Nói thật cho nhau nghe! (Kỳ 11)

Anh Huyền & Sắc Ly

Lại một mùa xuân nữa về với con dân đất Việt sau 29 năm Đổi mới. Mùa Xuân này có nhiều chuyện khác lạ so với các mùa xuân khác, nên nội dung trao đổi mà chúng tôi được báo trước khá phong phú. Chúng tôi sẽ lần lượt biên tập để phản ánh lại cho bạn đọc cùng chia sẻ và suy ngẫm.

14- Câu chuyện thứ 14: Hoan hô VTV đã đề xướng chủ đề “TỬ TẾ”!

Câu chuyện này đã được BBT trang mạng Bauxite Việt Nam cho đăng tải vào ngày 16/2/2015 (tức 28 Tết), dưới tiêu đề “Nâng cao dân trí Bàn về sự tử tế”. Tác giả chủ biên câu chuyện này là Sắc Ly.

Hôm nay nhóm biên tập chúng tôi giới thiệu tiếp câu chuyện thứ 15 trong chùm bài đầu xuân Ất Mùi của chuyên mục nhiều kỳ “Nói thật cho nhau nghe!”. Câu chuyện này là tiếp tục nội dung trao đổi của nhóm đồng môn Tổng hợp Văn 1964 – 1968. Bài tường thuật hôm nay do Anh Huyền và Sắc Ly đồng chủ biên.

15- Câu chuyện thứ 15: Bàn về sự THỨC THỜI và sự THỨC TỈNH của người Việt

Thức thời được coi là sự thông hiểu thời thế, thích ứng phù hợp với thời thế, trong cả nhận thức và hành động. Cũng có khi còn gọi là sự nhạy bén với thời thế. Tức là, ở đây con người (chủ thể hoạt động) phải có một sự chuyển biến phù hợp, kịp thời (không hấp tấp, vội vàng, nhưng cũng không quá chậm chạp, đủng đỉnh chờ đợi) về nhận thức và hành động trước sự biến chuyển của thực tiễn. Do trình độ, nhân cách của các chủ thể hoạt động luôn khác nhau, nên sự phản ứng trước thời thế cũng khác nhau, và do đó sự thức thời không thể xuất hiện đồng loạt và như nhau ở mọi chủ thể. Chúng ta đều biết thực tiễn thì luôn hàm chứa nhiều diễn biến phức tạp, đa dạng, nhiều dòng chảy có bản chất khác nhau, có xu hướng phát triển khác nhau, trong đó ắt có một dòng chảy tiến bộ là chủ đạo. Cách hiểu thời thế do đó tất nhiên là không thể như nhau. Nhưng bao giờ cũng chỉ có một dạng của sự thức thời, bởi vì chỉ những chủ thể nào nắm bắt đúng được dòng chảy chủ đạo thì mới là nắm được thời thế, và từ đó mới biết hướng hành động thích ứng với thời thế vào mục đích phục vụ cho sự phát triển tiến bộ của thực tiễn, cho lợi ích cộng đồng. Như vậy thời thế phải được hiểu là xu hướng phát triển tiến bộ của thời đại, và do đó sự thức thời tương ứng bao giờ cũng là tích cực, và chính đó là phẩm chất thức thời đúng nghĩa, chính danh. Còn nếu hiểu thời thế khác đi, thì tất yếu sẽ tạo ra các quái thai “thức thời giả danh”, “phản thức thời” như cơ hội, bảo thủ, giáo điều..., ở đó cả nhận thức và hành động đều chống lại thời thế! Ví dụ, có chủ thể chỉ nhìn thấy ưu thế tạm thời của một xu hướng chính trị nào đó, một nhóm lợi ích nào đó, hoặc chỉ thấy thế “thượng phong” của một thế lực đen nào đó, kể cả thế lực cầm quyền không được lòng dân, chỉ nhìn thấy một góc màu sáng nào đó không tiêu biểu của thực tiễn, chỉ nhìn thấy sự tạm thời thành công của một chủ trương sai lầm nào đó... thì đã vội coi đó là “thời thế”! Trong trường hợp thứ hai này thì phản ứng của các chủ thể đó trước “thời thế” chỉ là sự a dua, ăn theo nói leo, gió chiều nào theo chiều đó... không thể coi là sự thức thời đúng nghĩa, chính danh. Những chủ thể này đã mắc phải căn bệnh xu thời, cơ hội và họ chính là lũ người cơ hội. Nhưng bọn họ lại luôn tự khoác cho mình chiếc áo “thức thời” đi mượn để mê hoặc cộng đồng, đánh lừa nhân dân. Và thực tế nhiều khi vẫn có sự lẫn lộn giữa phẩm chất thức thời và bệnh cơ hội, xu thời, giữa người thức thời và kẻ cơ hội, xu thời. Bệnh cơ hội là kẻ thù của sự phát triển, còn phẩm chất thức thời lại là động lực của sự phát triển. Sự phát triển tiến bộ của thực tiễn luôn rất cần sự hiện diện thường trực của phẩm chất thức thời. Và cũng chính sự phát triển tiến bộ đó lại luôn đòi hỏi phải loại bỏ căn bệnh cơ hội ra khỏi nhận thức và hành động của mọi chủ thể, đặc biệt là các chủ thể có vị thế quan trọng trong quản lý xã hội.

Bên cạnh bệnh cơ hội, còn có bệnh bảo thủ, giáo điều, nó luôn ôm khư khư lấy mớ nhận thức cũ rích, luôn hành động theo lối mòn kinh nghiệm chủ nghĩa. Bệnh bảo thủ, giáo điều luôn bị mù trước sự chuyển động của thực tiễn, luôn coi nhận thức cũ là muôn năm đúng, do đó nó không muốn thay đổi những điều mà trước đó đã được coi là chân lý! Căn bệnh này cũng là kẻ thù của sự phát triển của thực tiễn. Như vậy là trong đời sống thực tiễn, phẩm chất thức thời chính danh luôn xung khắc với bệnh cơ hội và bệnh bảo thủ. Hai căn bệnh này về bản chất là khác hẳn với phẩm chất thức thời, trên cả hai mặt nhận thức và hành động. Sự khác nhau giữa hai phía vừa là ở phương pháp nhận thức thực tiễn, vừa là ở thái độ thích ứng, ở mục đích thích ứng với thực tiễn. Bảo thủ, giáo điều thì coi nhẹ, thậm chí phủ nhận, sự biến đổi của thực tiễn. Cơ hội thì nhìn thực tiễn không đầy đủ và không đúng bản chất, chỉ thấy một bộ phận của thực tiễn phù hợp với lợi ích riêng của mình thôi. Bởi lẽ, các chủ thể đại diện cho hai phía vốn đã không có cùng trình độ nhân cách (Đức và Tài), vốn không phải là đồng chí thật sự của nhau, vốn không có chung lý tưởng, vốn không cùng chung lợi ích.

Phẩm chất thức thời, đúng nghĩa, không phải ai cũng được sở hữu và biết sở hữu, và cũng không phải từ bẩm sinh, mà phải qua giáo dục, rèn luyện trong hoạt động thực tiễn, và do đó nó cũng không thể tồn tại mãi nếu chủ thể không tiếp tục rèn luyện. Người được coi là thức thời vừa phải có Tâm sáng, vừa phải có Trí minh. Tâm sáng thể hiện ở ý thức hết lòng vì sự phát triển tiến bộ của thực tiễn, vì lợi ích của cộng đồng. Trí minh thể hiện ở sự thông hiểu cả lý luận và thực tiễn, nắm vững qui luật phát triển của thực tiễn, đi cùng với phương pháp tư duy khoa học, trong đó đặc biệt là biết luôn lấy thực tiễn làm tiêu chuẩn của chân lý. Ở đây có thể còn cách hiểu không đúng về phẩm chất thức thời, đó là coi sự thức thời chỉ là một phẩm chất “xổi”, chỉ là một sự bột phát, không bền vững, không thực chất. Nhưng sự thật là: thời điểm phát tiết và thăng hoa phẩm chất thức thời thì dễ thấy, còn cái nền tảng của nó là một bề sâu đạo đức và trí tuệ (tức nhân cách) thì khó thấy hơn, nên dễ dẫn đến sự ngộ nhận đó.

Một câu hỏi rất tự nhiên được nhiều người đặt ra là: người Việt ta hiện nay số đông đã thức thời chưa, chiếm bao nhiêu % dân số? Có bao nhiêu % ở diện bảo thủ, giáo điều? Có bao nhiêu % ở diện cơ hội thứ thiệt? Và số còn lại phải chăng chỉ là diện bị động, thiếu bản lĩnh, ăn theo nói leo theo hội chứng “đám đông”? Nếu các nhà khoa học mà làm được một điều tra xã hội học trả lời các câu hỏi trên thì rất đáng hoan nghênh.

Có lẽ là hơi buồn, không, mà là thật sự buồn, vì cứ theo kết quả điều tra xã hội học của một nhóm các nhà nghiên cứu độc lập (với qui mô hẹp, và đã công bố lẻ tẻ, không chính thức trên mạng xã hội) thì: số đông (trên 50%) dân Việt ta ở diện “trung dung”, “thiếu bản lĩnh”, không có chính kiến độc lập. Còn bộ phận tinh hoa nhất mà chúng ta mong đợi (thức thời chính danh, thứ thiệt) chỉ là thiểu số (dưới 15%). Trong khi đó thì 2 diện nguy hiểm (cơ hội và bảo thủ) đang chiếm tỷ lệ không nhỏ (trên dưới 30%)! Và điều đáng lo ngại là những người ở 2 diện độc hại này phần đông lại là đảng viên, quan chức, đang cầm chịch xã hội!

Trên đây là tóm lược ý kiến trao đổi phần đầu của nội dung tiếp theo cuộc gặp mặt đầu xuân Ất Mùi của nhóm đồng môn Tổng hợp Văn 1964 – 1968. Phần ghi chép dưới đây là nội dung trao đổi tiếp của nhóm.

*

– Bây giờ, chúng ta thử nhìn lại lịch sử 85 năm của Đảng CSVN xem giai đoạn nào là tư duy thức thời, giai đoạn nào là tư duy bảo thủ, giáo điều, và trong đảng viên của Đảng, kể từ lãnh đạo chóp bu, thì những ai tiêu biểu cho các xu hướng tư duy đó? Số đông đảng viên hiện nay ở diện nào? Những nhận định này rất quan trọng vì nó chi phối trực tiếp đến đường hướng phát triển của đất nước, đến sự hưng vong của dân tộc.

– Chắc là đa số người Việt, trước hết là những đảng viên và trí thức có tâm và có tầm, đều nhận ra là tư duy lãnh đạo của ĐCSVN rất không thuần khiết, nó luôn biến động phức tạp, đan xen. Những biểu hiện gọi là thức thời mà số đông người dân chúng ta có thể tạm thừa nhận là: năm 1945 giành chính quyền và thành lập nước VNDCCH, năm 1986 thực hiện đổi mới, và sau đó tiếp tục chủ trương hội nhập. Còn biểu hiện bảo thủ, giáo điều thì khá nặng và kéo dài, xuyên suốt trong hầu như gần khắp cả 85 năm ấy, nhất là từ sau 1975. Và biểu hiện cơ hội thì nhan nhản, nhìn vào đâu cũng thấy!

– Cái tư duy bảo thủ, giáo điều nặng nề nhất là Đảng vẫn cố bám chắc chủ thuyết Chủ nghĩa xã hội (CNXH) về cả lý thuyết và mô hình. Đảng cố tình đeo bám quyết liệt và áp đặt nhân dân phải đi theo. Đảng chỉ giữ đúng một hướng nhìn, không chịu nhìn ra các hướng khác, không chịu nhìn ra cái thời thế vĩ mô trên phạm vi toàn cầu. Hình như Đảng quyết cố thủ đến cùng cái hệ thống lý luận siêu hình, phi thực tế và không khả thi đó, mà không chịu nhận ra cái sự lạc hướng, lạc điệu, lạc lõng, lạc hậu của chủ thuyết cũ đó.

– Nếu chủ thuyết đó đúng thì sau 85 năm (gần một thế kỷ) cái thứ CNXH đó đã hiển hiện ra rồi chứ, đâu phải đợi đến cuối thế kỷ này mà vẫn chưa có CNXH hoàn thiện, như Tổng Bí thư của đảng đã chia sẻ với toàn dân! Sự nghiệp nào mà thời gian hiện thực hóa mông lung, vô hạn thì không ai dại gì theo đuổi, vì nó vô nghĩa! Bây giờ Việt Nam vẫn đang như là một xã hội tư bản hoang dã, đầy dẫy những lạc hậu và tai ương đối với người dân như: đói nghèo, bất công, văn hóa – đạo đức xuống cấp thảm hại, thiếu tự do dân chủ, tệ nạn xã hội tràn lan, dân trí càng ngày càng thấp... Hai giai cấp là máu thịt của Đảng (trên cờ Đảng vẫn còn nguyên hai biểu trưng rực rỡ) đã bị Đảng đẩy xuống tận đáy cùng của xã hội, họ đang sống như thế nào thì ai ai cũng đã rõ, không có thế và cũng chẳng có lực, cả kinh tế và chính trị. Và mỉa mai thay, trong đó giai cấp công nhân còn đâu nắm giữ vai trò lãnh đạo như trong lý luận và cương lĩnh của Đảng!

– Bảo thủ luôn đi đôi với giáo điều. Lý luận của Đảng về xây dựng CNXH vẫn giữ nguyên những điều Mác nói cách đây hơn một trăm năm, những điều Lênin vận dụng cho xã hội Xô Viết đã gần một trăm năm, bất chấp thực tiễn đã thay đổi, bất kể sự khác biệt, đặc thù của Việt Nam! Mà quan trọng hơn nữa là những lý luận ấy, những vận dụng ấy đều đã thất bại! Thế mà Đảng CSVN vẫn coi đó là bảo bối xanh rờn tính hiện thực, đậm tính nhân văn và có chiều sâu triết lý!

– Với tư duy bảo thủ, giáo điều thì tất yếu dẫn đến đường lối bảo thủ, lý luận giáo điều. Còn chủ thể lãnh đạo và quản lý thì đa phần chỉ rặt một loại người mang cái thứ gen cơ hội. Đây chính là nỗi đau triền miên của cả dân tộc Việt Nam suốt 85 năm qua. Chính tư duy ấy, lý luận ấy, bộ máy ấy, cán bộ ấy đã kìm hãm sự phát triển tiến bộ của đất nước, đã làm nghèo đất nước, làm khổ người dân, trước hết là nông dân và công nhân.

– Chúng ta hãy nhớ lại: Những kẻ nào chủ trương khai thác bauxite và phó thác cho Trung Quốc triển khai? Ai đã kêu gào Quốc hội thông qua dự án đường sắt cao tốc, sân bay Long Thành...? Ai đã chủ trương phát triển thủy điện tràn lan vô tội vạ? Ai đã “đi đêm” với Trung Quốc trong nhiều phi vụ chính trị, kinh tế, rồi bán đất, bán biển, cho thuê rừng, thuê đất dài hạn? Ai đã quyết liệt dùng Quốc hội làm lá chắn để thông qua Hiến pháp sửa đổi 2013 đầy dẫy những bất lợi cho một nền dân chủ đích thực, cùng nhiều điều luật, bộ luật phản tiến bộ? v.v... & v.v…

Và bao trùm lên tất cả, ai vẫn kiên trì con đường CNXH không có thật, vẫn chủ trương phát triển nền kinh tế thị trường định hướng XHCN không tường minh về nội hàm, vẫn kiên trì bắt tay và thuần phục trước Trung Quốc? Những kẻ đó, công khai hay giấu mặt, đều là các chính trị gia mặc áo bảo thủ, giáo điều, mang tâm địa cơ hội, chỉ vì lợi ích riêng đen tối, bẩn thỉu, nhưng lại luôn lu loa tự nhận là đang hết lòng “Vì sự phát triển bền vững, vì dân giàu, nước mạnh”!...

– Không thể không điểm đến đội ngũ tham mưu, đó là các nhà khoa học đủ các chuyên ngành. Bộ phận này đã cộng tác và giúp đỡ các chính trị gia kiến tạo nên đường lối bảo thủ, lý luận giáo điều, chủ trương chính sách cơ hội nguy hại... Họ đã từ bỏ chức năng cao cả của họ là nghiên cứu khoa học phục vụ quốc kế dân sinh, để đi làm “áp phe” khoa học, trái với nhân cách của những trí thức chân chính, trở thành kẻ a tòng với bọn người cơ hội, bảo thủ, giáo điều. Họ đã tự tước bỏ cái phẩm chất đáng quí của người trí thức là biết sống thức thời. Họ đã quay lưng lại sứ mệnh thức tỉnh nhân dân, thức tỉnh dân tộc! Và như vậy là dưới thời Đảng CSVN, đội ngũ trí thức đông hơn lên rất nhiều nhưng vẫn chưa tạo ra được sức mạnh tương xứng có thể có. Một mặt là do chất lượng đào tạo và trình độ khoa học thấp, nhưng quan trọng hơn là vì họ vẫn bị phân hóa khá rõ: bộ phận thức thời thuộc về nhân dân, và bộ phận xu thời, cơ hội thì cúc cung phục vụ lợi ích giới cầm quyền. Nguyên nhân sâu xa là do sự tha hóa tư duy, bắt đầu từ Đảng cầm quyền!

– Và cũng chính hệ thống các “của nợ” ấy (tư duy ấy, lý luận ấy, thể chế ấy, cán bộ ấy) bao nhiêu năm nay đã hành hạ người dân cả về mặt tinh thần, kìm hãm người dân trong vòng mê muội, ngu quá lâu về một niềm tin mù quáng, thiếu cơ sở khoa học. Dân chỉ được nhận thức một chiều, một kiểu, một định hướng (XHCN), dân chỉ được nghe, được gật, không được hỏi, không được cãi, dân chỉ biết làm theo, không được tự chủ, không được làm khác...

– Có một nghịch lý là các quan chức đảng viên rất thích được coi là người thức thời, nhưng lại đố kỵ (ghen ghét) những người thức thời chính danh thứ thiệt, chỉ vì bản thân bọn họ lại chính là cơ hội thứ thiệt, bảo thủ đúng “mác”! Ai nghĩ khác lãnh đạo đều bị liệt vào bộ phận suy thoái tư tưởng, ai nói khác đều bị gán cho tội mang luận điệu thù địch, ai làm khác đều bị khép vào án phá hoại, chống đối, nghĩa là họ có quyền phủ định sạch trơn và thẳng thừng phẩm chất thức thời chính danh, bóp chết tư duy thức thời sáng ngời!

– Chúng ta cần luôn nhớ sự thức thời phải thể hiện trong cả nhận thức và hành động, bắt đầu từ nhận thức đúng và tiếp đến, đi cùng là hành động đúng, chứ không chỉ dừng lại ở nhận thức, càng không phải chỉ là lời nói suông (tức là thấp hơn nhận thức, vì chưa chắc đã là nhận thức thật). Chúng ta rất buồn vì lãnh đạo của ta nhiều khi chỉ “đánh giặc mồm”, nói nhưng không làm, hoặc chỉ làm nửa vời, hình thức, hoặc nói một đàng mà làm một nẻo,... (lĩnh vực nào cũng có, cấp nào cũng vậy cả). Thế thì lấy đâu ra những tấm gương sáng ngời về phẩm chất thức thời cho dân tin và noi theo, cho lớp trẻ ngưỡng vọng và phấn đấu, rèn luyện, làm sao tạo ra được động lực phát triển đất nước?!

– Có lẽ lãnh đạo ta rất mê cái tỷ lệ hơn 50% dân (và cả công chức bậc thấp nữa, nếu con số này đáng tin cậy) ở diện “trung dung”, tức là những người dân ở diện thiếu bản lĩnh, không có hoặc không dám có chính kiến độc lập. Bởi bộ phận này luôn tỏ ra dễ bảo, “hiền lành”, luôn tỏ ra biết ơn mưa móc của Đảng và Chính phủ. Đối sách của lãnh đạo ta đối với bộ phận này là vừa đe nẹt, vừa gây khó về kinh tế, vừa thực hiện “ngu dân hóa”! Đặc biệt nguy hiểm là chủ trương “ngu dân hóa” bằng sự bưng bít thông tin, bằng việc nhồi sọ các bài học giáo điều, bảo thủ, giả danh thức thời... theo phương châm “mưa dầm thấm lâu”, làm thường xuyên, làm liên tục, rả rích suốt đêm ngày, khởi phát từ bộ máy tuyên truyền khổng lồ của cả hệ thống chính trị, mà chỉ huy chóp bu là Ban Tuyên giáo TW! Diện dân này càng đông thì Đảng càng dễ cai trị đất nước, vì xã hội sẽ không có khiếu kiện, không có biểu tình, không có phản biện xã hội, không có báo chí tự do... mà người ta coi đó là sự ổn định chính trị!

– Tôi xin hỏi các bạn: Sau 85 năm theo Đảng, sau 30 năm Đổi mới, người dân lao động vẫn sống trong nghèo túng, thế mà khi tiếp xúc với lãnh đạo, hoặc khi được nhận chút quà cứu trợ, vẫn cứ ngọt ngào một lời “Nhờ ơn Đảng, ơn Chính phủ! Người dân không được “mở miệng”, không được quyền lựa chọn người đại biểu của mình... nhiều quyền tự do dân chủ khác đều bị hạn chế, thế mà họ vẫn phải vỗ tay nhiệt liệt khi nghe câu nói “bất hủ” của lãnh đạo “Chế độ của ta dân chủ gấp ngàn lần so với các nước khác!”. Lãnh đạo bảo “Không được biểu tình phản đối Trung quốc!” thì dân phải cúi đầu chịu nhẫn nhịn! Lãnh đạo bảo phải làm bauxite, phải làm đường sắt cao tốc, phải làm sân bay Long Thành... thì dân phải tuyệt đối tin tưởng đó là các chủ trương đúng, không được hỏi lại, không được nghe các ý kiến phản biện, và sẽ răm rắp làm đúng! Sau bao nhiêu năm được Đảng “nâng cao dân trí”, mà sao dân ta vẫn ngu lâu, các hủ tục và tệ mê tín dị đoan lại được phục hồi quá tùm lum, nhảm nhí, dân quá tin vào thần thánh, bói toán, mà không tự tin vào bản thân, không tin vào khoa học, và ắt cũng mất tin luôn vào Đảng nữa! Thế thì đó là hiện tượng gì, nếu không gọi là sự ngu muội của người dân Việt chúng ta? Lâu nay dân mình đã hiểu sai và làm sai rất nhiều việc, so với chuẩn khoa học – công nghệ, chuẩn văn hóa – văn minh..., mà không hay biết là sai! Đó là một sự thực đau lòng, một nỗi nhục, một nỗi đau của cả dân tộc Việt Nam, của xã hội Việt Nam đương đại trong thế giới văn minh! Có lẽ vì sự ngu muội đó bám đậu quá lâu mà nước Việt ta cho đến nay vẫn là ở vị thế thấp hèn, vẫn là một nước nghèo và lạc hậu về nhiều mặt so với khu vực và thế giới.

– Chính vì dân ta bị nhốt trong vòng ngu muội mà lãnh đạo càng coi thường dân, càng tự tung tự tác, càng độc đoán, và tha hồ phát biểu tùy tiện, nói lấy được, nói không biết ngượng mồm,... ở mọi nơi, mọi lúc. Chúng ta đã nhiều lần chối tai, khi phải nghe những ý kiến sai sự thật, cường điệu, tự huyễn hoặc... mà không thể gọi khác là rất “bông phèng”, đại loại như: Việt Nam dân chủ gấp ngàn lần nước khác, Đảng ta vẫn rất vĩ đại thật, Đảng là trí tuệ, là đạo đức, là văn minh, Chỉ có Đảng CSVN mới có đủ trí tuệ, năng lực, uy tín... để lãnh đạo đất nước đi đến bến bờ vinh quang, Chỉnh đốn Đảng đã thu được kết quả tốt đẹp, Vẫn tiếp tục chống tham nhũng quyết liệt nên đã có chuyển biến đáng ghi nhận, Đảng ta luôn trung thành với lợi ích của giai cấp, của dân tộc, Đảng ta luôn gắn bó máu thịt với nhân dân, Ngành này ngành nọ đã đạt được thành tích đặc biệt xuất sắc... – trong khi sự thật lại cay đắng và phũ phàng, trái ngược hoàn toàn, mà ai cũng thấy rõ!

– Thế thì làm thế nào để cứu dân ra khỏi vòng ngu muội đó?

Đó là một câu hỏi lớn mà chúng ta vẫn đau đáu, vẫn trăn trở từ rất lâu rồi!

Lịch sử Việt Nam đang đặt ra sứ mệnh phải Thức tỉnh nhân dân, thức tỉnh dân tộc, mà chỉ khi có phẩm chất Thức thời (chính danh) thì mới làm được. Phải từ sự thức thời mà vươn tới sự thức tỉnh! Phải kiên quyết và nhanh chóng giải thoát cho người dân, và giúp họ tự giải thoát ra khỏi sự mê muội, ngu đần, sai lầm trong cả nhận thức và hành động, đưa chân lý và sự tỉnh táo trở về với họ.

– Nhưng trước hết phải có bộ phận thức thời đi tiên phong, đó là lực lượng tinh hoa trong các tầng lớp dân cư, mà chúng ta có thể trông chờ và kỳ vọng dẫn đầu là các đảng viên và trí thức có tâm và có tầm. Song bộ phận này chỉ có thể khơi gợi, định hướng tư duy cho cộng đồng, chứ không thể làm thay. Mọi người phải tự thực hiện quá trình Từ sự thức thời mà vươn tới sự thức tỉnh!

Sứ mệnh này khó khăn lắm, nhiều thách thức lắm, và có lẽ những trở ngại này đang tập trung ở bộ phận “trung dung”, vì ở đó đang chiếm số đông, đang bị trơ lỳ về tư duy đã lâu ngày, đang thiếu lòng tự tin, đang bị sức ép từ xu hướng “đám đông”... Mỗi người phải tự trang bị cho mình phẩm chất thức thời thì mới có thể tự mình thực hiện được quá trình “Dùng thức thời để tự thức tỉnh”!

– Có một câu hỏi khác nữa mà tôi đã nghĩ đến và đã nghe: Thế thì đến bao giờ thì dân Việt ta thức tỉnh?

Đây là một câu hỏi khó, thuộc tầm vĩ mô, chúng ta chưa tìm thấy câu trả lời có sẵn ở đâu cả. Chúng ta đã bày tỏ khát vọng và đòi hỏi sự thay đổi từ nhiều phía liên quan. Sự kìm hãm, trì kéo về tinh thần này với xã hội ta là một khuyết tật của cả hệ thống thiết chế xã hội (người ta vẫn gọi là lỗi hệ thống). Phải tìm được đúng cội nguồn của vấn đề, xác định đúng nguyên nhân sâu xa, nguyên nhân trực tiếp... thì mới có thể thấy câu trả lời đúng.

– Có người đã nêu ý kiến: phải thay đổi bắt đầu từ thể chế kinh tế và chính trị để dân chủ hóa đời sống xã hội. Tức là phải xây dựng cho được một xã hội dân sự, một nhà nước pháp quyền, đi cùng với một nền kinh tế thị trường đích thực. Hay nói khác đi là: phải đổi mới kinh tế đi đôi với đổi đổi mới chính trị. Và từ đó mới có thể giải phóng được đời sống tinh thần cho toàn xã hội.

– Có lẽ không hẳn là vậy! Tất nhiên ở những nước đã có thể chế dân chủ đích thực thì chắc chắn người dân không bị câu thúc tinh thần như nước chúng ta, người dân luôn nhạy bén với thời thế, tức là thoải mái mà thức thời. Nhưng ở Việt Nam ta thì tinh thần người dân đã bị cầm tù lâu rồi mà, câu hỏi đặt ra là làm sao để giải thoát tinh thần cho họ, thì ở trên đã bàn. Hình như chúng ta đang có sự lẫn lộn giữa mục đích và phương tiện, giữa nguyên nhân và kết quả hay sao ấy? Thể chế tiến bộ chỉ là cái giá đỡ cho sự tự do tư tưởng của con người, nên thể chế lạc hậu thì tư tưởng con người bị kìm hãm. Nhưng chính con người lại làm ra thể chế, vận hành thể chế, con người bao giờ cũng là chủ thể của mọi hoạt động, tạo ra sự biến đổi của thực tiễn, kể cả thể chế. Ở đây tư tưởng con người đang bị giam hãm thì làm sao mà cải biến được thể chế lạc hậu, con người phải tự thay đổi tư tưởng của mình trước đã. Do đó, theo tôi, thì ta phải bắt đầu từ Con Người. Phải tạo ra sự thức thời của nhiều người để vươn tới sự thức tinh của cả cộng đồng. Chính sự thức tỉnh này mới làm thay đổi được thể chế, để từ đó không còn công cụ để cầm tù tinh thần con người nữa. Vậy là thay đổi thể chế là mục đích, và sự thức tỉnh của chủ thể là phương tiện, là điều kiện để đạt tới mục đích. Nếu ta bắt đầu từ thay đổi thể chế là làm ngược với lô gich của sự phát triển của thực tiễn, và không thể thực hiện được đâu.

– Các bạn ạ, qua trải nghiệm của Việt Nam cũng như của nhân loại, chúng ta đều nhận ra một điều được coi như một chân lý lịch sử. Đó là, ở thời nào cũng thế, ở bất cứ xã hội nào cũng thế, trong cộng đồng dân cư bao giờ cũng có sự phân hóa về tư duy và hành động đối với thời thế, bắt nguồn từ sự khác nhau về nhân cách (trí tuệ và đạo đức). Nổi lên đáng chú ý là hai bộ phận:bộ phận thức thời đại diện cho xu thế tiến bộ, được coi là tinh hoa của cộng đồng, và đối lập lại là bộ phận xu thời, cơ hội, bị coi là lực cản của sự phát triển. Nếu xu thế thức thời giữ được vai trò chủ đạo trong sự phát triển của thực tiễn kinh tế - xã hội thì ắt đất nước hưng thịnh, nhân dân được hạnh phúc. Còn nếu tư duy bảo thủ, giáo điều, cơ hội lại nắm vai trò chi phối thực tiễn kinh tế - xã hội thì đất nước sẽ thế nào, chắc chúng ta đều rõ, từ thực tiễn Việt Nam! Ấy vậy mà tôi đã bị ngộ nhận quá lâu, bây giờ mới thức tỉnh!

– Như thế là câu hỏi mà bạn L nêu lúc nãy phải do chính các chủ thể chúng ta và mọi người dân, tự trả lời. Nhanh hay chậm là do người dân chúng ta. Nhưng không nên bi quan, không được chán nản, và càng không được đầu hàng! Chúng ta đã thấy xuất hiện rất nhiều tín hiệu vui, đó là ngày càng nhiều tấm gương thức thời trong các đảng viên và trí thức tâm huyết, trong lớp trẻ có học. Biểu hiện trước hết là những phát biểu, những tuyên bố, những bài báo phản biện đúng đắn và sâu sắc. Rất nhiều người đã được đọc các tác phẩm “Đêm giữa ban ngày” (Vũ Thư Hiên), và gần đây là “Bên thắng cuộc” (Huy Đức), “Đèn cù” (Trần Đĩnh),... rồi hàng loạt các bài báo rất sắc bén, chí lý, chí tình trên các trang mạng xã hội. Rồi sự ra đời, sự vận động thành lập các tổ chức xã hội dân sự hợp pháp, mà tiêu biểu là Văn đoàn độc lập, Hội các nhà báo độc lập. Và vui hơn nữa là một hệ thống các trang mạng xã hội đã hình thành và đang phát huy tác dụng tích cực hàng ngày, hàng giờ đối với triệu triệu cư dân trong và ngoài nước. Đấy chính là những dấu hiệu ban đầu của một xu thế thức thời mạnh mẽ, không thể giập tắt, không thể ngăn chặn!

– Chúng ta hãy vững tin ở quá trình chuyển biến “Từ sự thức thời mà vươn tới sự thức tỉnh!”. Nhất định dân Việt chúng ta sẽ thức tỉnh sau gần một thế kỷ ngu muội, lầm lạc!

Tháng 3 năm 2015 (những ngày sau Tết Ất Mùi)

A.H. & S.L.

Tác giả gửi BVN

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn