Còn lại một nửa sự thật

Nguyên Khôi

Tất cả các hội đồng nghiệm thu đều khẳng định đập Sông Tranh 2 "đảm bảo chất lượng công trình”. Nhưng thực tế cho thấy nguy hiểm cận kề. Rồi đề nghị của giới khoa học lập trạm quan trắc cho đến nay vẫn bị bỏ qua.

Nếu phóng to đập Sông Tranh 2 thì ta sẽ có... nước Việt Nam!

Hối lộ, tham nhũng từ quan bé đến quan to; nạn cường quyền hoành hành rộng khắp; nông dân mất đất biểu tình năm này sang năm khác, vân vân và vân vân, ấy thế các cơ quan có trách nhiệm vẫn bình chân như vại, vẫn điềm nhiên khẳng định nền dân chủ nước ta gấp vạn lần dân chủ tư sản, tức là "chất lượng công trình" của thể chế hiện hành vẫn tốt. Mà nếu có ai dám la lên báo động, thì thế nào cũng bị bịt miệng, bằng hình thức này hay hình thức khác, bị bịt miệng công khai hay phải tự bịt miệng. Tự do ngôn luận là một cách thức để nhà nước "quan trắc" chất lượng của thể chế. Cụ Hồ nói: “Dân chủ có nghĩa là dân được mở miệng”. Chính sách là để phục vụ dân. Người thụ hưởng là dân phải rên xiết vì chính sách, mà cứ nói chính sách tốt thì lạ thật! Ra lệnh cho công nhân dùng phụ gia trám những nứt trên thân đập Sông Tranh 2 và cấm đoán “phản biện tập thể”, dẫn đến việc bức tử Viện IDS chẳng hạn, hay kiên quyết đàn áp biểu tình, có khi thô bạo đến mức đạp vào mặt dân, đều là những hành động giống hệt nhau về bản chất: đó chỉ là sự đối phó chắp vá của những kẻ không có khả năng suy nghĩ hoặc mù loà trước sự thật!

Bài xã luận dưới đây đăng trên Sài Gòn giải phóng, cơ quan của Đảng bộ TP HCM, là một tiếng nói hữu ích, thu hút chú ý của công luận về sự cố đập Sông Tranh 2.

Nhưng còn chuyện của cả nước Việt? Cái nan đề của nước Việt – cái đập Sông Tranh 2 vĩ đại đang báo động ấy – chừng nào mới được giải quyết?

Bauxite Việt Nam

Nhiều ngày qua, dư luận cả nước “sốt” trước thông tin thân đập thủy điện Sông Tranh 2 (Bắc Trà My, Quảng Nam) nước phun như… suối. Con đập bê tông cao 96m, dài 640m ngăn hơn 730 triệu mét khối nước bị thấm chảy như quả bom nước khổng lồ treo lơ lửng trên đầu hàng vạn người dân khiến cả chính quyền và người dân mất ăn mất ngủ.

Hồi tháng 11-2011, người dân nơi đây đã một phen hú vía khi tại Bắc Trà My liên tục xảy ra các đợt động đất kích thích do tích nước hồ chứa thủy điện Sông Tranh 2 gây ra. Rồi sau đó, đoàn công tác của Viện Khoa học Công nghệ và Viện Vật lý địa cầu khảo sát và đề nghị lắp đặt trạm quan trắc động đất tại đây nhưng từ đó đến nay, đã hơn 4 tháng trôi qua, máy quan trắc thì không thấy, chỉ thấy những trận dư chấn kéo dài làm tăng thêm nỗi lo vỡ đập.

Giữa tháng 3-2012, người dân phát hiện trên thân đập thủy điện Sông Tranh 2 xuất hiện nhiều vết nứt, nước phun ra xối xả, liền cấp báo với chính quyền. Sau khi khảo sát, chính quyền và cả người dân đều giật mình khi liên hệ những vết nứt này với những trận động đất trước đó.

Chính quyền lo lắng, người dân hoang mang, nhưng chủ đầu tư là Ban Quản lý dự án thủy điện 3 (BQLDATĐ 3, thuộc EVN) lại lạc quan quá mức khi cho rằng vết nứt thực ra là khe nhiệt, nước chảy ra ngoài có thể do hệ thống thông nước trong thân đập bị tắc và khẳng định “hoàn toàn không ảnh hưởng đến sự an toàn, ổn định của công trình”. Chủ đầu tư cũng giải thích rằng “nước chảy qua khe nhiệt với lưu lượng 30 lít/giây đã được Hội đồng nghiệm thu nhà nước các công trình xây dựng, Hội đồng nghiệm thu cấp Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Hội đồng nghiệm thu cơ sở, đơn vị thiết kế là Công ty cổ phần Tư vấn xây dựng điện 1 đánh giá là đạt yêu cầu kỹ thuật, đảm bảo chất lượng công trình” (!?).

Thế nhưng, lời “khẳng định an toàn” trên khiến nhiều người hồ nghi. Sự hồ nghi tăng thêm khi đơn vị thi công là Tổng Công ty xây dựng thủy lợi 4 khắc phục sự cố phun trào nước trên thân đập theo kiểu “đội đá vá trời” bằng cách… đục khe nứt, nhét bao tải và phụ gia chặn nước đông cứng nhanh. Dư luận càng không an tâm hơn khi các báo cáo, văn bản “khẩn” của BQLDATĐ 3, EVN mâu thuẫn với nhau. Theo BQLDATĐ 3, thân đập có 6 vị trí khe nhiệt bị thấm nước (thực chất là chảy), trong khi xác định của EVN trong văn bản “khẩn” chỉ có 4. Trong khi đó, đoàn kiểm tra của tỉnh Quảng Nam lại xác định 7 vệt nước chảy ra ngoài thân đập.

Trong khi đó, Cục Kiểm định nhà nước về chất lượng công trình xây dựng lại xác định nguyên nhân chảy nước ra ngoài không phải do tắc ống thông nước bên trong đường hầm như BQLDATĐ 3 báo cáo mà là do… thiết kế thiếu đường ống và nguồn nước thấm vào là qua thân đập. Không chỉ vậy, cục này xác định lưu lượng nước chảy ra ngoài 30 lít/giây là “khá lớn và cần khắc phục trong thời gian tới” chứ không phải là “ở mức cho phép” như báo cáo của chủ đầu tư.

Sự cố rò rỉ nước ở đập thủy điện Sông Tranh 2 là vấn đề khoa học cần phải được đánh giá khách quan, đúng tầm mức vì nó không chỉ liên quan đến lợi ích kinh tế quốc gia mà còn ảnh hưởng đến sinh mệnh hàng vạn người dân. Vì vậy, điều người dân cần nhất hiện nay là một kết luận khoa học cấp nhà nước để tìm ra một nửa sự thật còn lại của vấn đề!

N. K.

Nguồn: sggp.org.vn

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn