Mối quan hệ giữa Nhân Quyền và sự ổn định chính trị

Hạ Đình Nguyên

Nhân Ngày Nhân Quyền thế giới, một số đường phố Sài Gòn xuất hiện khẩu hiệu: “Nhân quyền phải đảm bảo ổn định chính trị và trât tự xã hội”.

Lại thêm một câu nữa:

“Nhân quyền là giá trị chung của các dân tộc”.

Thật nhức đầu!

Ai sáng kiến ra mấy câu khẩu hiệu này mà hay đến lạ lùng!

Triết lý bỗng dưng xuống đường.

Thoạt tiên trong đầu người đọc xuất hiện một chút lợn cợn trong nhận thức về sự mâu thuẫn của hai khái niệm Nhân Quyền sự ổn định chính trị. Nhân Quyền đang có vấn đề, hay ổn định chính trị đang có vấn đề gì đây? Nghiêm trọng hơn nữa là Nhân Quyền có liên quan sát sườn với trật tự xã hội.

Câu trên làm ta cảnh giác với Nhân Quyền.

Câu dưới, trong bối cảnh Việt Nam, lại như muốn khẳng định rằng Việt Nam cũng nhân quyền đầy mình, đâu cần vay mượn của ai, Nhân Quyền là của chung mà.

Nhân Quyền, tức các quyền của con người, lâu nay được thế giới nhìn nhận, được xếp ở vị trí đỉnh cao về giá trị của nhân loại, lại trở thành rắc rối ở cái xứ sở Việt Nam ta đến thế! Mà ở hôm nay thôi, có nghĩa là ở thập niên thứ hai của thế kỷ 21.

Bởi ngay từ 1945, tiếng nói của ông Hồ Chí Minh, từ Hội trường Ba Đình, vang lên khắp non sông đất nước về hai chữ Nhân Quyền trong bản Tuyên ngôn Độc lập. Cũng vì hai chữ ấy mà toàn dân đã nghe theo, để đi vào cuộc chiến đấu một mất một còn, giành lại bằng được giang sơn và độc lập tự do, suốt chặng đường gian nan 9 năm chống Pháp, 20 năm chống Mỹ, với bao nhiêu hy sinh và kiên dũng để thực hiện Quyền con người của mình. Ở thời đại ấy mà ông Hồ Chí Minh không hề mặc cảm về nguồn gốc xuất hiện của từ ngữ ấy, hay nói khác là tư tưởng ấy, từ đâu! Ông hiểu thấu đáo cái tư tưởng về Nhân Quyền, ông tin tưởng một cách thật lòng trên con đường thực hiện nó. Vì niềm tin đó, vì ý chí đó, vì sự thật lòng đó mà nó có sức hấp dẫn đông đảo nhân dân, đánh thức được tiềm năng dân tộc đi qua cuộc chiến tranh. Trải qua các thời kỳ nói trên chưa bao giờ tư tưởng Nhân Quyền đã tỏ ra là một trở ngại hay đe dọa đến sự ổn định chính trị. Chính vì ông đã thật lòng. Và ông cũng đã thật lòng tin vào nhân dân, đặc biệt trong thời kỳ chiến tranh.

Ngày nay, Việt Nam đã hòa bình, là một nước độc lập thống nhất, sự cai trị đã “thu về một mối” qua 36 năm, dưới sự cầm quyền duy nhất của Đảng Cộng sản; cũng với lá cờ đỏ sao vàng, với bản Tuyên ngôn Độc lập đó, lẽ ra Nhân Quyền không còn là từ ngữ ước mơ, mà đã trở thành hiện thực, nhưng bất ngờ nó lại mọc thêm đuôi, thêm điều kiện mới, trở nên mơ hồ với nhiều nghi vấn: “Nhân quyền phải đảm bảo ồn định chính trị và trật tự xã hội”.

Vậy Nhân Quyền ở đây là cái gì? Nó có khả năng làm mất ổn định chính trị và mất an ninh xã hội, nó tương tự như khái niệm về xã hội đen, bọn cướp bóc, bọn vô chính phủ? Hay khái niệm Nhân Quyền đồng nghĩa với âm mưu lật đổ sự cai trị của chính thể? Thật là sai lầm và thêm hỗn độn, nếu ta gắn vào hai chữ Nhân Quyền những ý nghĩa có tính ảo thuật.

Ta phải quay trở về nguyên ý nghĩa của từ Nhân Quyền, và các định nghĩa của nó được ghi vào các văn bản chính thức của Liên Hiệp Quốc:

- Nhân quyền, hay Quyền con người, là quyền tự nhiên của con người và không bị tước bỏ bởi bất cứ ai hay bất cứ chính thể nào.

- Đó là quyền tự do cơ bản mà Chính phủ được lập ra là để bảo vệ quyền tự do đó.

- Các quyền không thể tước bỏ bao gồm quyền được sống, quyền tự do ngôn luận và thể hiện, quyền tự do tín ngưỡng và nhận thức, quyền tự do lập hội, quyền mưu cầu hạnh phúc, quyền được bảo vệ bình đẳng trước pháp luật.

- Các thể chế dân chủ đều được giao trọng trách xây dựng các cấu trúc xã hội Lập Hiến và Lập Pháp để bảo đảm quyền con người đó.

Đến đây, ta không nên xê dịch chữ Nhân Quyền theo cách tùy tiện của ta nữa, hoặc vẽ thêm râu cho nó. Bởi nó là cơ sở, là nền tảng, là căn cơ mà mọi thứ phải xây dựng trên đó, lấy đó làm chuẩn đích. Nó là phần cứng không thể thay đổi. Chỉ có thể thay đổi phần mềm. Không thể làm ngược lại. Những gì được xây dựng trên đó thì nó chắc chắn, bền vững. Nếu có dỏm chăng là phần xây bên trên nó mà thôi. Nếu nó là nền tảng, nó sẽ làm cho Chính trị ổn định, xã hội an toàn. Tại sao không nói xuôi mà nói ngược, cho có lý hơn: Ổn định chính trị phải đảm bảo (thực thi) Nhân Quyền?

Câu khẩu hiệu kế tiếp: “Nhân quyền là giá trị chung của các dân tộc”. Vậy nó không phải là của riêng ai, hay của riêng một quốc gia nào. Của chung và của chúng ta. Vậy những gì không phù hợp với nó là ta phải sửa. Không phải sửa vì quốc gia nào khác đòi hỏi, mà vì chính nhân dân ta. Nếu thế ta không phải e dè, sợ sệt hai chữ Nhân Quyền. Đến đây, vế thứ hai, là dứt khoát cần xem xét lại: ổn định chính trị, tức là sự cai trị có ổn định hay không. Tự thân sự cai trị có vấn đề hay không, có những bệnh hoạn gây bất ổn hay không .

Không thiếu trường hợp nhân danh sự ổn định chính trị để tiến hành sự cai trị dã man, tàn bạo, chà đạp quyền con người. Stalin là một thí dụ, Mao Trạch Đông là một thí dụ, Gaddhafi là một thí dụ mới đây, và nhiều trường hợp nữa, đương đại, như ở Trung Quốc đang diễn ra. Hoặc ổn định chính trị như Bắc Triều Tiên thì không ai muốn, ai cũng sợ chết khiếp về sự ổn định có tính chất nghĩa địa và trại giam nói trên. Ở đây[U1] , Nhân Quyền sẽ không có chút đảm bảo nào về sự ổn định chính trị cả, kể luôn an ninh xã hội. Ở đây[U2] , sự ổn định chính trị không hề có Nhân Quyền.

Ở Việt Nam ta, nếu vì phải đối phó với vấn đề rắc rối nào đó, trong hoàn cảnh nhất thời, như cản trở hoặc đàn áp biểu tình, hoặc bắt người biểu tình cho vào trại cải tạo, rõ ràng là không đúng với “quyền con người” đã được ghi trong Hiến Pháp, nhưng dù sao cũng thuộc về hành động, về sự kiện. Nhưng nâng lên thành lý luận, vẽ thêm râu cho từ Nhân Quyền là gây ra thêm tai họa cho nhân dân, cán bộ lớn nhỏ, trong nước ngoài nước, làm cho lý tưởng và mục tiêu Nhân Quyền bị hiểu sai, bị xuyên tạc, gây mơ hồ khiến đông đảo nhân dân lẫn lộn, mất ý chí vì không còn phương hướng để đi tới.

Nhân Quyền – quyền căn bản của con người – không mâu thuẫn với ổn định chính trị đích thật. Cái gốc cây không bao giờ mâu thuẫn với thân cây hay cành lá. Nhân Quyền không đảm bảo sự ổn định chính trị theo nghĩa độc tài.

Nhân Quyền – quyền căn bản của con người – là khái niệm rộng lớn, là một trong những bước tiến quy mô và vĩ đại của loài người nhằm đấu tranh chống lại mọi sự cai trị độc tài của cá nhân, của tập thể, của mọi thứ chủ nghĩa đi ngược lại sự giải phóng nhân loại. K. Marx lập nên học thuyết của mình cũng khởi đi từ ước mơ đó.

Nhân Quyền – quyền căn bản của con người – là mục tiêu đấu tranh liên tục, bền bỉ của tất cả các dân tộc để thực hiện quyền sống của mình. Nói liên tục, vì nó không dừng lại ở một êkíp lãnh đạo nào, một triều đại hay một học thuyết cố định nào. Nói liên tục vì nó luôn thay đổi theo hướng tích cực, không nhất thiết chỉ bao hàm tính phủ định, lật đổ, mà còn mang tính thay thế, kế thừa, tích lũy để nâng cao trong ý nghĩa hòa bình và xây dựng. Nó là một tiến trình liên tục.

Sự ổn định chính trị có ý gì? Là sự cai trị của một hệ thống cầm quyền được ổn định, bền vững và tiến bộ, được sự ủng hộ của đa số nhân dân, thông qua hệ thống tổ chức của một thể chế dân chủ đích thật. Thể chế đó có khả năng đổi mới không ngừng để thích ứng nhu cầu ngày càng cao trên cơ sở đảm bảo quyền con người.

Không thể thay đổi Nhân Quyền để ổn định Chính trị,

thay đổi Chính trị để phù hợp Nhân Quyền.

Bởi vì “Nhân quyền là giá trị chung của các dân tộc”, như câu thứ hai đã nêu.

Khẩu hiệu: “Nhân quyền phải đảm bảo ổn định chính trị và an ninh xã hội” chỉ nhằm nói lên một mục tiêu, nhưng lại gợi ra nhiều ý rất phức tạp, thì có nên dùng làm khẩu hiệu?

Thà là nói thẳng: “Chính phủ còn nhiều chuyện đang lo, đang sửa, bề bộn lắm, lủng củng lắm… biểu tình xin hãy khoan, nhân quyền từ từ đã…” thì vẫn dễ nghe hơn là nói câu triết lý ỡm ờ như thế kia! Kể từ khi treo khẩu hiệu, nếu cán bộ từ Nam chí Bắc đều đồng thanh hô lên: “Nhân quyền phải đảm bảo….” thì thật buồn cười, sẽ có đông đảo các con vẹt la theo: “ổn định chính trị”, “ổn định chính trị” còn Nhân Quyền thì bỏ xó, chẳng đáng một đồng xu teng.

Thà là hô: “Kim Jung Un vạn tuế!” còn vui hơn, và cũng thật hơn!

H. Đ. N.

Tác giả gửi trực tiếp cho BVN.

[U1]“Ở đó” chứ đâu phải “Ở đây”

[U2]“Ở đó” chứ đâu phải “Ở đây”

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn