Nội dung đối thoại nhân quyền Việt-Mỹ

Richard Finney & Gia Minh, RFA

SWITZERLAND-UN-RIGHTS-US  

AFP photo. Michael Posner, trợ lý ngoại trưởng Mỹ phụ trách dân chủ-nhân quyền và Lao động

 

Đối thoại nhân quyền Việt-Mỹ vòng 16 vừa diễn ra tại thủ đô Washington D.C. của Mỹ trong hai ngày 9 và 10 tháng 11 vừa qua.

Sau vòng đối thoại đó, phóng viên Richard Finney của Đài Á Châu Tự do có cuộc phỏng vấn ông Michael Posner, trợ lý ngoại trưởng Mỹ phụ trách dân chủ-nhân quyền và Lao động về những thông tin liên quan.

Thảo luận nhiều vấn đề

RFA: Thưa ông đâu là những chủ đề chính xét theo quan ngại từ phía Hoa Kỳ được đưa ra đối với phái đoàn Việt Nam?

Michael Posner: Theo cách thức mà chúng tôi tiến hành trong mấy năm qua, thì những chủ đề được thảo luận bao gồm các vấn đề liên quan pháp trị, liên quan đến luật hình sự, những vấn đề liên quan đến tù nhân mà chúng tôi nêu ra tổng quát cũng như những trường hợp cụ thể.

Chúng tôi cũng bàn đến các vấn đề liên quan quyền tự do phát biểu ý kiến, tình trạng của báo giới, các bloggers, và những hạn chế mà họ gặp phải. Rồi những vấn đề liên quan tự do tôn giáo, vấn đề đăng ký của các giáo hội, những thử thách đặt ra cho một số tổ chức Phật giáo.

Cũng như những vấn đề liên quan đến lao động, một số luật lệ đưa ra gần đây. Cuối cùng là những giới hạn cũ cũng như mới áp dụng đối với các tổ chức xã hội dân sự.

Chúng tôi cũng bàn đến những điểm mà hai phía có thể cùng nhau làm việc chung cũng như những lĩnh vực mà đôi bên còn bất đồng.

RFA: Ông có cảm nhận thấy có những vấn đề được phía Việt Nam phản ứng nhanh nhạy hơn vấn đề khác hay không? Và nhìn chung thì phản ứng thế nào?

Michael Posner: Tôi có thể nói cuộc đối thoại khá thẳng thắn. Có một số điểm mà chúng tôi bất đồng trong số các vấn đề mà tôi vừa nêu ra với ông. Trong thực tế có  một số biện pháp hạn chế trở nên tồi tệ hơn, ngay cả trong năm rồi. Còn trong lĩnh vực lao động, hoạt động với người khuyết tật thì theo tôi có khả năng hợp tác nhiều hơn giữa hai phía.

RFA: Những vấn đề mà theo ông trong năm qua có những bước lùi lớn là gì?

Michael Posner: Như những thông cáo đưa ra suốt năm qua, đã có hằng loạt những vụ bắt giữ các thành phần đối lập chính trị, các nhà đấu tranh nhân quyền, các nhà báo, các bloggers.

Hồi tháng hai, chính quyền Hà Nội thông qua một nghị quyết ban hành biện pháp trừng phạt nhà báo, những người tham gia viết blog hay in ấn. Tiếp tục có sự can thiệp của chính quyền vào mạng Internet-cả biện pháp chặn các trang mạng và gây khó khăn thêm cho những người viết blog.

Vì thế trong những lĩnh vực này, tôi có thể nói chắc chắn đã có những bước lùi.

RFA: Ông có  nhận ra bất cứ dấu chỉ nào cho thấy phía Việt Nam muốn có tiến triển trong những lĩnh vực vừa nêu, hoặc họ có quan tâm gì đến quan ngại mà phía Hoa Kỳ nêu ra hay không?

Những chủ đề được thảo luận bao gồm các vấn đề liên quan pháp trị, liên quan đến luật hình sự, những vấn đề liên quan đến tù nhân mà chúng tôi nêu ra tổng quát cũng như những trường hợp cụ thể.

Mr. Michael Posner

Michael Posner: Như ông thấy đấy, theo tôi thì trong những năm qua chúng tôi đã có những cuộc đối thoại tốt, mang tính xây dựng và có một số tiến triển. Đơn cử, ngoại trưởng Hillary Clinton đã ký Bản ghi nhớ với chính phủ Việt Nam hồi năm ngoái về những bước tiếp theo mà hai phía có thể làm việc chung với nhau, khi hướng đến việc phê chuẩn Công ước Chống Tra Tấn. Phía Việt Nam cử một toán nghiên cứu sang Hoa Kỳ hồi đầu năm nay.

Theo tôi trong lĩnh vực lao động thực sự có những cuộc thảo luận mang tính xây dựng. Nhưng trên bình diện toàn cục, thì có thể nói cuộc đối thoại khá gian nan, và có những lĩnh vực mà hai phía bất đồng mạnh mẽ.

Cần nới lỏng chính trị

RFA: Trong lĩnh vực tự do tôn giáo, suốt những năm qua luôn có kêu gọi đưa Việt Nam vào lại Danh sách các nước cần quan tâm đặc biệt về tự do tôn giáo, CPC. Ông có thấy dấu hiệu tiến bộ nào bảo đảm cho việc đặt Việt Nam ngoài danh sách đó chứ không phải đưa vào lại danh sách CPC?

VIETNAM-CHINA-RIGHTS-RELIGION-MEDIA

Hai học viên Pháp luân công Vũ Đức Trung (áo trắng) và Lê Văn Thành trong phiên tòa tại TAND Hà Nội hôm 10/11/2011. AFP

Michael Posner:Ngay bây giờ, theo như ông thấy, Việt Nam không nằm trong danh sách CPC- các nước cần quan tâm đặc biệt về tự do tôn giáo. Có cả một tiến trình hành chính và lập pháp đằng sau biện pháp đó.

Theo tôi thì Việt Nam không còn ở trong danh sách CPC từ năm 2005 hay 2006.

Tuy nhiên chúng tôi tiếp tục nêu ra các vấn đề liên quan đến biện pháp buộc các giáo hội đăng ký, cũng như một số vấn đề khác nữa. Vấn đề cũng được hai phía thảo luận, nhưng tôi chưa thấy có tiến triển lớn nào trong vấn đề này.

RFA: Trong vấn đề này có phải sẽ hữu hiệu hơn khi sử dụng công cụ đưa Việt Nam vào lại danh sách CPC?

Michael Posner: Chúng tôi sẽ quyết định lại vấn đề đó dựa trên nhiều yếu tố. Đối với vòng đàm phán lần này, đối với quyết định liệt vào danh sách CPC được đưa ra cách đây vài tháng rồi, thì nhận định của chúng tôi về tình hình là phần nào đứng yên (không có gì thay đổi).

Không có những diễn biến quá tiêu cực, nhưng rồi cũng không có tiến triển đáng kể, và chúng tôi quyết định chưa đưa Việt Nam vào lại danh sách CPC trong năm nay. Vấn đề được xem lại. Chúng tôi có thể cứu xét danh sách đó bất cứ thời điểm nào trong năm, và chúng tôi tiếp tục theo dõi tình hình.

RFA: Hồi tuần rồi có một số học viên Pháp Luân Công bị kêu án. Theo tôi suy đoán thì việc phán quyết không diễn ra đúng thời điểm ông gặp phía Việt Nam. Có đúng thế không?

Không có những diễn biến quá tiêu cực, nhưng rồi cũng không có tiến triển đáng kể, và chúng tôi quyết định chưa đưa Việt Nam vào lại danh sách CPC trong năm nay.

Mr. Michael Posner

Michael Posner: Chúng tôi được biết đến vụ việc khi hai phía đang trong vòng đối thoại và chúng tôi đã nêu vấn đề ra. Nhưng rồi vấn đề không được giải quyết. Đây là vấn đề mà chắc chắn chúng tôi sẽ tiếp tục nêu ra trong tiến trình tiếp theo lần đối thoại này.

RFA: Thưa ông còn điều gì mà tôi còn sót mà ông muốn nêu ra hay không? Còn điểm gì mà ông muốn trình bày nữa không?

Michaek Posner: Không, nói chung quan điểm của chúng tôi là Việt nam có những tiến bộ trong lĩnh vực kinh tế suốt mấy thập niên qua. Điều này chúng tôi lặp đi lặp lại nhiều lần rồi.

Mong ước của chúng tôi là được nhìn thấy việc chính quyền Hà Nội nới lỏng kiểm soát về chính trị, cũng như tôn trọng hơn quyền con người và thực thi pháp trị đi kèm với phát triển kinh tế.

Chúng tôi tin rằng nếu chính quyền Hà Nội thực hiện những bước cải cách như thế, Việt Nam sẽ có lợi cả về chính trị và kinh tế. Đó thực sự là những điều được bàn thảo trong mấy năm qua.

M. P. & G. M.

Nguồn: rfa.org

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn