Vì sao Trung Quốc muốn Biển Đông

Tetsuo Kotani

Why China Wants South China Sea, The Diplomat, July 18, 2011 (http://the-diplomat.com/2011/07/18/why-china-wants-the-south-china-sea/)

Với Biển Đông, Bắc Kinh không chỉ quan tâm đến nguồn năng lượng và nguồn lợi thủy sản, khu vực này còn là bộ phận không thể tách rời khỏi chiến lược tàu ngầm hạt nhân của Trung Quốc.

Trong nỗ lực nhấn mạnh tầm quan trọng của Biển Đông đối với châu Á, nhà địa-chiến lược Nicholas Spykman đã có lần mô tả vùng biển này như là “Địa Trung Hải của Châu Á”. Thời gian gần đây, Biển Đông còn được gán cái tên “biển Caribe Trung Hoa”. Và như Ý và Mỹ tranh nhau quyền kiểm soát biển Địa Trung Hải và Caribe, Trung Quốc hiện đang theo đuổi quyền thống trị Biển Đông.

Rõ ràng, các yêu sách và khẳng định chủ quyền gần đây của Trung Quốc đã làm gia tăng căng thẳng trên vùng biển trọng yếu này. Cho đến nay, khi hầu hết dư luận tập trung vào sự thèm khát của Bắc Kinh đối với nguồn năng lượng và thủy sản dồi dào tại Biển Đông, thì từ góc nhìn của một thủy thủ tàu ngầm, với tính chất là vùng biển tương đối kín, Biển Đông là bộ phận cấu thành không thể thiếu đối với chiến lược hạt nhân của Trung Quốc. Nếu không hiểu rõ khía cạnh hạt nhân trong tranh chấp Biển Đông, thì vấn đề mở rộng hàng hải của Trung Quốc có ý nghĩa không đáng kể.

Sở hữu vũ khí hạt nhân đánh chặn đáng tin cậy trên biển là một ưu tiên trong chiến lược quân sự Trung Quốc.

Tàu ngầm loại 092 lớp Hạ, là tàu ngầm hạt nhân mang tên lửa đạn đạo, được trang bị tên lửa đạn đạo tầm ngắn JL-1 phóng từ tàu ngầm (SLBM), chưa bao giờ tiến hành một cuộc tuần tra ngăn chặn nào từ biển Bột Hải kể từ khi loại tàu ngầm này ra mắt vào những năm 80. Tuy nhiên, Trung Quốc bước đầu trang bị được khả năng phản công hạt nhân đáng tin cậy với việc trình làng tên lửa đạn đạo JL-2 (có tầm bắn dự kiến lên đến 8.000 km ), phối hợp với các tên lửa đạn đạo xuyên lục địa DF-31 và DF-31A bắn từ hệ thống phóng di động mặt đất. Bên cạnh đó, Trung Quốc cũng có kế hoạch xuất xưởng đến 5 chiếc tàu ngầm loại 094 lớp Tấn, là loại tàu ngầm hạt nhân trang bị tên lửa đạn đạo JL-2, trong lúc đang tiến hành xây dựng căn cứ tàu ngầm bí mật tại đảo Hải Nam trên Biển Đông.

Có thể thấy rõ, Trung Quốc đang dồn mọi nỗ lực không để Biển Đông ảnh hưởng đến các đường biên giới của họ, như Liên Xô đã từng làm trên biển Okhotsk trong Chiến tranh lạnh. Khi đó, Liên Xô sử dụng các tàu ngầm hạt nhân mang tên lửa đạn đạo nhằm đảm bảo ngăn chặn khả năng Mỹ có thể tiêu diệt các tên lửa liên lục địa bố trí trên mặt đất. Với nhu cầu cần đảm bảo lực lượng phòng thủ trước các cuộc tấn công, nhu cầu chỉ huy và kiểm soát hiệu quả, các tàu ngầm hạt nhân mang tên lửa đạn đạo của Liên Xô phải được triển khai gần lãnh thổ quốc gia, với các tên lửa tầm xa để tấn công các mục tiêu trên phần lục địa của Mỹ. Ngoài biển Barents, Moscow ưu tiên làm cho biển Okhotsk thành nơi ẩn náu an toàn cho các tàu ngầm hạt nhân mang tên lửa đạn đạo, bằng cách nâng cấp hệ thống phòng thủ trên quần đảo Kuril, tăng cường quân số Hạm đội Thái Bình Dương trú đóng tại Vladivostok. Hạm đội Thái Bình Dương của Liên Xô từng triển khai 100 tàu ngầm, kết hợp với 140 tàu chiến mặt nước, gồm một tàu sân bay hạng nhẹ lớp Kiev để yểm trợ lực lượng phòng thủ tại biển Okhotsk.

Tương tự, Trung Quốc cũng muốn đảm bảo các lực lượng của họ hiện diện trên Biển Đông cũng như điều chỉnh học thuyết và chiến lược biển cho phù hợp. Hiện nay, sứ mệnh tác chiến hàng đầu của lực lượng Hải quân thuộc Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc là: 1) Đảm bảo các tuyến đường biển tiếp cận Đài Loan; 2) tiến hành các hoạt động trên vùng biển Tây Thái Bình Dương nhằm ngăn chặn không cho các lực lượng đối phương có thể tự do hành động; 3) bảo vệ các tuyến liên lạc viễn thông của Trung Quốc trên biển; và 4) ngăn chặn, phá hoại các tuyến thông tin liên lạc của đối phương. Với việc ra đời tàu ngầm loại 094, hải quân Trung Quốc phải gánh thêm nhiệm vụ hàng đầu nữa là bảo vệ các tàu ngầm hạt nhân mang tên lửa đạn đạo của họ, nhiệm vụ này đòi hỏi Trung Quốc phải tiêu diệt lực lượng chống tàu ngầm chiến lược của đối phương, chấm dứt sự kháng cự của các quốc gia có đòi hỏi chủ quyền trong khu vực Biển Đông.

Năng lực chống tiếp cận/ngăn chặn xâm nhập của Trung Quốc, đặc biệt các tàu ngầm hạt nhân tấn công ít tiếng ồn hơn, có thể được sử dụng để đối phó với các hoạt động tác chiến chống tàu ngầm của đối phương. Các tàu sân bay của Trung Quốc, một khi đi vào hoạt động, sẽ được triển khai trên Biển Đông nhằm dập tắt tiếng nói của các nước láng giềng có yêu sách chủ quyền lãnh hải.

Chiến lược này có cách đây gần hai thập niên, khi Trung Quốc bắt đầu bao vây Biển Đông để lấp đầy khoảng trống quyền lực tạo ra bởi sự kiện các lực lượng Mỹ rút khỏi Philippines vào năm 1991. Trung Quốc tái khẳng định đòi hỏi chủ quyền “mang tính lịch sử” đối với toàn bộ các đảo, bao gồm các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, chiếm 80% của 3,5 triệu km2 diện tích Biển Đông theo đường chữ U chín đoạn, cho dù Trung Quốc không có cơ sở pháp lý quốc tế để yêu sách như vậy.

Những hòn đảo nói trên có thể dùng làm các căn cứ kiểm soát hải phận và không phận, phục vụ các hoạt động giám sát, do thám, tình báo, và là các cứ điểm để đòi hỏi chủ quyền sâu rộng hơn trên Biển Đông, tạo điều kiện mở rộng tầm hoạt động của các tàu chiến, tàu ngầm mang tên lửa đạn đạo của hải quân Trung Quốc. Phía Trung Quốc cũng diễn giải Công ước Liên hợp quốc về Luật biển (UNCLOS) một cách tùy tiện, và không chấp nhận các hoạt động quân sự của các tàu nước ngoài, các chuyến bay trên vùng biển Trung Quốc có tuyên bố chủ quyền.

Tuy nhiên, cố gắng của Trung Quốc nhằm thống trị Biển Đông gặp phải các thách thức đáng kể. Đòi hỏi chủ quyền của Trung Quốc không chỉ làm bùng lên làn sóng phản đối từ các nước có yêu sách chủ quyền Biển Đông, mà còn làm dấy lên mối quan ngại từ các quốc gia biển như Mỹ, Nhật, Úc và Ấn Độ.

Sau hết, Biển Đông được xem là tuyến hàng hải quốc tế, không giống biển Okhotsk. Thêm vào đó, vì tầm bắn của tên lửa JL-2 từ Biển Đông không thể chạm đến Los Angeles, nên các tàu ngầm loại 094 cần tiến vào biển Philippine, nơi Hải quân Mỹ và Lực lượng phòng vệ biển Nhật bản tiến hành nhiều hoạt động tác chiến chống tàu ngầm.

Để giảm căng thẳng với các nước láng giềng có yêu sách chủ quyền ở Biển Đông, Trung Quốc đã tiến hành các cuộc đối thoại và tham vấn với các quốc gia này từ những năm 90. Kết quả là Tuyên bố ứng xử các bên ở Biển Đông năm 2002 ra đời, kêu gọi các giải pháp hòa bình thông qua đối thoại. Nhưng Trung Quốc tỏ thái độ miễn cưỡng trong việc ký kết Quy tắc ứng xử Biển Đông mang tính ràng buộc. Phản ứng với các đòi hỏi gần đây của Trung Quốc, Việt Nam và Philippines đã tiến hành các cuộc tập trận bắn đạn thật trong vùng biển tranh chấp, tăng cường quan hệ với Mỹ, cả hai đều xem sự hiện diện của Mỹ ở Biển Đông như là lực lượng ngăn chặn đáng chú ý nhất.

Về phần mình, Mỹ đã có sự chống đối rõ ràng với với yêu sách của Trung Quốc tại các diễn đàn khác nhau trong khu vực, qua sự nhấn mạnh lợi ích của Mỹ trong vấn đề tự do hàng hải. Gần đây, Mỹ tuyên bố triển khai các tàu chiến ven biển ở Singapore, với hy vọng sự hiện diện của Mỹ sẽ gia tăng hiệu quả ngăn chặn đối với yêu sách của Trung Quốc – như Anh quốc từng điều động thiết giáp hạm HMS Prince of Wales và tuần dương hạm HMS Repulse tại vùng biển mệnh danh “Gibraltar phía Đông” để đánh chặn hải quân Đế quốc Nhật bản.

Mặt khác, các đòi hỏi chủ quyền quá đáng của Trung Quốc đã dẫn đến các sự cố va chạm với Mỹ, như vụ va chạm máy bay do thám EP-3 năm 2001 và vụ va chạm tàu thăm dò USS Impeccable năm 2009, Mỹ đang theo đuổi một hiệp định giải quyết các sự cố trên biển với Trung Quốc. Tuy vậy, Trung Quốc không hề quan tâm, bởi một hiệp định như vậy sẽ bào chữa cho việc Mỹ tiếp tục hiện diện ở Biển Đông.

Ấn Độ là một tay chơi quan trọng nữa trong khu vực Biển Đông. Theo mong đợi, Delhi sẽ sớm ra mắt tàu ngầm mang tên lửa đạn đạo đầu tiên của mình mang tên Arihant, và có kế hoạch đóng thêm hai tàu ngầm nữa được trang bị tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm K-4 có tầm bắn xa hơn. Nhưng cho đến khi Ấn Độ thành công trong việc triển khai những tên lửa SLBM tầm xa, tàu ngầm Ấn Độ vẫn cần hoạt động ở Biển Đông để đối phó với Bắc Kinh.

Úc cũng quan ngại những căng thẳng gia tăng trong khu vực. Sự ổn định ở Đông Nam Á trong chính sách “tiếp cận về phía Bắc” của Úc được các nhà làm chính sách xem là đặc biệt quan trọng, khi một quốc gia thù địch có khả năng thể hiện sức mạnh với Úc, hoặc đe dọa các tuyến hàng hải thương mại và cung cấp năng lượng của Úc. Vì vậy, Úc được kỳ vọng sẽ tăng cường hiện diện quân sự ở vùng phía Bắc trong khi cho phép quân đội Mỹ được quyền tiếp cận các căn cứ Úc nhiều hơn.

Trong lúc đó, về phía Nhật cũng có lợi ích chiến lược ở Biển Đông, là tuyến đường biển then chốt khi 90% lượng dầu nhập khẩu của Nhật phải đi qua đây. Cán cân sức mạnh ở Biển Đông tác động rất lớn đến vấn đề an ninh ở các vùng biển xung quanh Nhật, có tên gọi là biển Hoa Đông và biển Philippine. Ngoài ra, nếu Trung Quốc thành công trong việc giành được khả năng giáng trả trên biển bằng cách khống chế Biển Đông, thì điều này sẽ làm xói mòn niềm tin vào sự ngăn chặn mở rộng của Mỹ.

Nhật đã công bố Đường lối Chương trình Quốc phòng mới vào tháng 12/2010, kêu gọi nâng cao hoạt động của hệ thống vũ khí thu thập tin tức, giám sát và trinh sát (ISR) dọc theo chuỗi đảo Lưu Cầu và tăng cường hạm đội tàu ngầm. Trong cuộc họp Nhật-Mỹ 2+2 gần đây, Tokyo và Washington đã bàn về việc duy trì an ninh biển, củng cố quan hệ với ASEAN, Úc và Ấn Độ trong các mục tiêu chiến lược chung.

Tất cả điều này cho thấy Trung Quốc gặp phải tình thế tiến thoái lưỡng nan trong vùng biển “Okhotsk Trung Hoa”. Càng mong muốn thống trị Biển Đông, Trung Quốc càng vấp phải nhiều chống đối. Để tránh tình trạng trở nên xấu hơn, Trung Quốc nên điều chỉnh lại đường yêu sách 9 đoạn cho phù hợp với UNCLOS (và Mỹ nên tham gia UNCLOS ngay lập tức). Chừng nào Trung Quốc vẫn còn tiếp tục thái độ đòi hỏi chủ quyền vô lý, các quốc gia láng giềng ven biển sẽ tăng cường hợp tác chiến lược với Mỹ, Ấn Độ, Úc và Nhật nhằm thiết lập mạng lưới tác chiến chống tàu ngầm trong khu vực.

Nhưng trách nhiệm không chỉ về phía Trung Quốc – các nước khác trong khu vực nên hợp tác với nhau. Ở những nơi có thể, việc hợp tác cùng phát triển tại các vùng biển tranh chấp nên được theo đuổi. Một lĩnh vực khác mà các quốc gia có thể cùng làm việc với nhau, đó là hợp tác đối phó mối đe dọa đang tăng lên của nạn cướp biển trên Biển Đông. Trong khi ấy, các nước trong khu vực nên tiếp tục cuộc đối thoại với Trung Quốc về chủ đề an ninh biển ở những nơi như Diễn đàn Khu vực ASEAN và Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á.

Điều này sẽ không dễ dàng, nhưng thảo luận thấu đáo để đạt được một bộ quy tắc ứng xử Biển Đông sẽ tạo cơ hội tuyệt vời nhằm tránh xung đột vũ trang.

T.K.

Tetsui Kotani là Cộng tác viên Nghiên cứu Đặc biệt của Viện Okazaki, Tokyo

Bản dịch của Viet-studies

Nguồn: Viet-studies.info

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn