Kỷ niệm 25 năm vỡ tường Berlin: Cách tốt nhất cho những ai đã từng phiêu bạt với lịch sử – nhân đọc Biên niên sử của Cách mạng (*)

Thế Dũng

clip_image002

Tùy bút

1

Hóa ra, từ mười bảy, mười tám năm về trước, do không hài lòng vì nhu cầu du lịch bị hạn chế, vì luật pháp đe nẹt quá nặng nề những ý kiến cá nhân và các quan điểm chính trị, do chứng kiến các thủ đoạn trong nhiều cuộc bầu cử vào ngày 07 tháng 05 năm 1989, do đọc được nhiều lời chào mừng long trọng những hành động bạo lực tại Quảng Trường Thiên An Môn ở Trung Quốc và quá tường tận sự dối trá của thông tin đại chúng mà những người trẻ tuổi ở CHDC Đức đã sinh ra đau lòng phiền muộn. Và cũng chính vì thế mà quyết tâm rời nước ra đi của họ ngày mỗi âm thầm và quyết liệt. Từ ngày 10 tháng 09 năm 1989, hàng ngày tại CHDC Đức đã có hàng ngàn người, trước hết là những người trẻ tuổi đã bỏ CHDC Đức ra đi. Họ chọn con đường qua Hungari và Đại sứ quán Tây Đức ở Prag và Warschau. (Trích dịch từ Biên niên sử của Cách mạng).

Chronik der Wende” – Biên niên sử của Cách mạng là công trình biên khảo của hai tác giả hiện đang sống bằng nghề xuất bản: Hannes Bahrman – nhà nghiên cứu lịch sử và khoa học về Mỹ La tinh (sinh 1952) & Chritsoph Links (sinh 1954), cử nhân triết học kiêm phê bình văn chương. Công trình tư liệu lịch sử này được Nhà xuất bản Ch.Links xuất bản từ 1994.

clip_image004

Thế Dũng và Dr. Christoph Links (Giám đốc Ch.Links Verlag- tác giả của cuốn Biên niên sử của Cách mạng) trong Đại hội Văn bút CHLB Đức từ ngày 14.05 đến 17.05.09 tại Görlitz.

2

Là một tập hợp tư liệu cô đọng bởi sự phối hợp và hợp tác giữa Đài phát thanh Đông Đức ở Branden burg và rất nhiều sản phẩm phim tư liệu truyền hình, cuốn sách có lẽ chưa thể phản ánh đầy đủ cặn kẽ về toàn cảnh diễn biến sự thật của CHDC Đức từ ngày 07 tháng 10 đến 18 tháng 03 năm 1990. Tuy vậy, tôi vô cùng biết ơn Hannes Bahrman và Christoph Links. Với tôi, cuốn sách là một bảo tàng quý giá về sự thật của khúc ngoặt lịch sử Đông Đức. Đọc Biên niên sử của Cách mạng, bạn có thể nhớ lại từng ngày từ 07-10 đến 18.03.1990 với những sự kiện dồn dập căng nén hàm chứa sự tăng trưởng sinh thành những động lực phát triển nội tại trong lòng chế độ CHDC Đức. Cuốn sách đã chỉ ra cho tôi một phương pháp làm sách Biên niên sử. Một phương pháp hiện đại và khoa học. Hiện đại ở tinh thần hợp tác cập nhật, đa diện cùng một lúc với nhiều nguồn thông tin và tư liệu. Khoa học là ở chỗ mọi thông tin và sự kiện lịch sử đã được hai ông xử lý, tổ chức và kết nối với nhau một cách chính xác cô đọng bởi một tinh thần phân tích thấu đáo, thấm đẫm hơi thở lịch sử trong từng khoảnh khắc chuyển động của lịch sử CHDC Đức từ ngày 07 tháng 10 đến ngày 18 tháng 03 năm 1990. Với những người làm phim, làm sân khấu, những nhà tiểu thuyết cuốn sách là một kho tư liệu sinh động giúp cho sự tái tạo không khí lịch sử của một bước ngoặt quan trọng của tinh thần Đức.

Và nước Đức đã chính thức thống nhất vào ngày 03 tháng 10 năm 1990. Trước đó 15 năm (1975), người Việt đã thực hiện xong lời nguyền: Nước Việt Nam là một. Dân tộc Việt Nam là một. Trên thê giới có ba nước sống dai dẳng trong phân ly cách biệt. Đó là Việt Nam với miền Bắc, miền Nam. Là Nước Đức với Đông Đức - Tây Đức. Là Triều Tiên với Bắc Triều Tiên - Hàn Quốc. Từ sau năm 1990 đến nay, nếu không kể Trung Quốc với Đại lục - Đài Loan, chỉ còn có Triều Tiên là một mà vẫn đang chia đôi.

Ngày 21 tháng 10 năm 1989, Christa Wolf (sinh năm 1930) tâm sự: “Chúng tôi cũng đã nói tới một phép ẩn dụ mà Tchekhov có lần đã dùng. Ông ấy phải “ép tên nô lệ trong bản thân mình ra ngoài từng giọt một”. Với tôi dường như vào những tuần ấy rất nhiều trong số chúng ta đã ép “tên nô lệ” trong bản thân mình ra ngoài hàng lít một. Nhưng chúng ta không được lừa dối mình về điều này: các dấu vết của sự mất hết năng lực trong nhiều người sẽ có tác dụng lâu dài hơn là ví dụ như những suy thoái kinh tế. Cho đến nay chủ yếu là nghệ thuật đã nhận thấy và mô tả những biểu hiện ấy và thường bị chỉ trích về điều đó.”

Tôi nhớ, ngày 28 tháng 10, kết thúc bài nói chuyện “Chống lại giấc ngủ của lý trí”, nữ văn sĩ Christa Wolf – tác giả của tiểu thuyết “Bầu trời bị chia cắt” – đã nói: “Cuộc khủng hoảng đã nổ ra cũng báo hiệu một tình trạng tinh thần đạo đức nguy ngập của xã hội chúng ta, không nhanh chóng mà giải quyết được như tình trạng tiếp tế khẩn cấp hay thiếu hụt du lịch… Chúng ta phải tìm hiểu những khó khăn rắc rối với sự thật của chính mình và sẽ thấy là cả chúng ta cũng có dịp để hối hận và xấu hổ. Chúng ta đâu có muốn mình bị lừa dối: Khi việc đổi mới xã hội của chúng ta còn chưa đi vào chiều sâu của sự tự vấn và sự tự phê bình của từng cá nhân riêng biệt thì nó vẫn còn là triệu chứng có thể bị lợi dụng và hủy hoại” (Trích dịch từ nguyên bản tiếng Đức: Reden im HerbstTrò chuyện trong Mùa Thu, Aufbau Verlag 1990).

Đã hơn hai mươi năm trôi qua kể từ mùa thu năm 1989. Dù bây giờ, mới giới thiệu được với bạn đọc cuốn sách Biên niên sử của Cách mạnghay là CHDC Đức giữa ngày 07 tháng 10 và ngày 18 tháng 03 năm 1990 tôi vẫn không cho là quá muộn. Vẫn không là quá muộn bởi hình như những lời tâm sự của Christa Wolf – một khuôn mặt sáng giá trong Biên niên sử mùa thu năm 1989 vẫn còn rất đương đại và thời sự .

3

Tôi nhận hộ khẩu tạm cư ở Đông Berlin từ 12 tháng 04 năm 1989 rồi định cư ở Đức tới bây giờ, cho nên cuốn Biên niên sử của Cách mạng – CHDC Đức giữa ngày 07 tháng 10 và ngày 18 tháng 03 năm 1990 – có quan hệ mật thiết với ký ức của tôi về một mùa thu dông bão. Ký ức về những sự kiện bão táp trong 163 ngày bão dông Đông Đức. Thực ra, không chỉ riêng tôi nặng lòng với ký ức CHDC Đức mà hầu hết người Đức gốc gác CHDC Đức đều coi mùa thu năm 1989 là những năm tháng không thể nào quên.

Tạp chí Văn chương (Die Literaturen) số tháng 04 năm 2004, do nữ phê bình gia Sigrid Loeffler làm chủ biên (xuất bản tại Đức) đã nêu ra một câu hỏi để phỏng vấn tám nhà văn gốc Đông Đức thuộc nhiều lứa tuổi. Người già nhất sinh năm 1941, người trẻ nhất sinh năm 1974. Câu hỏi được đặt ra là: Liệu có còn một nền văn chương Cộng hòa dân chủ Đức?

Câu trả lời của Wolfgang Hilbig (sinh 1941) tác giả tiểu thuyết Giấc ngủ của sự công bằng CHDC Đức 2003), có đoạn như sau: “Từ khi hệ thống quyền lực của CHDC Đức không còn tồn tại thì cũng không còn văn chương Cộng hòa dân chủ Đức nữa. Và, tôi có thể không cảm thấy thương tiếc. Nhưng vẫn còn có một dòng văn chương hướng tới Cộng hòa dân chủ Đức. Và thứ văn chương này đã bắt đầu được khai triển, gây ra cho tôi một chủ nghĩa lạc quan nào đó. Gánh nặng của quá khứ còn dài, nhưng giá lạnh và thất vọng vẫn còn trong văn chương ở mọi xứ sở. Tuy nhiên điều đó sẽ không còn đưa đến chiến tranh lạnh. Nhưng trong quang cảnh toàn quốc, những nhà văn Đức khác nhau cần phải biết xóa bỏ và thoát ra khỏi những giới hạn được khu biệt bởi các luận thuyết môn phái”.

Nhà văn Ingo Schulze, sinh năm 1962 tại Dresden, nổi tiếng với Những chuyện giản dị33 khoảnh khắc hạnh phúc” – 1998, người được đài BBC mời trả lời phỏng vấn cùng với tôi nhân dịp kỷ niệm 15 năm bức tường Berlin đã trả lời với lối nghĩ của một nhà tiểu thuyết: “Vẫn còn một nền văn chương CHLB Đức cũ ư? Không còn là ngạc nhiên đối với tôi; những kinh nghiệm và sự ghi nhớ từ không gian thời gian năm 1989 đến hôm nay đã hiện hữu ra sao. Những gì tôi trải nghiệm trong thời gian 89-90 như là những thay đổi hạnh phúc; như là sự chuyển hóa tới vùng tốt đẹp hơn trong cuộc đời tôi. Và cho đến hôm nay tôi vẫn cảm nhận như thế; sẽ bổ sung, giống như năm này qua năm khác và từ xứ này tới xứ kia và đặt ra những mối liên hệ mới không chờ đợi. Những năm 89/90 của tôi vẫn còn nhiều và còn làm nên cốt lõi tư tưởng của tôi. Từ bây giờ,đó là một kinh nghiệm phương Đông”.

Nhà văn nữ Katja Oskamp (sinh 1970) tác giả tiểu thuyết Một nửa cái phao, hiện sống ở Berlin trả lời rất cô đọng: “Vì CHDC Đức đã biến mất, văn chương Cộng hòa dân chủ Đức sẽ không còn được sản xuất. Nhưng rất nhiều sách đã được viết hoặc sẽ còn viết về con người trong thời CHDC Đức này. Bên cạnh đó, không vì thế mà họ chỉ chăm chú nhớ là Đúng hay là Sai; mà ngược lại; họ sẽ nhớ lại thật chính xác. Bởi vì, đất nước vẫn còn tồn tại và việc ấy (việc nhớ cho chính xác mọi điều) cũng rất có giá trị đối với xứ sở”. (Trích dịch từ nguyên bản tiếng Đức – Literaturen, 04 -2004)

4

Là một trong số gần một trăm ngàn người Việt đã sống qua những ngày dông bão ấy ở Đông Đức và đang còn ở lại đó, tôi bất chợt thấy mình là một chứng nhân vừa xui xẻo vừa may mắn. Những tưởng chỉ có Đông Đức sẽ là quê hương thứ hai; hóa ra sau mùa thu năm 1989 tôi đã có một quê hương thứ hai là nước Đức thống nhất trong chính thể Cộng hòa Liên Bang và một khoảng đời Đông Đức trong hoài tưởng…

Đọc lại Biên niên sử của Cách mạng cũng là một cách để nhớ lại chính xác. Đó là một cách tốt nhất cho những ai đã từng phiêu bạt với lịch sử muốn nhớ lại thật chính xác một mùa thu đầy dông bão của những đời người.

T. D.

Tác giả gửi BVN.

(*) Tác giả: Hannes Bahrmann & Christoph Links. Dịch giả: Thế Dũng, Bùi Viết & Cộng sự do VIPEN Verlag độc quyền phát hành tại Đức từ 05.2010.

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn