Trung Quốc đang tiến hành ở Biển Đông, nhưng điều quan trọng là cần phải dứt khoát tố cáo và bác bỏ mưu toan của Trung Quốc muốn hạn chế tự do lưu thông, tại một vùng biển mà họ đòi chủ quyền đến 80% diện tích, dựa theo một tấm bản đồ 9 đường gián đoạn mơ hồ có từ thập niên 1940.
Ở một khu vực là đường qua lại của tàu bè quốc tế, Trung Quốc lại muốn loại tàu thuyền và máy bay quốc tế ra khỏi một vùng rộng 200 hải lý chung quanh các vùng tranh chấp, rộng hơn gấp bội so với 12 hải lý mà Hoa Kỳ công nhận.
Đối với The Washington Post, đòi hỏi chủ quyền của Trung Quốc tại Biển Đông thiếu cơ sở chính đáng, nhưng chế độ Tập Cận Bình lại từ chối sự trung gian hòa giải của quốc tế, hay tích cực đàm phán một Bộ Quy tắc Ứng xử với các láng giềng. Trung Quốc cũng bác bỏ những phản đối của Mỹ liên quan đến hành động bồi đắp đảo nhân tạo.
Thậm chí, như Hoàn cầu Thời báo đã huênh hoang, Trung Quốc đang trong thế chủ động, và một khi các công trình tại Biển Đông hoàn tất, thì sự can thiệp của Mỹ sẽ trở nên vô nghĩa.
Trong tình đó đó, tờ báo Mỹ cho rằng Hoa Kỳ phải xúc tiến kế hoạch cho phi cơ bay qua khu vực mà Trung Quốc cho là của họ trên Biển Đông, hay cho chiến hạm tiến gần các vùng này. Đó là các biện pháp nhằm cho thấy rõ là Mỹ bác bỏ các đòi hỏi của Trung Quốc.
Mỹ và Nhật đã từng áp dụng chiến thuật tương tự để vô hiệu hóa vùng nhận dạng phòng không mà Trung Quốc tuyên bố vào năm 2013 ở Biển Hoa Đông.
Đối với The Washington Post, thái độ cứng rắn của Mỹ sẽ động viên các quốc gia châu Á còn ngần ngại trong việc đoàn kết chống lại các yêu sách chủ quyền và hành vi áp đặt thô bạo của Trung Quốc. Một trong những lợi thế mà Washington có thể khai thác là cho dù rất muốn thiết lập quyền bá chủ trong khu vực, nhưng Trung Quốc vẫn tránh gây xung đột lớn với các nước láng giềng và với Hoa Kỳ. Trong quá khứ, Bắc Kinh đã từng phải rút lui chiến thuật khi hành vi hung hăng trên biển của họ đã gặp phải sự kháng cự.
T.N.
4. Và ông Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ cũng lên tiếng thẳng thừng chỉ trích mọi sự lộng hành hung hiểm tại Biển Đông của con sói Đại Hán
Nhưng thưa ông Ashton Carter, ông có nghĩ được rằng nguyên nhân sâu xa của những rắc rối hôm nay hẳn có phần bắt nguồn từ cú “hà hơi thổi ngạt” năm 1972 của ngài TT Nichxơn của quý quốc, ngay tại dinh thự họ Mao ở Bắc Kinh?
Bauxite Việt Nam
Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Ashton Carter.
Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Ashton Carter yêu cầu Trung Quốc ngưng ngay những hoạt động xây đảo nhân tạo và quân sự hoá những bãi cạn ở Biển Đông. Ông nói thêm rằng những hành động của Bắc Kinh trong vùng biển có tranh chấp này “không phù hợp” với các chuẩn mực quốc tế.
Phát biểu ngày hôm nay ở Hawaii trong buổi lễ bàn giao quyền chỉ huy tại Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương của quân đội Hoa Kỳ, Bộ trưởng Carter hô hào cho việc tìm kiếm một giải pháp hoà bình cho những vụ tranh chấp ở Biển Đông và kêu gọi các nước có yêu sách chủ quyền gấp rút ngưng chỉ trong thời gian dài những hoạt động lấp biển lấy đất trong vùng biển này.
"Chúng tôi cũng chống lại việc quân sự hoá thêm nữa các thực thể có tranh chấp. Điều thứ nhì và điều mọi người nên nhớ kỹ là Hoa Kỳ sẽ bay, lái tàu và hoạt động tại bất cứ nơi nào mà luật pháp quốc tế cho phép, như chúng tôi vẫn làm như vậy ở khắp nơi trên thế giới. Và sau chót là, với những hành động của họ ở Biển Đông, Trung Quốc không phù hợp với các chuẩn mực quốc tế, những chuẩn mực làm nền tảng cho kiến trúc an ninh của khu vực Á Châu Thái Bình Dương, và sự đồng thuận trong khu vực là nên theo đuổi một phương pháp giải quyết không có tính chất cưỡng ép đối với vụ tranh chấp này và những vụ tranh chấp lâu đời khác".
Tuần trước Trung Quốc đã chính thức kháng nghị với Washington về việc một máy bay trinh sát của Mỹ bay trên quần đảo Trường Sa, nơi Trung Quốc đang xây đảo nhân tạo và các cơ sở quân sự qui mô lớn. Hồi đầu tháng này, Ngũ Giác Đài cho biết Trung Quốc đã lấp biển để tạo ra 800 hécta đất tại 5 bãi cạn và hầu hết những đảo nhân tạo này được hoàn thành trong năm nay.
Trong bài phát biểu ngày hôm nay, người đứng đầu Ngũ Giác Đài cũng cho biết thái độ hung hãn của Trung Quốc nhất định sẽ gặp phải sự kháng cự.
"Những hành động của Trung Quốc đang đưa các nước lại gần với nhau trong những cách thức mới và họ đang gia tăng những yêu cầu đòi Hoa Kỳ chủ động giao tiếp ở Á Châu Thái Bình Dương. Và chúng tôi sẽ thỏa mãn những yêu cầu này. Chúng tôi sẽ tiếp tục là cường quốc an ninh chính yếu ở Á Châu Thái Bình Dương trong nhiều thập niên tới đây".
Bộ trưởng Carter đã họp tại Hawaii với Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Voltaire Gazmin và tái khẳng định là cam kết của Mỹ đối với công cuộc phòng vệ của Philippines là vô cùng mạnh mẽ. Hai nước có một hiệp ước phòng [thủ] chung và Manila đang kiện Trung Quốc trước Toà án trọng tài quốc tế về những yêu sách của nước này ở Biển Đông.
Ông Ralph Cossa, một chuyên gia an ninh của Diễn đàn Thái Bình Dương ở Hawaii, cho rằng những phát biểu của Bộ trưởng Carter không có gì mới. Ông nói rằng những phát biểu này phù hợp với Tuyên bố của các bên ở Biển Đông, gọi tắt là DOC, mà Trung Quốc ký kết với ASEAN năm 2002. Ông Cossa nói thêm như sau.
"Phát biểu này đưa tất cả mọi thứ vào một tuyên bố khá thẳng thừng, và chắc chắn là rất mạnh mẽ, từ vị Bộ trưởng Quốc phòng để nêu bật sự thật là Hoa Kỳ muốn mọi người ngưng vi phạm DOC. Như quí vị đã biết, năm 2002, tất cả các bên đồng ý không làm gì để thay đổi hiện trạng nhưng sau đó mọi người đã làm những chuyện để thay đổi hiện trạng. Do đó, lập trường của Hoa Kỳ là “Chớ làm như vậy nữa!” Theo tôi, điều hợp lý duy nhất để làm là quay lại với năm 2002. Đó là lúc mọi người hứa sẽ hành động một cách tử tế, đàng hoàng và chúng ta cần đòi hỏi họ thể hiện lời hứa đó. Và dĩ nhiên Hoa Kỳ đang nói với mọi người “Phải ngưng thay đổi hiện trạng; thôi làm những việc khiến cho tình hình xấu đi”.
Ông Cossa cho biết ông cảm thấy thích thú khi nghe ông Carter nói về việc binh sĩ Iraq thiếu ý chí chiến đấu và thái độ mỗi ngày một hung hăng hơn của Trung Quốc ở Biển Đông. Ông Cossa cho rằng trong cả hai trường hợp sự bộc trực của ông Carter là cần thiết.
Ông Denny Roy, một nhà nghiên cứu cao cấp của Viện Đông-Tây, cho rằng tuyên bố của ông Carter là một cách khác để nói là Washington sẽ không chấp nhận bất kỳ mưu toan nào của Trung Quốc nhằm tạo ra một khu vực đặc quyền kinh tế hoặc hải phận quốc gia quanh những hòn đảo nhân tạo. Ông cho rằng Trung Quốc hầu như chắc chắn sẽ không ngưng những công trình lấp biển lấy đất ở Biển Đông và điều đó có thể gây phương hại cho mục tiêu của Mỹ là duy trì vị trí lãnh đạo trong khu vực. Ông Roy cũng cho rằng điều này làm tăng mối rủi ro xảy ra những vụ việc ngoài ý muốn giữa máy bay và tàu bè của Trung Quốc và Hoa Kỳ.
Ông Carter đang thực hiện chuyến công du thứ nhì tới vùng Á Châu Thái Bình Dương kể từ khi lên giữ chức Bộ trưởng Quốc phòng hồi tháng hai. Trong chuyến đi 10 ngày này, ông sẽ đến dự một hội nghị an ninh khu vực ở Singapore (Đối thoại Shangri-La) và tới thăm Ấn Độ và Việt Nam.

5. Và hài hước là Trung Quốc lại cáo buộc Hoa Kỳ gây «hỗn loạn» tại Biển Đông

Ảnh chụp từ phi cơ trinh sát P-8A Poseidon của Hoa Kỳ cho thấy các xây dựng mới tại đá Chữ Thập (Trường Sa), 21/05/2015REUTERS/U.S. Navy/Handout via Reuters
Trung Quốc hôm qua 28/05/2015 lên án Hoa Kỳ đe dọa gây «hỗn loạn» tại châu Á-Thái Bình Dương, khi xúi giục các quốc gia đang tranh chấp đối đầu với Bắc Kinh. Đây là sự kiện mới nhất trong cuộc khẩu chiến Mỹ-Trung về Biển Đông.
Trung Quốc đang tăng tốc xây dựng các đảo nhân tạo tại quần đảo Trường Sa, và Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ hôm thứ Tư 27/5 đã yêu cầu «chấm dứt ngay lập tức và dài hạn các hành động bồi đắp của bất kỳ bên nào».
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh nói : «Nếu khu vực tăng trưởng chủ yếu của kinh tế thế giới bị rơi vào hỗn loạn, liệu có phục vụ cho lợi ích của phía Mỹ?».
Kêu gọi Washington «tránh mọi lời nói và hành động khiêu khích», bà cáo buộc : «Một vài nước tiếp tục khuấy động Biển Đông vì lợi ích riêng tư của họ, đụng chạm đến chủ quyền lãnh thổ và quyền lợi trên biển của Trung Quốc, trong khi một số khác xúi giục họ hành động».
Bắc Kinh yêu sách chủ quyền trên hầu như toàn bộ Biển Đông, kể cả những vùng biển rất xa Hoa lục nhưng gần vùng duyên hải Việt Nam, Philippines và các nước láng giềng châu Á khác.
Tuần trước, quân đội Trung Quốc ra lệnh cho một phi cơ trinh sát P-8 Poseidon của Hải quân Mỹ phải rời khu vực quần đảo Trường Sa, nhưng phía Mỹ phớt lờ, khẳng định đang bay trên không phận quốc tế.
Chuẩn bị vòng công du châu Á, Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Ashton Carter tuyên bố : «Trước tiên, chúng tôi mong muốn một giải pháp hòa bình cho mọi tranh chấp (…) Chúng tôi cũng phản đối mọi hành động quân sự hóa các địa điểm liên quan». Đây là chuyến công du thứ hai của ông Carter sau khi lên lãnh đạo Lầu Năm Góc, đi thăm Singapore, Việt Nam, Ấn Độ.
Trong những tháng gần đây, Bắc Kinh ồ ạt bồi đắp, xây dựng các đảo nhân tạo để áp đặt chủ quyền tại Trường Sa. Một số quốc gia cũng đã tiến hành bồi đắp tại những đảo đang trấn giữ, và Hoa Xuân Oánh lên án Hoa Kỳ «cố tình im lặng» đối với các hành động xây dựng trên «các lãnh thổ của Trung Quốc bị chiếm đóng bất hợp pháp».
Bà ta tuyên bố : «Tôi xin nhắc lại rằng quy mô và tốc độ của các công trường xây dựng là tương xứng với các nghĩa vụ quốc tế của Trung Quốc, với tư cách một nước lớn. Chính nhân dân Trung Quốc mới quyết định những gì phải làm, không một ai khác có quyền bảo Trung Quốc phải làm gì».
T.M.
6. Việt Nam phải làm gì?
Điều khiến sinh ra nhiều đồn đoán là giữa tình thế “nhà đang cháy sau lưng” như vậy thì một vài quan chức nước CHXHCN Việt Nam vừa mới “thò lời” ở giữa diễn đàn QH đã phải vội “thụt” lại (bài đăng trên báo Dân trí bị bóc xuống ngay sau chưa đầy 8 tiếng). Họ định… “tọa sơn quan hổ đấu” hay “ngậm miệng ăn tiền” trong khi chính mình mới là “khổ chủ” hay sao?!!! Hay cao cường hơn, đây là một sự im lặng “chứa đựng giông bão” có phải không nhỉ? Ừ, đồn đoán gì thì đồn đoán, nhưng cứ nghe GS Carl Thayer từ nước Úc xa xôi cũng phải lên tiếng sốt ruột giùm cho họ thì hiểu sự im lặng ấy… “đáng gờm” đến cỡ nào.
Bauxite Việt Nam
Trà Mi
28-05-2015
Các kiến trúc của Trung Quốc trên bãi đá Gạc Ma trong quần đảo Trường Sa ở Biển Đông. Bắc Kinh khẳng định hoạt động xây đảo nhân tạo qui mô lớn mà họ thực hiện tại các bãi cạn và đảo san hô ở Biển Đông đang có tranh chấp không khác gì những dự án sửa đường hay xây dựng cầu cống, chung cư.
Tin cho hay Trung Quốc đã đưa vũ khí ra các đảo nhân tạo trong khu vực tranh chấp ở Biển Đông, một bước tiến thêm nữa sau khi Bắc Kinh ráo riết tiến hành các hoạt động xây dựng lấy đất lấp biển hầu thay đổi nguyên trạng vùng biển giàu tài nguyên này.
Báo chí Úc hôm nay dẫn nguồn tin từ các giới chức nước này bày tỏ quan ngại rằng Trung Quốc có thể đưa radar tầm xa, súng chống phòng không, cùng các chuyến bay giám sát thường xuyên để triển khai sức mạnh quân sự của mình trên khắp vùng biển rộng lớn ở Biển Đông.
Diễn tiến này xảy ra vài ngày sau khi Bắc Kinh lên tiếng khẳng định các hoạt động của họ ở Biển Đông chỉ là các hoạt động xây cất bình thường như xây dựng đường sá mà thôi trong khi báo cáo quốc phòng của Trung Quốc mới đây tái khẳng định đường hướng quả quyết hơn của Bắc Kinh trong việc bảo vệ quốc phòng.
Rõ ràng Việt Nam đang đi nước đôi trong khi Hà Nội vui mừng vì đã khắc phục được những rạn nứt với Trung Quốc sau vụ giàn khoan 981, họ không muốn làm Bắc Kinh phật ý mà thể hiện rõ ràng nhất là báo chí nhà nước Việt Nam đã giữ im lặng khá lâu mới trưng ra những hình ảnh vệ tinh về hoạt động cải tạo đất đai của Trung Quốc ở Biển Đông cho công chúng trong nước biết.
Giáo sư Carl Thayer.
Việt Nam và các nước có thể làm gì để ứng phó với động thái mới này của Trung Quốc? VOA Việt ngữ đã có cuộc phỏng vấn với Giáo sư Carl Thayer chuyên gia về Biển Đông tại Học viện Quốc phòng Australia để ghi nhận ý kiến của giới phân tích quốc tế.
VOA: Về khả năng Trung Quốc đưa vũ khí ra các đảo nhân tạo, Giáo sư Thayer nhận xét thế nào?
GS Carl Thayer: Tin nói Trung Quốc đã đưa vũ khí ra các đảo nhân tạo trên Biển Đông, nhưng các bản tin không nói rõ đó là những loại vũ khí gì và họ cũng không nêu rõ các nguồn tin. Nhưng các bài báo có liên hệ tới phát biểu của Bộ trưởng Quốc phòng Úc Dennis Richardson khi ông nói rằng sự thiếu minh bạch có thể dẫn tới kết luận rằng Trung Quốc có thể phát triển quân sự tại các nơi này bao gồm hệ thống radar tầm xa và rằng điều này có thể gây ra các vấn đề đối với quyền tự do hàng hải đặc biệt là đối với các tàu bè của Úc trong khu vực.
Báo cáo quốc phòng của Trung Quốc tái khẳng định đường hướng quả quyết hơn của Bắc Kinh trong việc bảo vệ quốc phòng.
VOA: Nếu quả đúng như vậy, theo ông, Chính phủ Úc và các nước khác cũng có tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông như Việt Nam chẳng hạn, có thể làm gì để ứng phó với bước tiến mới này của Trung Quốc?
GS Carl Thayer: Một vấn đề đang được thảo luận là vì Hoa Kỳ không phải là một bên đã ký kết vào Công ước Liên hiệp quốc về Luật Biển cho nên một số thách thức đối với các tuyên bố chủ quyền bành trướng của Trung Quốc tại các vùng có tranh chấp ở Biển Đông có thể được thực hiện bởi các nước như Úc chẳng hạn, quốc gia đã ký Công ước này. Trung Quốc đã ngưng xây mới tại 4 trong số các địa điểm ở đó và hiện đang củng cố xây dựng các cao ốc, bến tàu, chỗ hạ neo cho các tàu có diện tích lớn. Họ không cần tiếp tục lấy đất lấp xung quanh các bãi cạn nữa. Việt Nam có thể làm gì trong khi Hà Nội luôn do dự khi đưa ra một phản kháng về mặt pháp lý đối với Trung Quốc.
Rõ ràng Việt Nam đang đi nước đôi trong khi Hà Nội vui mừng vì đã khắc phục được những rạn nứt với Trung Quốc sau vụ giàn khoan 981 năm ngoái, họ không muốn làm Bắc Kinh phật ý mà thể hiện rõ ràng nhất là báo chí nhà nước Việt Nam đã giữ im lặng khá lâu mới trưng ra những hình ảnh vệ tinh về hoạt động cải tạo đất đai của Trung Quốc ở Biển Đông cho công chúng trong nước biết và báo nhà nước cũng hạn chế các bài chỉ trích chính sách của Trung Quốc.
Một mặt, Việt Nam không muốn dính líu trực tiếp vào căng thẳng với Trung Quốc, nhưng một mặt họ muốn khuyến khích Hoa Kỳ can dự, với chuyến công du cấp cao của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng tới Mỹ sắp tới đây và ít nhất là 7 thành viên trong Bộ Chính trị Việt Nam thực hiện các chuyến thăm riêng rẽ khác tới Mỹ trong năm nay để đánh dấu kỷ niệm 2 thập niên bình thường hóa quan hệ song phương. Cho nên, Việt Nam xem ra đang tìm cách vận động Mỹ đóng vai trò chủ động hơn trong vấn đề Biển Đông.
VOA: Về mặt pháp lý, theo ông, có thể làm gì để chặn đứng các bước tiến của Trung Quốc ở Biển Đông?
GS Carl Thayer: Phải có những hành động thách thức Trung Quốc. Thứ nhất là về vấn đề từ ngữ, nhiều người mô tả các hoạt động [của] Trung Quốc là cải tạo đất, bị kẹt chỗ đó. Không phải vậy, những gì đang diễn ra là Bắc Kinh đang lấy đất cát từ dưới đáy biển lên, không phải là từ các vùng đất nổi mà từ các vùng đất chìm dưới mặt biển mà theo luật gọi là bãi nổi khi triều xuống. Do vậy, bất kể những gì Trung Quốc xây dựng trên đó cho dù là đảo nhân tạo đi nữa, theo luật quốc tế, họ cũng không đủ tư cách pháp lý đối với một vùng phòng không mà chỉ đủ tư cách pháp lý với vùng an toàn riêng của họ mà thôi. Mà Trung Quốc thì đang tìm cách nhận chủ quyền vượt hơn những thứ đó nữa, ngay cả vùng 12 hải lý của họ cũng chồng chéo với khu vực 12 hải lý của Việt Nam.
Kế hoạch về các cuộc tuần tra bảo vệ quyền tự do hàng hải do Mỹ nêu lên, dù chưa loan báo, là một cách để thách thức Trung Quốc bằng việc cho tàu bè qua lại các vùng biển để khẳng định quyền tự do hàng hải và thực hiện các chuyến bay ngang qua vùng biển mà Trung Quốc không có căn cứ pháp lý nhận đó là không phận quân sự của mình. Trung Quốc hành xử vô trách nhiệm và vô luật lệ. Cho nên, một trong những cách phản ứng là phải đương đầu với họ bằng các thách thức, cho tàu bè qua lại đó và tìm cách chấm dứt các cuộc tuần tra của họ. Tương tự như đối với vùng nhận dạng phòng không ADIZ của Trung Quốc ở Đông Bắc Á, phải điều máy bay B52 bay ngang qua đó để chứng minh cho Trung Quốc thấy rằng họ không thể thực thi vùng ADIZ ở Biển Đông.
VOA: Theo ông có thể nhìn thấy gì liên hệ tới vấn đề Biển Đông sau chuyến thăm sắp tới của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ?
Mỹ từng cho 2 máy bay ném bom B-52 bay qua khu vực phòng không Trung Quốc mới thiết lập tại quần đảo tranh chấp ở Biển Hoa Đông, tháng 11 năm 2013.
GS Carl Thayer: Trước chuyến đi Việt Nam, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ sẽ sang tham dự Đối thoại an ninh Shangri-La. Tôi nghĩ, các bộ trưởng của Mỹ, Nhật, và Úc sẽ gặp nhau trước đó và cùng đồng thanh trong bản hợp ca. Tôi có mặt ở cuộc Đối thoại năm ngoái khi Trung Quốc nói là họ bị công kích. Năm nay, ở sự kiện này chúng ta cũng sẽ thấy những yêu cầu, tố cáo được đưa ra và sẽ có một cuộc khẩu chiến nữa tại Shangri-La. Sau đó, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ lên đường sang Việt Nam. Có những chỉ dấu cho thấy quan hệ quân sự đôi bên sẽ tiến triển sâu hơn. Hai bên sẽ ký Tuyên bố về Tầm nhìn chung. Dù chưa rõ nội dung Tuyên bố này, nhưng có thể nó sẽ đưa quan hệ quân sự hai nước tiến sâu thêm một bước nữa. Có phần chắc chúng ta sẽ nhìn thấy một số bước đi tới và có thể là sau đó chúng ta sẽ nghe loan báo về việc bán một số thiết bị và kỹ thuật quân sự cho Việt Nam để hỗ trợ Hà Nội trong lĩnh vực tuần duyên và bảo vệ biển.
Chính phủ Việt Nam chưa lên tiếng bình luận hoặc cho biết sẽ ứng phó thế nào trước tin Trung Quốc đưa vũ khí ra các đảo nhân tạo do chính Bắc Kinh bồi đắp ở Biển Đông.
Trong khi đó, cộng đồng người Việt ở Mỹ hôm 27/5 vừa khởi xướng chiến dịch thỉnh nguyện thư kêu gọi Chính phủ của Tổng thống Obama cương quyết bảo vệ Luật biển bằng các biện pháp quân sự và ngoại giao trước thái độ gây hấn của Trung Quốc ở Biển Đông.
Thỉnh nguyện thư gửi Tòa Bạch Ốc đang thu thập chữ ký trên trang WhiteHouse.gov lên án rằng các hành động khiêu khích của Bắc Kinh ở Biển Đông đe dọa an ninh khu vực và thế giới.
Thỉnh nguyện thư nhấn mạnh Mỹ, trong vai trò một quốc gia Thái Bình Dương, phải bảo vệ các lợi ích quốc gia và quốc tế, phải cho Trung Quốc thấy họ bắt buộc phải ngay lập tức chấm dứt kiểm soát hải phận và không phận ở Biển Đông, ngưng cải tạo đất cũng như thôi xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế của các nước láng giềng và tôn trọng luật quốc tế.
T.M.
Các tiêu đề nhỏ trong chùm bài này do BVN đặt.

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn