…“Không sợ thiếu, chỉ sợ không công bằng”

Thiện Tùng

Lúc sinh thời, Hồ Chí minh có những lời nhắc nhở rất nhân bản đối với thế hệ kế tiếp: “Cán bộ là đày tớ của Dân”, “Phải đau trong nỗi đau của Dân”, “Phải cười sau, khóc trước Dân”, “Không sợ thiếu, chỉ sợ không công bằng”, v.v. Muốn là một việc, làm được hay không chịu làm là chuyện khác. Nói và làm đối với một con người đã khó, nói để người khác làm lại càng khó hơn. Khi còn sống, nói nếu thuộc hạ không nghe còn nhắc nhở, răn dạy, chết rồi thì phú cho “đất trời”?!

Phải thừa nhận một thực tế, trong thời chiến cũng như thời bình, giới lãnh đạo thường ở phía sau, giới bị lãnh đạo xông ra phía trước hứng chịu chết chóc, hiểm nguy, gian lao, vất vả. Làm thì xúm nhau như thế, công lao và hưởng thụ thì lãnh đạo muốn giành hết về mình, riết trở thành thói quen rất khó chấp nhận. Muốn biết thật hư thế nào, hãy đến các nghĩa trang liệt sĩ coi phần lớn ai nằm trong đó và nhìn vào cuộc sống các giai tầng trong xã hội sẽ nhận ra ngay.

Hết năm nầy đến năm khác, Đảng CSVN phát động học tập làm theo tấm gương, tư tưởng, đạo đức, di chúc Hồ Chí Minh. Có lẽ học mà không thuộc nên còn quá nhiều chuyện trái tai gai mắt:

+ Đày tớ sướng hơn chủ: Phần lớn quan chức cao cấp có mướn osin. Quan làm việc trong dinh thự nguy nga như cung vua. Nhà riêng của Quan là những ngôi biệt thự như phủ chúa. Quan vi hành trên không thì bằng chuyên cơ, dưới đường bộ thì bằng công xa bóng lộn, có cảnh sát mở đường – “Quan về làng như Thần hoàng về miễu”. Quan trị bịnh ở bệnh viện riêng hoặc ra nước ngoài điều trị. Con cái của quan học ở những trường điểm hoặc du học ở nước ngoài để sớm thành tài về “nối nghiệp” cha ông, v.v.

+ Dân sống trên đất liền bị lục tặc cướp đất, đói khát lăn lê quanh những công đường để kêu oan, chẳng những không được đếm xỉa, đôi khi còn bị ăn đòn. Dân sống nghề biển bị hải tặc hãm hại đủ điều, bao góa phụ cùng con chít khăn tang trước những ngôi mộ gió! Đau xót hơn, do bức bí về cuộc sống, hàng tốp phụ nữ Việt Nam phải xếp hàng loả lồ cho nam nước ngoài kén chọn cô dâu, đến lúc về bên quê chồng thì bị phân biệt đối xử phải khóc cha khóc mẹ ở xứ người, v.v. Trong khi đó, giới lãnh đạo xem như không có chuyện gì xảy ra, tha hồ ăn sung mặc sướng, vui cười, đốt pháo hoa, v.v.

+ Quan chức sống “vĩ đại” là thế, chết cũng phải “vinh quang”: Quan chết như Vua băng hà. Chết có cơ quan nhà nước thông báo rộng rãi, điếu phúng linh đình. Tang lễ và nghi lễ: Ai Quốc tang, treo cờ rủ; Ai Nhà nước tang; Ai Tỉnh tang; Ai Huyện tang có phân định rõ ràng. Tiễn đưa Quan đến nơi yên nghĩ xe nối đuôi dài đếm hụt hơi. Dành những khu đất công làm những nghĩa trang chôn Quan, chôn theo đẳng cấp, chôn trước chôn sau, mả lớn mả nhỏ. Nhiều địa phương đem xác của lãnh đạo cấp cao tỉnh, huyện vào chôn ở những hàng đầu trong các nghĩa trang liệt sĩ?! Đường, trường… không đủ để quý quan chia nhau đặt tên. Đó là chưa nói tượng đài, lăng tẩm, từ đường cho cá nhân và dòng tộc thuộc nhà quan thi nhau mọc lên… So với người ta, mật độ dân số VN ta đã quá cao. Sống cũng chiếm đất, chết cũng chiếm đất kiểu này, con cháu đời sau sống bằng cách nào đây?!

Cố lãnh tụ Hồ Chí Minh được lãnh đạo VN ra sức thần tượng, thần thánh hóa, suy tôn hết lời, ưu ái quá mức: Việt Nam Hồ Chí Minh; Đường Hồ Chí Minh trên biển; Đường Hồ Chí Minh trên bộ; Kết thúc chiến tranh bằng chiến dịch Hồ Chí Minh; Đổi tên Sài Gòn thành TP Hồ Chí Minh; mở đường Hồ Chí Minh xuyên Việt (đang dở dang đoạn đồng bằng Sông Cửu Long, có lẽ hết kinh phí); Đã/định xây khu lưu niệm Hồ Chí Minh hoành tráng ở tỉnh Nghệ An; Tượng và ảnh Hồ Chí Minh gần như buộc phải có ở những nơi trang trọng và trong những nơi hội họp… Nhưng sự thực về ngày chết của lãnh tụ và di chúc của lãnh tụ lại không được tôn trọng: Hồ Chí Minh chết ngày 2/9 mà thông báo ngày 3/9; Hồ Chí Minh di chúc thiêu xác, lãnh đạo VN lại cho ướp xác và lập lăng thờ. Chắc chắn nơi chín suối, Hồ Chí Minh buồn lắm về hậu duệ của mình, nhưng biết sao bây giờ, chết là hết!

Hồ Chí Minh nói: “Không sợ thiếu, chỉ sợ không công bằng”.

Chủ tịch nước đương quyền Trương Tấn Sang nói: “Không sợ bất cứ thế lực nào, chỉ sợ Dân mất lòng tin đối với Đảng, Nhà nước”.

Một người thì sợ không công bằng, một người thì sợ dân mất lòng tin. Công bằng và lòng tin có chi mà phải sợ? Phải chăng cả hai đều sợ dân chúng bất bình nổi loạn? Sợ là phải, bởi vì: không công bằng dẫn đến mất lòng tin, mất niềm tin sinh nổi loạn, đó là tất yếu.

Tổng Bí thư Đảng CSVN Nguyễn Phú Trọng nói: “Một bộ phận không nhỏ đảng viên thoái hóa biến chất…” - không nhỏ tức là lớn, lớn chớ không phải tất cả? Đúng vậy. Theo quan sát của tôi, đảng viên thoái hóa biến chất phần lớn nằm trong lực lượng đương quyền. Tôi đã và đang chơi thân với một số đảng viên khiêm tốn, đức độ, xin kể ra một ít trường hợp để mọi người suy gẫm:

+ Ông Dương Quang Đông, đảng viên lão thành, đem 40 lượng vàng góp phần cứu dân bị lũ lụt. Người ta hỏi vàng đâu ông có nhiều thế, sao không để dưỡng già…? Ông thản nhiên đáp: “Của bá tánh ấy mà, tôi bán cái nhà Đảng cấp. Vợ chồng già chỉ cần cái nhà nhỏ là đủ, dôi ra số vàng để chi. Tôi với bả dưỡng già bằng tiền hưu là đủ, chết có chế độ chôn cất…”. Trước khi chết ông còn dặn và được thực hiện: “Người ta tự giác đi điếu, mình nhận hết rồi giao cho Ban tang lễ gởi làm từ thiện”.

+ Ông Nguyễn văn Châu (Châu Nguyễn), đảng viên lão thành, nguyên trưởng Ban Tuyên Huấn Bến Tre, cũng bắt chước ông Dương Quang Đông, trước khi chết trối: “Nhận điếu rồi giao cho Ban tổ chức lễ tang gởi làm từ thiện”.

+ Ông Phạm văm Kim (Bảy Kim), đảng viên lão thành, nguyên giám đốc Sở Giáo dục Tiền Giang, trước khi chết, ông để lại “Ý Nguyện sau cùng”dán trước quan tài:

Cuối đời đến lúc phải đi xa,

Tang lễ giản đơn chớ rườm rà.

Bà con chòm xóm đốt nhang viếng,

Miễn điếu, miễn quà, miễn tặng hoa.

.

Bè bạn tâm giao sầu tiễn biệt,

Cháu con mặc niệm, khóc tang gia.

Thiêu xác phong trần về cát bụi,

Hồn thiêng nương tựa chốn trăm hoa.

+ Ông Phạm văn Đúng (Ba Đúng), đảng viên lão thành, chưa chết, chỉ mới ngất ngư, cũng viết sẵn lời “Trăn trối”:

Trước phút lìa đời xin ỉ ôi, (không ra lịnh mà năn nỉ)

Vùi sâu đáy mộ xác thân tôi,

Nhạc lễ chẳng cần, không tụng, lạy…

Phúng điếu chi phiền, khổ nhau thôi.

Chế độ từ trần vui chấp nhận,

Quà người cao tuổi ấm hồn tôi.

Mấy lời trăn trối khi lìa thế,

Ước nguyện sau cùng bấy nhiêu thôi.

23/10/2014

T.T.

Tác giả gửi BVN

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn