Thư ngỏ của cựu chiến binh Hoàng Đức Doanh gửi Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng

Thưa ông Nguyễn Phú Trọng,

Lời đầu tiên kính chúc ông cùng gia quyến mạnh khỏe, an lành.

Tôi tự giới thiệu: Tôi là Hoàng Đức Doanh sinh năm 1946, giới tính Nam, trú tại: Tổ 7 phường Hai Bà Trưng, TP Phủ Lý, Hà Nam, đã nghỉ hưu, đang sinh sống cùng gia đình – có vợ, có con, có cháu.

Tiếp đến tôi cũng xác định rằng tôi không quen ông, chưa gặp ông lần nào, chỉ được xem ông trên truyền hình. Tuy vậy tôi cũng khẳng định tôi bình đẳng với ông ở mấy điểm: Cùng sinh thời (ông hơn tôi hai tuổi), cùng là đàn ông, cùng là người Việt Nam. Tôi cũng nhận thấy có sự khác nhau: Ông được học nhiều được giữ nhiều cương vị lãnh đạo, hẳn nhiên kiến thức của ông hơn tôi. Trong thời gian ông được ăn học thì là lúc tôi hành quân vào Nam chiến đấu, hòa bình thì tôi phải trực tiếp lao động sản suất làm ra của cải để sinh nhai nên kinh nghiệm thực tế tôi hơn ông. So về địa vị xã hội giữa ông và tôi thì là một trời một vực...

Tự biết về mình cũng biết về ông như thế nên tôi cố gắng tìm những lời lẽ lịch sự nhất, diễn đạt những ý nghĩ chín chắn nhất thưa chuyện cùng ông.

Kính thưa ông,

Tôi đã đọc nhiều thư ngỏ gửi đích danh ông Nguyễn Phú Trọng, đích vị Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam. Các lá thư đều ghi tên người gửi cùng với địa chỉ rõ ràng, qua đó tôi được biết có những người hơn tuổi ông, có những người từng trải, đóng góp công sức với dân, với nước nhiều hơn ông, có người là đồng môn của ông, có người tự xưng là cháu, gọi ông là bác; và nay thì đến lá thư của tôi. Tất cả tựu chung đều là tâm huyết xuất phát từ tấm lòng yêu nước, yêu dân ưu tư cho tương lai dân tộc. Mục đích của tất cả đều mong muốn ông lãnh đạo đất nước vượt qua thời kỳ nguy hiểm, lèo lái con tàu Việt Nam vượt qua bão tố phong ba tới bến bờ hạnh phúc.

Tôi đọc kỹ và tôi đồng ý với những lá thư đó về nội dung cho nên tôi không muốn nói thêm và nhắc lại. Thư này tôi đề cập đến vấn đề mới (thực ra thì nó rất cũ, nó tồn tại cùng với dân tộc Việt Nam hàng ngàn năm rồi), đó là vấn đề ông có đọc các thư gửi đích danh không, và cách hành xử có theo truyền thống tốt đẹp của dân tộc mình không.

Kính thưa ông,

Tôi xin lỗi trước phòng khi tôi phỏng đoán sai. Tôi cho rằng ông không đọc và tôi suy luận thế này: Ông không đọc vì nó là thư ngỏ, nó lại ở trên mạng internet. Là thư ngỏ nên không có việc riêng tư, tất cả là chuyện công nên đã có bộ phận giúp việc xử lý rồi tổng hợp để báo cáo với ông vì thế nên ông không cần đọc. Tôi còn mạo muội nghĩ rằng ông không quen, không thích hoặc không biết sử dụng internet vì lúc ông còn trẻ thì chưa có internet, khi internet phổ biến thì tuổi ông đã cao, rồi lại giữ những cương vị lãnh đạo quan trọng nên không thể dành thời gian mà học. Rê chuột, bấm chuột để đọc khó khăn hơn đọc văn bản trên giấy, không dễ gì bộ phận giúp việc lại in tất cả những thư ngỏ để trình ông và điều quan trọng những lá thư tâm huyết thì đều là “trung ngôn, nghịch nhĩ” nên bộ phận giúp việc đã ém nhẹm đi, tránh sự bực mình, khó chịu cho ông! Ấy là tôi phỏng đoán vậy.

Kính thưa ông,

Thời đại càng văn minh, thông tin càng dễ dàng và tiện ích. Những người nổi tiếng và nhất là chính khách thì thông tin liên tục đầy ắp hàng ngày. Biết xử lý thông tin là thể hiện tài ba và uy tín của người đó. Tôi thấy có nhiều thư tâm huyết, chứa đựng nhiều thông tin quan trọng gửi tới ông mà chưa hề thấy ông phúc đáp. Đấy cũng là bằng chứng để tôi tin rằng ông không đọc thư. Đặt giả thiết ông có đọc nhưng không phúc đáp thì điều đó lại càng đáng trách, không khác mấy việc nhà báo trẻ Nguyễn Đắc Kiên phản ứng ông mà viết “Vài lời với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng”. Đúng là “hậu sinh khả úy”, anh Kiên chỉ bằng tuổi con tôi, viết gửi ông chưa đầy trang giấy mà sao – không riêng tôi – cả một cộng đồng mạng xôn xao hưởng ứng vì anh đã nói đúng, nói hộ, nói thay bao người rằng ông chưa đủ tư cách để nói với toàn dân về suy thoái đạo đức.

Không ai dám nghĩ chứ chưa nói tới dám chê ông thiếu học thức. Nhưng ông đang giữ cương vị đứng đầu một đảng, từng nhiều năm là Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương mà lại phạm những sai sót sơ đẳng vậy!

Những sai sót đó đại diện cho cả dây hệ lụy: Cấp ủy Đảng làm thay chính quyền, chức năng quản lý lẫn lộn với chức năng kinh doanh, vai trò của Đảng cao hơn dân tộc. Bằng chứng đang hiển hiện nhãn tiền: Uy tín của Đảng giảm sút, trên bảo dưới không nghe; tham nhũng ngày càng tăng; các “quả đấm thép” khoác nợ lên cổ dân; giáo dục, y tế xuống cấp ở mức báo động đỏ; văn hóa, tín ngưỡng, nền tảng đạo đức bị phá hoại, tạo dựng một xã hội vô cảm, tắc trách; cuộc sống bất an...

Kính thưa ông,

Những thiếu sót mà ông vướng mắc chứng tỏ rằng xã hội hiện nay rất lộn xộn, nhiều khái niệm bị đánh tráo, chỉ có lợi cho gian dối phát triển. Khi phát biểu với lãnh đạo Vĩnh Phúc ông đã nhầm, lẫn lộn với cương vị chủ tịch nước, nội dung phát biểu đã phủ nhận các văn bản có trước dẫn đến tù mù các ý nghĩa đích thực.

Trong cương vị người lãnh đạo là phải nghe ý kiến của người bị lãnh đạo, có nghe cùng chiều, trái chiều thì mới tìm ra sự đúng. Khi kêu gọi góp ý xây dựng hiến pháp nói rằng không có vùng cấm (đương nhiên là không nên cấm). Lúc dân góp ý xây dựng hiến pháp, phản biện hiến pháp thì lại chụp mũ và đe dọa xử lý... Toàn là thứ tiền hậu bất nhất – nói một đằng làm một nẻo!

Cuối cùng tôi phải nói lên một thực tế để chứng tỏ những ý kiến của tôi là tâm huyết, là xây dựng, nói rõ ra đây không mang mục đích công thần.

Bố tôi là liệt sĩ hy sinh vào thời kỳ chống Pháp. Thời kỳ chống Mỹ nhà tôi có 5 anh em trai thì 4 người đi cầm súng, một người là thương binh còn lại nay đều được hưởng lương hưu trí.

Nay nghĩ về tương lai đất nước tôi cảm nhận đang đi vào ngõ cụt. Hàng ngày nhận biết các thông tin hầu hết là buồn lòng. Có vài con số, vài tín hiệu khả quan thì biết rõ chỉ là con số tuyên truyền. Đơn cử chuyện khai thác Bôxit ở Tây Nguyên thì rõ, lỗ lớn, thất bại mà vẫn ra sức cổ võ tuyên truyền. Rồi thì bất động sản, rồi chứng khoán, rồi ngân hàng đều là những tín hiệu ảm đạm...

Tôi tự xét thấy phải bắt đầu từ ông, đề nghị ông nên trực tiếp đọc, lắng nghe các ý kiến, phúc đáp các ý kiến, xét thấy quan trọng thì tổ chức đối thoại. Những nước văn minh họ phát huy sức mạnh ở điểm này. Tôi cũng như nhiều người đã viết thư cho ông đều kỳ vọng như vậy, mục đích cuối cùng là dân tộc Việt Nam có cuộc sống ngang bằng các nước trong khu vực.

Mấy ý kiến kính gửi ông, chúc ông mạnh khỏe.

15/03/2013

H. Đ. D.

Tác giả gửi trực tiếp cho BVN.

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn