Lộ trình xây dựng một Hiến pháp dân chủ

Mai Thái Lĩnh

PHẦN II: LÀM THẾ NÀO ĐỂ VIẾT LẠI HIẾN PHÁP MỚI?

Trong phần trước, chúng ta đã tìm hiểu lý do tại sao đã đến lúc phải viết lại một hiến pháp mới thay vì sửa đổi bản hiến pháp cũ. Nói theo ngôn ngữ của luật học: đã đến lúc nhân dân Việt Nam phải sử dụng quyền lập hiến nguyên thủy (pouvoir constituant originaire) thay vì sử dụng quyền lập hiến phái sinh (pouvoir constituant dérivé).

Như các nhà luật học người Pháp đã phân tích, quyền lập hiến nguyên thủy chỉ thực hiện được trong hoàn cảnh có khoảng trống pháp lý (vide juridique) mà yếu tố này lại là một sự kiện (fait) nằm ngoài phạm vi của luật học. Khoảng trống pháp lý này có thể hình thành từ những hoàn cảnh khách quan hoặc từ những tác động chủ quan, như các cuộc cách mạng hay các cuộc đảo chính. Nhưng đối với một chế độ cộng sản thì khả năng đảo chính là hầu như không thể xảy ra, còn cách mạng lại là điều phần lớn người dân Việt Nam – do quá mệt mỏi vì chiến tranh, vì nội loạn, đều không mong muốn. Như thế, trong hoàn cảnh êm ả nhất, hòa bình nhất - nghĩa là không có đảo chính, không có cách mạng, khoảng trống này chỉ có thể được tạo ra bằng một cuộc đấu tranh của quần chúng theo phương thức ôn hòa, bất bạo động nhằm dẫn đến một sự thay đổi về tương quan lực lượng, tạo điều kiện cho việc thực hiện quyền lập hiến nguyên thủy. Đảng Cộng sản gọi quá trình này là “diễn biến hòa bình”, nhưng thay vì ủng hộ nó để có thể từng bước chuyển giao quyền lực một cách êm thắm như các chế độ quân chủ lập hiến trước kia đã làm, họ lại coi đó là “nguy cơ”, là “hiểm họa”. Lòng đam mê nắm giữ quyền lực đã khiến cho các nhà lãnh đạo cộng sản trở nên mù quáng, ngày càng kém sáng suốt. Gần đây, chẳng những đề phòng diễn biến hòa bình từ bên ngoài, họ còn lớn tiếng lên án cả hiện tượng “tự diễn biến” trong nội bộ Đảng, coi những người có quan điểm chính trị khác với quan điểm chính thống là “thoái hóa”, là “biến chất”,…

Diễn biến hòa bình từ một chế độ độc tài, chuyên chế sang một chế độ dân chủ là khả năng có thật, đã từng xảy ra ở nhiều nước trong nhiều thời điểm lịch sử. Như ở Bắc Âu chẳng hạn, cuộc đấu tranh mạnh mẽ của quần chúng từ bên dưới kết hợp với sự diễn biến trong nội bộ của tầng lớp thống trị ở bên trên đã tạo ra tiến trình dân chủ hóa tương đối êm thắm, giúp thiết lập thành công các chế độ dân chủ. Tính chất ổn định và vững chắc của các nền dân chủ tại đây cho thấy khả năng “đoàn kết, thống nhất trong đa dạng”. Nằm sát cạnh các cường quốc lớn như Đức và Nga, các nước này đã tránh được những bất ổn nội bộ cũng như những sự can thiệp từ bên ngoài. Ngày nay, với ba vương quốc quân chủ lập hiến (Thụy Điển, Đan Mạch, Na Uy) và hai nước cộng hòa (Phần Lan, Iceland), khu vực này vẫn luôn ghi điểm cao trong lĩnh vực nhân quyền và chất lượng cuộc sống, đáng cho chúng ta nghiên cứu, học hỏi.

Trước khi phác họa một lộ trình cho việc thiết lập một hiến pháp dân chủ, thiết nghĩ chúng ta cũng cần giải đáp một vấn đề khá quan trọng:

Hiến pháp dân chủ là khởi điểm hay là kết quả của quá trình dân chủ hóa?

Tình hình thực tế hiện nay là nhân dân ta đang sống dưới một chế độ độc tài toàn trị. Đảng cầm quyền chưa hề tỏ rõ thiện chí mở rộng dân chủ, ban hành một hiến pháp tiến bộ hơn. Nhưng giả định rằng trong quá trình đấu tranh, đến một lúc nào đó đảng cầm quyền buộc phải mở rộng dân chủ thì câu hỏi đặt ra là: cuộc cải cách hiến pháp ấy có thiết lập được ngay một bản hiến pháp thật sự dân chủ hay không?

Kinh nghiệm lịch sử cho thấy cuộc đấu tranh để chuyến hóa từ độc tài, chuyên chế sang dân chủ chỉ có thể giành được “thắng lợi từng phần”, do chỗ tầng lớp thống trị chỉ chịu lùi từng bước, nhượng bộ từng phần, chứ không bao giờ chịu nhượng bộ hoàn toàn, “trọn gói” trước những đòi hỏi của nhân dân. Một trong những minh chứng thực tế là trường hợp của Miến Điện (Burma, nay gọi là Myanmar) mà một số trí thức trong và ngoài nước đã gọi là “mô hình Miến Điện”. Mặc dù đã đạt những bước tiến quan trọng về dân chủ do công lao của Tổng thống Thein Sein, cho đến nay Miến Điện vẫn chưa có một hiến pháp đáng gọi là dân chủ:

Bản hiến pháp hiện hành của nước này là Hiến pháp 2008 được thông qua bởi một cuộc trưng cầu dân ý vào ngày 10-5-2008 với kết quả 93,82% phiếu thuận, với tỷ lệ cử tri tham gia bỏ phiếu (turnout) rất cao: 98,12 %. Mặc dù vậy, “quyền phúc quyết” vẫn không giúp cho bản hiến pháp này thêm được tính dân chủ. Trong thực tế, đó vẫn là một bản hiến pháp phi-dân chủ vì những điều khoản nhằm củng cố quyền hành của tầng lớp thống trị - nhất là giới quân sự: (1) Một phần tư tổng số ghế trong nghị viện được dành cho các sĩ quan quân đội; (2) Bộ Nội vụ thuộc quyền kiểm soát của quân đội; (3) Bất kỳ người nào kết hôn với một người không phải là người Miến Điện sẽ bị cấm giữ chức vụ tổng thống. Nhiều cơ quan truyền thông quốc tế cho rằng điều khoản này có tác dụng ngăn cản lãnh tụ đối lập Aung San Suu Kyi ứng cử chức vụ tổng thống, mặc dù chồng bà (là một người Anh) đã qua đời năm 1999 [1]. Nhìn vào tương quan lực lượng, chúng ta thấy đảng cầm quyền USDP (Union Solidarity and Development Party, Đảng Liên minh Đoàn kết và Phát triển) và quân đội vẫn khống chế chính trường. Trên tổng số 440 ghế tại Hạ viện, Đảng USDP chiếm 212 ghế (48, 18%), quân đội chiếm 110 ghế (25%), Đảng NLD (National League for Democracy, Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ) của bà Aung San Suu Kyi chỉ có 37 ghế (8,41 %). Tại Thượng viện, trên tổng số 224 ghế, USDP chiếm 124 ghế (55, 37%), quân đội chiếm 56 ghế (25%), Đảng NLD chỉ có 4 ghế (1,78%).

Như thế, nghị viện vẫn còn là “nghị viện của quân đội” và sự tham gia của đảng đối lập NLD chỉ mới có tính chất tượng trưng. Vẫn còn một quãng đường chông gai để Nghị viện Miến Điện trở thành một Nghị viện của Dân và một bản hiến pháp dân chủ vẫn còn là một mục tiêu đấu tranh của nhân dân Miến Điện. Có thể nói Miến Điện chỉ có thể đạt được một bản hiến pháp thật sự dân chủ khi các lực lượng đối lập (nhất là đảng của bà Aung San Suu Kyi) được cùng tham gia soạn thảo hiến pháp.

Chính vì vậy, chúng ta cần nhất trí với nhau về một điểm: phải coi hiến pháp dân chủ là mục tiêu cần đạt được qua một quá trình đấu tranh lâu dài, chứ không thể coi đó là khởi điểm. Cần nói rõ điều này để giúp cho người dân có ý thức cảnh giác trước những cuộc cải cách hiến pháp nửa vời mà đảng cầm quyền đã và đang ra sức tuyên truyền. Mặt khác, các nhà chiến lược của các phong trào vận động dân chủ cũng phải nhất trí về một điều: trong khi nhân dân chưa có điều kiện để thực hiện quyền lập hiến nguyên thủy thì mọi cuộc cải cách hiến pháp chỉ có thể được coi là những giải pháp tạm thời, những biện pháp vận động mang tính chiến thuật. Không nên vì quá say sưa với các hình mẫu hiến pháp mà quên đi một thực tế: hiến pháp dân chủ không phải là một văn bản thuần túy pháp lý mà là kết quả của sự tăng cường quyền lực của nhân dân thông qua đấu tranh.

Ngoài ra, các nhà vận động dân chủ trong và ngoài nước cũng cần lưu ý một điểm hết sức quan trọng: cuộc đấu tranh dân chủ hóa mặc dù dựa vào phương thức ôn hòa, bất bạo động, nhưng vẫn phải dẫn đến một sự thay đổi về tương quan lực lượng có tầm mức tương đương với một cuộc cách mạng. Trong chiều hướng đó, để giữ được tính chất ôn hòa, bất bạo động, cần phải tránh một số khuyết điểm của phương thức cách mạng (như quá khích, manh động, bạo động) để không gây ra những xáo trộn xã hội không cần thiết. Mặt khác, để bảo đảm đạt được mục tiêu cuối cùng, cuộc đấu tranh đó cũng cần phải tránh một số khuyết điểm của phương thức đảo chính (như thỏa hiệp vô nguyên tắc, bằng lòng với các cải cách nửa vời, không dựa vào sức mạnh của quần chúng nhân dân bên dưới). Trong lịch sử, nhiều cuộc “đảo chính cung đình” nhân danh “cách mạng” cuối cùng chỉ dẫn đến việc phân chia lại quyền lợi giữa các thế lực chính trị bên trên, không quan tâm đến các quyền tự do căn bản của người dân cũng như sự phát triển của xã hội dân sự.

Làm thế nào để thiết lập một hiến pháp dân chủ tại nước ta?

Dựa vào những chỉ dẫn của Phan Châu Trinh – nhà tư tưởng hàng đầu của chủ nghĩa lập hiến Việt Nam hồi đầu thế kỷ vừa qua (thế kỷ 20), có thể tạm vạch ra một lộ trình thiết lập hiến pháp dân chủ như sau:

Bước 1 - Đấu tranh thực thi các quyền tự do căn bản:

Khi nói đến “các quyền tự do căn bản”, tôi không nhằm nói đến các quyền tự do căn bản dựa theo các công ước quốc tế - là những quyền được thế giới văn minh công nhận như những giá trị phổ quát mà bất cứ quốc gia dân chủ nào cũng đều phải thực hiện. Tôi muốn nói đến “các quyền tự do căn bản” xét theo phương diện đấu tranh để xây dựng một xã hội dân sự làm tiền đề vững chắc cho một chế độ chính trị thật sự dân chủ. Nói cách khác, đó là “các quyền căn bản làm nảy sinh các quyền tự do căn bản khác”.

Trong một bài viết công bố vào cuối năm 2010 nhằm trình bày “Cương lĩnh chính trị của Phan Châu Trinh” [2], tôi đã nêu rõ ba quyền tự do căn bản ấy là “tự do tư tưởng, tự do ngôn luận và báo chí, tự do hội họp và lập hội”. Phan Châu Trinh diễn đạt điều đó bằng hai câu thơ như sau:

Để ta được vào vòng chánh trị,

Từ hội hè, suy nghĩ, nói năng.

Vận dụng vào hoàn cảnh của thế giới và của đất nước hiện nay, chúng ta có thể sửa đổi, bổ sung ba quyền tự do căn bản đó thành: (1) tự do tư tưởng và tự do tôn giáo; (2) tự do ngôn luận, tự do báo chí và internet; (3) tự do hội họp và lập hội. Ba quyền tự do căn bản ấy chính là đòn bẫy làm nảy sinh và phát triển xã hội dân sự. Đó cũng chính là tiền đề để giúp nhân dân ta đàng hoàng “bước vào vòng chính trị”, từ chỗ bị tước đoạt quyền công dân và quyền làm người tiến lên làm chủ về mặt chính trị.

Sẽ có người đặt câu hỏi: tại sao rất nhiều quyền công dân và quyền con người đã được ghi vào hiến pháp của nước ta mà vẫn không được thực hiện? Nếu nhìn lại lịch sử, chúng ta có thể thấy rõ một điều: ở nơi nào mà nhân dân tự mình đấu tranh để giành các quyền tự do thì nơi đó, luật pháp và hiến pháp mới có thực chất. Ngược lại, ở nơi nào mà hiến pháp và pháp luật chỉ do một “đấng minh quân” hay một “đảng chính trị sáng suốt” ban cho thì các quyền tự do có nguy cơ trở thành “tự do trên giấy”, thành “bánh vẽ”.

Trong thực tế của các nền dân chủ tiên phong, các đạo luật ban hành các quyền tự do của công dân thường ra đời trước khi có hiến pháp và cuộc đấu tranh để đặt nền móng cho chế độ pháp trị (rule of law) đã được khởi động rất sớm, nghĩa là từ khi chưa có hiến pháp, chưa có hệ thống chính trị dân chủ hoàn chỉnh.

Nếu tìm hiểu Hiến pháp Hoa Kỳ (1787), chúng ta sẽ thấy văn bản lập hiến này có nguồn gốc từ những văn bản pháp lý ra đời từ rất sớm ở Vương quốc Anh. Vào năm 1215, các nam tước (barons, tức là các nhà quý tộc lớp dưới) đã buộc Vua John phải ký Đại Hiến chương (Magna Carta), từ đó sinh ra khái niệm “Lệnh định quyền giam giữ” (writ of Habeas corpus) nhằm hạn chế quyền lực tùy tiện của nhà vua. Bản hiến chương đó cũng là nguồn gốc của khái niệm “Thủ tục pháp lý thích đáng” (Due process of law) về sau được đưa vào Hiến pháp Hoa Kỳ bằng hai tu chính án số 5 (năm 1789) và số 14 (năm 1866). Đó là những khái niệm pháp lý quan trọng làm nên điều mà ngày nay chúng ta thường gọi là “quyền được xét xử một cách công bằng”. Cùng với Đạo luật về Quyền (Bill of Rights) do Nghị viện Anh ban hành năm 1689, Magna Carta được coi là nguồn gốc ban đầu của Hiến pháp Hoa Kỳ cũng như 10 tu chính án đầu tiên - thường được gọi là Đạo luật về Quyền (Bill of Rights) của Hoa Kỳ.

Tương tự như thế, tại Thụy Điển, rất lâu trước khi hệ thống đại nghị được thiết lập hoàn chỉnh, cuộc đấu tranh đòi quyền tự do ngôn luận đã đạt được thắng lợi quan trọng qua việc ra đời Đạo luật về Tự do Báo chí (Tryckfrihetsförordningen, The Freedom of the Press Act) vào năm 1766 – một trong những đạo luật đầu tiên về tự do báo chí trên thế giới.

Nói cách khác, nếu tôn trọng luật pháp là khởi đầu của sự tôn trọng hiến pháp thì việc tiến hành đấu tranh giành các quyền tự do căn bản nhằm hình thành xã hội dân sự chính là sự bảo đảm tốt nhất cho việc thực thi luật pháp và hiến pháp sau này. Bởi một lẽ dễ hiểu: cái gì ta giành được thì cũng bền vững hơn là cái mà ta được ban ân.

Bước 2 - Tạo điều kiện thực thi quyền bầu cử-ứng cử và các quyền chính trị khác:

Chỉ đến lúc ba quyền tự do căn bản nói trên được thực hiện đến một mức độ nào đó thì các quyền tự do chính trị như quyền bầu cử-ứng cửquyền phúc quyết (một hình thức của trưng cầu dân ý) mới có thể trở thành quyền thực chất. Nói cách khác, quyền bầu cử-ứng cử và quyền phúc quyết chỉ có thể thực hiện trên nền tảng của một xã hội dân sự tương đối vững vàng.

Quyền bầu cử-ứng cử là một quyền tự do chính trị cực kỳ quan trọng vì đó chính là điều kiện để nhân dân có thể bầu ra một chính quyền đại diện thật sự cho nhân dân, vừa thể hiện ý chí và nguyện vọng của nhân dân, vừa bảo vệ được các lợi ích chính đáng của nhân dân. Một cuộc bầu cử trong hoàn cảnh nhân dân không được thực thi các quyền tự do căn bản chỉ là một hình thức để lừa bịp, bởi vì không có cạnh tranh lành mạnh giữa các ứng cử viên, giữa các đảng phái và ngay cả việc bỏ phiếu, kiểm phiếu công bằng cũng không ai có thể giám sát được. Đó chính là tình trạng “Đảng cử, dân bầu” mà tất cả các quốc gia theo chế độ cộng sản đều phạm phải – không trừ một nước nào. Có thể nói quyền bầu cử-ứng cử phải dựa trên tiền đề là ba quyền tự do căn bản nói trên và ngược lại, ba quyền căn bản nói trên sẽ được bảo đảm một khi người dân có quyền bầu những người đại diện của mình vào các cơ quan quyền lực hiến định.

Thực hiện được quyền bầu cử-ứng cử cũng tương tự như thực hiện quyền phúc quyết (một hình thức của trưng cầu dân ý), vì trưng cầu dân ý suy cho cùng cũng là một hình thức bỏ phiếu. Mặc dù là một hình thức của dân chủ trực tiếp (direct democracy) giúp cho người dân có cơ hội tham gia vào các sinh hoạt chính trị, trưng cầu dân ý cũng có thể trở thành công cụ trong tay các nhà độc tài hay các lãnh tụ chính trị giỏi mị dân. Để bảo đảm cho trưng cầu dân ý trở thành công cụ hữu hiệu trong tay nhân dân, chỉ nên áp dụng hình thức này khi người dân đã thực hiện được ba quyền tự do căn bản như đã trình bày trong bước 1.

Bước 3 - Hai phương thức thực hiện quyền lập hiến:

Một khi các quyền tự do căn bản và quyền bầu cử-ứng cử có khả năng thực thi một cách đúng đắn, xã hội dân sự đã được xác lập như một đối trọng của chính quyền thì đó cũng là lúc nhân dân có đủ điều kiện thực hiện quyền lập hiến nhằm thiết lập một hiến pháp mới. Vào lúc này, dân trí đã được nâng cao một bước và song song với sự phát triển của xã hội dân sự, chính quyền đã được “dân chủ hóa” ở một mức độ nhất định. Sự phát triển của xã hội dân sự đã tạo ra cơ hội để làm nảy sinh một “khoảng trống pháp lý”. Đó chính là thời cơ để nhân dân thực hiện quyền lập hiến nguyên thủy, hủy bỏ hiến pháp cũ, làm ra một bản hiến pháp mới thật sự dân chủ.

Nhìn chung, có hai phương thức để thiết lập hiến pháp mới:

(1) Nhân dân tiến hành một cuộc bầu cử để bầu ra một Quốc hội Lập hiến (assemblée constituante, constituent assembly). Quốc hội này chỉ làm một công việc duy nhất là soạn thảo và thông qua một bản Hiến pháp mới. Do được nhân dân ủy quyền, bản hiến pháp này không cần đưa ra để trưng cầu dân ý (tức phúc quyết). Mặt khác, trong thời gian soạn thảo và thông qua hiến pháp mới, cơ quan này có thể đóng vai trò của một chính phủ tạm quyền.

Vì được bầu ra với mục đích chủ yếu là làm ra một bản hiến pháp mới, Quốc hội Lập hiến sẽ giải tán sau khi hoàn thành nhiệm vụ. Sau khi bản hiến pháp mới được Quốc hội Lập hiến thông qua, các cuộc bầu cử sẽ được tiến hành để bầu ra các cơ quan nắm giữ các quyền lực hiến định (lập pháp, hành pháp, tư pháp) theo đúng những điều khoản đã quy định trong hiến pháp.

(2) Thay vì bầu ra một Quốc hội Lập hiến, do chỗ xã hội dân sự đã hình thành, chính quyền hiện hành (vào lúc này đã trở thành một chính quyền dân chủ hóa ở một mức độ nhất định) sẽ đề xuất một phương án thành lập một Ủy ban Lập hiến bao gồm đại diện của tất cả các xu hướng chính trị (ít nhất là những xu hướng chính) trong xã hội. Phương án hình thành Ủy ban Lập hiến đương nhiên phải đạt được sự đồng thuận chung của toàn xã hội thông qua thảo luận, thương thuyết và đàm phán. Đó chính là thành quả bước đầu của quá trình hòa giải dân tộc và cũng là tiền đề để xây dựng một thể chế chính trị dân chủ trong tương lai.

Ủy ban Lập hiến được Quốc hội đương nhiệm chính thức ủy quyền soạn thảo một bản hiến pháp mới và bản dự thảo này sẽ được đưa ra thảo luận một cách công khai, rộng rãi, sau đó được đưa ra Quốc hội biểu quyết thông qua. Khác với phương án trên, bản dự thảo hiến pháp sau khi được Quốc hội hiện hành thông qua, sẽ được đưa ra trưng cầu dân ý (tức phúc quyết). Do chỗ các quyền tự do căn bản đã được thực thi, chúng ta có thể tin tưởng vào kết quả của cuộc trưng cầu dân ý – tương đương với kết quả của một cuộc bầu cử Quốc hội Lập hiến.

Tất nhiên, trước khi tiến hành bầu Quốc hội Lập hiến hay hình thành Ủy ban Lập hiến nhằm soạn thảo, thông qua hay phúc quyết hiến pháp mới, xã hội dân sự đã cùng với chính quyền hiện hành tiến hành nhiều biện pháp hòa giải dân tộc (vd: trả tự do vô điều kiện cho tất cả các tù chính trị, bãi bỏ tất cả các biện pháp sách nhiễu đối với những người bất đồng chính kiến, v.v.) Mặt khác, các cải cách tư pháp cũng đã được tiến hành một bước theo hướng bảo vệ các quyền công dân và quyền con người, nhằm xây dựng một ngành tòa án độc lập, tạo ra các điều kiện ban đầu để hình thành một chế độ pháp trị (tức nhà nước pháp quyền) theo nghĩa hiện đại.

Như vậy, một bản hiến pháp thật sự dân chủ sẽ là thành quả của một cuộc đấu tranh giành dân chủ chứ không phải là tiền đề của một cuộc vận động dân chủ. Hiến pháp không phải là sản phẩm thuần túy của “phòng thí nghiệm lập hiến” - kết quả trừu tượng của các nhà luật học, mà là kết quả của sự đồng thuận trong nhân dân, thể hiện qua sự thỏa thuận giữa các lực lượng chính trị và xã hội – trong đó có sự góp phần quan trọng của các nhà luật học. Chỉ bằng cách đó, hiến pháp mới có giá trị thực chất và có thể tồn tại lâu dài với thời gian. Vì là kết quả của sự đồng thuận trong nhân dân, thông qua các cuộc bầu cử hay phúc quyết mang tính dân chủ, cho dù bản hiến pháp ấy có khuyết điểm này hay khuyết điểm khác, nhân dân vẫn có thể vẫn có thể khắc phục được một cách dễ dàng bằng con đường của quyền lập hiến phái sinh, tức là thông qua các thủ tục sửa đổi hiến pháp đã được ghi rõ trong bản hiến pháp được hình thành bởi “Quốc hội Lập hiến” hay “Ủy ban Lập hiến + Trưng cầu dân ý”.

Ngoài ra, còn có một con đường thứ ba: kết hợp cả hai phương thức “Quốc hội Lập hiến” và “Trưng cầu dân ý”. Giải pháp này trong lịch sử đã từng được áp dụng, nhưng rất tốn kém và có thể sinh ra hậu quả khó giải quyết, như trường hợp của bản Hiến pháp 1946 của nước Pháp. Sau Chiến tranh Thế giới thứ hai, vào tháng 10 năm 1945, nhân dân Pháp đã bầu một Quốc hội Lập hiến. Quốc hội này đã soạn thảo và thông qua một bản dự thảo Hiến pháp đầu tiên (19-4-1946), sau đó đưa ra trưng cầu dân ý (ngày 5-5-1946) nhưng không đạt được đủ số phiếu cần thiết. Vì vậy đến tháng 6 năm 1946, nhân dân Pháp lại phải bầu một Quốc hội Lập hiến khác để soạn thảo và thông qua một bản dự thảo Hiến pháp khác. Chính bản dự thảo Hiến pháp thứ hai này mới được nhân dân chấp thuận thông qua cuộc trưng cầu dân ý ngày 13-10-1946 và trở thành hiến pháp chính thức của nền Đệ tứ Cộng hòa (thường gọi là Hiến pháp 1946).

Như chúng ta đã biết, mặc dù đã trải qua hai lần phúc quyết, Hiến pháp 1946 vẫn không thể giải quyết được tình trạng mất cân bằng giữa các cơ quan quyền lực hiến định. Các chính phủ thay đổi liên tục (21 chính phủ trong vòng 10 năm)[3], trong khi nước Pháp phải đương đầu với các cuộc chiến tranh giành độc lập từ các thuộc địa (như Việt Nam, Algérie,…). Cơ quan hành pháp quá lệ thuộc vào cơ quan lập pháp, không đủ khả năng để giải quyết các vấn đề cực kỳ khó khăn mà nước Pháp phải đương đầu. Vì vậy, đến năm 1958, người Pháp lại phải thay Hiến pháp 1946 bằng một bản hiến pháp mới – bản hiến pháp tồn tại được cho đến ngày nay. Trong lần thay đổi hiến pháp này, chế độ chính trị tại Pháp chuyển từ mô hình đại nghị sang một mô hình hỗn hợp (lai ghép) được đặt tên là chế độ nửa-tổng thống (semi-presidential system).

Trong hoàn cảnh của Việt Nam, thiết tưởng chúng ta chỉ nên áp dụng một trong hai phương pháp nêu trên là đủ để bảo đảm có được một bản hiến pháp mới phù hợp với yêu cầu của dân tộc và yêu cầu của thời đại.

*

Tóm lại, một bản hiến pháp dân chủ là thành quả của một quá trình vận động dân chủ hóa theo phương thức đấu tranh ôn hòa – bất bạo động, do sự hợp lực của tất cả các lực lượng yêu nước, yêu dân chủ trong nhân dân. Nó là điểm cuối của quá trình dân chủ hóa chứ không phải là điểm khởi đầu. Nó là thành quả của đấu tranh chứ không phải là sự ban ân của một cơ chế “xin-cho”. Nó phản ánh sự thay đổi về tương quan lực lượng trong xã hội chứ không phải là kết quả của một quy trình thuần túy pháp lý.

Trái với suy nghĩ của rất nhiều người, đấu tranh ôn hòa - bất bạo động không có nghĩa là không cần phải hy sinh, không cần trải qua gian khổ. Ngược lại, lịch sử đấu tranh ôn hòa – bất bạo động trên thế giới cũng như ở Việt Nam cho thấy cuộc đấu tranh nào cũng đòi hỏi những hy sinh to lớn, thậm chí những sự “hy sinh thầm lặng”, không được ai biết đến. Rất nhiều nhà đấu tranh cho dân chủ có thể không được nhìn thấy ngày chế độ dân chủ toàn thắng, không thể cùng với nhân dân đứng trên đỉnh vinh quang.

Cuộc đấu tranh đầy cam go đó đòi hỏi tất cả mọi cá nhân, mọi tổ chức phải biết tôn trọng lẫn nhau, biết đối thoại trên tinh thần bình đẳng, dân chủ, cùng chung mục tiêu “tìm kiếm chân lý”, tìm kiếm những giá trị tốt đẹp cho mọi người Việt không phân biệt chủng tộc, giới tính, tôn giáo, đẳng cấp hay giai cấp. Chúng ta đấu tranh cho một xã hội dân sự lành mạnh, một chế độ chính trị dân chủ chứ không phải đấu tranh để đưa một “người hùng” nào đó vào chức vụ Tổng thống, hay ủng hộ một đảng chính trị nào đó có khả năng chiếm được nhiều ghế nhất trong Quốc hội. Chúng ta đấu tranh để mọi người dân có thể tham gia vào chính trị, làm chủ xã hội và làm chủ quyền lực Nhà nước, chứ không phải để thay thế một chế độ toàn trị này bằng một chế độ chuyên chế kiểu mới nào khác. Hãy nhìn tấm gương của Phan Châu Trinh: thay vì thành lập một đảng chính trị (điều mà ông thừa sức làm), ông chủ trương xây dựng một chế độ đa đảng có ít nhất hai đảng lớn - trong đó đảng đối lập có thể chỉ trích, phê bình hoặc thay thế đảng cầm quyền. Thay vì tự nhận mình là lãnh tụ hay vận động mọi người đi theo một lãnh tụ, ông kêu gọi mỗi người đứng lên, cùng nhau chung sức giành quyền làm chủ theo phương thức “chung tay vỗ nên kêu” [4].

Sẽ có người hoài nghi: trong hoàn cảnh đất nước đang phải đối phó với tên khổng lồ phương Bắc, đang cần đến một quyền lực mạnh mang tính tập trung, làm sao có thể thực hiện “đoàn kết trong đa dạng”?

Xin hãy nhìn vào tấm gương của các quốc gia Bắc Âu. Đó chỉ là những quốc gia nhỏ bé (dân số mỗi nước chưa đến 10 triệu người), đã từng phải đương đầu với những cường quốc hung hãn (như nước Đức thời Quốc-xã hay nước Nga thời Xô-viết), vậy mà họ vẫn tựa vào chế độ dân chủ để đứng vững vàng trước đầu sóng ngọn gió. Hãy nhìn tấm gương của Phần Lan, một đất nước sau cuộc nội chiến Trắng-Đỏ đẫm máu và nước mắt vẫn mạnh dạn chấp nhận thể chế dân chủ đa đảng để đoàn kết toàn dân, bảo vệ độc lập dân tộc. Thành công của họ và thất bại của ta chẳng phải là một phép so sánh để đánh giá tính ưu việt của mỗi chế độ chính trị hay sao?

Một nước Phần Lan nhỏ bé sống bên cạnh một nước Nga khổng lồ hung hãn vẫn giữ vững được độc lập nhờ vào chế độ dân chủ, trong khi một nước Việt Nam tự hào đã “đánh thắng được hai đế quốc to là Pháp và Mỹ” nhưng lại run sợ trước ông bạn “mười sáu chữ vàng” đến mức không dám kỷ niệm những chiến sĩ đã bỏ mình vì nước, không dám kiện ra Tòa án Quốc tế việc “nước bạn” đã cướp các đảo của ta, không dám vứt bỏ “tình hữu nghị” trong khi kẻ có dã tâm vẫn tiếp tục dòm ngó toàn bộ Biển Đông. Phải chăng sự đối chiếu đó là bằng chứng hùng hồn nhất chứng minh “sức mạnh” của một chế độ chính trị: giữa chế độ dân chủ đa đảngchế độ độc tài đảng trị, chế độ chính trị nào giúp cho dân tộc ta mạnh hơn, giúp đất nước ta phát triển vững bền hơn?

Đà Lạt, ngày 8-3-2013

M.T.L.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

- Kemal Gözler, Pouvoir constituant, Editions Ekin Kitabevi, Bursa [Turquie] 1999: http://www.anayasa.gen.tr/pconstituant.htm

- GS Nguyễn Văn Bông, Luật Hiến pháp và Chính trị học, in lần thứ hai, Sài Gòn 1969.

Có thể tham khảo thêm các bài viết của cùng tác giả:

- Mai Thái Lĩnh, “Tìm hiểu quan niệm chính trị của Phan Châu Trinh”, loạt bài đăng trên trang mạng talawas trong tháng 2 và tháng 3 năm 2007, nhân ngày giỗ của Phan Châu Trinh (24.3.1926-24.3.2007),

- Mai Thái Lĩnh, “Cương lĩnh chính trị của Phan Châu Trinh”, talawas 2.11.2010: http://www.talawas.org/?p=26516

- Mai Thái Lĩnh, Những khuyết điểm nghiêm trọng của Hiến pháp 1946, Pro&Contra 13-7-2012: http://www.procontra.asia/?p=743

[1] Wikipedia (english), “Burmese constitutional referendum”, 2008

[2] Mai Thái Lĩnh, “Cương lĩnh chính trị của Phan Châu Trinh”, talawas 2.11.2010: http://www.talawas.org/?p=26516

[3] Chỉ tính từ đầu năm 1947 đến giữa năm 1958, và không kể đến các chính phủ tồn tại quá ngắn (dưới 1 tháng).

[4] Nguyên văn của Phan Châu Trinh: “ Đông tay vỗ nên bộp” (Santé thi tập, 1915), “Nhiều tay làm nên bộp” (Đạo đức và luân lý Đông Tây, bài nói chuyện, 1925).

Tác giả gửi trực tiếp cho BVN

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn