“Trưng mua, trưng dụng” một thông tư vi hiến?

Mặc Lâm, biên tập viên RFA

clip_image002

Cảnh sát giao thông tại Hà Nội, ảnh minh họa chụp trước đây. AFP

Thông tư 01 ban hành vào đầu năm 2016 đã dấy lên làn sóng phản đối rộng khắp của người dân. Theo thông tư này, người dân có thể bị trưng mua, trưng dụng tài sản, phương tiện di chuyển của họ bất cứ lúc nào khi Cảnh sát giao thông có yêu cầu. Mặc Lâm phỏng vấn Luật sư Lê Công Định để biết rõ vấn đề hơn.

Một thông tư dễ dãi

Trước tiên luật sư Định giải thích thế nào là một thông tư và sự khác nhau của thông tư đối với nghị định hay là luật như sau:

LS Lê Công Định: Thông tư là một văn bản quy phạm pháp luật nhưng ở cấp không cao tức là phạm vi áp dụng nó chỉ nhằm mục đích hướng dẫn nghị định hoặc là luật mà thôi cho nên thông tư không có quyền mở rộng phạm vi, quyền hạn ra khỏi những gì mà nghị định hay là luật cho phép.

Thông tư là một văn bản quy phạm pháp luật nhưng ở cấp không cao tức là phạm vi áp dụng nó chỉ nhằm mục đích hướng dẫn nghị định hoặc là luật mà thôi cho nên thông tư không có quyền mở rộng phạm vi, quyền hạn ra khỏi những gì mà nghị định hay là luật cho phép.

-LS Lê Công Định

Thông tư này gây tranh cãi là vì nó đã trao cho cảnh sát giao thông (CSGT) một cái quyền lớn hơn cả nghị định và luật. Chẳng hạn như liên quan đến vấn đề trưng mua trưng dụng thì đã có luật trưng mua, trưng dụng năm 2008. Luật đó chỉ trao quyền cho Bộ trưởng và Chủ tịch Tỉnh được quyền ra quyết định trưng dụng và trưng mua mà thôi. Tuy nhiên cái Thông tư 01 này lại mở rộng việc phân cấp quyền xuống tận đến CSGT do Bộ trưởng công an có cái quyền trao cho. Như vậy nó đã vô tình mở rộng phạm vi áp dụng của luật mà lẽ ra một Thông tư phải tuân thủ luật hoặc nó chỉ đặt ra những thủ tục để hướng dẫn thi hành luật mà thôi chứ không được quyền sửa đổi luật theo cách như vậy.

Mặc Lâm: Luật sư vừa nhắc tới luật trưng mua trưng thu đã có từ năm 2008 vậy thông tư này có chồng lấp và mở rộng thêm quyền cho CSGT hay không?

LS Lê Công Định: Chúng ta biết rằng luật trưng mua trưng dụng chỉ áp dụng trong một số tình huống đặc biệt chẳng hạn như vấn đề an ninh quốc phòng nhưng phải là cấp cao mới có quyền quyết định trưng mua trưng dụng được chứ không phải khi xảy ra một trường hợp cụ thể là ngay lập tức công chúng bình thường cũng có thể ra một quyết định trưng mua trưng dụng bằng miệng chẳng hạn. Bởi vì nếu mà trao cho CSGT như vậy thì anh ta chỉ có cái quyền duy nhất là ra lệnh miệng và yêu cầu người dân cung cấp ngay lập tức tài sản cho CSGT thực hiện nhiệm vụ.

clip_image004

Cảnh sát giao thông tại Hà Nội, ảnh minh họa chụp trước đây. AFP PHOTO.

Như vậy cái lệnh miệng nó đã vượt quá xa so với luật trưng mua trưng dụng năm 2008, tức là phải có một quyết định mà bằng văn bản của Bộ trưởng hay Chủ tịch Tỉnh. Chúng ta thấy rằng ngay cả trường hợp áp dụng theo luật trưng mua trưng dụng năm 2008 đã bị mở rộng bởi Thông tư này và do đó nó tạo ra sự kiện  rất nguy hiểm rằng có sự lạm dụng của CSGT, hay nói thẳng ra là cái người công chức thi hành công vụ của mình. Thông tư 01 nó trở nên rất dễ dãi mà một người CSGT có quyền ra lệnh nói rằng tôi muốn trưng dụng tài sản của anh thì trưng dụng của người dân.

Có khả năng giải quyết bồi thường hay không?

Mặc Lâm: Trong thời gian gần đây rất nhiều video clip tung lên mạng tố cáo các hành vi sai phạm của CSGT và người dân cho rằng việc cho phép CSGT tịch thu điện thoại là cách ngăn chặn người dân chứng kiến những hành vi sai trái trong ngành công an?

LS Lê Công Định: Đó là một sự suy đoán của chúng ta đối với hành vi trưng dụng. Bởi vì tài sản bị trưng dụng có thể luôn cả điện thoại nên mọi người suy đoán là có khả năng do CSGT đang bị quay bởi điện thoại di động cho nên anh ta ra lệnh trưng dụng cái điện thoại đó.

Thật ra vì luật cũng mới cho nên chúng ta suy đoán về cái Thông tư 01 này như thế nào thì cũng hơi quá sớm để có thể kết luận như vậy. Tuy nhiên đặt ra  trường hợp ngoài những tài sản có giá trị lớn chẳng hạn xe hơi hay là xe gắn máy chẳng hạn chúng ta nên lưu ý chi tiết về điện thoại di động. Cái Smart phone hiện nay nó không còn ý nghĩa là một chiếc điện thoại bình thường nữa mà nó là công cụ dùng để chứa đựng rất nhiều thông tin hoàn toàn có tính cách cá nhân hoặc có liên quan đến hoạt động kinh doanh của người sử dụng của chiếc điện thoại đó.

Đó là một sự suy đoán của chúng ta đối với hành vi trưng dụng. Bởi vì tài sản bị trưng dụng có thể luôn cả điện thoại nên mọi người suy đoán là có khả năng do CSGT đang bị quay bởi điện thoại di động cho nên anh ta ra lệnh trưng dụng cái điện thoại đó.

-LS Lê Công Định

Có thể là có những e-mail trong điện thoại hay thông tin về đời tư, hình ảnh có tính cách thuộc về cá nhân người sử dụng điện thoại. Vậy thì khi anh trưng dụng cái Smart phone thì nó không đơn thuần là cái điện thoại nữa mà nó còn bao gồm luôn cả toàn bộ những thông tin bí mật của một cá nhân thì ý nghĩa của việc trưng dụng tài sản nó lại bị vượt quá, vi phạm bí mật về đời tư hay bí mật kinh doanh của người công dân đó. Vậy thì nếu xảy ra trường hợp vi phạm thì chúng ta giải quyết như thế nào về việc bồi thường đây? Lúc đó người bị thiệt hại chẳng lẽ phải chứng minh rằng bị thiệt hại với giá trị tiền như thế nào.

Ở Việt Nam những bí mật kinh doanh hay đời tư những thì tòa án cũng không xác định mức giá trị. Một sự tổn thương về tinh thần rất lớn như vậy thì liệu Bộ công an có khả năng giải quyết bồi thường hay không. Đó là vấn đề rất là quan trọng. Đó là chưa nói khi anh xâm phạm vào bí mật đời tư, cái quyền về nhân thân, hình ảnh của người sử dụng thì như vậy anh đã vi phạm luôn quyền công dân được quy định bởi hiến pháp. Nói cách khác là anh vi phạm hiến pháp nữa.

Mặc Lâm: Thông tư số 1 của năm 2016 được cho là “nới” quyền hạn của CSGT, trong đó, ngoài quyền dừng, kiểm soát, giấy tờ của phương tiện đang tham gia giao thông thì CSGT còn có quyền “kiểm soát người và giấy tờ của người điều khiển, giấy tờ tùy thân của người trên phương tiện” có nghĩa là ai đang ngồi trên phương tiện ấy đều có thể bị khám xét kiểm tra nếu CSGT thích. Luật sư thấy việc “nới quyền” này có ý nghĩa như thế nào?

LS Lê Công Định: Điều “nới quyền” mà anh vừa nói hoàn toàn có liên quan đến việc lạm dụng. Bởi vì CSGT có quyền kiểm tra giấy tờ xe hoặc xem có vi phạm luật giao thông hay không để ghi phạt trong khi người lưu thông di chuyển trên đường phố. Vậy thì anh lấy cái quyền gì để mà anh khám xét luôn cả tài sản của người lái xe và người ngồi chung trên xe? Khi trao cho CSGT cái quyền đó qua cách dùng từ “nới quyền” nó thể hiện một sự rất là dễ dãi trong việc ban hành thông tư. Nó vi phạm hiến pháp lẫn vi phạm quyền công dân của người dân bình thường

Mặc Lâm: Xin cám ơn luật sư.

M.L.-L.C.Đ.

Nguồn: http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/compulsory-of-purchase-requisition-unconstitutional-ml-02032016082726.html

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn