Thư giãn cuối tuần: Giấc mộng

Thiện Tùng

Chập chờn trong giấc ngủ, tôi mộng thấy cha tôi hiện về. Vẫn như xưa, ông mặc bộ ka-ki, mang đôi dép cao su, râu tóc bạc phơ, với đôi mắt đăm chiêu đượm buồn, trông có vẻ nghiêm nghị. Đây là cuộc gặp gỡ đầu tiên sau 55 năm kẻ dương gian người âm cảnh.

Trước sự nghiêm nghị của ông, không dám xáp lại gần, đứng cách hơi xa, tôi hỏi:

- Cha bị bịnh gì mà trông vàng võ, xác xơ đến thế?

- Bịnh già ấy mà, rơ hết, không có phụ tùng thay thế! Nhưng con ơi, nỗi đau về thể xác là chuyện nhỏ so với nỗi đau về tinh thần.

- Có việc gì khiến cha buồn phiền?

Ông nhìn thẳng vào mắt tôi, lắc đầu nói:

- Tụi bây quá rồi, ngoài “tứ đổ tường” còn làm những điều sai trái khác khiến cho lòng dân ai oán. Khi “nợ” dân chồng chất, không còn cách nào khác, tụi bây buộc phải kinh doanh trên mồ ma xác chết – đem “bàn thờ tổ” ra thế chấp. Nhưng dân có chịu đâu, vì giá trị “cái bàn thờ” không tương xứng với khối “nợ” khổng lồ mà tụi bây đã vay trong dân.

- Con chưa hiểu, xin cha nói rõ hơn? – tôi hỏi vặn.

- Có gì đâu mà không hiểu: Tụi bây làm quá nhiều chuyện bất nhơn, thất đức khiến cho lòng dân ta thán rồi lấy tao làm cái khiên để che chắn. Đó là lối “ăn mày dĩ vãng”, hiểu chưa?

- Ôi xời, tưởng gì, đó chẳng qua là các thế lực thù địch từ bên ngoài xúi giục kẻ cơ hội bên trong nói xấu chế độ nhằm thực hiện âm mưu “chuyển lửa về quê nhà” ấy mà, hơi đâu mà cha nghe những đồn đại lẻ tẻ ấy.

- Bộ mầy tưởng tao như như đứa con nít, như hồi còn người phàm xác thịt chõi gậy, cuốc bộ rồi muốn nói sao nói à! Bây giờ tao đi mây về gió, những việc làm nên hư của tụi bây tao biết tất.

- Nhưng mà thưa cha, con đã về hưu.

- Biết rồi. Hưu rồi ôm lấy sổ hưu, hết trách nhiệm hay chối tội được sao? Những chuyện “bê bối” đâu phải mới xảy ra? Cha nay thuộc “cõi âm”, hoạt động về đêm, cha lai trần lần nầy để rảo thăm con cháu. Ăn nhiều chớ ở bao nhiêu, thấy con khỏe, cơ ngơi gói ghém như vầy là cha mừng rồi, chớ cơ ngơi đồ sộ, nguy nga như thằng Phiêu, thằng Truyền… thì cha buồn lắm. “Dân giàu nước mạnh”, “Quan giàu nước yếu, dân khổ”, biết chưa?

- Gì chớ những cái “thiệu” ấy con thuộc nằm lòng. Như cha vừa nói, cha “đi mây về gió, việc làm nên hư của tụi con cha biết tất”, thử kể xem? – Tôi muốn thăm dò xem ông biết đến đâu.

- Đã nói tao đã thuộc “cõi âm”, sống về đêm, gà đã gáy canh tư, trời sắp sáng, thời gian đâu mà kể lể bao chuyện xảy ra cùng trời cuối đất. Hơn nữa, những trí thức chân chính cũng đã nói cả rồi, có điều bây bỏ nó ngoài tai đó thôi.

- Lâu quá rồi cha mới về, chẳng lẽ không có một vài lời chỉ bảo gì với con cháu hay sao?!

- Thôi được rồi, cha chốt lại những chứng tật mà các con cháu thường mắc phải, mong rằng cha nói ít con cháu hiểu nhiều:

+ Phải can đảm nhìn thẳng vào sự thật, nói rõ sự thật – không ngụy biện đổ lỗi khách quan.

+ Phải nghe người ta nói chớ đừng chỉ biết nói cho người ta nghe theo kiểu dạy đời.

+ Trời sáng không phải do tiếng gà gáy – đừng “hả miệng chờ sung”, chạy sau xe chỉ hứng bụi.

+ Bỏ đi thói quen giấu dốt, thích khen, ghét chê – khen thì vui cười, hỉnh mũi; chê thì như bị kim chích đít, đỏ mặt, tìm cách trù dập người ta.

+ Từ lâu, cha dị ứng nhứt: Làm sai, người ta cật vấn, bí rồi lấy chữ “nhạy cảm” để phớt lờ. Đất nước đã thoát khỏi chiến tranh hơn 30 năm mà cứ nhai đi nhai lại cái điệp khúc “chúng ta đang đứng trước những khó khăn thách thức mới”…

+ Bớt nói dài dòng, bôi trơn, ngụy biện. Chẳng hạn: Không nói thất nghiệp mà nói “người đến tuổi lao động chưa có việc làm”. Đi làm thuê cho nước ngoài gọi là “xuất khẩu lao động”. Hàng ế thì gọi “hàng tồn kho chưa đưa ra lưu thông”. Không gọi “cửa hàng tạp hóa” cho gọn mà gọi “cửa hàng bách hóa tổng hợp” vừa thừa vừa dài dòng, v.v. và v.v.

Phải bỏ thói ngụy biện, không thì người ta sẽ gọi “ngụy quyền, ngụy quân” như thời Việt Nam Cộng Hòa thì nguy đấy. Lai rai tao nghe người ta gọi cán bộ nhân viên công quyền bằng “gã”, bằng “thằng”, đó là dấu hiệu không lành đó, biết chưa?

- Ba nói không sai, nhưng phải thông cảm cho tụi con, những tồn tại về mọi mặt ấy do tác động của những yều tố khách quan, chẳng hạn như: do tàn dư chế độ cũ/ do hậu quả chiến tranh/ do cơ chế/ do thời kỳ quá độ/ do biến cố Châu Âu/ do chiến tranh vùng vịnh, do khủng hoảng kinh tế thế ….

Tôi chưa nói hết, ông xoa tay ngắt lời tôi, lắc đầu, chấp tay xá tôi mấy cái, khen “dzõi”. Rồi “thăng”!

12/04/2014

T. T.

Tác giả gửi BVN.

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn