Thư Sài Gòn 1

Vũ Ngọc Tiến

Anh Huệ Chi kính mến!

Em vẫn thắc thỏm không yên tâm về Dự án Bauxite Nhân Cơ, muốn đi thị sát một lần nữa. Thật tình cờ em lại có dịp đi Bù Gia Mập (Bình Phước) – cửa ngõ vào Tây Nguyên. Như anh đã biết, từ nhiều năm nay, em cùng một vài nhà văn, nhà báo, cựu chiến binh vẫn thường xuyên hỗ trợ các cháu trí thức trẻ trong Trung tâm tư vấn pháp luật và trợ giúp pháp lý cho gia đình liệt sĩ (MARIN) thuộc Hội bảo trợ tư pháp cho người nghèo (VIJUSAP) và trang Web nhantimdongdoi.org của các cháu. Cuối năm 2012 Trung tâm MARIN đã tiếp nhận được khá nhiều dữ liệu về 14 liệt sĩ thuộc C26, E33, Quân khu 7 quê ở Hà Tây cũ. Các liệt sĩ này vì phải bảo toàn lực lượng và khí tài cho trung đoàn nên khi bị Mỹ bao vây chặt trong suốt một tháng rưỡi, họ đã không hề đánh lại, chờ lệnh.

Sau một tháng chỉ ăn măng rừng cầm hơi, 14 anh đã hy sinh (chết đói), còn giấy báo tử ghi là chết bệnh và nơi hy sinh cũng không chính xác. Trong nhóm 14 liệt sĩ này chỉ có anh Nguyễn Mạnh Toan có gia đình và có một người con duy nhất là anh Nguyễn Mạnh Hùng – người đã liên hệ với Trung tâm MARIN (11/2012); còn lại 13 liệt sĩ đều chết ở tuổi 18-20 cả thôi, chưa hề biết mồ hôi đàn bà chua mặn ra sao!... Sau một thời gian kết nối các nguồn thông tin đa chiều và kho dữ liệu máy tính, các bạn trẻ ở Trung tâm MARIN đã xác định hầu như chắc chắn họ được đồng đội chôn cất ở một quả đồi thuộc huyện Bù Gia Mập. Theo kế hoạch ngày 27.3 đoàn chúng em sẽ làm việc tại UBND tỉnh Bình Phước rồi xuống thẳng Bù Gia Mập. Đây là lần đầu tiên có sự phối hợp của MARIN, UBND tỉnh Bình Phước với đoàn cựu chiến binh Úc, lại có sự hỗ trợ phương tiện là máy dò hài cốt liệt sĩ dựa theo nguyên lý ứng dụng đồng vị phóng xạ C14 và phần mềm vi tính tách biệt xương người với xương động vật. Vì lẽ đó, em hy vọng sẽ đạt được kết quả khả quan. Xong việc này, em sẽ đi du khảo Tây Nguyên ít ngày, tìm thêm luận cứ cho việc kiến nghị dừng Dự án Bauxite Nhân Cơ. Trước lúc lên đường, em nhờ anh công bố danh sách 14 liệt sĩ và trích đoạn nhật ký của cựu chiến binh Nguyễn Tuấn Tùy cho thân nhân gia đình các anh biết được tin này. Cầu mong hương hồn các anh hiện về hỗ trợ cho chuyến đi thành công và em sẽ tiếp tục đưa tin qua trang Web của anh cả về tin tức liệt sĩ và kết quả khảo sát các điểm quặng, quy trình công nghệ, cung đường vận chuyển alumina… trong các thư sau.

Kính chúc anh khỏe!

SG 25/3/2013

V. N. T.

Lưu ý: Mọi liên lạc của thân nhân liệt sĩ xin gửi về địa chỉ: Chị Ngô Thị Thúy Hằng, Trung tâm MARIN, Phòng 701, Nhà N4B, Đường Lê Văn Lương, Khu ĐT Trung Hòa- Nhân Chính. Mob: 0987 344 474 E mail: ngothuyhang@gmail.com

HỘI BẢO TRỢ TƯ PHÁP CHO

NGƯỜI NGHÈO VIỆT NAM

***

TRUNG TÂM TVPL VÀ TGPL

CHO GIA ĐÌNH LIỆT SỸ (MARIN)

––––––––––––

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập – Tự do – Hạnh phúc

––––––o0o––––––

Hà Nội, ngày 25 tháng 03 năm 2013

TRÍCH NHẬT KÝ CỦA CCB NGUYỄN TUẤN TÙY (C26, E33)

11.7.1971

6h30 chúng tôi lại bắt đầu cuộc hành trình thật ngang với cuộc vạn lý trường chinh của Trung Quốc. 13h chúng tôi đã có mặt ở bờ sông Đa Lúp, nhìn dòng nước lồng lộn hung tàn, dòng nước này đã cướp mất của chúng tôi một đồng chí hôm qua đi trước mở đường. Nước to quá chúng tôi phải rút về 15’ tạm nghỉ.

12.7.1971

Nước lớn quá chúng tôi không đi được. Ở đây một ngày nào là khó khăn ngày ấy, vì chúng tôi chỉ mang được một tháng gạo, nếu chưa đến đơn vị thì chết đói vì trên đường đi không có kho cấp gạo. Ở đây rừng lồ ô măng nhiều vô kể, nên chúng tôi lấy măng ăn đỡ cơm.

13.7.1971

Mới 2 ngày mà dòng sông khác hẳn, nước chảy lập lờ, vài miếng đá nhô lên giữa sông. Sông ở miền Nam là như thế. Chúng tôi lội qua. Đây thuộc tỉnh Phước Long, nước Việt Nam đây nhưng rừng vẫn thế và đường đi vẫn thế. 12h30 chúng tôi đã nghỉ nấu cơm ăn.

14.7.1971

Lại dòng suối lớn nữa nước chảy đỏ ngàu, chúng tôi bơi theo sợi dây song căng sẵn sang bên kia qua sông mất một tiếng. Lúc này là 8h30’ bắt đầu hành quân. 17h tới một khu rừng nghỉ, chỉ biết đây là tỉnh Phước Long còn ngoài ra không biết gì nữa vì rừng núi âm u.

15.7.1971

Hôm nay lại qua suối khỉ. Đây là con suối nhỏ nhưng ở giữa 2 sườn núi, nước chảy cuốn những tảng đá hàng mấy tạ như chơi mà chúng tôi chỉ leo bằng 4 sợi dây song. Giao liên kể mỗi năm 1 người đi qua ngã xuống đây. Qua suối khỉ chúng tôi lại hành quân tới khu rừng nứa và nghỉ nấu cơm.

16.7.1971

Các đồng chí đi trước đã quay về báo một tin kinh khủng” Mỹ càn chặn mất đường đi” trên vai chúng tôi chỉ còn 12 kg gạo mỗi người, mà từ đây xuống chiến trường còn xa lắm.

28.7.1971

12 ngày nằm ở đây rồi, nỗi lo thiếu gạo càng kinh khủng, mỗi ngày chúng tôi chỉ ăn 0,5kg mà bây giờ còn có 6kg mỗi người .

30.7.1971

Mỗi người còn 5kg gạo lệnh ăn xuống 3 lạng mỗi ngày. 3 lạng gạo ăn làm sao chúng tôi phải kiếm ăn măng thêm cho đỡ đói. Hôm nay vì thiếu thuốc và ăn thiếu thốn 1 đồng chí đã hy sinh, đi chôn mà lòng đau như cắt.

2/8/1971

Sang tháng 8 rồi nỗi lo âu càng lớn, gạo chỉ còn hơn 4kg, sao ăn 1 tháng được. Hôm nay, tôi đi lấy măng vì sáng chỉ ăn bát măng luộc, gạo không, muối không, tôi đi không vững nhưng vẫn phải cố gắng đi. Trưa nay mang được măng về thì đồng chí tiểu đội trưởng của tôi bị hy sinh vì ốm và đói. Khiêng bạn đi chôn, cứ cảnh này mình sẽ ra sao. Cả đại đội tôi gồm 70 người thế là đến hôm nay đã mất 3 đồng chí.

3/8/1971

Hoạt 1 người bạn cùng trường cũ với tôi hôm qua còn đi lấy măng mà đêm chết lúc nào không ai biết. Thế là mất 4 đồng chí vì đói và sốt.

4/8/1971

Lại qua được 1 ngày. Bây giờ chúng tôi chỉ còn ăn ngày 1 lạng gạo. Bị Mỹ vây chúng tôi không sao đi được. Hiểu năm nay 19 tuổi bằng tuổi tôi. Hiểu rất đẹp trai và vui tính. Hôm nay đã hy sinh lúc 6h30 sáng. Như vậy là 5 đồng chí đã hy sinh. Thương bạn lo cho mình, tôi vừa buồn vừa thương. Đêm nay không ngủ được vì đói quá.

5/8/1971

Hôm nay là ngày 19 chúng tôi chịu đói. Và bây giờ tôi cũng thấy người yếu hẳn. Nhưng cả tiểu đội ốm hết rồi, chỉ còn mình tôi. Tôi phải đi kiếm măng về nấu cháo cho tất cả ăn. Hy sinh thứ 6 là Ty, Ty ở Thanh Oai. Ty to và khỏe nhưng vì đói quá kiệt sức dần và đã hy sinh. Năm nay Ty 20 tuổi.

6/8/1971

Cả ngày đi lấy măng về đun nấu để ăn. Đây là rừng tre nứa nên măng rất nhiều và muỗi và vắt cũng lắm nên ở đây cũng như nơi của thần chết. Và hôm nay đồng chí Đức đã hy sinh. 7 đồng chí đã nằm ở rừng tre này rồi.

7/8/1971

Viễn cảnh chết chóc, đói rét diễn ra và thêm 1 đồng chí nữa hy sinh là 8.

8/8/1971

Đồng chí thứ 9 hy sinh là Chương quê ở Quốc Oai.Chương chết lúc 14h30. Chương vừa 21 tuổi. Tôi vẫn đi lấy măng về ăn. Vì hôm nay gạo nhường những người ốm nặng.

20/8/1971

12 ngày qua tôi không viết nhật ký cũng vì đói quá và bận lấy măng. 12 ngày qua vẫn là cảnh chết chóc, đói rét và đến hôm nay đơn vị tôi đã hy sinh 14 đồng chí. Hôm nay cũng là ngày sinh nhật tôi và năm nay tôi vừa tròn 19 tuổi. Gạo không còn 1 hột, ăn măng mãi chắc cũng phải theo số phận những bạn tôi mất. 12h tôi chưa ngủ vì đói quá.

25/8/1971

Tin vui đến làm chúng tôi đang ốm mà khỏe hẳn. Đường đã thông ở chiến trường, mang gạo tiếp tế, chúng tôi mừng quá lấy gạo về nấu cháo ăn. Bưng bát cháo mà lòng đau như cắt. Thương tiếc những đồng chí đã hy sinh đáng các đồng chí sống thêm tới ngày hôm nay có phải hay không. 70 người mà giặc đói cướp đi 14 người, ai nhiều tuổi nhất trong số hy sinh đó là 21 tuổi. Chúng tôi ăn cháo xong thấy người khỏe hẳn. Đêm nay tôi ngủ rất ngon.

HỘI BẢO TRỢ TƯ PHÁP CHO

NGƯỜI NGHÈO VIỆT NAM

***

TRUNG TÂM TVPL VÀ TGPL

CHO GIA ĐÌNH LIỆT SỸ (MARIN)

––––––––––––

 

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập – Tự do – Hạnh phúc

––––––o0o––––––

Hà Nội, ngày 25 tháng  03 năm 2013

                           DANH SÁCH CÁC LIỆT SĨ HY SINH TẠI SUỐI MÍT, XÃ ĐẮC Ơ, HUYỆN BÙ GIA MẬP, TỈNH BÌNH PHƯỚC

 

STT

Họ tên

Sinh

Nguyên quán

Nhập ngũ

Hy sinh

THHS

Đơn vị

Chức vụ

Nơi hy sinh

1

Trịnh Ngọc Vân

1951

Hoằng Lộc

Hoằng Hoá

Thanh Hoá

04/1970

10/07/1971

Chết đuối

C26, e33, Đ476, QK7 Lục quân, Quân đoàn 4

Y tá

Sông Đa Quất CPC

2

Nguyễn Mạnh Toan

1947

My Hương

Thanh Oai

Hà Sơn Bình

04/1970

02/08/1971

Chết bệnh

C26, e33, Đ476, QK7, lục quân

Chiến sĩ

Sóc Bom Bo, đường 14, Phước Long,

3

Nguyễn Văn Hoạt

1951

Cao Đương

Thanh Oai

Hà Sơn Bình

04/1970

03/08/1971

Chết bệnh

C26, e33, Đ476, QK7, lục quân

Chiến sĩ

Sông Đồng Nai

4

Lê Văn Hiểu

1950

Phương Trung

Thanh Oai

Hà Sơn Bình

04/1970

04/08/1971

Chết bệnh

C26, e33, Đ476, QK7, lục quân

Chiến sĩ

Sóc Bom Bo, đường 14, Phước Long,

5

Bùi Văn Ty

1951

Cao Dương

Thanh Oai

Hà Sơn Bình

04/1970

05/08/1971

Chết bệnh

E33, Đ476, QK7

Chiến sĩ

Thượng lâm đồng

6

Vũ Văn Đức

1952

Đỗ Động

Thanh Oai

Hà Sơn Bình

04/1970

06/08/1971

Chết bệnh

C26, e33, Đ476, QK7

Chiến sĩ

Đường 20, km 23

7

Nguyễn Khắc Chương

1952

Bình Ngô

Quốc Oai

Hà Sơn Bình

04/1970

08/08/1971

Chết bệnh

C26, e33, Đ476, QK7, lục quân

Chiến sĩ

Đường 14, trạm 50 Bom Bo

8

Lê Đình Sản

1951

Tam Hưng

Thanh Oai

Hà Sơn Bình

08/1969

15/08/1971

Chết bệnh

C26, e33, Đ476, QK7

Chiến sĩ

Sông Đồng Nai

9

Nguyễn Đức Tùng

1950

Bích Hoà

Thanh Oai

Hà Sơn Bình

04/1970

15/08/1971

Chết bệnh

C26, e33, Đ476, QK7, lục quân

Chiến sĩ

Sông Đồng Nai

10

Đào Văn Tảo

1949

Minh Triều

Phú Xuyên

Hà Sơn Bình

04/1970

1971

Chết bệnh

C26, e33, Đ476, QK7

Chiến sĩ

Km 23 lộ 20,

11

Đào Kim Tứ

1951

Thắng Lợi

Thường Tín

Hà Sơn Bình

04/1970

1971

Chết bệnh

C26, e33, Đ476, QK7, lục quân

Chiến sĩ

Km 23 lộ 20,

12

Nguyễn Văn Dùng

1952

Thanh Cao

Thanh Oai

Hà Sơn Bình

04/1970

15/08/1971

Chết bệnh

C26, e33, Đ476, QK7, lục quân

Chiến sĩ

Đường 14 Phước Long

13

Nguyễn Văn Tiến

1952

Hiệp Thuận

Ba Vì

Hà Sơn Bình

04/1970

19/08/1971

Chết bệnh

C26, e33, Đ476, QK7, lục quân

Chiến sĩ

Đường Bù Gia Mập

14

Nguyễn Tiến Khê

1952

Liên Hiệp

Đan Phượng

Hà Sơn Bình

04/1970

19/08/1971

Chết bệnh

C26, e33, Đ476, QK7, lục quân

Chiến sĩ

Sông Đồng Nai, đường Lâm Đồng

 

 

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn