Chân lý luôn được phát hiện từ những mâu thuẫn được phản biện

Vũ Thị Nhuận, Tokyo, Nhật Bản

Tôi đang sống trong một trạng thái mâu thuẫn, bất an, lo lắng chưa từng có trong cuộc đời mình, nó diễn ra trong một tâm lý không rõ ràng xen lẫn những cảm giác ức chế. Cảm giác đó là tiêu cực (tôi cho là thế) khi mà đầu óc tôi không còn tập trung vào công việc chuyên môn được nữa. Tôi đã mất ngủ cả đêm qua để rồi ngày hôm nay, hiện thời là 14h10phút giờ địa phương, tôi vẫn chưa thể thoát mình khỏi những lo lắng ấy.

Có thể tôi là một người phụ nữ rất yếu đuối, cả thể chất và tinh thần. Thế nhưng tôi vẫn thường thức đến 2 giờ sáng để đọc báo, viết lách hay làm việc và vẫn đủ sức khỏe tỉnh táo thức 7 giờ sáng một cách đều đặn 5-6 ngày trong tuần mà không hề mệt mỏi. Nhưng hôm nay lại là một ngày khác……

Tôi viết ra đây xem như một sự chia sẻ.

Hôm qua, khi bài viết của tôi được online [1] nhờ những trang mạng xã hội mà trong một chừng mực nào đó bị cấm đoán, nhiều bài viết từ các trang báo chính thống tại Việt Nam đả phá, châm biếm, tôi đã nhận được hàng chục những lá thư gửi vào địa chỉ hòm thư mà tôi khai báo bên dưới bài viết. Trong số rất nhiều lá thư bày tỏ sự ủng hộ, khuyến khích, động viên thì cũng không ít những lá thư với những lời lẽ không hay lắm, họ quy chụp tôi như những kẻ tôn sùng Mỹ, quên đi “tội ác” mà Mỹ đã gây ra trong chiến tranh Việt Nam. Không ít những comments trên diễn đàn anhbasam (đã bị tin tặc chiếm quyền kiểm soát), những lá thư dè bỉu rằng, sao không về Việt Nam mà cống hiến, chỉ được cái mồm; quy chụp tôi là phần tử phản động, chống lại đảng và nhà nước… Và cũng không thiếu những lá thư nói (hoặc ám chỉ) rằng tôi sẽ bị theo dõi, có thể bị truy tố vì những lập luận mà tôi đưa ra.

Thật lạ, tôi chỉ phản hồi lại những điểm mà cá nhân tôi cho là không thuyết phục, là mâu thuẫn trong bài viết của tác giả Huỳnh Tấn nào đó [2], đăng trên tờ Nhân Dân điện tử, tờ báo tuyên bố là tiếng nói của Đảng Cộng sản Việt Nam và tiếng nói của người dân Việt Nam. Trong đó, tôi cũng trích dẫn lại những bài viết mà tôi gửi đăng trên các trang mạng xã hội khi bị từ chối đăng trên những trang mạng chính thống của chính quyền [3&4].

Những người đả phá/lên án, thậm chí hăm dọa tôi, họ có thực sự hiểu những gì tôi viết? Nếu có những bất đồng, họ có thể lên tiếng bằng những bài phản hồi để tôi nhận ra thiếu sót của mình, ở đó người đọc thông minh trong cộng đồng mạng sẽ phán xét những luận cứ mà cả hai bên đưa ra, sao họ lại hành xử như thế?

Có thể là phiến diện nếu tự nhận xét bản thân mình rằng, tôi – một người rất hèn nhát, rất sợ những gì phức tạp, những vấn đề gây tranh cãi trong dư luận – trong đó chính trị là một vấn đề vô cùng phức tạp. Khi đọc bài viết của tôi, một cô bạn rất thân tình đã chia sẻ: “Cô khuyên em là, nếu em lên tiếng như thế này, tốt nhất hãy ở lại nước ngoài, đừng về Việt Nam nữa, họ sẽ không cho em thoải mái đâu”. Lúc đó đơn giản tôi chỉ cười: “Em có nói gì tới chính trị đâu?”. Cô ấy lắc đầu: “Nhưng bài viết của em lại không đúng ý của họ…”. Hóa ra vấn đề lại phức tạp đến thế. Và vài tiếng sau khi bài viết online, tôi đã bắt đầu tin… khi mà hệ thống cảnh báo malware/virus của trường Đại học Tokyo liên tục nhấp nháy trên màn hình trong hộp thư của tôi, một sự cố mà tôi chưa bao giờ gặp phải khi sử dụng tài khoản này.

Đại loại như

A virus was detected from the following email you sent.

We notify you that the virus has been removed from your email.

You may have a virus on your computer and it is highly advised to

do a virus scan on your computer.

*** Virus Email Info ***

Subject: price-13-Mar-2013

Recipient: vtnhuan@ims.u-tokyo.ac.jp

Date: Wed, 13 Mar 2013 08:24:43 +0700Process

Result: An incurable virus(W32/Bagle-RB) is detected in attached file(new_price13-Mar-2013.zip)

Hay những cảnh báo khi gửi phản hồi

This is the mail system at host mailv1.ecc.u-tokyo.ac.jp.

I'm sorry to have to inform you that your message could not

be delivered to one or more recipients. It's attached below.

For further assistance, please send mail to <postmaster>

If you do so, please include this problem report. You can

delete your own text from the attached returned message……

Tôi đọc lại những bài phản biện của mình…, nhiều lần. Có cái gì ở đây “lọt vào vùng cấm đoán” hay nhạy cảm? Không gì cả. Trong cuộc sống người ta cần phản biện ở tất cả các vấn đề, chính phản biện giúp họ nhìn lại mình, rồi nhìn lại nhau, có nhiều hơn một lựa chọn, một con đường để đi tới đích.

Điều đó là “phản xạ có điều kiện” là tố chất không thể thiếu của một người làm việc nghiên cứu khoa học, tức là khả năng phản biện, không chỉ phản biện người khác mà phải biết phản biện chính bản thân mình, luôn biết nghi ngờ bản thân mình, luôn biết đặt câu hỏi tại sao, vì đâu. Tôi không dám nhận mình là một trí thức nhưng tôi là người đang làm công việc nghiên cứu. Sẽ là sai lầm nghiên trọng khi một đề xuất khoa học lại không được phản biện một cách rất nghiêm túc, vì điều đó sẽ dẫn tới sai lầm có thể gây hậu quả nhẹ (lãng phí sức người sức của), hoặc nặng (gây chết người hay đưa ra những dẫn cứ làm lệch lạc tri thức nhân loại trong thời gian dài). Phản biện giống như một tấm gương phản chiếu, giúp người ta soi lại mình, nhìn vào mình ở những góc khuất nhất mà bản thân họ không thể tự nhìn ra.

Tôi thích một câu danh ngôn “Chân lý luôn được phát hiện từ những mâu thuẫn được phản biện”.

Mâu thuẫn đó từ đâu, từ những nghi ngờ, từ những thái độ không đồng tình thậm chí là phản đối, được lên tiếng để bày tỏ quan điểm từ chính bản thân người đó hay từ người khác; đó chính là khái niệm “phản biện” mà nhiều người hay dùng.

Hãy nhớ lại xem, nhân loại đã có công thức tính khối lượng riêng ra đời cách đây hơn hai nghìn năm (khi con người chưa hề có một thiết bị máy móc nào hỗ trợ); nhờ phản biện, nghi ngờ bản thân mà Archimedes đã tìm ra [5]; đã có một Định luật vạn vật hấp dẫn của Newton [6] khi ông nghi ngờ rồi tự phản biện mình rằng phải có một lực hút nào đó nằm trong lòng quả đất để quả táo rơi xuống chứ không bay lên trời. Phản biện cũng đã cho ra Học thuyết tiến hóa của Darwin [7], sau cuộc đấu tranh nảy lửa giữa những tư tưởng tôn giáo duy tâm siêu hình nhằm nộ lệ, kìm kẹp người dân và những bằng chứng về nguồn gốc loài người, rằng không hề có chủ thuyết “mục đích luận”. Phản biện cũng sinh ra một loại kháng sinh có thể xem là đầu tiên Penicilline [8], đến nay vẫn là một loại thuốc kháng sinh được sản xuất và sử dụng nhiều nhất, do nhà khoa học người Scotland, Alexander Flemming tìm ra. Penicilline đã cứu sống hàng hiệu người, nhất là trong chiến tranh thế giới lần 2, nơi xảy ra sự hoành hành về nhiễm trùng vết thương. Chính nhờ sự nghi ngờ những kiến thức mình hiện có, cộng với sự phản biện lại chính mình, Penicilline đem đến cho Fleming một giải thưởng Nobel cao quý. Phản biện góp phần thúc đẩy những giá trị văn minh, tiến bộ, nhân văn đến với con người sớm hơn. Nói không ngoa, phản biện là “mẹ đẻ” của chân lý.

Một xã hội ở ở đó, người ta nghi ngờ phản biện, không dám phản biện hay tệ hại hơn là không biết phản biện một vấn đề, xã hội đó chỉ bị bao trùm bởi nghèo nàn, lạc hậu, dốt nát và suy thoái mà thôi.

Tôi vẫn còn đang mong chờ một sự phản biện, có thể là gay gắt, đại loại như “phản biện lại bài viết “Phản hồi cho bài viết ‘Khi phản biện được sử dụng như một chiêu bài’”, tạm gọi là “phản phản biện” để biết được nguồn cơn những thái độ lên án, chỉ trích, dè bỉu bài viết của tôi.

Đấy là lý thuyết… Còn cá nhân tôi, dù có một chuyên môn đang nằm trong lĩnh vực được chào đón ở nhiều nước phát triển, dù ý định của tôi là sẽ chấm dứt hợp đồng vào cuối năm nay để trở về nước làm việc (một hợp đồng mà tôi có thể kéo dài thêm nữa với một mức lương đáng mơ ước kèm theo rất nhiều tiện ích tốt nhất cho một người làm nghiên cứu), tôi cũng đang nghi ngờ cái giá trị của phản biện, khi mà những gì xảy ra với tôi chỉ trong một ngày. Nó đã làm tôi “co dúm” lại, nghi ngờ chính cái chân lý muôn đời mà xã hội văn minh của nhân loại đã khẳng định “Chân lý luôn được phát hiện từ những mâu thuẫn được phản biện”. Có thể nào đó lại là lý do sẽ dẫn tới một quyết định cuối cùng “không mong muốn” là, tôi sẽ không trở về Việt Nam làm việc nữa dù máu trong tim tôi vẫn ào ạt chảy là dòng máu Việt Nam?

V. T. N.

Tài liệu tham khảo

[1] http://boxitvn.blogspot.jp/2013/03/phan-hoi-bai-viet-khi-phan-bien-xa-hoi.html

[2] http://www.nhandan.com.vn/chinhtri/binh-luan-phe-phan/item/19747902-khi-phản-biện-xã-hội-được-sử-dụng-như-một-chiêu-bài.html

[3] http://boxitvn.blogspot.jp/2012/07/nghien-cuu-bo-gen-nguoi-lieu-co-cai.html

[4 http://boxitvn.blogspot.jp/2012/08/co-xet-nghiem-gen-e-nang-gia-cho-nen.html

[5] http://vi.wikipedia.org/wiki/Archimedes

[6] http://en.wikipedia.org/wiki/Isaac_Newton

[7] http://en.wikipedia.org/wiki/Charles_Darwin

[8] http://en.wikipedia.org/wiki/Penicillin

Tác giả gửi trực tiếp cho BVN.

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn