CẦU HỒN BA

Ngô Minh

Về đi hồn ơi, cháu con đông đủ

Đêm nhang đèn sụp lạy sương rơi

Đêm nguyện cầu hồn ba nhập xác

Rỗng con con gió gọi bời bời

 

57 năm trước, 12 phát súng giặc thất thanh

Ba hồn xiêu phách lạc

Mùng 6 tháng 3 Bính Thân

Sách nhiều trang ghi tên tội ác

 

Hồn ra biển, lên rừng? Hồn lang thang khất thực?

Hồn ở chân trời hay đậu cánh hải âu?

57 năm không nơi nương tựa

57 năm không phải MA NGƯỜI!

 

Về đi hồn ơi, mộ phần nơi làng Thượng Luật

Vẫn đợi Người cơm cá cúng đầy mâm

Về với các con Khương Ninh Khôi Phục

Về với các cháu Thuyên Thành Bình Hưng…

Về bên mạ Đào Thị Tam

Khóc chồng một đời năm hoen cát mặn…

 

Chết rồi vẫn cô đơn, phát vãng

Hồn của ba

Vết chém thời gian

Không thành sẹo

 

Làng biển, đêm 27/6 Nhâm Thìn

–––––––––––––––––––––––––––––––––

BỐ NGÔ MINH 57 NĂM NAY HỒN KHÔNG NHẬP XÁC

Ngô Minh

Bạn đọc kính mến. Mấy ngày nay, Ngô Minh phải ra làng Thượng Luật, xã Ngư Thủy Trung, Quảng Bình để dự lễ cầu hồn ba mình về nhập xác. Cuộc lễ do một ông thầy tên là Thanh ở Gio Thái, Gio Linh, Quảng Trị thực hiện suốt bốn tiếng đồng hồ đêm 27 tháng 6 âm lịch.

Ba Ngô Minh tên là Ngô Văn Thắng, sinh năm 1903, là một ngư dân có chữ ở làng. Trong Cải cách ruộng đất, ông bị quy oan là địa chủ (chỉ do trong nhà có 2 chiếc thuyền, cùng với 20 bạn nghề đánh cá hàng ngày để kiếm sống). Đội CCRĐ bắt ông cùm 5 tháng, đánh đập, tra tấn, đấu tố triền miên. Cuối cùng, ngày 6 tháng 3 âm lịch năm Bính Thân (1956), chúng đưa ông ra xử bắn một cách tàn bạo. Chúng trói ông vào một cột dương trên cát, rồi cử 12 du kích cầm súng CKC, đứng cách ông chỉ mấy mét, nổ súng vào ông, không một lời tuyên án, cáo trạng, không luật sư bào chữa, không cho gia đình nạn nhân dự cuộc xử án... Sau khi bắn xong, xác ông chúng không cho gia đình mang đi làm đám tang. Phải đến đêm bà con nội thân mới bí mật ra mang xác ông đi chôn lén. Không có quan tài, không có áo liệm. Một ngày sau khi bố tôi bị bắn, lệnh của Trung ương mới về được làng biển của tôi là: ”Dừng xử án tất cả các địa chủ”. Nhưng ông đã bị bắn rồi! Ông là người dân đánh cá hiền hậu, chỉ biết làm ăn lương thiện, nên khi bị đến 12 phát đạn nổ vang trời nhắm vào mình, thì “hồn xiêu phách lạc”. Từ đó, 57 năm qua (từ 1956- 2012), hồn ông lang thang khất thực đây đó, không nhập được vào xác, nên tất cả chuyện cúng bái ông hàng năm đều không có tác dụng gì.

Biết được việc này do một sự tình cờ. Đứa em trai út của Ngô Minh là Ngô Minh Phục bị đau bệnh quái ác “xơ gan cổ trướng”. Bệnh viện đa khoa Quảng Trị phải cấp cứu 3 lần, chuyền đến 5 lít máu. Bây giờ vẫn đang đau đớn… Vợ của Phục tên là Trần Thị Mừng thương chồng quá, ngoài việc chăm sóc chồng ở bệnh viện, nghe người ta đồn có thầy Thanh ở Gio Thái coi “âm” hay lắm, người coi khắp cả nước đều đổ về coi, có người phải xếp hàng cả tuần mới đến phiên coi. Đến phiên mình, Mừng chỉ hỏi thầy là chồng mình tuổi Mậu Ngọ, đang đau bệnh nan y, “có chuyện chi về phần âm không?”. Thầy bảo: ”Chồng chị không có chuyện gì về phần âm cả. Cứ uống thuốc như lâu này, ba tháng sau sẽ đỡ. Nhưng tiện đây tôi nói để chị về nói lại với anh em bên chồng. Là ông bố chồng chị bị chết oan. Ông mất năm Thân. Đến năm Nhâm Thìn này hồn vẫn chưa nhập xác. Phải tổ chức cầu hồn ông về. Ông lâu nay lang thang đây đó, thỉnh thoảng lại về chỗ mình mất, rồi lại lang thang. Ông trách mấy đứa con, đứa nào cũng có gia thất đàng hoàng mà không kêu oan cho ông…”.

Chuyện đứa em dâu kể làm cho 4 anh tôi đau đớn khôn cùng. Thế là chuyện CCRĐ 56 năm nay, lại một lần nữa gây thương đau cho gia đình tôi. Thế nên anh em chúng tôi quyết định cầu hồn bố về với xác. Tôi đã xem phim “Hoàng Sa Việt Nam: Nỗi đau mất mát” của Andre Menras (có tên Việt là Hồ Cương Quyết ), trong phim có quay cảnh cầu hồn người đi quản lý Hoàng Sa, đi đánh cá Hoàng Sa không về của đồng bào Lý Sơn, Quảng Ngãi. Lễ Cầu hồn ba tôi cũng thực hiện y chang như vậy. Chỉ khác là ông có xác, chứ người Lý Sơn đi Hoàng Sa chết mất xác, nên phải làm cái xác bằng tượng đất sét, để cầu hồn nhập vào. Lễ cầu hồn có bốn bàn cúng. Một bàn trước cửa lăng mộ gọi là bàn thượng, để cầu thần đất, thần biển. Bàn cúng cạnh lăng mộ (gồm 3 mâm cơm với đủ đầu heo, gà, xôi, chè, cá, thịt và nột chú cá chép, một con chim trắng để phóng sinh sau khi cúng và vô vàn loại giáo giấy vàng mã, để cúng cô hồn). Lễ cúng ngay trong mộ, có tượng nộm bằng giấy ghi danh của ba, mẹ tôi, cờ, bài vị, được treo trên 10 cây hóp có ngọn. Cúng ở mộ, thầy khăn đóng áo dài đi đầu, đánh xanh, gõ mõ, đọc niệm chú hai ba vòng quanh mộ. Theo sau là trưởng nam của bố tôi (tức anh đầu tôi, Ngô Văn Khương), cháu đích tôn, bưng bài vị, nhang nến. Thầy cúng xong, xin keo đằng đồng tiền cổ. Nếu keo thuận tức là việc cầu hồn thành công. Thầy chỉ xin một lần là được. Sau đó còn một lễ cúng ở nhà lúc nửa đêm, cúng để ba tôi nhập vào bàn thờ tộc họ. Phải đưa bài vị ông về đặt lên bàn thờ, tồi thầy đọc niệm chú suốt cả tiếng đồng hồ mới xong. Theo thầy nói thì phải ba ngày nữa ông mới nhập vào bàn thờ…

Cuộc đời ông sao mà khổ. Chết không đám ma, không lời trăng trối. Hàng mấy chục năm bị chính quyền liệt vào diện “phản động” mặc dù trong thời giảm tô đã trả lại thành phần, không còn địa chủ nữa. Câu chuyện về ông tôi đã viết trong “100 NGÀY VƯỢT TRƯỜNG SƠN”, các nhà xuất bản không dám cấp giấy phép, thế mà một người dân thường ở xã Gio Thái đã biết này là bố tôi bị giết oan, và làm cho bố tôi hồn nhập xác, trả lại sự thanh thản trong nỗi sợi hãi đau đớn cho bố tôi và gia đình.

Cầu mong trên đất nước này không còn người nào bị giết oan vì chính sách ngu si, rồi hồn xiêu phách lạc suốt 57 năm như bố tôi.

N.M.

Nguồn: ngominhblog.wordpress.com

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn