Tuần trăng mật

L.H.M.T.

Trong một tuần vừa qua, những người quan tâm đến vấn đề Biển Đông ở nước ta nhận được nhiều tin vui, trong đó nổi bật là việc “Quốc hội dành 1h30 phút cho Biển Đông trong kỳ họp đầu tiên” và các bài viết của nhóm phóng viên Biển Đông trên báo Đại Đoàn Kết (nổi bật là việc giải thích công hàm Phạm Văn Đồng).

Nhận định của nhiều đài báo nước ngoài cho rằng đây là một bước thành công trong việc gây sức ép đến các ông nghị trong nước đối với vấn đề chủ quyền quốc gia thông qua các cuộc biểu tình, các đơn kiến nghị của nhân sĩ, tri thức gửi đến chính quyền.

Tuy nhiên, bên cạnh đó không phải không có một nỗi lo, đó là việc hành động “đạp mặt”, “khiêng người”, “dồn xe bus” trong đợt biểu tình 17/7 vừa qua được cho là giới hạn của chính quyền trong cách xử lý vấn đề biểu tình... Nó đem lại cho nhiều người sự phẫn uất, bức xúc, nhưng nó cũng đem lại cho nhiều người những lo nghĩ trước sự tiến triển trong vấn đề Biển Đông ở ý thức các ông nghị.

Liệu có hay không một sự làm giảm nhiệt hay “dỗ dành” các nhân sĩ, trí thức bằng 1h30 về Biển Đông nhằm tranh thủ các phiếu bầu trong việc giành lá phiếu các đại biểu cử tri Quốc hội trong việc nắm lấy các chức vụ lãnh đạo để rồi sau đó trở mặt tiến hành dẹp loạn, kiên quyết “không để tình trạng biểu tình” núp dưới danh “chống gây rối trật tự trị an” được tái diễn trong chiều chủ nhật?

Việc sử dụng các bài báo của nhóm phóng viên Biển Đông trên báo Đại Đoàn Kết cũng làm cho nhiều người nhớ lại đã từng có một loạt bài như vậy trên báo Tuổi Trẻ diễn ra sau cuộc biểu tình năm 2007 nhưng sau đó vì một lý do nào đó bị ngừng lại vô thời hạn.

Phải chăng, đây là cách an ủi dư luận theo ý của một số vị nào đó nhằm lấy lại mặt định hướng dư luận, hay muốn thoát khỏi cái tội danh “nền báo chí nô bộc” như nhiều người bây giờ nhìn nhận.

Nhưng dù thế nào đi nữa, những bước chuyển trên dù thật hay giả, dù tạm thời hay mang tính lâu dài thì nó vẫn là một món quà quý (hiếm) dành cho những nỗ lực của những con người đã bằng bài viết, lời ca, những lần xuống đường, đã loại bỏ những suy nghĩ vật chất tầm thường, những suy nghĩ thiệt hơn khi “xuống đường tìm về biển đảo Hoàng Sa – Trường Sa”, những đợt chống chịu với các cuộc tấn công DDos...

Nó tiếp sức lực cho sự mạnh dạn rút ra khỏi ốc vỏ bấy lâu để “nói lên những gì mình nghĩ, làm những gì mình thấy cần làm”, nó làm cho những người đi xuống đường có thêm những kinh nghiệm cho lần sau, những kinh nghiệm cho việc biểu thị sức mạnh của lòng tự tôn dân tộc một cách hợp nhất chứ không phải càng về sau càng rời rạc, nó cũng làm cho những ông nghị hiện tại hay từng làm trong quá khứ phải có nhiều suy nghĩ hơn, nhiều nhận định đứng đắn hơn về thế hệ thanh niên ngày nay, một thế hệ không phải là sự “sexy, thác loạn, xé áo, hút chích” mà là một thế hệ tiềm ẩn bên trong sự sôi sục của lòng yêu nước... mà chỉ cần một tia lửa, nó sẽ làm bùng cháy, lan rộng.

Kết quả trên cũng cho thấy, sức mạnh của internet và lối đi cho chính quyền, một thế giới internet rộng lớn, kết nối không ngừng tới từng cá nhân với hàng tỉ tỉ thông tin được luân chuyển trong một giây không thể nào dừng chỉ vì một cái tường lửa, các lần tấn công DDos, hay gây sức ép cấm không đọc các tin lề trái của cơ quan an ninh... Nó cũng làm cho việc quản lý báo chí phải từ bỏ cái lối “thủ cựu” mang đầy tính mác-xít, từ bỏ lối thông tin độc quyền, một cửa, một nhận định sang lối thông tin đa chiều, đa nhận định, đi từ thông tin không quyền lực, chỉ phục vụ cho nhóm người sang quyền lực thứ tư của nhân dân...

Âu, dù tuần trăng mật dù ngắn nhưng dẫu sao hệ quả của nó sẽ mở ra nhiều con đường, nhiều dư vị ngọt ngào hơn về sau trên sự nỗ lực, đấu tranh không ngừng, không mệt mỏi...

L.H.M.T.

Tác giả gửi trực tiếp cho BVN.

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn