So sánh Dự luật về hội của Việt Nam với Đạo luật đăng ký hiệp hội New South Wales (Úc)

Ls Nguyễn Văn Thân

Trong tháng 6 vừa qua, Bộ Nội vụ Việt Nam đã công bố Dự luật về hội để lấy ý kiến. Cho tới nay thì đã có một số người đóng góp ý kiến. Đa số cho rằng Dự luật này không phản ánh đúng quyền tự do hiệp hội mà chính Hiến pháp Việt Nam công nhận.

Đạo luật Đăng ký hiệp hội (Associations Incorporation Act) của bang New South Wales (NSW) được ban hành từ năm 1984 và được tu chính vào năm 2009. Các tiểu bang khác cũng có đạo luật tương tự. Trước khi so sánh Dự Luật về hội của Việt Nam với Đạo luật đăng ký hiệp hội NSW, chúng ta nên lượt qua một vài đặc điểm trong tiến trình làm luật giữa Úc và Việt Nam.

Tại Úc, chính quyền (Đảng cầm quyền) thường là qua một vị bộ trưởng đại diện đệ trình một dự luật (Bill) trước Quốc hội để thảo luận. Sau khi Quốc hội biểu quyết thông qua, dự luật sẽ được trình lên Toàn quyền hoặc Tổng Toàn quyền phê chuẩn và chính thức trở thành một Đạo luật (Act). Đạo luật phải tuân thủ hiến pháp. Đạo luật nào vi phạm hiến pháp thì không có hiệu lực pháp lý.

Đạo luật cho phép chính quyền ban hành Sắc luật (Regulation), Điều luật (Rules) hoặc Quy định (By-laws) gọi chung là các điều luật phụ thuộc để khai triển và áp dụng chi tiết và cụ thể các điều khoản trong Đạo luật đó. Ví dụ như Điều 6(6) của Đạo luật đăng ký hiệp hội NSW quy định khi nộp đơn đăng ký mà không kèm theo một bản nội quy thì Nội quy mẫu (Model Constitution) mặc nhiên áp dụng và trở thành Nội quy của hiệp hội nộp đơn đăng ký đó. Điều 10 của Sắc luật đăng ký hiệp hội (Associations Incorporation Regulation) quy định các điều khoản của Nội quy mẫu. Sắc luật không thể đi ngược với các điều khoản của Đạo luật mà chỉ có thể cung cấp thêm chi tiết để giúp đạo luật vận hành một cách suôn sẻ. Khi có tranh chấp về ý nghĩa hoặc cách áp dụng của đạo luật hoặc sắc luật hoặc là sắc luật có đi ngược lại tinh thần của đạo luật hay không, các bên liên hệ có thể đệ đơn xin tòa phán quyết. Dĩ nhiên, Quốc hội có thể phủ quyết sắc luật mà Quốc hội cho là đi trái với tinh thần đạo luật bất cứ lúc nào.

Còn hệ thống pháp luật tại Việt Nam thì theo chính Bộ trưởng Tư pháp Hà Hùng Cường thú nhận là “phức tạp nhất thế giới”, Rất nhiều văn bản với nhiều chủ thể khác nhau nên hệ thống pháp luật rất phức tạp, rất khó tuân thủ và chi phí rất lớn”. Hiến pháp Việt Nam do Quốc hội ban hành. Trong khi đó tại Úc hoặc các quốc gia dân chủ trên thế giới, hiến pháp chỉ có thể được ban hành hoặc tu chính bởi chính người dân qua một cuộc trưng cầu dân ý phổ thông đầu phiếu. Trong một thể chế liên bang như Úc thì không chỉ cần có đa số phiếu trong mỗi tiểu bang mà còn cần đa số tiểu bang chấp thuận. Quốc hội Việt Nam cũng ban hành luật hoặc bộ luật nhưng còn có Nghị quyết, Pháp lệnh của Quốc hội, Nghị định, Quyết định của Chính phủ, Chủ tịch hoặc Thủ tướng, Thông tư của các Bộ trưởng và của Hội đồng Thẩm phán Tòa án Nhân dân Tối cao (TANDTC) và Viện Kiểm sát, Thông tư Liên tịch giữa Chánh án TANDTC và Viện trưởng Viện Kiểm sát. Đặc điểm của luật pháp Việt Nam là sự rườm rà, chồng chéo và mâu thuẫn lẫn nhau mà không có phương pháp giải quyết. Theo một bản báo cáo của Bộ Tư pháp gần đây thì trong 10.000 luật sư chỉ có ba người có đủ trình độ tiếng Anh tư vấn cho các nhà đầu tư nước ngoài, có hơn 13% số văn bản pháp lý bị kiểm tra vi phạm luật và 43% vi phạm Hiến pháp.

Theo luật Úc, hiệp hội có hai đặc điểm chính là phi lợi nhuận (non-profit) và phi chính phủ (non- government). Hiệp hội có thể gây quỹ nhưng phải sử dụng cho mục đích của hội chớ không được trả lợi nhuận cho hội viên. Hiệp hội có thể đăng ký hoặc không đăng ký. Cần phân biệt rõ giữa hai khái niệm đăng ký và thành lập. Hiệp hội có thể thành lập bất cứ lúc nào và cũng chẳng cần xin phép ai vì trên căn bản hiệp hội là mối quan hệ giữa một nhóm người dựa trên một số điểm đồng thuận nào đó. Lợi điểm của việc đăng ký là hiệp hội sẽ có một tư cách pháp nhân riêng biệt. Có nghĩa là hiệp hội có đăng ký có quyền làm chủ tài sản, ký kết hợp đồng, có quyền đứng đơn kiện cũng như bị kiện. Nếu không đăng ký thì hội không có tư cách pháp nhân và tất cả các thành viên hoặc các thành viên trong ban điều hành phải ký hợp đồng, đứng đơn kiện hoặc chịu bị kiện. Do đó, đăng ký tư cách pháp nhân là một hình thức bảo vệ hội viên cũng như tách biệt hoạt động của hội từ sinh hoạt hoặc đời sống của mỗi cá nhân hội viên. Hội viên chỉ có trách nhiệm đóng niên liễm và tuân thủ nội quy. Chỉ riêng tại tiểu bang NSW thì ước lượng có tới hàng ngàn hiệp hội có đăng ký và hàng chục ngàn hội không có đăng ký gồm có các tổ chức văn hóa, nghệ thuật, thể thao, xã hội, chính trị, các cộng đồng sắc tộc, tôn giáo, từ thiện, ái hữu, chuyên gia, môi sinh, nghiệp vụ..., nói chung là mọi sinh hoạt trong xã hội. Thông thường thì những hội không có tầm vóc lớn ví dụ như các hội ái hữu hoặc không có nhu cầu gây quỹ thì không cần phải đăng ký. Điều kiện đăng ký đơn giản chỉ cần có ít nhất 5 hội viên ký hoặc ủy quyền nộp đơn xin đăng ký với Bộ Mậu dịch Công bằng (Fair Trading) kèm theo một văn bản liệt kê mục đích và lệ phí đăng ký (hiện nay khoảng $160). Nếu muốn có thể gửi kèm theo một bản nội quy. Bằng không thì Nội quy mẫu sẽ áp dụng. Thông thường thì Bộ sẽ gửi chứng chỉ đăng ký trong vòng 21 ngày. Bộ có thể từ chối đăng ký nếu mục đích của hội vi phạm luật ví dụ như cổ xúy cho khủng bố hoặc xì ke, ma túy. Nguyên đơn có thể kiện Bộ ra tòa nếu cho rằng quyết định của Bộ là không hợp pháp.

Đạo luật Đăng ký hiệp hội gồm có 10 chương. Hai chương chính là 4 và 5 quy định phương thức điều hành hiệp hội và quản trị tài chánh minh bạch. Hội viên phải bầu một ban điều hành gồm có ít nhất ba thành viên. Hội phải cập nhật danh sách thành viên ban điều hành và hội viên. Thành viên ban điều hành trong trường hợp xung đột quyền lợi về một vấn đề gì đó thì không được quyền tham dự cuộc họp quyết định về vấn đề đó. Về mặt tài chánh, các hội phải hoàn tất báo cáo tài chánh mỗi năm và báo cáo này phải được kiểm toán viên xác nhận và gửi cho hội viên. Hội nào có thu nhập cao (trên hai triệu một năm) thì phải nộp báo cáo tài chánh và kiểm toán cho Bộ.

Nếu hội không sử dụng Nội quy mẫu mà soạn nội quy riêng, văn bản nội quy đó phải bao gồm các đề tài như là cách thức gia nhập hội, đóng niên liễm thế nào, quyền hạn và trách nhiệm hội viên, phương thức kỷ luật khi hội viên vi phạm nội quy, phương thức giải quyết tranh chấp giữa hội viên và hội hoặc với ban điều hành, phương thức ứng cử và bầu cử thành viên ban điều hành, phương thức tổ chức và thông báo đại hội, phương thức điều hành và quản trị tài chánh của hội. Có nghĩa là Bộ hoặc luật pháp bắt buộc hội có đăng ký phải lưu ý về các vấn đề đó nhưng không can thiệp hoặc bắt buộc về nội dung của những vấn đề đó. Bộ cũng không thể can thiệp vào các vấn đề liên quan đến việc điều hành hoặc quản trị nội bộ của hội kể các tranh chấp. Bộ chỉ có thể can thiệp khi hội vi phạm Đạo luật, nhất là liên quan đến vấn đề tài chánh không minh bạch hoặc có tính lường gạt.

Dự luật về Hội của Việt Nam có 8 chương và 37 điều. Nếu như mục đích của Đạo luật Đăng ký hiệp hội NSW là tạo điều kiện để các hiệp hội có tư cách pháp nhân và bảo vệ cho cá nhân hội viên không bị kiện thì Dự luật về Hội lại có mục đích là kiểm soát và can thiệp vào sinh hoạt của hội. Điều 1 nói rằng “Luật này quy định về tổ chức, hoạt động và quản lý nhà nước về hội”. Điều 2 nói rằng “Luật này không áp dụng với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Công đoàn Việt Nam, Hội Nông dân Việt Nam, Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Hội Cựu chiến binh Việt Nam; tổ chức tôn giáo, tín ngưỡng”. Không hiểu tại sao lại có sự phân biệt đối xử bất bình đẳng như vậy. Một đạo luật áp dụng cho hội này nhưng lại không áp dụng cho hội khác. Có phải những tổ chức này là thành phần ngoại vi của Đảng Cộng sản Việt Nam và vì vậy có thể đứng ngoài hoặc đứng trên pháp luật?

Trái với Đạo luật NSW, các tổ chức tôn giáo tại Việt Nam không có quyền đăng ký tư cách pháp nhân. Tại Úc, các giáo hội Phật giáo, Công giáo, Cao Đài, Hòa Hảo, Tin Lành đa số đều đăng ký và có tư cách pháp nhân riêng biệt. Giáo hội có thể tổ chức gây quỹ điều hành và đứng tên mua trụ sở sinh hoạt. Không hiểu sao tôn giáo tại Việt Nam lại bị kỳ thị như vậy.

Điều 10 của Dự luật quy định điều kiện thành lập hội. Trước hết hội viên phải thành lập một ban vận động thành lập hội và ban này phải được nhà nước công nhận. Sau khi được nhà nuớc công nhận, ban vận động thành lập hội mới có quyền nộp hồ sơ đăng ký gồm có một bản dự thảo điều lệ, danh sách và đơn gia nhập hội của hội viên và văn bản chứng minh quyền sử dụng hợp pháp nơi dự kiến đặt trụ sở của hội. Một lần nữa, điều luật này thể hiện sự nhầm lẫn giữa hai khái niệm thành lập và đăng ký tư cách pháp nhân. Ví dụ như có một nhóm khoảng 20 người thích chơi cờ tướng. Họ tụ họp lại và quyết định lập hội cờ tướng nhưng không muốn đăng ký tư cách pháp nhân. Không lẽ như vậy là họ sinh hoạt bất hợp pháp? Trong khi đó, Điều 2 của Dự luật lại quy định “Hội bao gồm hội có tư cách pháp nhân, hội không có tư cách pháp nhân” nhưng không nói rõ thế nào thì có và không có tư cách pháp nhân.

Điều 14 quy định điều lệ hội phải được cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép chấp thuận có quyền phê duyệt điều lệ hội và danh sách hội viên. Có nghĩa là nếu cơ quan không thích một điều lệ nào đó hoặc cá nhân một hội viên nào đó thì sẽ không cho đăng ký? Việt Nam lại không có hệ thống tòa án độc lập để xét xử các điều luật trái có thể với Hiến pháp nên mới có hiện tượng chồng chéo và mâu thuẫn như Bộ trưởng Tư pháp Hà Hùng Cường thú nhận.

Điều 9 quy định điều kiện thành lập hội là “Lĩnh vực hoạt động chính không trùng lắp với lĩnh vực hoạt động chính của hội đã được thành lập hợp pháp trước đó trong cùng phạm vi hoạt động”. Như vậy thì chỉ có thể có một hội cao niên, một hội từ thiện giúp đỡ người cùi, một hội âm nhạc...? Tại sao hội lại được độc quyền hoạt động còn doanh nghiệp thì không? Nếu như chỉ có một hội gây quỹ hoạt động về một lãnh vực nào đó thì làm sao biết được hội đó làm việc tốt nhất hoặc có hiệu quả nhất? Ví dụ như về lãnh vực từ thiện, có càng nhiều hội cạnh tranh lành mạnh giúp đỡ người bất hạnh trong xã hội chẳng tốt hơn sao? Và vì Đảng đã lập ra Công đoàn Việt Nam, Hội Nhà văn, Hội Nhà báo rồi nên người dân không thể lập ra thêm một công đoàn khác, một hội nhà văn, nhà báo khác. Rốt cuộc, Đảng vẫn độc quyền kiển soát các hội đoàn này.

Dự luật cũng còn một vài khiếm khuyết khác và trên căn bản, Dự luật này không thể hiện các tiêu chuẩn quốc tế hoặc phản ảnh đời sống xã hội trong thời đại toàn cầu mà Việt Nam đang thúc đẩy tiến trình hội nhập. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam từng đau lòng thốt lên câu “Tại sao chúng ta tốt mà vẫn nghèo?”. Chưa bàn tới việc “chúng ta” có “tốt” hay không nhưng lý do chính Việt Nam vẫn nghèo là vì các nhà lãnh đạo Việt Nam trong đó có chính Phó Thủ tướng Đam vẫn theo đuổi một chủ nghĩa Mác - Lê và tư duy độc quyền lỗi thời, lạc hậu mà không chịu học hỏi và áp dụng tinh hoa của thế giới tự do, đa nguyên, văn minh và tiến bộ. Hoặc có áp dụng thì áp dụng nửa vời hoặc lệch lạc theo kiểu kinh tế thị trường gắn đuôi “định hướng chủ nghĩa xã hội”. Ngày nay, thế giới phát triển rất nhanh mà tốc độ thay đổi của Việt Nam thì quá chậm. Có nghĩa là Việt Nam sẽ vẫn còn mãi nghèo, tụt hậu và thua xa so với nhiều quốc gia khác trên thế giới.

N. V. T.

Tác giả gửi BVN.

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn