Lợi ích công hay lợi ích toàn dân? Mối quan hệ giữa Nhà nước và Xã hội dân sự trong vấn đề thu hồi đất đai qua góc nhìn kinh tế luật

(tiếp theo)

Phạm Hải Vũ

I.4 Lợi ích công và sở hữu đất đai tại Việt Nam

Hệ thống luật của Việt Nam được xây dựng trên truyền thống Châu Âu lục địa[1] giống như Pháp, và công nhận quyền sở hữu tư nhân. Tuy nhiên Việt Nam không công nhận quyền sở hữu tư nhân đất đai. Hiến pháp – văn bản luật có giá trị cao nhất - quy định tại điều 57 đất là tài sản chung của toàn dân, do Nhà nước thay mặt quản lý. Luật đất đai mới năm 2013 ghi tại điều 4 «Đất đai thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý. Nhà nước trao quyền sử dụng đất cho người sử dụng đất theo quy định của Luật (này)». Nếu so sánh với luật của các quốc gia phương Tây - lấy hai ví dụ điển hình được trình bày ở trên là Pháp và Mỹ - thì sự khác biệt là ở Việt Nam là người dân không làm chủ sở hữu tuyệt đối đất. Người dân chỉ được Nhà nước trao quyền sử dụng. Tuy nhiên điểm khác biệt này thật ra sẽ không ảnh hưởng đến đời sống người dân nếu Nhà nước thiết lập các quyền sử dụng có tính ổn định lâu dài, cho phép người nắm quyền sử dụng hiệu quả đất của mình.

Nhiều mẫu thuẫn đất đai tại Việt Nam giữa nhà nước và bên dân sự đã diễn ra trong thời gian vừa qua. Mâu thuẫn phát sinh vì người dân coi đất là tài sản của mình, và không đồng ý bị nhà nước thu hồi cho các mục đích sử dụng khác. Về luật pháp, đất đai là tài sản của toàn dân do nhà nước quản lý, nhưng về mặt kinh tế, người dân coi đất là tài sản riêng, bởi đất chính là phương tiện làm việc và sống. Ngoài ra trên đất còn có các tài sản khác như nhà cửa và các động sản là các tài sản riêng có giá trị, được pháp luật công nhận. Trong một nền kinh tế mở cửa theo định hướng thị trường, tất cả các tài sản này đều có khả năng tham gia vào sản xuất, dẫn đến nhu cầu có một cơ sở pháp lý an toàn bảo vệ quyền của người chủ sở hữu. Ngày càng có nhiều ý kiến cho rằng sở hữu tư nhân đất đai là một xu hướng tất yếu, và khuyến nghị nhà nước nên sửa đổi lại luật đất đai, công nhận sở hữu tư nhân đất đai. Một số ý kiến còn cho rằng sở hữu tư nhân đất đai giúp giải quyết những xung đột đất đai liên quan đến việc thu hồi đất. Lý lẽ viện dẫn là nếu đất thuộc sở hữu tư nhân thì Nhà nước sẽ không thể tiến hành thu hồi cưỡng chế, mà phải thông qua thương lượng.

Trước hết cần thấy rằng công nhận sở hữu tư nhân đất đai không thể giải quyết tranh chấp, bởi vì tranh chấp tồn tại ngay cả ở các quốc gia phát triển có công nhận sở hữu tư nhân đất như Pháp và Mỹ. Sau đó cần thấy rằng đối tượng của tranh chấp ở đây rốt cục không phải là quyền sở hữu luật định mà là (thực) quyền sử dụng, tức là quyền (lợi) tương ứng với lợi ích kinh tế thật sự của các bên.

Quyền sở hữu luật định là cơ sở để xác định nội dung của quyền sử dụng, nhưng nhiều yếu tố khác cũng có thể ảnh hưởng lên quyền sử dụng, đặt biệt là quyền được can thiệp trực tiếp vào kinh tế của Chính phủ. Trong trường hợp Việt Nam, có thể thấy rõ ràng sự khác biệt giữa hai quyền. Quyền sở hữu đất đai - do Quốc hội công nhận và Nhà nước đại diện quản lý - chỉ là một quyền danh nghĩa. Đây không phải là (thực) quyền sử dụng, tự nó cũng không có giá trị kinh tế. Quyền mang giá trị kinh tế thật là quyền được sử dụng và kiểm soát tài nguyên. Quyền sử dụng này thuộc về Chính phủ và các cơ quan hành chính, mặt khác do chính người dân và các chủ thể kinh tế khác nắm giữ thông qua các quyền sử dụng mà Nhà nước đã trao. Kể từ sau thời kỳ đổi mới, Nhà nước cho phép trao đổi quyền sử dụng đất trên thị trường. Giá đất được mua bán chính là giá trị của (thực) quyền sử dụng đất do thị trường định đoạt. Nói rộng hơn, nó là giá trị mà thị trường ước lượng cho khả năng sản xuất & sử dụng & đầu tư sinh lời của mảnh đất, dựa trên các cơ sở pháp lý được pháp luật công nhận.

Giống như nhiều quốc gia trên thế giới, tại Việt Nam các (thực) quyền sử dụng được xác định trước hết bởi Nhà nước thông qua các văn bản luật, có nghĩa là trên cơ sở quyền sở hữu luật định. Ngoài ra nội dung của các (thực) quyền này có thể bị thay đổi tùy theo hoàn cảnh, ví dụ có can thiệp của cơ quan hành chính trong các trường hợp đặc biệt, hoặc trong trường hợp quyền sở hữu luật định thuộc về một tập thể. Trong trường hợp này, (thực) quyền của mỗi chủ sở hữu có thể bị hạn chế bởi các quyết định chung của tập thể đó. Vấn đề của Việt Nam là khi các cơ quan hành chính đại diện cho Chính phủ can thiệp để thay đổi nội dung và giá trị của quyền sở hữu luật định, họ không công bố cơ sở của can thiệp đó.

Về mặt lý thuyết, cơ sở của các can thiệp của Chính phủ chỉ có thể là để thực thi lợi ích công. Tuy nhiên nội dung của khái niệm lợi ích công chưa hề được luật pháp Việt Nam xác định cụ thể. Nó chỉ được minh họa một cách chung chung qua khái niệm lợi ích quốc gia. Cụ thể điều 16 Luật đất đai sửa đổi năm 2013 liên quan đến quyết định thu hồi, trưng dụng đất quy định như sau :

1. Nhà nước quyết định thu hồi đất trong các trường hợp sau đây:

a) Thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh; phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng;

b) Thu hồi đất do vi phạm pháp luật về đất đai;

c) Thu hồi đất do chấm dứt việc sử dụng đất theo pháp luật, tự nguyện trả lại đất, có nguy cơ đe dọa tính mạng con người.

2. Nhà nước quyết định trưng dụng đất trong trường hợp thật cần thiết để thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, an ninh hoặc trong tình trạng chiến tranh, tình trạng khẩn cấp, phòng, chống thiên tai.

Tại khoản 1.a, có thể thấy khái niệm phát triển kinh tế được coi là một lợi ích công, nhưng bị đánh đồng với các lợi ích quốc gia khác như Quốc phòng, an ninh. Dưới góc nhìn kinh tế chính trị, đây là một điểm không thỏa đáng bởi vì mục đích an ninh quốc phòng và mục đích phát triển kinh tế là hai việc rất khác nhau về bản chất.

Ngoài ra, chúng ta cũng có thể hiểu khoản 1.a điều 16 như sau : «Nhà nước có quyền thu hồi đất vì mục đích phát triển kinh tế vì lợi ích công cộng», có nghĩa là bản thân việc phát triển kinh tế không phải là lợi ích công, nhưng nó phục vụ cho lợi ích công. Trong trường hợp này, cũng vẫn cần phải dẫn chiếu đến khái niệm lợi ích công, và cần có một thủ tục cho phép xác định nó. Bởi nếu không xác định rõ ràng, điều luật trên đơn giản cho phép Chính phủ thay đổi nội dung của quyền sở hữu luật định một cách thô bạo.

Một điểm khác cần lưu ý trong luật Đất đai Việt Nam, là việc Nhà nước ủy quyền xác định lợi ích công cho các cơ quan hành chính cấp địa phương. Tại điều 66 Luật đất đai 2013, Quốc hội đã chính thức ủy quyền xác định lợi ích công cho các Ủy ban nhân dân tỉnh và huyện. Cụ thể, điều 66 quy định rằng Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và cấp huyện có thẩm quyền thu hồi đất trong các các trường hợp xác định tại điều 62 mục 3 cùng bộ luật:

a) Dự án xây dựng trụ sở cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội; công trình di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh được xếp hạng, công viên, quảng trường, tượng đài, bia tưởng niệm, công trình sự nghiệp công cấp địa phương;

b) Dự án xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật của địa phương gồm giao thông, thủy lợi, cấp nước, thoát nước, điện lực, thông tin liên lạc, chiếu sáng đô thị; công trình thu gom, xử lý chất thải;

c) Dự án xây dựng công trình phục vụ sinh hoạt chung của cộng đồng dân cư; dự án tái định cư, nhà ở cho sinh viên, nhà ở xã hội, nhà ở công vụ; xây dựng công trình của cơ sở tôn giáo; khu văn hóa, thể thao, vui chơi giải trí phục vụ công cộng; chợ; nghĩa trang, nghĩa địa, nhà tang lễ, nhà hỏa táng;

d) Dự án xây dựng khu đô thị mới, khu dân cư nông thôn mới; chỉnh trang đô thị, khu dân cư nông thôn; cụm công nghiệp; khu sản xuất, chế biến nông sản, lâm sản, thủy sản, hải sản tập trung; dự án phát triển rừng phòng hộ, rừng đặc dụng;

đ) Dự án khai thác khoáng sản được cơ quan có thẩm quyền cấp phép, trừ trường hợp khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường, than bùn, khoáng sản tại các khu vực có khoáng sản phân tán, nhỏ lẻ và khai thác tận thu khoáng sản

Các quy định trên, thoạt nhìn có vẻ rất logic và phù hợp với lý thuyết Nhà nước can thiệp điều chỉnh thị trường, nhưng lại tạo ra các vấn đề pháp lý khác liên quan đến hoạt động của nền kinh tế thị trường hiện tại ở Việt Nam.

Chúng ta đều biết là các dự án xây dựng khu đô thị mới, khu sản xuất, cụm công nghiệp, v.v... ngày hôm nay tại Việt Nam là các dự án kinh tế, tuân thủ các nguyên tắc của thị trường. Ở đây, định hướng phát triển kinh tế của Nhà nước phụ thuộc lớn vào logic kinh doanh, tức là đi tìm lợi ích kinh tế. Nói cách khác, các doanh nghiệp chỉ tham gia khi có lợi cho họ. Tương tự, các dự án khai thác khoáng sản đơn giản chỉ trao quyền sử dụng & khai thác tài nguyên cho các tập đoàn kinh doanh tư nhân, hoặc nhà đầu tư nước ngoài để họ làm lợi cho chính họ. Trong các trường hợp trên, xã hội nếu được hưởng lợi thì cũng chỉ là hưởng lợi gián tiếp. Do đó muốn nói đến lợi ích công thì cần có các tính toán minh chứng cho việc xã hội được hưởng lợi. Sau đó, nếu nói rằng cơ sở pháp lý cho phép làm những điều này là lợi ích công, thì cũng cần tái khẳng định lại nguyên tắc bồi thường xứng đáng, là nguyên tắc mà quốc tế cũng như các quốc gia phát triển đều áp dụng.

Trên thực tế cả hai khái niệm lợi ích công và bồi thường xứng đáng đều vắng bóng trong luật đất đai 2013. Điều 112 luật đất đai cho phép chính phủ định khung giá đất, và điều 114 cho phép các Ủy ban nhân dân tỉnh định giá đất, làm cơ sở cho việc bồi thường. Việc định giá này không những đi ngược lại với nguyên tắc thị trường mà còn xóa nhòa hết nội dung của khái niệm lợi ích công bởi nó đơn giản cho phép các cơ quan hành chính vừa thu hồi không cần nguyên tắc, vừa bồi thường theo cảm tính. Trong tình trạng hiện tại chúng ta chưa có bất cứ một cơ sở dữ liệu cấp quốc gia nào cho phép xác định giá đất một cách khách quan và khoa học, có thể nói đơn giản là điều 112 và 114 luật đất đai cho phép các cơ quan công quyền ở cấp tỉnh & huyện định giá đất một cách tùy tiện.

Nói tóm lại, cơ sở pháp lý của quyền sở hữu luật định với đất tại Việt Nam không được bảo vệ một cách vững chắc. Khái niệm trao quyền sử dụng đất của luật đất đai Việt Nam, tuy khác biệt với nước ngoài, rút cục không phải là điểm gây vấn đề cho chúng ta phát triển kinh tế. Nhờ nắm quyền sở hữu tuyệt đối, Nhà nước có thể dễ dàng can thiệp để khắc phục các khiếm khuyết của thị trường. Mặt khác, nhìn từ góc độ kinh tế chính trị, các chủ thể kinh tế chỉ quan tâm đến các (thực) quyền sử dụng đất, và cần chúng được xác định ổn định và rõ ràng, chứ không quan tâm đến các quyền sở hữu tuyệt đối do luật định.

Vấn đề chính ở Việt Nam là nội dung và giá trị của các quyền do luật định có thể dễ dàng bị thay đổi, thông qua quyết định của cơ quan hành chính các cấp. Một khi cơ chế này tồn tại, dễ hiểu tại sao các chủ thế kinh tế tư nhân lại tìm cách chiếm lấy các quyền này, thông qua việc bắt quan hệ ngầm với cơ quan Nhà nước có thẩm quyền. Đất đai càng có giá trị thị trường cao nhưng không được bảo vệ về mặt pháp lý một cách vững chắc thì càng chất chứa tiềm năng tranh chấp. Đó có thể là đất có chứa khoảng sản, đất nông nghiệp & lâm nghiệp hay đất trống gần các thành phố lớn, đất ở nhưng chưa xây dựng, đất chuyển đổi mục đích sử dụng mà chưa được công nhận, hay đất mà giấy tờ sử dụng chưa được cấp… Về bản chất các thu hồi gây tranh cãi rốt cụ là để phục vụ các mục đích kinh tế tư nhân. Điều đáng tiếc là Nhà nước với tư cách là đại diện của toàn dân lại xen vào các tranh chấp này.

II Quyền lực tư pháp trong nền kinh tế thị trường

Các lý thuyết kinh tế luật hiện đại chỉ ra rằng (thực) quyền sử dụng và kiểm soát tài nguyên mới là một quyền có ý nghĩa kinh tế quan trọng. Tại các quốc gia có hệ thống luật pháp vững chắc, quyền sở hữu luật định là nền tảng của thực quyền này. Trong khi đó tại các quốc gia có ít kinh nghiệm về kinh tế thị trường như Việt Nam, vẫn còn tồn tại có một khoảng cách lớn giữa quyền sở hữu danh nghĩa trên văn bản, và thực quyền kiểm soát các tài nguyên. Ví dụ, Nhà nước là cơ quan đại diện cho sở hữu các tài nguyên ở Việt Nam, nhưng thực quyền phân bổ và sử dụng tài nguyên hoàn toàn do các cơ quan hành chính nắm giữ. Chúng tôi cho rằng đây là một hiện trạng chưa được giải quyết xong của quá trình chuyển từ nền kinh tế tập trung sang nền kinh tế thị trường theo định hướng Nhà nước.

Trong một nền kinh tế tập trung, Nhà nước nắm toàn quyền phân bổ tài nguyên nên đương nhiên cơ quan hành chính có (độc) quyền phân bổ quyền sử dụng. Về mặt lý luận, người ta có thể đặt câu hỏi cho hiệu quả kinh tế của quyết định Nhà nước, nhưng không thể đặt câu hỏi cho cơ sở pháp lý của việc nắm quyền. Trong hệ thống này, việc Nhà nước nắm quyền toàn quyền là một việc hoàn toàn logic.

Trong một nền kinh tế thị trường, vai trò của Nhà nước dừng lại ở việc công nhận quyền sở hữu còn quá trình phân bổ các quyền này do thị trường quyết định. Các chủ thể kinh tế được tự do trao đổi quyền của mình trong khuôn khổ pháp luật. Lý thuyết bàn tay vô hình của Adam Smith nói rằng khi các chủ thể kinh tế tự do theo đuổi lợi ích riêng của mình (trong khuôn khổ pháp luật), điều này vô hình chung làm lợi cho xã hội. Vai trò của pháp luật dừng lại ở việc đảm bảo luật chơi công bằng cho các chủ thể kinh tế.

Trong một nền kinh tế thị trường có sự can thiệp của Nhà nước, cả hai nguyên tắc thị trường và nhà nước cùng được kết hợp. Nhà nước phải “chia sẻ quyền lực” của mình với thị trường, và nếu ranh giới giữa chúng không được phân định rõ ràng, sẽ có những vùng chồng chéo gây tranh. Tại Việt Nam, việc các cơ quan hành chính vừa có quyền định đoạt hoặc thu hồi quyền sử dụng đất, vừa đồng thời công nhận vai trò của thị trường trong việc mua bán đất chính là một yếu tố có thể gây ra chồng chéo. Vì không có ranh giới can thiệp rõ ràng, cơ quan hành chính có thể ra các quyết định mâu thuẫn với chính mình. Ví dụ thu hồi đất đai vì mục đích phát triển kinh tế, xã hội nhưng thực chất là trao quyền sử dụng của người dân cho các tập đoàn kinh tế. Về bản chất, xã hội không được lợi gì nếu Nhà nước thu của người này trao cho người khác. Nói cách khác, nếu không chứng minh được cơ sở công ích của quyết định thu hồi, thì Nhà nước chỉ thay đổi người hưởng lợi chứ không tạo ra phúc lợi tập thể. Một quyết định như vậy vi phạm nguyên tắc tối ưu Pareto mà tất cả những ai được học kinh tế học đều biết. Nguyên tắc Pareto nói rằng xã hội chỉ có lợi khi một số chủ thể kinh tế được hưởng thêm phúc lợi, nhưng không có chủ thể nào phải hy sinh phúc lợi của mình.

Kinh nghiệm tại các quốc gia phát triển cho thấy Nhà nước cần thiết lập rõ ràng các nguyên tắc can thiệp vào kinh tế, và đặc biệt cần định nghĩa rõ ràng thế nào là lợi ích công, làm cơ sở cho can thiệp của mình. Nếu Nhà nước tùy tiện can thiệp thì rủi ro rất lớn đi cùng là các nhóm lợi ích sẽ tìm cách sử dụng cơ quan công quyền, biến luật pháp thành các công cụ đi tìm lợi ích cá nhân. Cũng theo kinh nghiệm tại Pháp và Mỹ, cần phải có một quyền lực tư pháp độc lập cho phép kiểm soát các quyền lực của Nhà nước và thị trường, đảm bảo công bằng xã hội.

Theo lý thuyết kinh tế luật trường phái Mỹ, không phải Nhà nước nói chung mà chính là quyền lực tư pháp nói riêng sẽ khắc phục những hạn chế của nền kinh tế thị trường. Trong tác phẩm Nền tảng pháp luật của Chủ nghĩa tư bản [2], nhà kinh tế học người Mỹ John Commons giải thích vì sao nền kinh tế thị trường vẫn hoạt động được mặc dù nó sản sinh ra vô số mâu thuẫn, vô số tranh chấp. Tư tưởng chủ đạo của tác phẩm này là coi hoạt động của thị trường luôn diễn ra trong một khung luật pháp quy định trước, nơi một vị trí quan trọng hàng đầu được dành cho quyền lực tư pháp. Theo Commons, thị trường có rất nhiều thói quen xấu, nhưng các phán quyết của tòa án sẽ cho phép lựa chọn các quy tắc tốt (hay bất công), và loại bỏ các quy tắc tồi. Các phán quyết này sau đó lại đóng góp vào các thể chế luật pháp, giúp luật pháp luôn kiểm soát và điều hòa thị trường.

Kết luận quan trọng của Commons là để có một khung pháp luật thích hợp, không nên dựa vào các nhà lập pháp và hành pháp, mà phải dựa vào quyền lực tư pháp ; cần phải có các tòa án độc lập, và các thẩm phán công tâm làm việc. Những người này sẽ có vai trò lọc bỏ các thủ thuật xấu tham gia vào giao dịch thị trường (bad practices), đồng thời thiết lập các quy tắc (thị trường) mới theo hướng có lợi cho xã hội. Kết luận này đóng góp lớn vào tư duy luật pháp của nhiều quốc gia hiện đại ngày hôm nay. Đặc biệt Commons nhấn mạnh vai trò của luật pháp một cách thực tiễn chứ không dừng lại ở việc ban hành các văn bản pháp luật. Là một người theo chủ nghĩa Thực dụng (pragmatics) Commons không tin vào các văn bản luật, mà chỉ quan tâm đến các hành động cụ thể, những hành động mà chúng ta có thể quan sát đo đếm, và ghi nhận được ảnh hưởng sau khi triển khai luật. Või ông, quyền lực tư pháp độc lập chính là nền tảng sống còn của chủ nghĩa tư bản hiện đại. Tư pháp có giá trị cao hơn hành pháp bởi nó độc lập: trong khi đó các chính sách mà chính phủ ban hành thường xuyên chịu ảnh hưởng của các nhóm lợi ích làm vận động hành lang[3].

Còn theo quan điểm của các nhà kinh tế chính trị học trường phái Pháp, Nhà nước có một vai trò quan trọng nhưng cần có các tòa án hành chính làm nhiệm vụ kiểm soát quyền lực của Nhà nước. Cụ thể hơn, Nhà nước có hai thuộc tính xấu cố hữu là quan liêu và lạm dụng quyền lực. Do đó Nhà nước chỉ có thể can thiệp hiệu quả vào nền kinh tế nếu nó hợp tác chặt chẽ với xã hội dân sự. Nhà nước phải chia sẻ quyền lực với xã hội dân sự và phải bị kiểm soát để tránh lạm quyền.

Kinh nghiệm của Pháp và Mỹ cho thấy mô hình phát triển kinh tế thị trường có sự tham gia của Nhà nước cần phải được kiểm soát bởi hệ thống tư pháp. Về mặt này có thể thấy Việt Nam đã có dấu hiện thay đổi khi gần đây Quốc hội đã thông qua luật khởi kiện hành chính. Thế nhưng người dân vẫn rất mù mờ khả năng khiếu kiện hành chính[4]. Trên thực tế rất nhiều yếu tố ngăn cản việc khởi kiện này. Thứ nhất, người dân chưa có văn hóa khiếu kiện hành chính. Trong khi đó điều này là cần thiết bởi Nhà nước ngày càng tham gia sâu vào kinh tế, có nghĩa là ngày càng có khả năng rơi vào tranh chấp lợi ích với tư nhân. Thứ hai, thủ tục xét xử hành chính về lý thuyết cho phép tòa án nhân dân thụ lý đơn, nhưng thực tế không có gì đảm bảo một tòa án nhân dân cấp tỉnh hay cấp huyện có đủ nhân lực và chuyên môn, đảm bảo công bằng xét xử cho bên dân sự. Hơn thế, chi phí khởi kiện là quá cao so với thu nhập của người dân. Liệu người dân có dám đi kháng nghị một quyết định hành chính sau khi theo dõi một vụ án như vụ thu hồi đất tại Tiên Lãng của ông Đoàn Văn Vươn. Riêng án phí thua kiện đã lên tới 23 triệu đồng. Cuối cùng cần nhắc lại là tại Pháp và Mỹ, quyền lực tư pháp tồn tại độc lập trên cơ sở xã hội được quyền lựa chọn và kiểm soát Nhà nước thông qua lá phiếu bầu cử. Tại Việt Nam, đa số người dân không biết người đại diện cho mình tại quốc hội là ai. Đó là một thực tế đáng buồn.

Cả lãnh đạo và người dân đều có thể thấy các vấn đề trên tồn tại. Chúng tôi sẽ không bình luận thêm và cũng không muốn (không thể) đưa ra giải pháp cho chúng. Nếu có thể nói đến hướng giải quyết, thì có lẽ trước mắt là đảm bảo tính độc lập cho hệ thống tư pháp, và quy định các điều khoản luật đặc biệt xác định cơ sở can thiệp vào kinh tế của Nhà nước. Chí ít, Nhà nước phải phân biệt được hai vai trò khác nhau của mình trong việc can thiệp kinh tế và trong vai trò chính trị như đảm bảo chủ quyền, đảm bảo an ninh, trật tự xã hội, v.v. Tuy nhiên các hướng giải quyết này chỉ có tính gợi ý, vì người viết bài không có và không thể có trách nhiệm với bất kỳ giải pháp cụ thể nào.

I. Vài lời kết luận

Các tranh chấp đất đai liên quan đến thu hồi đất là một vấn đề nhạy cảm tại Việt Nam. Nó rốt cùng không liên quan nhiều vấn đề sở hữu, mà liên quan chủ yếu đến việc xác định biên giới quyền lực của Nhà nước, cụ thể là xác định quyền của các cơ quan hành chính các cấp. Cụ thể hơn, nó phụ thuộc vào việc định nghĩa thế nào là lợi ích công và thủ tục tiến hành thu hồi đất theo lợi ích công. Luật pháp hiện tại cho phép cơ quan hành chính can thiệp khá tùy tiện trong việc thu hồi đất, trong khi đó cơ sở can thiệp là lợi ích công lại không được giải thích cụ thể rõ ràng. Quyền lực tư pháp dường như không đóng góp vai trò gì trong việc làm sáng tỏ khái niệm này.

Bước ra khỏi các tranh chấp đất đai, cần thấy rằng luật pháp công bằng là chìa khóa xây dựng nền kinh tế bền vững. Nền kinh tế Việt Nam hiện tại đi theo định hướng của Nhà nước nhưng hiểu biết pháp luật của người dân còn thấp. Đặc biệt người dân nhầm lẫn giữa luật pháp, cơ quan hành chính và lực lượng trấn áp. Đây âu cũng là điều dễ hiểu bởi thông qua đài báo, có thể thấy chuyện các nhân viên hành chính đặc biệt là công an vẫn thường xuyên lạm quyền, còn các tòa án đều có xu hướng xử nhẹ cho nhân viên công quyền phạm luật. Mới nhìn có thể thoạt nghĩ giữa phát triển kinh tế và công chức lạm dụng quyền lực không có quan hệ gì. Một số người còn cho rằng đặc trưng của việc làm kinh doanh ở Việt Nam là phải có quan hệ với cơ quan công quyền để lách luật, và cười nhạo những người được học kinh doanh trường lớp ở nước ngoài. Sự thật đáng buồn là khi có những người tự cho mình các quyền không tôn trọng luật pháp, xã hội mất đi một nền tảng để xây dựng nền kinh tế bền vững, tất cả chúng ta đều trực tiếp hoặc gián tiếp bị thiệt hại (trừ những người nắm quyền lực). Lạm dụng quyền lực cũng chỉ đơn giản có nghĩa là tạo cơ hội cho các chủ thể kinh tế mua chuộc cơ quan công quyền để thủ lợi riêng.

Nhà kinh tế học người Peru, Hernando de Soto, viết trong cuốn Sự bí ẩn của Tư bản[5] như sau: «Vì sao Chủ nghĩa Tư bản huy hoàng tại phương Tây nhưng không thành công tại những nơi khác? Vì sao chỉ một phần nhỏ của xã hội tích lũy được tài sản và trở nên giàu có, trong khi xung quanh họ là nghèo đói hiện diện khắp nơi… Bí ẩn của Tư bản nằm trong việc xây dựng một thể chế luật sở hữu duy nhất. Những người nghèo thật ra không nghèo như ta thường nghĩ. Có trong tay một khối lượng tài sản khổng lồ, nhưng không nắm được quyền sở hữu, họ không thể biến chúng thành công cụ sản xuất: chúng là Tư bản chết». Kết luận của De Soto có thể sẽ khiến nhiều người Việt Nam chúng ta suy ngẫm nhiều hơn về quyền sở hữu, quyền sử dụng, và một hệ thống luật pháp công bằng và ổn định cho người dân.

P.H.V.

Tác giả gửi BVN

[1] gọi tắt cho hệ thống Germano-Romanic, theo nghĩa là sử dụng một hệ thống văn bản quy phạm sắp xếp theo thứ tự hiệu lực

[2] Commons, J, 1924, Legal foundations of Captalism, NewYork, McMillan

[3] Cũng cần nói các tòa án tại Mỹ là nguồn luật chủ chốt của hệ thống luật pháp

[4] không nên quên rằng tại Pháp, các Tòa án hành chính mới chỉ được lập ra vào năm 1953, và các Tòa án hành chính phúc thẩm vào năm 1987

[5] De Soto H. (2000) The Mystery of Capital: Why Capitalism Triumphs in the West and Fails Everywhere Else

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn