Đối đầu với Trung Quốc

Paul Krugman

(giải thưởng kinh tế Nobel 2008)
Bình luận trên New York Times, 15/3/2010

Đỗ Trọng Tiến phỏng dịch
Tình hình càng ngày càng căng về chính sách kinh tế của Trung Quốc (TQ), và thật đáng như vậy. Chính sách của Trung Quốc giữ cho đồng nhân dân tệ (NDT) thấp giá so với tiền của các nước khác đã làm chậm việc phục hồi kinh tế toàn cầu. Ta cần phải hành động.
Vấn đề có thể hiểu được như sau: Nhiều nước đã than phiền từ năm 2003 là TQ đã dùng thủ thuật tiền tệ, bán đồng NDT và mua ngoại tệ để hạ thấp giá trị của đồng NDT và làm hàng hóa TQ xuất khẩu có tính cách cạnh tranh. Vào thời điểm đó TQ thu vào ngân khố khoảng 10 tỉ đôla tiền dự trữ mỗi tháng, và năm 2003 có được thặng dư xuất nhập là 46 tỉ đôla.

Ngày nay, TQ thâu vào ngân khố 30 tỉ đôla mỗi tháng và có 2400 tỉ đôla tiền dự trữ. Quỹ Tiền tệ Quốc tế tính rằng TQ sẽ có cán cân xuất nhập dương là 450 tỉ đôla vào năm nay (2010), nghĩa là 10 lần nhiều hơn năm 2003. Đây là một chính sách trao đổi tiền tệ méo mó nhất từ xưa tới nay mà một nước lớn đã theo đuổi.
Và đó cũng là một chính sách làm thiệt hại cho các nước khác trên thế giới. Hầu hết các nước có kinh tế lớn trên thế giới đều bị vướng vào cái bẫy tiền tệ không lưu thông – kinh tế rất chậm nhưng không thể phục hồi bằng cách giảm lãi suất bởi vì lãi suất đã xuống gần số không. Với thủ thuật tiền tệ làm tăng cán cân xuất nhập một cách vô lý, TQ mặc nhiên đã cản trở việc kích động kinh tế tại các nước này mà họ không sao tìm cách chống lại.
Trước tình hình này, chúng ta phải làm gì? Trước hết, Bộ Tài chính Hoa Kỳ không nên dối trá các con số và che giấu sự kiện.
Theo luật, Bộ Tài chính phải xuất bản hai lần mỗi năm báo cáo về các nước “có thủ thuật xảo trá về hối suất giữa tiền nước họ và đồng đôla với mục đích cản trở việc thanh toán sự mua – trả hoặc trục lợi bất xứng trong mậu dịch quốc tế”. Nội ý của luật thật là rõ ràng: báo cáo phải đặt trên sự kiện chứ không phải chỉ nói chính sách. Nhưng trong thực tế, Bộ Tài chính đã không muốn hành động gì về đồng NDT và không muốn làm việc luật pháp đòi hỏi là phải cắt nghĩa cho Quốc hội biết là tại sao lại không hành động. Thay vào đó, Bộ Tài chính đã làm như không nhìn thấy sự thật hiển nhiên này trong sáu bảy năm qua.
Chúng ta hãy xem báo cáo vào ngày 15 tháng 4 này còn như vậy không.
Nếu Bộ Tài chính kết luận rằng TQ đã dùng thủ thuật tiền tệ thì ta sẽ phải làm gì? Trước hết, ta phải đánh tan một điều hiểu sai thông thường: ta không dám khiêu khích cho TQ bán tống tháo công phiếu đôla vì TQ đã làm Hoa Kỳ bị ở thế kẹt.
Ta nên hỏi: Điều gì sẽ xẩy ra khi TQ muốn bán một số lớn các công phiếu Mỹ? Lãi suất sẽ tăng phi mã ư? Lãi suất ngắn hạn sẽ không thay đổi vì ngân khố đã giữ lãi suất ở mức gần zero và sẽ không tăng cho tới khi tỉ số người thất nghiệp hạ. Lãi suất dài hạn có thể sẽ tăng đôi chút, nhưng chính ra sẽ được định đoạt bởi sự tiên đoán của thị trường về lãi suất ngắn hạn ở thời điểm tương lai. Ngân khố cũng có thể chống lại hệ quả về lãi suất do việc TQ làm, bằng cách bành trướng việc mua công khố phiếu dài hạn.
Dĩ nhiên nếu TQ bán tống tháo công phiếu Mỹ thì đồng đôla sẽ hạ giá so với các tiền tệ khác như đồng euro. Nhưng đó lại tốt cho Hoa Kỳ, bởi vì hàng hóa của ta sẽ có thể cạnh tranh hơn và càn cân xuất nhập của ta sẽ tốt hơn. Ngược lại, TQ sẽ thiệt thòi vì tài sản tính bằng đôla bị thua lỗ. Nói tóm lại, hiện nay Hoa Kỳ làm TQ ở thế kẹt, chứ không phải là ngược lại.
Vậy thì ta không có lý do gì phải sợ TQ. Nhưng ta phải làm gì?
Có người vẫn cho rằng ta phải lý luận nhẹ nhàng chứ không nên đối đầu với TQ. Nhưng ta đã lý luận với TQ bao nhiêu là năm mà vẫn chẳng đi tới đâu, trong khi đó thì ngân khố TQ tăng phồng. Vào ngày 13/3/2010 Thủ tướng Ôn Gia Bảo của TQ tuyên bố kỳ cục là tiền tệ của TQ không phải giá thấp. Và ông Ôn còn cáo buộc các nước khác là muốn hạ giá đồng tiền của mình để tăng xuất khẩu, một việc mà chính TQ đang làm. (Viện Nghiên cứu Kinh tế Quốc tTế Peterson phỏng tính rằng đồng NDT bị thủ thuật làm thấp giá từ 20 tới 40 phần trăm.)
Nhưng nếu lý luận ngọt ngào không ăn thua thì ta còn có cách nào khác? Vào năm 1971, Hoa Kỳ đã giải quyết một vấn đề tương tự nhưng không trầm trọng như bây giờ về việc các đối tác mậu dịch giảm giá tiền tệ của họ, bằng cách đánh thuế 10% vào hàng nhập khẩu. Và Hoa Kỳ loại bỏ thuế này vài tháng sau khi Đức, Nhật và các nước khác tăng hối suất tiền nước họ so với đồng đôla. Ngày nay, khó mà TQ thay đổi chính sách tiền tệ trừ phi phải đối diện với một hành động tương tự. Nhưng lần này sự tăng thuế hàng TQ nhập khẩu vào Mỹ phải lớn hơn, ví dụ 25 phần trăm.
Tôi không đề nghị chính sách cứng rắn này một cách hời hợt. Bởi chính sách tiền tệ của TQ đang làm tăng các khó khăn kinh tế của thế giới khi các khó khăn này đã rất nặng nề. Đã đến lúc ta cần phải quả quyết.
ĐTT, 3/2010
HT Mạng Bauxite Việt Nam biên tập

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn