Ðất Trung Quốc giáp biên giới Việt Nam: HUYỆN PHÒNG THÀNH

Hồ Bạch Thảo

Huyện Phòng Thành tại phía tây nam châu Khâm ; năm Vạn Lịch thứ 34 [1606] Phó tổng binh Dương Ứng Xuân lập trấn Phòng Thành để chế ngự lưu khấu cùng bọn cướp biển. Theo Thanh sử cảo trước kia đất này thuộc châu Khâm, năm Quang Tự thứ 14 [1888] lấy 2 ty Phòng Thành và Như Tích lập ra huyện Phòng Thành, vị trí tại phía tây nam châu Khâm 100 lý [58 km]. Phía tây bắc huyện giáp Thập vạn đại sơn ; phía tây nam từ núi Long Sơn sườn núi hiểm trở ra đến biển, trước đây đất này thuộc về Việt Nam, năm Quang Tự thứ 13 [1887] được nhập vào. Việc nhượng đất này do bởi hòa ước Thiên Tân, ký giữa thực dân Pháp và nhà Thanh, trong đó có điều khoản rằng nước Pháp trả lại những chỗ hải quân đã chiếm giữ tại mặt bể ; rồi để làm vừa lòng Trung Quốc, lúc bấy giờ người Pháp đã đem một vùng đất Việt Nam giáp biển nhượng cho họ. Việt Nam sử lược của Trần Trọng Kim chép về hòa ước Thiên Tân như sau:

Hòa ước Thiên Tân: Bên Pháp tiếp được điện tín của trung tướng Brière de l'Isle đánh về nói quân Pháp phải bỏ thành Lạng Sơn, thì lòng người náo động cả lên. Thủ tướng Jules Ferry phải từ chức. Chính phủ Pháp thấy sự chiến tranh không lợi bèn ký tờ giao ước đình chiến với nước Tàu. Rồi một mặt thì truyền lệnh cho sứ thần nước Pháp ở Bắc Kinh là ông Patenôtre lập tờ hòa ước với chính phủ Tàu ; một mặt thì cho quân sang tiếp ứng Bắc Kỳ và sai trung tướng Roussel de Courcy làm Thống đốc quân dân sự vụ, trung tướng Warnel làm tham mưu tổng trưởng, cùng với thiếu tướng Jamont và thiếu tướng Prudhomme đem hai sư đoàn sang Bắc Kỳ. Chính phủ Tàu thấy chiến tranh không có lợi, bèn thuận ký tờ hòa ước, và lập tức sai quan sang Hà Nội truyền lệnh cho quân Tàu phải rút về.

Ngày 27 tháng 4 năm Ất Dậu (1885) là năm Quang Tự thứ 11, ông Patenôtre và ông Lý Hồng Chương ký tờ hòa ước, đại lược nói rằng nước Tàu nhận cuộc bảo hộ của nước Pháp ở nước Việt Nam, và lại hòa thuận buôn bán như cũ. Nước Pháp thì trả lại các chỗ mà hải quân đã chiếm giữ ở mặt bể, và thuận bỏ cái khoản tiền binh phí không đòi nữa. Ngày hôm quan hai nước ký tờ hòa ước ở Thiên Tân, thì hải quân trung tướng Courbet phải bệnh mất ở gần đảo Đài Loan. Hải quân của Pháp cũng chiếu theo điều ước mà rút quân về.

Dưới thời Trung Hoa Nhân Dân Cộng Hòa Quốc huyện Phòng Thành được sáp nhập vào tỉnh Quảng Tây ; lãnh thổ huyện này hợp với huyện Thượng Tư tạo thành Phòng Thành cảng thị, diện tích 6.113 km2. Phòng Thành cảng thị được chia làm 4 đơn vị hành chánh:

Bản đồ vùng đất giáp Việt Nam: Phòng Thành Cảng Thị

clip_image001

Chú thích địa danh quan trọng:

Dongzhongzhen: Ðồng Trung trấn
Dongxing: Ðông Hưng thị
Fangcheng: Phòng Thành khu
Gangkou: khu Cảng Khẩu
Jangpingzhen: Giang Bình trấn
Maluzhen: Mã Lộ trấn
Nadongxiang: Na Ðồng Hương
Naliangzhen: Na Lương trấn

clip_image003

Trong 4 đơn vị hành chánh nêu trên, ngoại trừ huyện Thượng Tư sẽ đề cập tại mục phủ Nam Ninh, 3 đơn vị còn lại liệt kê chi tiết như sau:

1. Khu Cảng Khẩu gồm các trấn như: Công Xa, Quang Ba, Xí Sa.

2. Khu Phòng Thành chia làm 6 trấn 8 hương:

* Trấn Phòng Thành có 8 xã khu, 14 thôn ủy hội:

- 8 xã khu: Châu Hà, Trấn Hạ Linh, Tam Quan, Hỏa Xa Trạm, Ðông Môn, Trung Sơn, Trúc Viên, Mộc Ðầu Than.

- 14 thôn ủy hội: Thành Ðông, Phật Ðường, Tam Ba, Thạch Lãnh, Xung Luân, Xung Nhẫm, Na Thiên Hoa, Ðan Trúc Giang, Lý Nhị Giang, Ðại Vương Giang, Hoàng Trúc Ðường, Thành Nam, Thủy Doanh, Sa Phụ.

* Trấn Ðại Lục gồm 1 xã khu Ðại Lục và 16 thôn ủy hội: Ðại Lục, Bách Lý, Thành Nhẫm, Na Dư, Na Bài, Sơn Trung, Mễ Phong, Hoành Lộ, Na Vi, Na Phê, Na Lôi, Na Mễ, Ðức Lan, Mễ Trung, Na Ðức, Vạn Ðức.

* Trấn Hoa Thạch gồm 7 thôn ủy hội: Hoa Thạch, Xung Mẫn, Hoàng Giang, Hạn Ðường, Na Loan, Na Ðông, Bát Bách.

* Trấn Na Lăng gồm 1 Na Lăng xã khu và 9 thôn ủy hội: Ðông Sơn, Na Ẩm, Bình Mộc, Nhẫm Ổn, Pháo Ðài, Na Lăng, Na Hạ, Na Phú, Than Lãng.

* Trấn Na Lương (1) giáp các xã Hải Sơn, Bắc Sơn, huyện Mông Cái, tỉnh Quảng Ninh nước ta. Trấn gồm Na Lương xã khu và 15 thôn ủy hội: Bắc Luân, Ngũ Liên, Hán Thành, Na Vụ, Ðại Hà, Phạm Hà, Dân Sinh, Nam Lý, Na Ngũ, Na Lâu, Ðại Thôn, Ðại Bình, Ðại Miễn, Bạch Lại, Na Vượng

* Trấn Ðồng Trung giáp huyện Bình Liêu, tỉnh Quảng Ninh ; trấn gồm Ðồng Trung xã khu và 6 thôn ủy hội: Bản Ðiển, Ðồng Trung, Khôn Mẫn, Na Lệ, Bản Hưng, Trượng Nghĩa.

* 8 hương gồm: Mao Lãnh, Phù Long, Than Doanh, Bình Vượng, Na Ðồng, Giang Sơn.

3. Ðông Hưng thị cách biên giới Việt Nam bởi sông Bắc Luân, năm 2003 chia thành 3 trấn: Ðông Hưng, Giang Bình, Mã Lộ.

* Trấn Ðông Hưng cách thị trấn Mông Cái, tỉnh Quảng Ninh, bởi sông Bắc Luân, trấn chia thành 7 xã khu và 8 hành chánh thôn:

- Xã khu: Ðông Giao, Thâm Câu, Hoa Khê, Trung Sơn, Thất Tinh, Công Viên, Bắc Giao.

- Hành chánh thôn: Trúc Sơn, Tùng Bách, Nam Mộc Sơn, Trường Hồ, Ðại Ðiền, Giang Na, Hà Châu, Ngưu Ách Lãnh.

* Trấn Giang Bình tại phía đông cửa sông Bắc Luân, chia thành 2 xã khu và 15 hành chánh thôn:

- Xã khu: Thành Nam, Thành Bắc.

- Hành chánh thôn: Vạn Vĩ, Giang Long, Thác Tổ, Trường Sơn, Ðàm Cát, Hoành Ải, Ban Ai, Giao Ðông, Sơn Tâm, Hoàng Trúc, Dung Thụ Ðầu, Tư Lặc, Na Lậu, Quí Minh, Vu Ðầu.

* Trấn Mã Lộ giáp với các xã Hải Yên, Hải Ðông, huyện Mông Cái, trấn có 1 xã khu và 8 hành chánh thôn:

- Xã khu: Hưng Quế.

- Hành chánh thôn: Mã Lộ, Ðại Kiều, Bình Phong, Trúc Vi, Ðại Vượng, Xung Lãm, Ðiếu Ứng, Bắc Liên.

Theo biên bản hội đàm phân định biên giới làm tại Mông Cái ngày 29/3/1887 [ngày5 tháng 3 năm Quang Tự thứ 13] giữa đại diện chính phủ Pháp và triều Thanh (2), như sau:

Ủy ban phân giới cắm mốc đã xác nhận từ Trúc Sơn, Trung Quốc, biên giới xuôi theo con sông nhỏ từ Trúc Sơn, đến Mông Cái (3), Ðông Hưng (4), hướng từ đông sang tây, đường trung tuyến của sông [Bắc Luân] là biên giới. Ðường biên giới chia tách các nơi như La Phù, Ðông Hưng của Trung Quốc với các nơi như Mông Cái, Mautsay của Việt Nam.

Từ Mông Cái, Ðông Hưng đến Bắc Thị, Gia Long (5), đường biên giới hơi uốn cong, đầu tiên hướng từ đông lên bắc, rồi hướng tây bắc, xuôi theo sông chảy theo hướng đông qua hai nơi này: một bên sông biên giới là sông Na Chi, Gia Long của Trung Quốc ; một bên là Thác Lĩnh, Nam Tinh, Bắc Thị của Việt Nam.

Từ Bắc Thị, Gia Long, biên giới xuôi theo đường trung tuyến sông Gia Long, sông này là một nhánh nằm phía tây Bắc Thị. Ðường biên giới kéo dài 30 dặm (1 dặm = 561 m), chạy thẳng đến nơi cách chợ cũ thôn Ðộng Trung 3 dặm về phía bắc, từ điểm A trên mảnh bản đồ số 1. Lĩnh Hoài, Phi Lao, Bản Hưng và một quả núi có tên Phân Mao Lãnh nằm sát biên giới ở đông Nam Bản Hưng thuộc Trung Quốc; các nơi xa như Na Dương, Ðộng Trung thuộc Việt Nam.

Từ điểm A, biên giới chạy về ải Bắc Cương, núi Phái Thiên, nơi đây cách thôn Bình Liêu (6) của Việt Nam khoảng 30 dặm theo đường thẳng, các đồn trạm như Bản Thôn, Na Quang thuộc Trung Quốc ; các đồn trạm như Na Dương, Trình Tường thuộc Việt Nam.

Ðặc điểm núi sông và địa vực quan trọng:

Núi Chiêu Viễn: tại phía tây bắc châu Khâm 150 lý [87 km], vốn tên là núi Than Linh, vào năm Tuyên Ðức thứ 6 [1431] Ngự sử Chu Giám trèo lên núi chiêu hàng loạn dân Hoàng Kim Quảng, nên được đổi tên là Chiêu Viễn.

Núi Thập Vạn Sơn: tại phía bắc châu Khâm 200 lý [116 km] giáp với châu Thượng Tư, mạch núi từ Ba Dương lãnh thuộc châu Thượng Tư đến. Phía tây từ châu Tư Lăng, nhấp nhô có đến 400 ngọn, sông Na Lang phát nguyên dưới núi. Lại có núi Vương Quang tại phía tây bắc châu 170 lý [98 km], giăng ngang nối liền với Thập Vạn Sơn.

Sông Phòng Thành: tại phía tây nam châu Khâm 150 lý [87 km], nguồn từ núi Thập Vạn Ðại Sơn chảy theo hướng nam đến cảng Ngư Châu ra biển. Thanh sử cảo chép sông Phòng Thành phát nguyên từ núi Nẫm Tân phía tây bắc chảy về hướng đông phía bên phải sông Hoạt Thạch nhập vào, qua huyện lỵ và tấn Thạch Qui Ðầu thì đổ vào biển.

Sông Ðại Trực: Thanh sử cảo chép phía bắc huyện Phòng Thành có sông Ðại Trực, ra khỏi ải Hổ Báo chảy về phương nam hợp với sông Mại Trúc, hướng đông nam qua Sư Tử Lãnh, sông Na Lương từ phía đông bắc hợp vào, đến phía đông hợp với sông Phượng Hoàng, hướng đông nam hợp với sông Ngư Hồng, đến Khâm châu thì ra biển.

Sông Bắc Luân: theo Thanh sử cảo, thượng nguồn sông Bắc Luân gọi là sông Văn Nghĩa phát nguyên từ Khảo Bang lãnh, hướng đông bắc đến tấn Bắc Luân lượn xuống phía nam có sông Gia Long từ tây nam nhập vào, bờ phía nam là biên giới Việt Nam ; lại hướng đông cùng sông Na Lương hợp, qua phủ Hải Ninh Việt Nam thì ra biển (7). Theo Đại Nam nhất thống chí (8), dưới triều Nguyễn phủ Hải Ninh thuộc tỉnh Quảng Yên. Phủ có hai châu: Vạn Ninh và Tiên Yên ; vị trí châu Vạn Ninh tương đương với thị xã Mông Cái, huyện Bình Liêu, Ðầm Hà và Hải Hà ngày nay ; châu Tiên Yên tương đương với huyện Tiên Yên ngày nay. Đại Nam nhất thống chí chép về phủ Hải Ninh như sau:

Phủ ở cách tỉnh thành 244 dặm [130 km] về phía đông bắc, đông tây cách nhau 233 dặm [135 km], nam bắc cách nhau 21 dặm [12 km], phía đông đến núi Bạch Long Vĩ giáp địa giới châu Khâm nước Thanh 70 dặm [40 km], phía tây đến sông huyện Hoành Bồ phủ Sơn Ðịnh 163 dặm [94 km], phía nam đến cửa Tán 18 dặm [10 km], phía bắc đến địa giới châu Thượng Tư nước Thanh 3 dặm [1,74 km]. Ðời Hán là quận Giao Chỉ, đời Lương là quận Hải Ninh, đời Tùy là quận Ninh Việt, đời Ðường là Lục Châu ; đời Minh là phía bắc châu Tĩnh Yên ; đời Lê đặt thành phủ Hải Ðông lãnh 7 châu huyện. Năm Minh Mệnh thứ 17 [1836] đổi tên hiện nay, lại trích huyện Hoành Bồ và châu Tiên Yên đặt làm phủ Sơn Ðịnh, bỏ châu Vân Ðồn, đem tổng Vân Hải lệ vào huyện Hoa Phong, công việc phủ do viên huyện Hoa Phong kiêm thự, thống hạt 2 châu Vạn Ninh và Yên Hưng. Năm Tự Ðức thứ 3 [1850] đổi huyện Nghiêu Phong lệ phủ Sơn Ðịnh, đặt tri phủ Hải Ninh kiêm lý châu Vạn Ninh và thống hạt châu Tiên Yên. Nay quản lãnh 2 châu.”

Phân Mao Lãnh: Đại Thanh nhất thống chí chép rằng Phân Mao Lãnh tại phía tây châu Khâm, Dư địa kỷ thắng chép chân núi Phân Mao Lãnh tiếp giáp An Nam. Minh thống chí chép Mã Viện nhà Hán đánh Giao Chỉ lập cột đồng tại dưới núi để chia ranh giới. Trên đỉnh núi có một loài cỏ ngọn chia làm 2 hướng, đến nay còn như vậy. Thông chí chép vào năm Tuyên Ðức thứ 2 [1427] bị chiếm mất vào châu Tân An, Giao Chỉ ; đến năm Gia Tĩnh thứ 21 [1542] Mạc Ðăng Dung quy hàng trả lại.

Sự tích về Ðồng Trụ: Phủ chí chép rằng tại tây nam châu Khâm có động Cổ Sâm, Tiết độ sứ Mã Thông đời Ðường lập đồng trụ. Về cột đồng Mã viện, sách Dư địa kỷ thắng chép rằng dưới động Cổ Sâm châu Khâm là biên giới với An Nam, có cột đồng Mã Viện, người An Nam đi qua bèn lấy đá bồi đắp vào nên trở thành gò lăng. Thuyết này kể rằng khi xây cột đồng, Mã Viện có lời thề “ Ðồng trụ xuất, Giao Chỉ diệt ”, nên dân sợ cột đồng đổ xuống bèn lấy đá bồi đắp ! Thông chí chép vào năm Sùng Trinh thứ 9 [1636] thời Minh, Tham nghị Trương Quốc Quân hỏi đồng trụ tại xa hay gần ; một phụ lão tại Thiếp Lãng tên là Hoàng Triều Hội trả lời vào năm Vạn Lịch thứ 24 [1569] từng đến nơi đó thấy ngọn cỏ chia làm 2 hướng tại 2 bên đỉnh núi, nhưng tới đồng trụ thì còn xa. Con đường phải đi từ Thiếp Lãng, Phù Long đến Bản Mông mất 1 ngày, từ Bản Mông đến Na Mông Na Lai mất 1 ngày, từ Na Lai đến Quan Lang Ðộng La mất 1 ngày, từ Ðộng La đến Giang Na 1 ngày, từ Giang Na đến Bắc Lãm 1 ngày, từ Bắc Lãm đến Bắc Quí 1 ngày, từ Bắc Quí đến Tân An 1 ngày, từ Tân An đến Bát Xích, Thạch Kiều phải đi thuyền 8 ngày mới tới nơi.

Trấn Như Tích: xưa gọi là trấn, Cửu vực chí chép huyện An Viễn có trấn Như Tích, Tống sử mục địa lý chí chép An Viễn có trại Như Tích, Dư địa kỷ thắng chép trại Như Tích nằm tại phía tây châu Khâm 160 lý [92 km], cách châu Vĩnh An Giao Chỉ 20 lý [11,6 km], chiếm một ngọn núi lớn thế rất hiểm, xưa đặt trại để coi 7 động. Thông chí chép phía tây châu Khâm có Như Tích, Liễu Cát, Thiếp Lãng, Tư Lẫm, Cổ Sâm, Thời La 7? động, đời nhà Tống lập Ðộng trưởng để trông coi, đầu đời Hồng Vũ [1368] đặt Tuần kiểm tại Như Tích để thống trị, đất này phía bắc giáp với 2 con sông tại đông và tây, phía nam giáp Giao Chỉ, vào năm Vĩnh Lạc thứ 14 [1416] tăng đặt Phật Ðào Tuần kiểm tại biên cảnh phía tây, vào năm Tuyên Ðức thứ 2 [1427] Lê Lợi tại Giao Chỉ làm loạn các động Tư Lẫm, Thời La, Cổ Sâm, Liễu Cát quy phụ họ Lê ; đến năm Gia Tĩnh thứ 19 [1540] Giao Chỉ thần phục đã nạp 4 động xâm chiếm ; vào năm Gia Tĩnh thứ 21 [1542] Tri châu Lâm Hy Nguyên định lại biên giới còn lại hai động Thiếp Lãng, Thời La mà thôi. Châu chí chép ty Như Tích xưa tại thôn Na Tô, phía tây nam châu 170 lý, nay dời đến thôn Lịch phía bắc sông Tây Giang. THANH SỬ CẢO chép Huyện thừa đóng tại Ðông Hưng, dưới quyền có 2 Tuần ty: Như Tích và Vĩnh Bình.

Ải Na Tô: tại thôn Na Tô có ải Na Tô Thanh thống chí chép vị trí tại phía tây nam châu Khâm, thuộc đô Như Tích, vào thời Tuyên Ðức An Nam đặt Thiên hộ Kim Lặc tại nơi đây, lại đặt ải Nẫm Quân tại phía đông nam Na Tô 7 lý ; ải Na Quân tại phía đông Na Tô hơn 10 dặm, phía ngoài đó là biên giới Giao Chỉ.

Những nét lịch sử về huyện Phòng Thành có liên quan đến Việt Nam

1. Sau khi vua Lê Lợi giành được độc lập, các đô Như Tích, Thiếp Lãng tại biên giới, không chịu thần phục nhà Minh:

Ngày 20 tháng 12 năm Tuyên Đức thứ 9 [19/1/1435]

Châu Khâm, Quảng Đông tâu:

Hai đô Thiếp Lãng, Như Tích tiếp giáp với huyện Vạn Ninh, Giao Chỉ. Trước đây nhân Lê Lợi phản nghịch, bọn người trong đô là Hoàng Khoan bị cưỡng bách, trợ giúp man khấu cướp tài sản của dân. Mới đây được ân mệnh chiêu phủ, bọn Khoan cam tâm nghe lời giặc không tuân theo.”

Thiên tử mệnh hành tại bộ Binh gửi văn thư cho Tam ty, Tuần Án Ngự sử Quảng Đông thẩm xét ước lượng để tiện nghi xử lý. (Minh thực lục v. 21, tr.2591-2592 ; Tuyên Tông q. 115, tr. 8a-8b)

2. Tình trạng kéo dài đến đời Minh Anh Tông ; sự việc tâu lên, nhà vua chỉ khuyên thuộc cấp nên tìm cách chiêu dụ:

Ngày 29 tháng 2 năm Chính Thống thứ 5 [1/4/1440]

Tuần vũ Quảng Đông Giám sát Ngự sử Chu Giám tâu rằng:

Dân châu Khâm bọn Hoàng Khoan làm phản theo An Nam ; chiêu phủ năm này qua năm khác nhưng không phục. Xin sắc mệnh cho quan Đại thần tại triều đình bàn bạc gửi văn thư hứa miễn thuế lương thực nếu trở về với nghề nhiệp cũ ; ngoài ra xin cử một Đô Chỉ huy thanh liêm được việc đến trấn thủ tại châu Khâm.

Thiên tử mệnh số thuế bọn Khoan thiếu, hãy ngưng lại không thu. Còn ra sắc dụ cho Tam Ty Quảng Đông rằng:

Con người ta không ai là không thích an lạc ghét khổ sở ; bọn Khoan đều do các quan lại quận huyện tham bạo ngược đãi, bất đắc dĩ phải tìm kế tự toàn. Trẫm từ khi lên ngôi đến nay, lấy sự dưỡng dân làm chính sách ; các ngươi là những người được tuyển chọn cẩn thận, hãy thể theo y trẫm, lấy lòng trung phủ dụ còn có thể cảm hóa được loài vật như cá, lợn huống gì là con ngươi ! Các ngươi mỗi người hãy cử quan cao cấp một viên, cùng với Tuần vũ, Án sát, Ngự sử thân đến chiêu dụ ; chỉ dùng những lời tử tế cảm hóa, bọn chúng nhớ ơn vui lòng khâm phục, khiến dân được yên. Lại ban một đạo sắc dụ bọn Khoan, giao các ngươi đưa đi. Khâm châu là nơi quan trọng, hãy bàn bạc chọn trong đám Đô Chỉ huy một tay lão thành thanh liêm, được việc đến trấn thủ ; không được phép sinh sự.

(Minh thực lục v. 25, tr. 1235-1236 ; Anh Tông q. 64, tr. 11a )

3. Cuối cùng nhà vua và bộ Binh bàn định chờ khi Sứ thần nước ta đến, sẽ ra sắc dụ trả lại đất:

Ngày 15 tháng 10 năm Chính Thống thứ 5 [9/11/1440]

Dân châu Khâm, Quảng Đông là bọn Hoàng Khoan từ năm đầu Tuyên Đức [1426] dụ dỗ cư dân hơn 290 hộ cùng ruộng đất, hiến cho An Nam. Trước đây đã sắc cho Tuần phủ, Án sát, Ngự sử cùng các quan tại Tam Ty mang sắc phủ dụ, nhưng bọn Khoan không tuân. Khảo xét chí thư về châu này, từ khi Hán Mã Viện bình định xong, lấy Đồng Trụ làm giới hạn phía tây nam, Phân Mao Lãnh giới hạn phía tây bắc; trong vòng giới hạn đó từ thời Hán Vũ đế đến nay đều lệ thuộc châu Khâm. Nay trong vòng Phân Mao Lãnh hơn hơn 300 dặm, trong vòng Đồng Trụ hơn 200 dặm đều do An Nam xâm lấn. Nếu như ban sắc dụ Vương An Nam trả lại đất đã xâm lấn, thì không cần phải gọi dân về, vì đã được trả lại !

Bộ Binh bàn định như sau:

Nên đợi đến ngày nước An Nam sai sứ triều cống sẽ ban sắc cho Quốc vương nước này trả lại đất đã xâm lấn. Vẫn hiểu dụ bọn Khoan rằng nếu tình nguyện đem gia đình trở về sẽ được tha tội. Sắc cho lực lượng phòng thủ, không được xâm nhiễu gây hấn nơi biên giới.”

Được Thiên tử chấp thuận. (Minh thực lục v. 25, tr. 1397-1398 ; Anh Tông Q. 72, tr. 5a-5b)

4. Năm Chính Thống thứ 7 [1442], khi Sứ thần An Nam đến, vua Anh Tông gửi sắc dụ cho vua Lê Thái Tông như sau:

Ngày 8 tháng 3 năm Chính Thống thứ 7 [18/4/1442]

Sứ thần An Nam Lê Quyến từ giã bệ rồng. Mệnh ban cho Quốc vương Lê Lân sắc ; cùng ban mũ dạ, khăn đội đầu, y phục dệt kim. Sắc như sau:

Trẫm phụng mệnh trời, coi dân bốn cõi, hải nội hải ngoại đều là con đỏ của triều đình, muốn mọi nơi được an sinh lạc nghiệp, không trái với tính trời. Tiên Hoàng đế nước ta, thể theo bụng Hoàng thiên, dẹp bỏ việc binh, thương xót dân, muốn thiên hạ được nghỉ ngơi, nên đã mệnh cha ngươi quyền coi việc quốc sự, cai trị dân một phương. Ta theo chí của người đời trước, phong ngươi làm An Nam Quốc vương để kế thừa cha ngươi, đó cũng thể theo đạo trời, với lòng nhân thương người vậy.

Năm trước Hoàng Kim Quảng, người châu Khâm, phủ Liêm Châu, Quảng Ðông bị người nước ngươi dụ dỗ, ngu muội làm điều sai quấy xưng hai đô Thiếp Lãng, Như Tích xưa thuộc An Nam. Lấy lời sàm mê hoặc cha ngươi, nên cha ngươi cho lập vệ đặt quân tại thôn Nha Cát. Bắt ép 281 hộ phải theo, xâm chiếm cương vực, dụ hiếp nhân dân, việc này do người dưới tại nước ngươi làm, cha con ngươi không biết được.

Phàm 281 hộ, chẳng đáng gây thiệt hại nơi này để có ích nơi khác; nhưng trọng tín nghĩa không thể dối trời; sắc đến sai bọn Hoàng Khoan 281 hộ, giao cho châu Khâm quản lý. Tội trạng cũng tha không hỏi đến, vệ đã lập hãy bỏ đi như cũ, để thể hiện đạo kính trời thờ nước lớn, ngươi sẽ được hưởng phúc mãi mãi. Khâm thử ! ”

(Minh thực lục v. 26, tr. 1807-1808; Anh Tông q. 90, tr. 2a-2b)

5. Lúc bấy giờ tại vùng đất Trung Quốc giáp giới nước ta, có nhiều người Việt sống lẫn lộn, nên phong tục và tiếng nói bị ảnh hưởng. Có lời tâu xin thay đổi y phục, lập thêm trường học, cẩn thận việc phòng thủ; được vua Anh Tông chấp thuận:

Ngày 17 tháng 4 năm Chính Thống thứ 14 [8/5/1449]

Người dân tên Ðặng Cung thuộc huyện Ðông Hoàn, Quảng Ðông tâu 7 điều:

- Khâm châu giáp giới Giao Chỉ, người dân tại đây ăn mặc và tiếng nói tương tự, khó mà phân biệt được rõ ràng. Xin sai quan đến nơi này thay đổi y phục theo Trung châu, lập trường học tại làng, thay đổi ngôn ngữ theo tiếng Trung Hoa. Như vậy đổi được phong tục, làm khác y phục, phát âm, để dễ biện biệt.

- Các ty tại Quảng Ðông giam giữ trọng tù; xin miễn tội chết, đến sung quân tại các vệ, sở trọng yếu thuộc châu Khâm, Liêm để đề phòng xâm lăng từ bên ngoài.

- Cho dân Lưỡng Quảng đến châu Khâm khai thác muối, để quân đội có nhiều dự trữ.

- Di chuyển các kho nghĩa thương tại vùng duyên hải vào trong nội thành, để chấm dứt sự dòm ngó của bọn giặc cướp.

- Núi Ðại Dữu Lĩnh tại Nam Hùng cây cối hiểm trở, phía đông tiếp giáp Phúc Kiến, phía tây tiếp Quảng Tây, bắc đến Giang Tây, nam đến Quảng Ðông, là nơi trọng yếu. Các Thiên hộ sở tại Nam Hùng, Nam An phải trử lương cho đủ 10 năm để đề phòng chuyện không lành.

- Thanh Viễn, Thiều Châu có đường lộ quan trọng ; mấy năm thành trì hư khuyết, nên đắp cao dày, thận trọng trong việc phòng thủ.

- Ðất đai dọc sông tại Thiều Châu, Nam Hùng, thời Hồng Vũ nhân bỏ hoang nên giảm lương ngạch nhiều. Nay quân dân lục tục khẩn hoang thành ruộng ; xin sai quan ước lượng tăng thuế theo nguyên ngạch.

Thiên tử mệnh đình thần bàn và thi hành. (Minh thực lục v. 30, tr. 3418-3419; Anh Tông q. 177, tr. 6b-7a)

6. Ðến dưới thời Gia Tĩnh, để dọn đường cho Mạc Ðăng Dung quy hàng, viên Tri châu Khâm dâng biểu lên triều đình nhà Minh xin đòi hỏi Mạc Ðăng Dung những điều kiện tiên quyết về quy hàng, trong đó có việc hoàn trả lại 4 động:

Ngày 6 tháng 4 năm Gia Tĩnh thứ 19 [11/5/1540]

Tri châu châu Khâm, Lâm Hy Nguyên dâng biểu rằng:

Thần nghĩ rằng muốn biết tình thật, bắt giao ước những điều sau đây: phải trả cho ta 4 động, lệnh để Lê Ninh (9) không mất ngôi vị, lệnh để cựu thần nhà Lê như Trịnh Duy Liêu, Vũ Văn Uyên không mất chức tước và đất, tuân theo lịch chính sóc. Theo những điều của ta là hàng, không theo là ngụy trá…(Minh thực lục v. 81, tr. 4815-4817 ; Thế Tông q.236, tr. 2a-3a)

7. Tuân theo yêu sách, trong tờ biểu xin hàng, Mạc Ðăng Dung đã chính thức dâng nạp 4 động Ti Lẫm, Kim Lặc, Cổ Sâm, Liễu Cát:

Ngày 4 tháng 4 năm Gia Tĩnh thứ 20 [29/4/1541]

...Mới đây thần nghe Tri châu châu Khâm tỉnh Quảng Đông Lâm Hy Nguyên xưng rằng các động Ti Lẫm, Kim Lặc, Cổ Sâm, Liễu Cát thuộc hai đô Như Tích, Thiếp Lãng là đất cũ của châu Khâm; nếu đúng như vậy thần xin vâng lời... (Minh thực lục, v. 82, tr. 4966-4973 ; Thế Tông q. 248, tr. 1b-5a)

8. Việc trả lại 4 động được chính thức thi hành vào năm sau, lúc này Mạc Ðăng Dung đã mất, người cháu là Phúc Hải lên thay. Viên Ðề đốc Lưỡng Quảng Thái Kinh sợ dân tại 4 động một lòng với nước cũ chống đối, nên xin lập đồn và đem ty tuần kiểm tại châu Khâm dời về đó để trấn áp:

Ngày 10 tháng 11 năm Gia Tĩnh thứ 21 [16/12/1542]

Mạc Phúc Hải sai quan thuộc Tuyên vệ ty là bọn Nguyễn Điển Kính dâng phương vật, biểu văn, nạp cống, trả lại 4 động cho châu Khâm. Thái Kinh tâu rằng:

4 động hấp nhiễm phong tục Di đã lâu, sợ chưa thuần nhất hướng theo sự giáo hóa, xin đặt đồn tại Hà Châu, đem ty tuần kiểm trước đây đặt tại châu Khâm dời đến đồn này, để khống chế các Di và dẹp tàn dư bọn ác ; khiến dân mới qui phụ có chỗ nương dựa, không còn lo sợ.

Lời tâu đưa xuống bộ Binh, được bộ này đồng ý và phúc tâu rằng:

Người đầu tiên bàn xin lấy lại 4 động này là Thiêm sự Lâm Hy Nguyên, nay đã bãi chức, nhưng công không nên quên.”

Chiếu thư chấp nhận và thưởng cho Hy Nguyên tiền và lụa. (Minh thực lục, v.82, tr. 5295-5296 ; Thế Tông q.268, tr. 3a-3b)

H. B. T.

Chú thích

(1) Nhắm lưu ý, những địa danh sát biên giới Việt Nam đều được gạch đít, ví dụ: trấn Na Lương.

(2) Tư liệu lịch sử biên giới Trung Việt, Ủy ban biên giới quốc gia, bộ Ngoai Giao xuất bản: Hà Nội, 2008, tập 3, trang 591.

(3) Phần lớn tên đất trong biên bản hội đàm phân định biên giới, so với tên hiện nay đã đổi khác. Riêng tên đất nào còn lưu lại sẽ chú thích ; như địa danh Mông Cái nằm trong khung A5 bản đồ số 25, Tập bản đồ hành chính 64 tỉnh, thành phố Việt Nam [viết tắt Bản đồ Việt Nam], nhà xuất bản Bản đồ: Hà Nội, 2005.

(4) Ðông Hưng thị: xem bản đồ đính kèm.

(5) Sông Gia Long: phụ lưu của sông Bắc Luân.

(6) Thôn Bình Liêu: xem Bản đồ Việt Nam, trang 25, khung A4.

(7) Thanh sử cảo do Sử quán thời Dân Quốc biên soạn năm 1914 xác nhận cửa sông Bắc Luân tại phủ Hải Ninh Việt Nam, nhưng theo bản đồ Google dưới đây thì cửa sông Bắc Luân nằm trong lãnh thổ Trung Quốc ; sự thay đổi xẩy ra trong vòng 100 năm nay cần được nghiên cứu kỹ.

clip_image005

Chú thích bản đồ:

a. Biên giới Trung Việt theo hướng từ Xiataling (Hạ Than Lãnh) đến Guanyinsi (Quan Âm tự)

b. Beilun river: sông Bắc Luân

c. Cửa sông Bắc Luân nằm dưới chữ Lulinchang (Lô Lâm Trường).

d. Dongxing Customs (Ðông Hưng hải quan)

(8) Đại Nam nhất thống chí, tập 4, trang 13-14.

(9) Lê Ninh tức vua Lê Trang Tông, do Nguyễn Kim tôn lên năm 1533.

Nguồn: Diendan

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn