Suy nghĩ về cụm từ «theo qui định của pháp luật» nhân phản ứng về quyền trưng dụng tài sản của CSGT

Nguyễn Hải Hà

Điều 5 (khoản 6) thông tư  01/2016/TT-BCA qui định cảnh sát giao thông  "Được trưng dụng các loại phương tiện giao thông; phương tiện thông tin liên lạc; các phương tiện, thiết bị kỹ thuật khác của cơ quan, tổ chức, cá nhân và người điều khiển, sử dụng các phương tiện, thiết bị đó theo quy định của pháp luật".

Cảm giác đầu tiên là đọc êm xuôi, có phần an toàn, vì mấy chữ « theo qui định của pháp luật » thường thấy trong các văn bản pháp luật của ta. Rõ ràng rồi, CSGT phải hành xử trong khung pháp luật. Nhiều người nghĩ ngay đến Luật trưng mua trưng dụng năm 2008, nói quy định trên không được trái (đúng hơn là phải tuân theo) luật này.

Thực ra, khi viết « theo qui định của pháp luật » thay vì phải viết « theo luật trưng mua, trưng dụng tài sản », Bộ công an tác giả của thông tư ngụ ý một cái khung khác. Đó là Luật về công an nhân dân. Qui định trên trong thông tư  01/2016/TT-BCA  thực chất chỉ là lấy lại một đoạn trong Luật Công an nhân dân năm 2014.  Hệ quả là CSGT khi thực thi quyền trưng dụng theo thông tư 01/2016/TT-BCA thì hiểu « theo qui định của pháp luật » nghĩa là theo Luật công an nhân dân, là luật trực tiếp trao quyền cho họ, mà không cần để tâm đến luật trưng dụng, trưng mua tài sản.

Cụm từ « theo qui định của pháp luật » không chỉ gây cảm giác (thực ra là ảo giác) an toàn mà thực chất đã vô hiệu hóa luật trưng mua, trưng dụng tài sản năm 2008. Ngay Cục kiểm tra văn bản của Bộ tư Pháp cũng dè dặt khi xác định nội dung thông tư là trái luật hay là không trái luật, mà chỉ nói « thông tư chép thiếu luật ». Nghịch lý : qui định trong luật trưng mua trưng dụng tài sản tương đối rõ và chi tiết, lại nhường bước cho một qui định chung chung và có giá trị pháp lý thấp hơn nhiều.

Như đã nói, qui định của thông tư  01/2016/TT-BCA trích ở trên chỉ là lấy lại một đoạn trong Luật Công an nhân dân năm 2014 (khoản 15 điều 15), mà đúng ra thì nội dung đã tồn tại trong Luật công an nhân dân trước đó (khoản 8 điều 14 Luật công an nhân dân 2005). Vậy tại sao quyền trưng dụng của công an nhân dân được thông qua trong luật Công an nhân dân mà không thấy « bão mạng » như hiện nay ?

Xem lại điều 15 Luật công an nhân dân 2014 thì thấy, qui định về trưng dụng chỉ có một câu, chìm trong gần 2 trang nói về nhiệm vụ quyền hạn của công an nhân dân.  Người biết luật cũng khó phân loại một cách khoa học đâu là « nhiệm vụ », đâu là « quyền hạn », đâu là « quyền » (theo nghĩa quyền lực của nhân viên công quyền), chưa nói chi đến phân tích chỗ thêm, chỗ bớt, chỗ nào trùng, chỗ nào không có ý nghĩa pháp lý (chỉ thêm vào để nghe thuận tai, đọc thuận miệng) chỗ nào là chép lại v.v.

Lại nữa, điều 15 được phát triển từ một qui định cũ (khoản 8 Điều 14 Luật công an nhân dân năm 2005). Do « na ná » như trước, nên ít người để ý thấy rằng từ « trưng dụng » trong khoản 8 điều 14 Luật công an nhân dân 2005 đã được Luật trưng mua, trưng dụng tài sản năm 2008 bỏ đi và thay bằng từ « huy động ». Sang luật công an nhân dân năm 2014, hai chữ « trưng dụng »  tái xuất hiện. Nhưng lần này được bổ sung thêm « …trong trường hợp cấp bách để bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội hoặc để ngăn chặn hậu quả thiệt hại cho xã hội đang xảy ra hoặc có nguy cơ xảy ra » (Khoản 15, điều 15). Đoạn thêm « na ná » điều 5 Luật trưng mua trưng dụng tài sản, có lẽ vì vậy mà không gây phản ứng nào.

Nhưng điều đáng nói nhất là, trong khoản 15, điều 15 luật công an nhân dân năm 2014 ta gặp lại cụm từ « theo qui định của pháp luật ». Người soạn luật công an nhân dân 2014 đương nhiên biết đến luật trưng mua, trưng dụng, tại sao không nói thẳng « theo qui định của luật trưng mua trưng dụng » đã ban hành ?

Thực chất, cụm từ « theo qui định của pháp luật » ở đây mang sắc thái khác, tạo ra một sự mù mờ, che đi một thực tế là luật công an nhân dân đã thay thế de facto luật trưng mua trưng dụng tài sản, mở đường về mặt pháp lý cho một chế định trưng dụng riêng cho công an nhân dân.

Vậy vấn đề không phải ở cái thông tư mà là ở một qui định đã được cài vào luật công an nhân dân từ 2 năm trước… Công an nhân dân không chỉ có CSGT mà còn có cả công an xã nữa…

Kiểm tra lại thấy chỉ riêng trong điều 15 luật công an nhân dân năm 2015 đã có 17 lần cụm từ « theo qui định của pháp luật » được sử dụng. Cái nào sẽ là nguồn tranh cãi tiếp theo đây ?

N.H.H.

Tác giả gửi BVN

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn