Hành hung chú gấu trúc

(Liệu các ứng viên Tổng thống năm 2012 có liên tục đả kích Trung Quốc cho đến ngày đắc cử hay không?)

Michael A. Cohen, 14-10-2011, Foreign Policy

Trần Ngọc Cư dịch

Gấu trúc (panda) là một con vật ngoại lai đến từ Trung Quốc và được nhiều người dân Mỹ ưa thích. Như một cử chỉ thân thiện, năm 1972 Thủ tướng Chu Ân Lai đã gửi đến Vườn thú Quốc gia tại Washington 2 con gấu trúc khổng lồ để tặng “Nhân dân Hoa Kỳ”.  Trong một ý nghĩa nào đó, trong văn hóa dân gian Mỹ hiện nay, gấu trúc là biểu tượng của Trung Quốc. Và những người thân Trung Quốc thường bị chế giễu là panda huggers (những kẻ ôm hôn gấu trúc).

Trần Ngọc Cư

Một tinh thần lưỡng đảng [Cộng hòa lẫn Dân chủ] đã trở lại Thủ đô Washington! Nhưng xin mọi người khoan quá phấn kích, vì tính lưỡng đảng này không liên quan đến công ăn việc làm, thâm hụt ngân sách hay nền kinh tế – nhưng tập trung vào Trung Quốc (TQ). Bằng một số phiếu 63-35, Thượng viện Mỹ đã biểu quyết vào hôm thứ Ba, 11-10, để ủng hộ một dự án luật nghiêm khắc nhằm áp đặt thuế quan vào các nước cố tình kìm giá tiền tệ của họ ở mức quá thấp (phải hiểu là: TQ). Và mặc dù dự án luật này gần như không có cơ may trở thành luật – Chủ tịch Hạ viện John Boehner gọi hành động lập pháp này là “nguy hiểm” – nhưng sự thể nó được đồng-bảo trợ (co-sponsored) bởi một đám Nghị sĩ tự do, ôn hòa, và bảo thủ đã cho thấy rằng loạt đả kích nhắm vào đối tác thương mại lớn thứ nhì của Mỹ đang nhận được hậu thuẫn đều khắp trên lăng kính chính trị Mỹ.

Trong một cách nào đó, điều đáng ngạc nhiên là Quốc hội Mỹ đã mất một thời gian khá lâu mới tìm ra cách biến TQ thành con dê tế thần cho cuộc suy trầm kinh tế còn tiếp diễn của Hoa Kỳ. Dẫu sao, việc tìm cho ra một ông kẹ [mối đe dọa] từ nước ngoài trong một thời kỳ dân chúng bất mãn về kinh tế trong nước không phải là điều mới lạ. Trong thập niên 1930, tâm lý này đã thúc đẩy việc Quốc hội thông qua luật thuế quan Smoot-Hawley; trong thập niên 1980 và đầu thập niên 1990, những lo sợ kinh tế – và việc đầu tư nổi bật của các công ty Nhật vào Hoa Kỳ, như việc mua Trung tâm Rockefeller – đã dẫn đến một loạt công kích Nhật Bản trong văn hóa quần chúng và trên các phương tiện truyền thông.

Trong cuộc tranh luận gần đây nhất vào hôm thứ Ba [11-10-2011] giữa các ứng viên Cộng hòa, ứng cử viên dẫn đầu Mitt Romney không mảy may e ngại khi gọi TQ là nước gian lận (a cheater) và dùng thủ đoạn để kìm giá đồng Nhân dân tệ và gây bất lợi cho các ngoại tệ khác (a manipulator of its currency). Theo Romney, “người TQ đang cười toe toét suốt đường đi tới ngân hàng, lấy tiền của chúng ta, lấy công ăn việc làm của chúng ta và lấy mất khá nhiều tương lai của chúng ta”. Trong một bài op-ed [đối diện với bài xã luận] trên tờ Washington Post ba hôm sau đó, Romney còn đi xa hơn, lên án TQ tìm “những lợi thế bằng cách bóc lột có hệ thống các nền kinh tế khác” và ăn cắp các sáng kiến của Mỹ. Thuốc trị của ông: xếp loại Bắc Kinh như một nước dùng thủ đoạn tiền tệ (currency manipulator) và áp đặt một loạt những biện pháp đơn phương chống lại TQ, kể cả biện pháp trừng phạt.

Những hình thức đả kích chống TQ này, mặc dù tương đối hiếm trong các cuộc vận động tranh cử Tổng thống, nhưng không phải là không nghe tới. Năm 1992, Bill Clinton thường xuyên cáo buộc Tổng thống đương nhiệm George H.W. Bush về tội o bế “các tên đồ tể Bắc Kinh”. (Nhưng Clinton nhanh chóng đảo ngược chính sách của mình sau khi đắc cử – điều này nhắc nhở hùng hồn rằng ta không nên tin vào khẩu khí gay gắt của các ứng viên trong vấn đề đối ngoại). Những hành động “đả kích” TQ bắt đầu xuất hiện nổi bật hơn trong cuộc vận động tranh cử Quốc hội năm 2010 với hàng chục ứng cử viên đổ lỗi cho TQ đã gây ra các vấn đề kinh tế đáng lo cho Mỹ.

Chẳng hạn Nghị sĩ Harry Reid đã lên án đối thủ Cộng hòa Sharon Angle về tội là “người bạn thân nhất của công nhân nước ngoài” vì cho rằng ông này đã ủng hộ việc tăng thuế khiến các công ty đưa việc làm tại Mỹ sang Trung Quốc và Ấn Độ. Ông được các đồng nhiệp Dân chủ hùa theo, chẳng hạn Barbara Boxer đã đả kích Carly Forina về tội đặt “Thượng Hải” lên trên “San Jose”. Dân biểu Cộng hòa đương nhiệm Zack Space tại Ohio đã chỉ trích đối thủ cùng đảng của ông về tội ủng hộ tự do mậu dịch với TQ vì chính sách này đã giúp nâng cao “mức sống của họ”. Các ứng viên Cộng hòa cũng tham gia những đấm đá chính trị liên quan đến TQ, chẳng hạn Spike Maynard dùng quảng cáo TV để đả kích Dân biểu Dân chủ Nick Rahall, người có thâm niên 34 năm tại Quốc hội, bằng nhạc đàn tranh truyền thống TQ, trên nền đỏ, và những hình ảnh lờ mờ nom như Chủ tịch Mao.

Và người Mỹ phẫn nộ không phải chỉ vì mất công ăn việc làm, mà còn vì Chính phủ TQ đang cầm trong tay hàng nghìn tỷ đôla trái phiếu của Mỹ. Trên thực tế, TQ chỉ làm chủ khoảng 8% tổng số trái phiếu do Bộ Tài chính Mỹ phát hành – thật ra, tập thể chủ nhân lớn nhất gồm có những cá nhân người Mỹ và các định chế Mỹ. Tuy vậy, ngay cả Tổng thống Barack Obama cũng nhanh chóng nhắc nhở dân chúng Mỹ rằng tiếp tục chi tiêu thâm hụt có nghĩa là “vay mượn thêm từ các quốc gia như Trung Quốc”. Cái ý niệm cho rằng TQ là “ngân hàng của Mỹ” không ít thì nhiều đã trở thành một sáo ngữ.

Nhưng cho dù việc hành hung chú gấu trúc [đả kích TQ] đang diễn ra trong cả hai Đảng, không ai dám chắc là nhân dân Mỹ đang hậu thuẫn hiện tượng này. Theo một cuộc thăm dò ý kiến gần đây của Trung tâm Nghiên cứu Pew, khi được cho lựa chọn giữa “cứng rắn hơn với TQ” và “xây dựng quan hệ bền vững hơn”, cử tri ủng hộ điều sau bằng một tỷ lệ 53-40. Mặc dù gần như tất cả khối Dân chủ Thượng viện, chỉ trừ 5 thành viên, đều bỏ phiếu chấp thuận dự án luật tiền tệ tuần này, nhưng chỉ có 32% cử tri Dân chủ muốn thấy một đường lối cứng rắn với TQ. Thật ra, nhóm người Mỹ duy nhất mà Pew có thể nhận thấy là đang ủng hộ một đường lối cứng rắn với TQ là những người tự nhận là thành viên của phong trào [dân túy] Tea Party.

Sự thật là mặc dù đồng Nhân dân tệ có thể là bị kìm giá (nhưng hiện đang tăng giá đều đặn), đây không phải là nguyên nhân chính yếu tạo ra cuộc suy trầm kinh tế tại Mỹ hiện nay. Như Adam Hersh, một kinh tế gia tại Trung tâm Vì tiến bộ Mỹ (Center for American Progress/CAP) đã viết ngày 7-10, “Các nhà hoạch định chính sách đừng làm bộ… như thể giải quyết vấn đề hối suất là có thể tìm ra liều thuốc bá bệnh (panacea) cho việc tăng trưởng kinh tế, công ăn việc làm, và những thử thách cho khả năng cạnh tranh của chúng ta”.

Hơn nữa, một khí cụ cùn như dự án luật được Thượng viện vừa mới thông qua sẽ không thể thay đổi hành vi của TQ trong ngắn hạn – (như thông tín viên James Fallows của tờ Atlantic đã giải thích cho tôi, “Thật là không tốt cho chính trị nội bộ của TQ nếu TQ phải ‘nhượng bộ’ trước ‘những yêu sách’ của Mỹ, cũng như ngược lại” – và nếu TQ có nhượng bộ đi nữa, thì đồng Nhân dân tệ cũng phải tăng giá ào ạt mới tạo được ảnh hưởng đáng kể trên công ăn việc làm của người Mỹ.

Có chăng là, việc tăng giá đồng Nhân dân tệ sẽ có khả năng chuyển một ít công việc từ TQ sang các nước có lao động rẻ khác chứ không đưa chúng về lại Mỹ – một hiện tượng đã bắt đầu diễn ra khi giá lao động tại TQ đang có chiều hướng tăng cao. Trong tình hình TQ là nước nhập khẩu hàng hóa Mỹ đứng thứ ba (66 tỷ đôla cho đến thời điểm này năm nay), một chiến tranh mậu dịch nếu xảy ra cũng không ảnh hưởng giá cả mà người Mỹ trả cho hàng TQ, nhưng nó có thể gây tổn thương trực tiếp cho các công ty xuất khẩu của Mỹ và – hãy đợi mà xem – sẽ làm mất thêm nhiều công ăn việc làm tại Mỹ.

Như Nina Hachigian của Trung tâm Vì tiến bộ Mỹ vạch rõ, không phải việc tăng giá đồng Nhân dân tệ là không quan trọng. Nhưng những thử thách khác trong quan hệ Mỹ-Trung, như vấn đề cải thiện khả năng tiếp cận thị trường cho sản phẩm của Mỹ và bảo vệ tốt quyền sở hữu trí tuệ, cần phải được đối phó nghiêm chỉnh. Đó là các lãnh vực cần phải quan tâm – và ở một mức độ nào đó Chính quyền Obama đã làm như vậy và không ngại ngùng đưa TQ ra trước WTO về những điểm này.

Theo Devin Stewart, một nhà nghiên cứu thâm niên tại Hội đồng Carnegie (the Carnegie Council) và là một nhà quan sát tình hình châu Á, Quốc hội đang thi hành điều mà ông gọi thẳng thừng là “một đường lối ngu muội. Nó đi ngược lại đường hướng mà đáng lẽ ta phải đi”. Đường hướng đúng đắn phải là tập trung vào việc khuyến khích sáng kiến ở trong nước và xây dựng cơ sở hạ tầng xã hội hơn là biến TQ trở thành một tên ác ôn toàn cầu.

Điều này nhắc tôi nhớ lại một mẩu chuyện mà tôi trao đổi với một trong những cựu biên tập viên của tạp chí Foreign Policy, Charles William Maynes, không lâu sau vụ tấn công khủng bố Ngày 11 tháng Chín. Khi tôi nhận xét nhân dân Mỹ đã đoàn kết rất nhanh chóng để chống lại Tổ chức al Qaeda và tên trùm khủng bố toàn cầu, anh ta đã mắng tôi: “Nếu không có bọn thánh chiến Hồi giáo, thì lại có bọn TQ”. Bây giờ Osama bin Laden đang ở một nơi nào dưới đáy Biển Ả Rập, có lẽ đã đến phiên TQ.

Youtube: Made in China

Michael Cohen là một nhà văn và là nhà nghiên cứu thâm niên tại Trung tâm nghiên cứu American Security Project (Dự án An ninh Mỹ).

T.N.C. dịch từ http://www.foreignpolicy.com

Nguồn youtube : mail.google.com

Dịch giả gửi trực tiếp cho BVN

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn