Về địa danh và vị trí VẠN LÝ TRƯỜNG SA - VẠN LÝ THẠCH ĐƯỜNG trên địa đồ hàng hải thời Minh ở Thư viện Đại học Oxford

Phạm Hoàng Quân

Qua bài viết ngắn “Về địa danh Vạn Lý Trường Sa” đăng trên BBC hôm 24/10/2012, chúng tôi thấy vấn đề địa danh Vạn Lý Trường Sa và Vạn Lý Thạch Đường trên bức địa đồ cổ “The Selden Map of China” cần có thêm phần trích lục và phân tích các tư liệu liên quan. Một lý do khác là, sau khi viết xong bài “Về địa danh Vạn Lý Trường Sa”, chúng tôi được đọc thêm bài nghiên cứu của Tiến sĩ Trần Giai Vinh, trong đó, Tiến sĩ Trần cho rằng các địa danh Vạn Lý Trường Sa và Vạn Lý Thạch Đường ghi trên “The Selden Map of China” thuộc hải phận tỉnh Quảng Đông thời Minh. Bài viết này không với mục đích tranh luận, chỉ nhằm để độc giả nắm vấn đề cụ thể hơn qua các tư liệu khách quan trong thư tịch cổ Trung Hoa, cũng có thể xem đây là bài viết mở rộng trên cơ sở bài viết “Về địa danh Vạn Lý Trường Sa”.

Phạm Hoàng Quân

Gần đây, hồi giữa tháng 9 năm 2011, Thư viện Đại học Oxford [Bodleian Library] công bố bản kỹ thuật số một địa đồ cổ Trung Hoa với tiêu đề “The Selden Map of China”, phỏng định được thực hiện trong thời Minh (1368-1644), nội dung mang tính chất địa đồ hàng hải, phạm vi thể hiện gồm Trung Hoa, Nhật Bản, Triều Tiên và khu vực Đông Nam Á.

Địa đồ có kích thước 100x150 cm, vẽ màu trên giấy. Về nguồn gốc, địa đồ nguyên thuộc sở hữu của luật sư người Anh John Selden (1584-1654), thể theo di nguyện của ông, gia đình đã tặng nó cho Thư viện Đại học Oxford vào năm 1659, và được cất giữ đến nay.

Bề mặt địa đồ này không ghi tiêu đề, theo bản “Báo cáo tổng kết về cuộc điều tra tại một số thư viện Anh Quốc” của Trương Chí Thanh và Triệu Đại Oánh - cán bộ Phòng Cổ tịch, Thư viện Quốc gia Trung Quốc - hồi tháng 5 năm 2008 thì địa đồ này được gọi là “Thiên hạ hải đạo toàn đồ/World Searoad Complete Map” (1). Theo Tiến sĩ Tiền Giang (Đại học Hong Kong) trong bài giới thiệu sơ bộ về địa đồ này trên tập san Hải giao sử nghiên cứu tháng 9/2011, thì nó được gọi là “Đông tây dương hàng hải đồ”, và phỏng định được làm ra vào năm Thiên Khải thứ 4 (1624) (2).

Sau khi địa đồ được Bodleian Library đưa lên trang web, có thể phóng đại để nghiên cứu, Tiến sĩ Trần Giai Vinh (Đại học Hong Kong, quản lý trang web Hương Cảng Trung Hoa vạn niên) viết bài: “Minh mạt cương lý cập Chương Tuyền hàng hải thông giao đồ - Biên hội thời gian, đặc sắc cập hải ngoại giao thông địa danh lược tích” [Địa đồ cương vực cuối Minh và việc quan hệ qua đường biển ở Chương Châu, Tuyền Châu - Thời gian soạn vẽ, điểm đặc sắc và phân tích sơ bộ các địa danh giao thông hải ngoại], bài viết này cũng đăng trên tập san Hải giao sử nghiên cứu tháng 11/2011 (3). Đây là bài nghiên cứu khá chi tiết về các vấn đề thời điểm soạn vẽ, địa danh trong và ngoài Trung Hoa và phân tích giá trị của địa đồ. Trong phần viết về địa danh nội địa (tức thuộc Trung Hoa) [Phần I.1. Các tỉnh phủ danh lục yếu], Tiến sĩ Trần đã liệt nhập Vạn Lý Trường Sa và Vạn Lý Thạch Đường vào địa phận Quảng Đông, không lý giải và cũng không kèm chú thích (4).

Dựa vào tính chất của địa đồ “The Selden Map of China”, sau đây gọi tắt là Hải đồ [xem Hải đồ và các thông tin liên quan tại: http://seldenmap.bodleian.ox.ac.uk/map].

I. Mô tả

Các địa danh ngoài Trung Hoa được ghi trên Hải đồ này khá nhiều, khoảng 105 nơi, vị trí Vạn Lý Trường Sa và Vạn Lý Thạch Đường cùng các điểm xung quanh như sau:

Theo đồ hình chỉ nam vẽ ở giữa trên trong nền Hải đồ, thấy quy ước định vị trên bắc dưới nam, địa danh Vạn Lý Trường Sa và Vạn Lý Thạch Đường được biểu thị là hai nơi gần nhau, cả hai nằm ở vị trí gần như trung tâm của toàn đồ.

Địa danh Vạn Lý Thạch Đường được ghi trong đường khuyên tròn, bên trên đường khuyên biểu thị một hòn đảo hình thang tô màu đỏ hồng, cạnh bên phải đường khuyên [hướng đông] ghi 3 chữ “Dữ hồng sắc” [hòn đảo màu đỏ], 3 chữ này như một lời chú bổ cho địa danh Vạn Lý Thạch Đường. Phía trên Vạn Lý Thạch Đường về hướng đông đông nam là Vạn Lý Trường Sa, địa danh này được ghi kèm bốn chữ “tự thuyền phàm dạng” [giống như hình cánh buồm], “Vạn Lý Trường Sa, tự thuyền phàm dạng” được viết thành hai hàng dọc liền nhau và đặt bên trong khung viền giống như mảnh vải bay lượn. Phía trái [hướng tây] Vạn Lý Thạch Đường là hòn đảo ghi địa danh Ngoại La [tức đảo Lý Sơn], phía tây vượt qua Ngoại La là lục địa, hơi chếch về bắc là địa danh Quảng Nam, Thuận Hóa và hơi chếch về nam là địa danh Tân Châu [tức Quy Nhơn], Chiêm Thành. Từ Vạn Lý Thạch Đường thẳng lên hướng bắc là cụm địa danh “Thất Châu, Độc Trư, Quảng Châu” được ghi chung trong một đường viền hình elip nằm nghiêng [theo chiều đông nam-tây nam], tiếp lên hướng bắc cách một khoảng biển hẹp là các địa danh “Đam Châu”, “Quỳnh Châu”, “Lôi Châu”, có điểm lạ là phần đất Đam Châu và Quỳnh Châu [đều trên đảo Hải Nam] được vẽ liền với lục địa. Cách một khoảng khá xa Vạn Lý Thạch Đường, về hướng đông nam là địa danh Côn Lôn, chữ Côn Lôn được đặt trên nét vẽ biểu thị ngọn núi và cạnh bên hải đạo từ Vương Thành Lữ Tống [Luzon] đến Văn Lai [Brunei]. Cách một khoảng khá xa Vạn Lý Thạch Đường, về hướng đông bắc là địa danh Nam Áo Khí được ghi trong đường khuyên tròn.

clip_image002

Hình 1: Bản đồ gốc “The Selden Map of China”. Nguồn: Seldenmap.wordpress.com

clip_image004

Hình 2: Bản vẽ một phần “The Selden Map of China”, lược tả khu vực biển Đông Việt Nam với các địa danh liên quan. Phạm Hoàng Quân phục dạng theo bản kỹ thuật số.

II. Những điểm đặc biệt

Về kỹ thuật hàng hải, Hải đồ này có ưu điểm là đã biểu thị các đường kẻ cho hải đạo, gồm 6 tuyến Đông dương và 12 tuyến Tây dương(5), trên hải đạo cũng định phương hướng cần thiết theo hệ quy ước la kinh truyền thống. Đối chiếu nhiều địa đồ mang tính chất hàng hải do người Trung Hoa soạn vẽ, cho đến cuối Thanh, hình như chưa từng thực hiện chi tiết kỹ thuật “kẻ nét hải đạo” này.

Về họa pháp, đường nét và cách tô màu trên Hải đồ không mang phong cách/quy tắc vẽ địa đồ và phương pháp hội họa truyền thống Trung Hoa. Các điểm dễ nhận thấy là, trong cách biểu thị mặt biển, đường nét “thủy ba” (sóng nước) trên Hải đồ không nằm trong những tuyến điệu đã định hình vốn là đặc trưng truyền thống; vật thể tự nhiên như cây, đá cùng vật thể kiến trúc đều vẽ không hợp cách.

Về việc sử dụng địa danh, tổ hợp địa danh Vạn Lý Trường Sa và Vạn Lý Thạch Đường có tính cá biệt so với nhiều địa đồ, hải đồ cùng thời. Cùng thời Minh, trên bức “Hỗn nhất cương lý lịch đại quốc đô chi đồ/Map of Integrated Lands and Regions of Historical Countries and Capitals/Địa đồ thống nhất bờ cõi đất đai và kinh đô các nước qua các đời” (Triều Tiên, 1402), có hai nơi được tiêu danh Thạch Đường và một nơi tiêu danh Trường Sa, theo thứ tự Thạch Đường-Trường Sa-Thạch Đường (6). Trên “Trịnh Hòa hàng hải đồ” [trong quyển 240, sách Võ bị chí (1619)] có ba nơi được ghi (theo tứ tự trước sau từ phải sang trái) là Thạch Tinh Thạch Đường-Vạn Sinh Thạch Đường Dữ-Thạch Đường (7). Trên “Đông nam hải di đồ” [trong quyển 223, sách Võ bị chí (1619)] có hai nơi ghi là Thạch Đường - Trường Sa (8). Trên “Đông tây nam hải di chư quốc tổng đồ” trong quyển Thủ, sách Đông tây dương khảo (1618) có hai nơi được ghi là Thạch Đường - Trường Sa (9). Cho đến gần 100 năm sau, vào thời Thanh mới thấy tổ hợp địa danh Vạn Lý Thạch Đường - Vạn Lý Trường Sa ghi trên địa đồ, đầu tiên trong bức “Đại Thanh Trung-Ngoại thiên hạ toàn đồ / Địa đồ Đại Thanh về Trung Hoa và các nước xung quanh” vẽ năm Khang Hy Bính Thân (1716) (10).

Đối với lời chú “giống như hình cánh buồm” đi kèm địa danh Vạn Lý Trường Sa cũng cho một bất ngờ, hầu hết các địa đồ cổ Trung Hoa, trước và sau niên điểm Hải đồ đều không đính kèm lời chú giống như hoặc tương tự như vậy cạnh nơi được tiêu danh Trường Sa hoặc Vạn Lý Trường Sa. Điều này dẫn đến sự liên hệ với nhiều địa đồ phương Tây, với cách biểu thị Paracels khá điển hình, với một vùng bằng tập hợp những nét chấm với khuôn viền giống hình cánh buồm, sớm nhất có thể thấy qua hai bản đồ của Bartholomen Velho (1560) và của F.M. Pinto (1560) (Xem bản gốc của 2 bản đồ này tại:

http://nguyennha.vn.tripod.com/luananhinhanh.htm).

Vạn Lý Thạch Đường và Vạn Lý Trường Sa trên Hải đồ được đặt ở vị trí rất gần Quảng Nam và Quy Nhơn, ở hướng đông của hai địa phương này, điều này khác hẳn các địa đồ trước và sau nó, thông thường các địa đồ khác đặt Thạch Đường - Trường Sa hoặc Vạn Lý Thạch Đường - Vạn Lý Trường Sa ở vào khoảng giữa đảo Lưu Cầu [Ryukyu] với biển phía đông Trung Hoa hơn là đặt nó gần vùng bờ biển phía đông Việt Nam.

Một điểm sai trên Hải đồ rất đáng lưu ý là Đam Châu và Quỳnh Châu [đều trên đảo Hải Nam] được vẽ liền với phần lục địa, đáng lẽ hai địa danh Đam Châu và Quỳnh Châu phải nằm ở vị trí được ghi là “Thất Châu, Độc Trư, Quảng Châu” trên Hải đồ. Sai lầm này khó xảy ra đối với tác giả người Trung Hoa, bởi vì nhiều địa đồ từ thời Tống đã thể hiện Quỳnh Châu là hải đảo.

Điểm sai thứ hai của Hải đồ là vị trí đảo Côn Lôn, ở đây ngờ rằng có sự sai lạc vị trí giữa Côn Lôn và Đại Mạo Châu, vị trí Đại Mạo Châu đúng ra phải được tiêu danh Côn Lôn.

Các đặc điểm nêu trên cho thấy rằng, có thể Hải đồ này đã chịu ảnh hưởng rất nhiều từ các bản đồ Tây phương.

III. Tư liệu liên quan đến địa danh và vị trí Trường Sa - Thạch Đường

Trong các loại tư liệu cổ Trung Hoa, có khá nhiều ghi chép liên quan đến địa danh Trường Sa - Thạch Đường hoặc Vạn Lý Trường Sa - Vạn Lý Thạch Đường, có thể xếp các tư liệu thành hai nhóm, một là sách có ghi chép địa danh và hai là địa đồ có ghi địa danh.

1. Địa danh chép trong sách

Trong nhiều tựa sách thuộc loại chính sử, phương chí và du ký, đối tượng địa danh này được ghi nhận có khi là Thạch Đường, có khi là Vạn Lý Thạch Đường, lại có lúc được ghi nhận đơn độc, có lúc đi liền với địa danh Trường Sa hoặc Vạn Lý Trường Sa, và mặt khác, chúng cũng có thể kết hợp với những địa danh tương cận. Qua thống kê sơ bộ thấy các địa danh này xuất hiện trong các trường hợp:

a. Thạch Đường.

b. Thạch Đường - Trường Sa [hoặc Trường Sa - Thạch Đường].

c. Trường Sa - Thạch Sàng.

d. Vạn Lý Thạch Đường.

e. Vạn Lý Thạch Đường - Thiên Lý Trường Sa.

f. Vạn Lý Thạch Đường - Vạn Lý Trường Sa.

g. Vạn Lý Thạch Đường - Thất Châu Dương.

- Các sách chép Thạch Đường - Trường Sa

Địa danh Trường Sa - Thạch Đường xuất hiện sớm vào thời Tống, trong sách Lĩnh ngoại đại đáp (1178) của Chu Khứ Phi. Lĩnh ngoại đại đáp, quyển Nhất, môn Địa lý, điều Tam hợp lưu, viết: “Nghe nói phía đông biển lớn có Trường Sa Thạch Đường mấy vạn dặm, là nơi rún biển, nhập vào chỗ mịt mờ sâu thẳm. Xưa thường có thuyền bị gió tây lớn đưa đến biển lớn phía đông, nghe tiếng vọng từ rún biển, vang dội không cùng, phút chốc nhờ gió đông lớn thì tránh được”(11).

Địa danh Thạch Đường được viết riêng lẻ thấy trong bộ chính sử Tống sử (viết xong năm 1345, thời Nguyên). Tống sử, quyển 489, phần Truyện ngoại quốc, mục nói về nước Chiêm Thành, viết: “(Sứ Chiêm Thành) La Bì Đế Gia [Ropodiga] nói rằng người nước tôi đến thẳng Quảng Châu, có lúc thuyền bị gió dạt đến Thạch Đường, nên nhiều năm không đến [nộp cống] được” (12).

Trường Sa [tổ hợp Thạch Sàng-Trường Sa] xuất hiện lần đầu vào thời Tống, trong sách Chư phiên chí (1225) của Triệu Nhữ Quát, trong lời Tựa sách này, tác giả viết: “Nhữ Quát được mệnh đến đây (chỉ Tuyền Châu), ngày rảnh xem ‘Chư phiên đồ (Địa đồ các nước Phiên)’, cái gọi là mối nguy của Thạch Sàng, Trường Sa, cùng nơi giới hạn của biển Giao Chỉ với Trúc Dữ. Hỏi có ghi chép không thì không có” (13).

- Các sách chép Vạn Lý Thạch Đường - Vạn Lý Trường Sa

Địa danh Vạn Lý Thạch Đường trong tổ hợp Vạn Lý Thạch Đường - Thiên [sic] Lý Trường Sa xuất hiện trong thời Tống, qua các sách Quỳnh quản chí (1203-1208), Dư địa kỷ thắng (1221), Chư phiên chí (1225), Phương dư thắng lãm (1239). Trong đó, 3 sách thuộc loại phương chí là Quỳnh quản chí, Dư địa kỷ thắngPhương dư thắng lãm đưa thông tin gần như giống nhau.

Vương Tượng Chi trong Dư địa kỷ thắng đã chép lại đoạn văn trong Quỳnh quản chí và truyền dần về sau, ở quyển 127, phần Quảng Nam tây lộ, mục Cát Dương quân, viết: “Quỳnh quản chí (14) viết: ‘ngoài là các châu Ô Lý, Tô Mật, Cát Lãng (15), cùng đối ngang với Chiêm Thành; tây là Chân Lạp, Giao Chỉ; đông là Thiên Lý Trường Sa, Vạn Lý Thạch Đường, trên dưới mờ mịt, ngàn dặm một màu, thuyền bè qua lại, chim bay gần bên đầu bên cổ mà không thấy sợ” (16).

Chư phiên chí của Triệu Nhữ Quát đã nói ở trên, được phân bố làm 2 phần, gồm Chí quốc (chép về các nước) và Chí vật (chép về sản vật các nơi), cuối phần Chí vật lại chép phụ thêm địa lý sản vật Hải Nam (Triệu Nhữ Quát dùng tên Hải Nam, đương thời tên hành chính là Quỳnh Châu). Ngoài phần lời Tựa đã nói về Thạch Sàng, Trường Sa, trong mục Hải Nam, Triệu Nhữ Quát cũng thu thập đoạn văn mà Dư địa kỷ thắng đã chép, chỉ khác là địa danh chép thành “千里長沙, 萬里石牀/ Thiên Lý Trường Sa, Vạn Lý Thạch Sàng” (17). Trong cùng một sách mà dùng hai cách gọi, Thạch Sàng, Trường Sa ở lời Tựa và Thiên Lý Trường Sa, Vạn Lý Thạch Sàng ở cuối sách, điều này cho thấy hoặc là người chép sách dùng phép tỉnh lược đối với địa danh, hoặc là biểu hiện của việc thu thập thông tin từ nhiều nguồn. Trường hợp sử dụng song song hai cặp địa danh này vẫn thường gặp trong nhiều sách viết sau Chư phiên chí.

Địa danh Vạn Lý Thạch Đường xuất hiện riêng lẻ lần đầu trong sách Đảo di chí lược (1349) của Uông Đại Uyên, thời Nguyên. Trong Đảo di chí lược, Uông Đại Uyên đã đặt Vạn Lý Thạch Đường thành một đề mục, mục Vạn Lý Thạch Đường viết: “Xương của Thạch Đường do sinh ra từ Triều Châu, ngoằn ngoèo như con rắn dài, vắt ngang giữa biển, vượt qua biển các nước khác, tục gọi là Vạn Lý Thạch Đường... Theo lời của Tử Dương Chu Tử thì các nơi hải ngoại cùng với Trung Nguyên có sự tiếp liền địa mạch vậy” (18). Trong đề mục này - theo quan niệm địa lý phong thủy cổ truyền - Uông Đại Uyên nhận định Vạn Lý Thạch Đường được nối liền địa mạch với Triều Châu, địa mạch quanh co ngoằn ngoèo rồi đột ngột nhô lên giữa biển, và tán đồng quan điểm của Chu Hy, Uông Đại Uyên cho rằng nhiều nơi ở hải ngoại không thuộc lãnh thổ Trung Hoa nhưng cùng chung địa mạch, trong đó có Vạn Lý Thạch Đường.

Vạn Lý Thạch Đường - Thất Châu Dương được đề cập trong bộ chính sử Nguyên sử (viết xong năm 1370, thời Minh), trong phần Liệt truyện, truyện Sử Bật, đoạn văn mô tả hành trình của đoàn quân tấn công Java: “Qua Thất Châu Dương, Vạn Lý Thạch Đường, qua hải giới Giao Chỉ với Chiêm Thành”(19).

Tổ hợp địa danh Vạn Lý Thạch Đường - Vạn Lý Trường Sa bắt đầu được ghi nhận trong thời Minh, qua các sách Hải ngữ (1536), Đông tây dương khảo (1618), Thuận phong tương tống (cuối Minh, không rõ năm) v.v.

Trong sách Hải ngữ của Hoàng Trung, Vạn Lý Thạch Đường chép riêng một mục, Vạn Lý Trường Sa chép riêng một mục. Mục Vạn Lý Thạch Đường chép: “Vạn Lý Thạch Đường ở phía đông hai biển Ô Trư, Độc Trư, gió lạnh trời mờ, chẳng giống cõi trần”; Mục Vạn Lý Trường Sa chép: “Vạn Lý Trường Sa ở phía đông nam Vạn Lý Thạch Đường, tức là sông Lưu Sa của mấy nước tây nam Di” (20). Trong các địa danh liên quan được đề cập ở hai đoạn văn trên, Ô Trư tức Ô Trư Sơn, còn gọi là Ô Châu Sơn (烏珠山), tức nay là hòn đảo thuộc nhóm đảo phía đông đảo Thượng Xuyên (上川島), hải phận huyện Trung Sơn tỉnh Quảng Đông, người đi biển xưa gọi chung vùng biển này là biển Ô Trư; Độc Trư tức Độc Trư Sơn, còn gọi là Độc Châu Sơn (獨珠山), tức nay là nhóm đảo gần bờ biển huyện Vạn Ninh tỉnh Hải Nam. Khác với Ô Trư, Độc Trư là địa danh thực, địa danh Lưu Sa Hà (sông Lưu Sa) là tên gọi phiếm chỉ, xưa kia để nói về bờ cõi nhà Hạ, thiên Vũ cống trong Kinh Thư có câu: “Đông tiệm vu hải, tây bị vu lưu sa / Phía đông dần ra biển, phía tây đến lưu sa (nơi sa mạc)” (21), bắt đầu từ câu văn này, Lưu Sa dần trở thành địa danh dùng để ám chỉ nơi biên địa xa xôi đầy gió cát. Về sau, Lưu Sa hay Sa Hà hay Đại Lưu Sa là tên mà người Trung Hoa dùng để chỉ vùng sa mạc Takla Makan ở phía tây Tân Cương. Trong đoạn văn về Vạn Lý Trường Sa, ý Hoàng Trung muốn ví nơi này như là bãi cát nơi vùng biên địa của mấy nước tây nam Di (Đông Nam Á).

Trong Đông tây dương khảo của Trương Tiếp, tại quyển 9, mục Thủy tỉnh thủy kỵ (Những điều nhắc nhở và cấm kỵ trên biển), viết: “Gần bên Ngoại La, lấy ngang qua hướng đông đi khoảng bảy canh thuyền là gặp Vạn Lý Thạch Đường, trong có hòn đảo màu đỏ, không cao. Như thấy thân thuyền là chỗ cạn, lại thấy mỏm đá thì phải đề phòng, đề phòng nơi có ngấn nước” (22). Mô tả này của Trương Tiếp khá giống với diễn tả trên Hải đồ, với Vạn Lý Thạch Đường có hòn đảo màu đỏ (Hồng thạch sơn - Dữ hồng sắc), với nơi tương cận phía tây là Ngoại La (Lý Sơn). Ngoài ra, Trương Tiếp còn cho thêm thông tin khá quan trọng về khoảng cách từ Ngoại La (đảo Lý Sơn) đến Vạn Lý Thạch Đường là bảy canh thuyền (~210 km).

Sách Thuận phong tương tống không rõ người viết, ước trong thời Minh, sách này có hoàn cảnh lai lịch gần như bức hải đồ “The Selden Map of China”. Bản sách gốc viết tay, hiện lưu tại Thư viện Đại học Oxford (Bodleian Library), có bút tích chữ Latinh của Hiệu trưởng Trường Đại học Oxford đề tặng thư viện, ký vào năm 1639 [“Liber Guib: Laud Archirbi Cant. et Cancillor Universit. Oxon. 1639”]. Năm 1935, học giả Hướng Đạt làm một bản sao (chép tay) mang về Trung Quốc và tiến hành việc hiệu chú, Trung Hoa thư cục xuất bản vào năm 1961. Một bản khác [64 trang] do Bodleian Library chụp ảnh tặng cho Library of Congress (Thư viện Quốc hội Hoa Kỳ) vào năm 1966 và Đài Loan đã xuất bản ảnh ấn bản này vào năm 1982 (23).

Thuận phong tương tống phân làm 16 mục, mục thứ 13 mang tiêu đề “Các xứ châu phủ sơn hình thủy thế thâm thiển nê sa tiêu thạch chi đồ” (vẽ/ghi chép về hình núi, thế nước sâu cạn, bãi bùn, bãi cát, đảo, đá ở châu phủ các xứ) có đoạn mô tả về biển Giao Chỉ, trong đó nêu địa danh Vạn Lý Thạch Đường: “Giao Chỉ Dương thấp về phía tây, có đảo cỏ, dòng nước chảy xiết, có lau sậy, nhiều củi, lấn sang phía đông có phi ngư [cá bay/Cephalacanthidae?], lấn sang tây có bái phong ngư [cá heo/dolphin/Delphinus]. Độ sâu của nước được 45 thác [sải tay]. Lấy sang đông bảy canh thuyền có Vạn Lý Thạch Đường” (24).

Thuận phong tương tống, mục thứ 6 mang tiêu đề “Định triều thủy tiêu trưởng thời hậu” (Xác định thời gian thủy triều lên xuống) có đoạn: “Nếu thuyền gần Ngoại La theo hướng nhìn ngang, lấy sang đông đi bảy canh thuyền là Vạn Lý Thạch Đường, trong có hòn đảo màu đỏ (Hồng thạch dữ), không cao. Nếu nhìn thấy thân thuyền là chỗ nước cạn, như thấy mỏm đá phải đề phòng. Nếu như thuyền đi từ Thất Châu Dương [vùng biển phía đông Hải Nam], lấy sang đông bảy canh thuyền là thấy Vạn Lý Thạch Đường, giống như hình cánh buồm, đến gần thì thấy như hai, ba cánh buồm, phải đề phòng. Thuyền đi chậm, một ngày thấy Ngoại La Sơn, phải nhớ [điều này] thật kỹ”(25).

Ghi chép trong Thuận phong tương tống có nhiều điểm khá phù hợp với sự tiêu danh và ghi chú trên Hải đồ, điểm khác giữa sách này và Hải đồ là Thuận phong tương tống đã tập trung cả hai đặc điểm hình trạng “hòn đảo màu đỏ” và “giống như hình cánh buồm” vào cho địa danh Vạn Lý Thạch Đường (26).

Các sách có tư liệu ghi chép về Vạn Lý Thạch Đường và Vạn Lý Trường Sa còn khá nhiều nhưng hầu hết đều có nội dung tương tự như những tư liệu điểm qua như trên. So với những tư liệu mang tính tiêu biểu đã trích dịch, những mô tả liên quan đến Vạn Lý Thạch Đường và Vạn Lý Trường Sa trong nhiều sách khác hầu như chỉ là sự sao lục, các tư liệu này được nhân rộng và lưu truyền cho đến cuối thời Thanh.

Nếu lấy niên hạn cuối thời Minh (1644) cho Hải đồ, chúng ta thấy rằng, những tài liệu ghi chép đều có sự tương quan ít nhiều trong việc định danh và định vị Vạn Lý Thạch Đường và Vạn Lý Trường Sa, đặc biệt là hai sách chỉ nam hàng hải Đông tây dương khảo Thuận phong tương tống.

2. Địa danh và vị trí trên địa đồ

Cùng thời đại với Hải đồ đang xét, chúng ta có thể xem qua vài địa đồ rất nổi tiếng. Trên các địa đồ trong thời Minh, về địa danh, đa số chỉ dùng tên Thạch Đường - Trường Sa; về vị trí, hầu hết được đặt trái ngược với hải đồ.

clip_image006

Hình 3: Bản vẽ một phần “Hỗn nhất cương lý lịch đại quốc đô chi đồ”, với các địa danh liên quan. Phạm Hoàng Quân phục dạng theo bản kỹ thuật số. Xem địa đồ gốc tại: http://upload.wikimedia.org/wikipedia/commons/1/1d/GeneralMapOfDistancesAndHistoricCapitals.jpg

Xét từ nguồn gốc, đầu tiên phải nói đến là bức “Hỗn nhất cương lý lịch đại quốc đô chi đồ” (xem chú 6) của các tác giả người Triều Tiên là Quyền Cận, Lý Hội và Lý Mậu, địa đồ này làm xong năm 1402, nhằm năm Kiến Văn thứ 4, thời đầu nhà Minh (27). Các tác giả Triều Tiên tham khảo tổng hợp từ hai bức địa đồ do người Trung Hoa soạn vẽ trước đó, đã vẽ lại và bổ sung chi tiết các phần về Nhật Bản, Triều Tiên và Đông Nam Á, hình thành bức “Hỗn nhất cương lý lịch đại quốc đô chi đồ”. Trong địa đồ này, có hai nơi được tiêu danh Thạch Đường và một nơi tiêu danh Trường Sa, theo thứ tự Thạch Đường - Trường Sa - Thạch Đường, ba đảo gần như thẳng hàng, chếch theo chiều đông nam - tây nam, ba đảo cách nhau khá xa và mỗi đảo chen lẫn trong nhóm đảo mang nhiều tên khác. Trường Sa nằm trong nhóm rất nhiều đảo, cạnh Môn Điêu (門碉), Sách La Cát (索羅吉), Tam Dữ (三嶼) và Địa Y (地衣); Thạch Đường (thứ nhất) nằm trong nhóm 4 đảo phía đông bắc Trường Sa, gồm Bà Lị (婆利), La Sát (羅剎), La Già Sơn (羅伽山), Thạch Đường (石塘); Thạch Đường (thứ hai) nằm trong nhóm 4 đảo phía tây nam Trường Sa, gồm Thạch Đường (石塘), Bình Cao Luân? (平高崙), Tô Nhật Cương? (蘇日岡), Bột Nê (渤泥) (28). Đây không phải là trường hợp cá biệt trong việc đặt để vị trí, vì đa số các địa đồ thời Minh và mãi đến đầu Thanh, mặc dù đã cải đổi vị trí được tiêu danh Thạch Đường - Trường Sa và đặt chúng gần cạnh nhau, nhưng vẫn ở phạm vi không gian và với các địa danh xung quanh vẫn tương tự như trên “Hỗn nhất cương lý lịch đại quốc đô chi đồ”.

Thứ hai là “Đông nam hải di tổng đồ” trong tập Quảng dư đồ của La Hồng Tiên (1504-1567). Quảng dư đồ là tập địa đồ (atlas) kế thừa từ bức “Dư địa đồ” của Châu Tư Bản thời Nguyên (29). Tập địa đồ này làm xong vào năm 1541, in lần đầu vào năm 1555, qua các lần in có sự tăng bổ. Trong bản in năm Gia Tĩnh thứ 37 (1558), tập này thêm vào 2 bức “Đông nam hải di tổng đồ” và “Tây nam hải di tổng đồ”. Trong bức “Đông nam hải di tổng đồ”, hai địa danh Thạch Đường và Trường Sa được đặt gần nhau, vị trí Thạch Đường ở trên (~ đông bắc) và Trường Sa ở dưới, so với Hải đồ thì vị trí hai nơi này đảo ngược.

Cách sử dụng địa danh Thạch Đường - Trường Sa và đặt định vị trí hai nơi này trong vùng biển đông nam Di (Đông Nam Á) theo kiểu mẫu “Đông nam hải di tổng đồ” trong tập Quảng dư đồ thấy khá nhiều, tiêu biểu là các bức: “Đông tây nam hải di chư quốc tổng đồ” trong quyển Thủ sách Đông tây dương khảo (1618) (30); “Đông nam hải di đồ” trong quyển 223, sách Võ bị chí (1619) (31); “Đông nam hải di đồ” trong Dư đồ yếu lãm, quyển 4, sách Độc sử phương dư kỷ yếu (1679, Thanh) (32).

Bức thứ ba là “Tự Bảo thuyền xưởng khai thuyền tòng Long Giang Quan xuất thủy trực để ngoại quốc chư phiên đồ” tức “Trịnh Hòa hàng hải đồ” trong sách Võ bị chí (1619) của Mao Nguyên Nghi. Sách Võ bị chí tuy làm xong vào thời cuối nhà Minh nhưng trong đó đã công bố cuộn hải đồ sưu tập có niên đại phỏng định hồi đầu thời Minh (sau những chuyến đi biển của Trịnh Hòa, trong những năm từ 1405 đến 1430). Trên “Trịnh Hòa hàng hải đồ” không ghi tên người soạn vẽ, cũng không ghi năm soạn vẽ, vì vậy giới nghiên cứu Trung-Tây đã nêu nhiều giả thuyết, tạm thời, xem như trong khoảng 1430-1619. Trên “Trịnh Hòa hàng hải đồ” có ba nơi được ghi (theo thứ tự trước sau từ phải sang trái) là Thạch Tinh Thạch Đường - Vạn Sinh Thạch Đường Dữ - Thạch Đường, ba địa danh này được đặt thành một nhóm gần nhau, trong đó Thạch Tinh Thạch Đường được biểu thị bằng một tập hợp các nét chấm tròn như là bãi cát rộng lớn, Vạn Sinh Thạch Đường Dữ được biểu thị là hòn núi lớn và Thạch Đường là hòn núi nhỏ hơn.(33)

Trên “Trịnh Hòa hàng hải đồ”, cách sử dụng nhóm địa danh có thể xem là cá biệt so với hầu hết các sách và địa đồ trong thời Minh, cũng khác xa với cách sử dụng địa danh trên hải đồ “The Selden Map of China”. Nếu xem các cách gọi tên đều nhằm để chỉ nơi Thạch Đường - Trường Sa, thì việc đặt định vị trí nơi này thể hiện trên “Trịnh Hòa hàng hải đồ” cũng khác xa Hải đồ, và cũng có sự chênh lệch về khoảng cách rất xa so với không gian thật.

Qua những địa đồ này, có thể thấy việc đặt để các địa danh ngoài Trung Hoa trên địa đồ tuy khá phức tạp, nhưng hầu như đều có mối liên hệ, các địa đồ sau không khác mấy so với địa đồ ban đầu. Ngoài trường hợp “Trịnh Hòa hàng hải đồ”, hầu hết địa đồ về các nơi hải ngoại thời Minh đều dùng địa danh Trường Sa - Thạch Đường. Qua các địa đồ tiêu biểu đã nêu, có thể nhận định rằng Hải đồ đang xét là nơi xuất phát của cách ghi Vạn Lý Thạch Đường - Vạn Lý Trường Sa, và đến khoảng hơn 50 năm sau, trên bức địa đồ khổ lớn thời Khang Hy, tổ hợp địa danh Vạn Lý Thạch Đường - Vạn Lý Trường Sa lại được sử dụng.

clip_image008

Hình 4: Trích đoạn “Trịnh Hòa hàng hải đồ”, nơi các địa danh liên quan. Võ bị chí, quyển 240, bản lưu tại Thư viện Đại học Waseda.

Sự thừa tiếp trong thời Thanh

- Niên điểm tổ hợp địa danh Vạn Lý Thạch Đường - Vạn Lý Trường Sa ghi trên địa đồ

Đến thời Thanh, tổ hợp địa danh Vạn Lý Thạch Đường - Vạn Lý Trường Sa ghi trên địa đồ, đầu tiên trong bức “大清中外天下全圖-康煕丙申/Đại Thanh Trung-Ngoại thiên hạ toàn đồ/Địa đồ Đại Thanh về Trung Hoa và các nước xung quanh” vẽ năm Khang Hy Bính Thân (1716), kế đến là bức “天下總輿圖 Thiên hạ tổng dư đồ/Địa đồ tổng quát thế giới” trong tập địa đồ [atlas]清直省分圖 Thanh trực tỉnh phân đồ (1724), kế nữa là bức “天下總輿圖/Thiên hạ tổng dư đồ/Địa đồ tổng quát thế giới” trong tập皇清各直省分圖 Hoàng Thanh các trực tỉnh phân đồ (1755), v.v.(34)

- Niên điểm tổ hợp địa danh Vạn Lý Thạch Đường - Vạn Lý Trường Sa - Thất Châu Dương - Nam Áo Khí ghi trên địa đồ

Mở rộng phạm vi một chút, chúng ta thấy trên Hải đồ sử dụng tổ hợp địa danh Vạn Lý Thạch Đường - Vạn Lý Trường Sa - Thất Châu - Nam Áo Khí. Sau Hải đồ, đến giữa thời nhà Thanh, thấy tổ hợp này được lặp lại bắt đầu từ “大清萬年一統天下全圖/Đại Thanh vạn niên nhất thống thiên hạ toàn đồ” (1767) của Hoàng Chứng Tôn, kế đến là “大清萬年一統地理全圖/Đại Thanh vạn niên nhất thống địa lý toàn đồ” (1800) (khuyết danh), kế nữa là “大清一統天下全圖/Đại Thanh nhất thống thiên hạ toàn đồ” của Đào Tấn, v.v.(35)

Nhìn chung, trong các địa đồ thời Thanh, đối với những bức mở rộng không gian, thể hiện các nơi hải ngoại, phần lớn đã sử dụng tổ hợp địa danh Vạn Lý Thạch Đường - Vạn Lý Trường Sa như Hải đồ đã sử dụng.

IV. Kết luận

Qua những tư liệu ghi chép trong các sách và cách ghi địa danh trên nhiều địa đồ, hải đồ cùng thời, có thể thấy hải đồ “The Selden Map of China” lần đầu tiên dùng địa danh Vạn Lý Thạch Đường - Vạn Lý Trường Sa và đặt phương vị khá chuẩn xác.

Quan sát Hải đồ một cách độc lập, thấy rằng các địa danh được được ghi trên Hải đồ chỉ nhằm thể hiện tiêu chí giao thông, không có ý biểu thị việc xác định chủ quyền của nơi này đối với nơi khác.

Trong trường hợp Hải đồ có thêm mục đích biểu thị hoặc gián tiếp nói đến sự lệ thuộc của các hải đảo vào quốc gia lục địa nào đó, thì Vạn Lý Thạch Đường và Vạn Lý Trường Sa không thuộc vùng biển Trung Hoa, điều này không chỉ nhận biết dựa vào vị trí diễn tả trên Hải đồ, mà còn có sự liên hệ với những bức cùng thời đã nêu. Chẳng hạn, trong các sách Quảng dư đồ, Võ bị chíĐông tây dương khảo đều có nhiều địa đồ về Trung Hoa và ngoài Trung Hoa, nhưng Thạch Đường - Trường Sa chỉ có trên các địa đồ diễn tả nơi ngoài Trung Hoa, như “Đông nam hải di đồ”, “Đông tây nam hải di chư quốc tổng đồ”. Ở góc độ này, tức việc định vị các hải đảo và thể hiện vùng biển Đông Nam Á, Hải đồ có thêm giá trị điều chỉnh các điểm bất ổn của nhiều địa đồ trước nó.

Xem xét Hải đồ phối hợp với tư liệu các loại (chính sử, phương chí, địa lý du ký), chúng ta thấy hầu hết các ghi chép đều có ý cho rằng Vạn Lý Thạch Đường và Vạn Lý Trường Sa nằm trong vùng biển thuộc các nước khu vực Đông Nam Á.

Xem xét Hải đồ phối hợp với các tư liệu ghi chép về hàng hải, tiêu biểu như Hải ngữThuận phong tương tống, chúng ta thấy có sự xác định khá rõ Vạn Lý Thạch Đường và Vạn Lý Trường Sa thuộc vùng biển Giao Chỉ (nay là Việt Nam).

Cái Bè, ngày 4/11/2012

P.H.Q.

Chú thích

(1) 张志清-赵大莹, 访问英国部分图书馆的总结报告 [古籍馆副馆长张志清馆长助理赵大莹于200856日至516日对英国四家图书馆进行了为期九天的工作访问].

(2) 錢江, 一幅新近发现的明朝中叶彩绘航海图, 海交史研究, 第一期, 20119/ Qian Jiang, A Mid Ming Watercolour Navigation Map Recently Discovered at Oxford University.

(3) 陳佳榮, “明末疆里及漳泉航海通交图编绘时间、特色及海外交通地名略析, 海交史研究, 第二期, 201111/ Chan Kai Wing, The Compilation Time, Characteristics and Notes to the Overseas Locations of the Selden Map of China.

(4) Trích nguyên văn trong bài viết của Trần Giai Vinh, đoạn liên quan tên các phủ châu và các nơi thuộc Quảng Đông: 廣東廣州 肇慶 韶州 南雄 惠州 潮州 高州 雷州 廉州 瓊州 [ () ]

[南澳氣 七州 獨豬]  [萬里長沙似船帆樣 嶼紅色]  [萬里石塘].

(5) Đông dương, Tây dương, khái niệm phân chia vùng biển Đông Nam Á trong nhiều sách thời Minh, quy ước vùng biển từ Văn Lai (Brunei) trở qua đông là Đông dương, trở qua tây đến hết Ấn Độ Dương là Tây dương.

(6) Có thể xem bản kỹ thuật số “Hỗn nhất cương lý lịch đại quốc đô chi đồ/混一疆理歷代國都之圖 / 혼일강리역대국도지도 / こんいつª­ょうりれª­だいこくとのず trên các trang mạng Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc. Về bản in, có thể xem trong tập Nhật Bản cổ địa đồ đại thành-Thế giới đồ biên, Chức Điền Võ Hùng-Thất Hạ Tín Phu-Hải Dã Nhất Long biên tập, Giảng Đàm xã xuất bản, 1972. [“日本古地図大成-世界図編à” 織田武雄, 室賀信夫, 海野一隆, 講談社1972年版/ Nihon kochizu taisei [cartographic material], henshū iin Unno Kazutaka, Oda Takeo, Muroga Nobuo].

(7) “Trịnh Hòa hàng hải đồ” 鄭和航海圖, nguyên danh “Tự Bảo thuyền xưởng khai thuyền tòng Long Giang Quan xuất thủy trực để ngoại quốc chư phiên đồ” 自寶船厰開船從龍江關出水直抵外國諸蕃圖[trong quyển 240, sách Võ bị chí ], xem thêm chú thích 33.

(8) “Đông nam hải di đồ”東南海夷圖[trong quyển 223, sách Võ bị chí ], xem thêm chú thích 31.

(9) “Đông tây nam hải di chư quốc tổng đồ” 東西南海夷諸國總圖[trong quyển Thủ, sách Đông tây dương khảo], xem thêm chú thích 30.

(10) “Đại Thanh Trung-Ngoại thiên hạ toàn đồ” Khang Hy Bính Thân (1716), xem thêm chú thích 34.

(11) Chu Khứ Phi, Lĩnh ngoại đại đáp, quyển Nhất /周去非, 嶺外代答, 卷一, 地理門, 三合流 : “傳聞東大海洋有長砂石塘數萬里尾閭所洩淪入九幽昔嘗有舶舟為大西風所引至于東大海尾閭之聲震洶無地俄得大東風以免” (卷一, 第十五頁前後) [gõ theo bản “Khâm định tứ khố toàn thư, Sử bộ 11, Địa lý loại 8, Tạp ký”] [Trong Lĩnh ngoại đại đáp, địa danh Trường Sa dùng chữ Sa (bộ Thạch), các sách khác dùng chữ Sa (bộ Thủy)].

(12) Tống sử, quyển 489, Liệt truyện 418, Ngoại quốc 5. Nguyên văn gõ theo bản in Trung Hoa thư cục, 2007, cuốn 40, tr. 14.038: “羅皮帝加言國人詣廣州,或風漂船至石塘,即累歲不達矣”.

(13) Triệu Nhữ Quát, Chư phiên chí, Lời Tựa của Triệu Nhữ Quát:趙汝适,諸蕃志,趙汝适序: “汝适被命來此(泉州)暇日說諸蕃圖有所謂石牀長沙之險交洋竺嶼之限問其志則無有焉” [Nguyên văn gõ theo bản Chư phiên chí hiệu chú, Phùng Thừa Quân hiệu chú, Đài Loan thương vụ ấn thư quán, Đài Bắc, 1962].

(14) Quỳnh quản chí được dẫn trong Dư địa kỷ thắng hiện không còn, theo tên sách, chữ Quỳnh quản được viết tắt từ tên cơ quan “Quỳnh quản an phủ đô giám”, cơ quan này thấy được đề cập trong Dư địa kỷ thắng, mục diên cách châu Quỳnh [quyển 124, tờ 3], đoạn văn này viết là năm Tuyên Hòa thứ năm (1123), đổi cơ quan “Thủy lục chuyển vận sự” của 3 châu Đam, Nhai, Vạn An thành “Quỳnh quản an phủ đô giám”, quản lý 3 quân Xương Hóa, Vạn An, Cát Dương. Qua chi tiết này có thể phỏng định Quỳnh quản chí được viết trước Dư địa kỷ thắng gần 100 năm.

(15) Ô Lý, Tô Mộc, Cát Lãng, những địa danh này có thể được phiên âm từ tên các đảo Burias [nay phiên là Bố Lý Á Tư], Sulu [nay phiên là Tô Lộc], Kota Baru [nay phiên là Cát Lan Đan].

(16) Dư địa kỷ thắng, quyển 127, Quảng Nam tây lộ, Cát Dương quân, tờ 1-2. “吉陽軍. 形勝, 其外則烏里, 蘇密,吉浪 之洲, 而與占城相對, 西則眞臘交趾, 東則千里長沙萬里石塘, 上下渺茫, 千里一色,

舟船往來, 飛鳥附其顚頸而不驚, 瓊管志” [輿地紀勝, 卷一百二十七, 廣南西路, 吉陽軍, 頁二,]. Nguyên văn gõ theo bản Dư địa kỷ thắng, bản in Cụ Doanh Trai, năm Đạo Quang thứ 29 (1849) theo bản sao thời Tống của Văn Tuyển Lâu [王象之-輿地紀勝, 道光二十九年秋 八月懼盈齋刊板文選樓影宋鈔本], Thư viện Đại học Waseda ( Ký hiệu5 - 3386)].

(17) Triệu Nhữ Quát, Chư phiên chí, Chí vật, Hải Nam. [Chư phiên chí hiệu chú, Phùng Thừa Quân hiệu chú, Đài Loan thương vụ ấn thư quán, Đài Bắc, 1962 (tr. 146)].

(18) Lược thuật theo đoạn văn: “石塘之骨, 由潮州而生. 迤邐如長蛇, 橫亘海中, 越海諸國. 俗云萬里石塘蓋紫陽朱子謂海外之地與中原地脈相連者”. 島夷志略校釋, () 汪大淵著, 蘇繼廎 校釋. Nguyên văn gõ theo bản Đảo di chí lược hiệu thích, (Nguyên) Uông Đại Uyên nguyên trứ, Tô Kế Khoảnh hiệu thích, Trung Hoa thư cục, Bắc Kinh, 1981 (tr. 319).

(19) Nguyên sử, quyển 162, Liệt truyện 49, Sử Bật truyện. “過七洲洋, 萬里石塘, 歷交趾占城界”. Nguyên văn gõ theo bản in Trung Hoa thư cục, 2005 (Cuốn 13, tr. 3.802). Câu văn này cần phải được hiểu chính xác về mốc lộ trình, theo thứ tự: Qua Thất Châu Dương (biển Quỳnh Châu), đến Vạn Lý Thạch Đường (biển Giao Chỉ), đến hải giới Giao Chỉ-Chiêm Thành; với cách dịch không chính xác hoặc bóp méo, câu này có thể được diễn tả: Qua Thất Châu Dương, Vạn Lý Thạch Đường, qua hải giới Trung Hoa với Giao Chỉ và Chiêm Thành, trong trường hợp này, Vạn Lý Thạch Đường sẽ được hiểu nằm trong biển Trung Hoa.

(20) Hoàng Trung, Hải ngữ, quyển hạ. “萬里石塘: 萬里石塘在烏瀦獨瀦二洋之東陰風晦景不類人世. 萬里長沙: 萬里長沙在萬里石塘東南即西南夷之流沙河也” [黄衷, 海語, 卷下, 張海鵬訂, 照曠閣本]. Nguyên văn gõ theo bản Chiếu Khoáng các, Trương Hải Bằng đính.

(21) Thượng thư, Hạ thư - Vũ cống: “東漸于海西被于流沙”, tham khảo Thượng thư thích nghĩa 尚書釋義, Khuất Vạn Lý 屈萬里, Trung Hoa văn hóa xuất bản, Đài Bắc, 1956.

(22) Trương Tiếp, Đông tây dương khảo, quyển 9-Chu sư khảo, Thủy tỉnh thủy kỵ: “足近外羅對開貪東七更船便是萬里石塘内有一紅石山不高如看見船身低下若見石頭可防可防水痕” (張燮, 東西洋考,卷九-舟師考-水醒水忌). Nguyên văn gõ theo bản in năm Vạn Lịch Mậu Ngọ (1618), bản lưu tại Thư viện Đại học Waseda, ký hiệu:7-3055 - 4. Tham khảo bản Đông tây dương khảo, Tạ Phương điểm hiệu, Trung Hoa thư cục, Bắc Kinh, 1981.

(23) Về niên điểm biên soạn Thuận phong tương tống, hiện có vài giả thuyết:

* J. J. L. Duyvendak nêu ra và Joseph Needham tán đồng, cho vào khoảng năm 1430.

* J.V. Mills cho là không thể trước 1550.

* Hướng Đạt (Xiang Da /向達) cho khoảng trong thế kỷ XVI.

* Hàn Chấn Hoa (Han Zhenhua /韓振華) xác định vào năm 1537.

* Trần Giai Vinh (Chan Kai Wing /陳佳榮) cho là trước năm 1593.

Nghiên cứu về sách này, có thể tham khảo:

* Duyvendak, J. J. L., 1938. “Sailing Directions of Chinese Voyages” (a Bodleian Library MS.). T’oung Pao, Vol. 34, p. 230.

* Mills, J. V., Translation of Shun Fêng Hsiang Sung (Fair Winds for Escort). Bodleian Library, Land Orient. MS. no. 145. Unpub. MS.

* Mills, J. V., 1974. “Arab and Chinese Navigators in Malaysian waters in about A.D. 1500” in JMBRAS Vol. 47, No. 2, pp. 1-82.

* Mills, J. V., 1979. “Chinese Navigators in Insulinde about 1500”, in Archipel 18, pp. 69-93.

Đã xuất bản ở Trung Quốc:

* In chung trong Lưỡng chủng hải đạo châm kinh: Thuận phong tương tống (giáp tập) - Chỉ nam chính pháp (ất tập), Hướng Đạt hiệu chú, thuộc tùng thư “Trung ngoại giao thông sử tịch tùng thư”, Bắc Kinh Trung Hoa thư cục, 1961, tái bản 2000.

[“兩種海道針經”: 順風相送 (甲集)-指南正法 (乙集), 向達 校注, 中華書局1961, 2000. 中外交通史籍叢書”].

* Thuận phong tương tống, Đài Loan học sinh thư cục, Đài Bắc, 1982. [順風相送,臺灣學生書局, 臺北,1982].

(24) Thuận phong tương tống, Các xứ châu phủ sơn hình thủy thế thâm thiển nê sa tiêu thạch chi đồ/順風相送-各處州府山形水勢深淺泥沙礁石之圖: 交趾洋低西有草嶼流水緊有蘆荻柴多貪東有飛魚貪西有拜風魚打水四十五托貪東七更船有萬里石塘” (两種海道針經 - - 順風相送, 向達 校注).

(25) Thuận phong tương tống, Định triều thủy tiêu trưởng thời hậu /順風相送-定潮水消長時候:“船若近外羅對開,貪東七更船便是萬里石塘,內有紅石嶼,不高,如是看見船身便是低了,若見石頭,可防.若船七州洋落去,貪東七更船見萬里石塘似船帆樣,近看似二三個船帆樣,可防.牵船,使一日見外羅山,千萬記心耳”(两種海道針經- - 順風相送, 向達 校注).

(26) Đoạn văn tiếp theo của mục “Định triều thủy tiêu trưởng thời hậu” đã trích dịch là phần viết về Vạn Lý Trường Sa, nhưng không nêu đặc điểm hình trạng rõ rệt như phần đã viết về Vạn Lý Thạch Đường.

(27) Về “Hỗn nhất cương lý lịch đại quốc đô chi đồ”, xem thêm Phạm Hoàng Quân, “Địa đồ lịch sử Trung Hoa liên quan đến biển Đông Nam Á”, tạp chí Nghiên cứu và Phát triển, Sở Khoa học và Công nghệ Thừa Thiên Huế, số 7 (96). 2012, tr. 65-82.

(28) Các địa danh này tùy theo sử liệu từng thời kỳ mà diễn giải, nhiều phỏng định nên khá phức tạp. Theo các ghi chép thời Minh, đại khái, trên “Hỗn nhất cương lý lịch đại quốc đô chi đồ”, Trường Sa nằm trong nhóm đảo phía tây Sumatra (Indonesia); Thạch Đường thứ nhất nằm trong nhóm đảo gần phía tây bán đảo Mã Lai; Thạch Đường thứ hai nằm trong nhóm đảo gần Timor. Kể từ sau Quảng dư đồ của La Hồng Tiên, phân biệt Đông nam hải di và Tây nam hải di, thì địa danh Thạch Đường thứ hai trên “Hỗn nhất cương lý lịch đại quốc đô chi đồ” được đưa sang bức Tây nam hải di tổng đồ.

(29) Về Châu Tư Bản và “Dư địa đồ”, xem thêm Phạm Hoàng Quân, “Địa đồ lịch sử Trung Hoa liên quan đến biển Đông Nam Á”, tạp chí đã dẫn.

(30) Tham khảo “Đông tây nam hải di chư quốc tổng đồ” trong quyển Thủ, sách Đông tây dương khảo, bản in năm Vạn Lịch Mậu Ngọ (1618), bản lưu tại Thư viện Đại học Waseda, ký hiệu: 7-3055 - 1. Điểm cần lưu ý là trong Đông tây dương khảo, ở quyển Thủ, địa đồ “Đông tây nam hải di chư quốc tổng đồ” dùng tên Thạch Đường - Trường Sa, còn ở quyển 9 (Chu sư khảo), lời văn dùng tên Vạn Lý Thạch Đường - Vạn Lý Trường Sa, tình trạng văn-đồ bất nhất này mãi đến thời Thanh còn thấy trong Hải quốc văn kiến lục.

(31) Võ bị chí 武備志, (Minh) Mao Nguyên Nghi 茅元儀 tập soạn, tham khảo “Đông nam hải di đồ” trong quyển 223, bản in Đại Bản thư phường (Nhật Bản) trong niên hiệu Khoan Chính (1789-1800), bản lưu tại Thư viện Đại học Waseda, ký hiệu:5 - 6176.

(32) Tham khảo Độc sử phương dư kỷ yếu, 130 quyển; Dư đồ yếu lãm, 4 quyển, (Thanh) Cố Tổ Vũ soạn, Đài Bắc Lạc Thiên xuất bản xã, 1973. [讀史方輿紀要,一百三十卷-輿圖要覽,四卷()顧祖禹 , 臺北: 樂天出版社, 1973 (六册)].

讀史方輿紀要 - 輿圖要覽, 清康熙四十八年 - 顧祖禹/ Dushi Fangyu Jiyao & Yutu Yaolan [Essentials of Historical Geography - Qing/1667-1679 - Gu Zuwu]. Đây là bộ sách thuộc loại lịch sử địa lý học rất nổi tiếng, sánh ngang với Thiên hạ quận quốc lợi bệnh thư của Cố Viêm Võ, hai bộ vốn được xem là chỉ nam cho việc tiếp thu kiến thức lịch sử quan hệ đến địa lý Trung Hoa. Độc sử phương dư kỷ yếu trình bày có hệ thống các vấn đề thuộc cương vực Trung Hoa trong lịch sử, học giới Trung Hoa nhận định là một công trình tập đại thành đặc sắc về lịch sử diên cách địa lý. Ba ưu điểm nổi bật khác thuộc về các lĩnh vực tri thức quân sự quốc phòng, kinh tế xã hội, thủy hải đạo và hàng vận.

(33) Tham khảo “自寶船厰開船從龍江關出水直抵外國諸蕃圖” trong quyển 240, sách Võ bị chí, bản in Đại Bản thư phường (Nhật Bản) trong niên hiệu Khoan Chính (1789-1800), bản lưu tại Thư viện Đại học Waseda, ký hiệu:5 - 6181. Điểm cần lưu ý là, cùng trong Võ bị chí, địa đồ “Đông nam hải di đồ” trong quyển 223 dùng tên Thạch Đường- Trường Sa, còn “Trịnh Hòa hàng hải đồ” trong quyển 240 dùng tên Thạch Tinh Thạch Đường - Vạn Sinh Thạch Đường Dữ - Thạch Đường. Nguyên nhân là do Mao Nguyên Nghi sưu tập các địa đồ từ nhiều nguồn.

(34) Các địa đồ này chúng tôi chưa được xem trực tiếp bản khổ lớn, việc xác định địa danh Vạn Lý Thạch Đường - Vạn Lý Trường Sa được ghi trên các địa đồ này dựa theo mô tả của Lâm Kim Chi, trong bài viết “Thạch Đường Trường Sa địa danh tư liệu tập lục khảo thích”, in trong Nam Hải chư đảo địa danh tư liệu hối biên, Trần Sử Kiên chủ biên, Quảng Đông tỉnh địa đồ xuất bản xã, 1987. [林金枝, “石塘長沙地名資料輯錄考釋” -載中 南海諸島地名資料滙編”, 陳史堅主編, 廣東省地圖出版社].

(35) Các địa đồ ở chú thích 34 và các địa đồ này cơ bản giống nhau, chúng tôi đã khảo lược về các địa danh ngoài Trung Hoa trên một bức đại diện là “Đại Thanh vạn niên nhất thống thiên hạ toàn đồ” (1810), hiện lưu ở Thư viện Đại học Waseda. Xem Phạm Hoàng Quân, “Khảo sát các địa danh trên biển trong Đại Thanh vạn niên nhất thống thiên hạ toàn đồ”, tạp chí Nghiên cứu và Phát triển, Sở Khoa học và Công nghệ Thừa Thiên Huế, số 4 (75) 2009, tr. 145-159.

TÓM TẮT

Vào tháng 9 năm 2011, Thư viện Đại học Oxford, Anh quốc công bố bản kỹ thuật số một bức địa đồ cổ của Trung Hoa, nhan đề “The Selden Map of China”, niên đại ước chừng vào thời nhà Minh. Căn cứ vào địa đồ này, một vài học giả Trung Quốc khẳng định các địa danh Vạn Lý Trường Sa và Vạn Lý Thạch Đường (cách gọi hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa trong thư tịch cổ Trung Hoa) thể hiện trên địa đồ thuộc hải phận của tỉnh Quảng Đông thời Minh.

Qua việc khảo sát các địa danh thể hiện trên “The Selden Map of China”, kết hợp với việc trích lục và phân tích các ghi chép đồng thời trong thư tịch Trung Hoa (chính sử, phương chí, du ký, địa đồ…), tác giả bài viết cho rằng “The Selden Map of China” lần đầu tiên dùng địa danh Vạn Lý Trường Sa và Vạn Lý Thạch Đường và đặt phương vị của chúng khá chính xác. Việc đối chiếu này còn cho thấy hầu hết các tư liệu đã trích lục đều cho rằng Vạn Lý Trường Sa và Vạn Lý Thạch Đường đều nằm trong vùng biển thuộc các nước Đông Nam Á. Riêng các tư liệu ghi chép về hàng hải của Trung Hoa còn xác định khá rõ Vạn Lý Trường Sa và Vạn Lý Thạch Đường thuộc vùng biển Giao Chỉ (nay là Việt Nam).

ABSTRACT

ON THE PLACE NAMES AND POSITIONS OF VẠN LÝ TRƯỜNG SA AND

VẠN LÝ THẠCH ĐƯỜNG IN THE MING DYNASTY’S NAVIGATION MAP

IN THE LIBRARY OF OXFORD UNIVERSITY

In September 2011, the Library of Oxford University publicized a digital publication of an ancient map of China, namely “The Selden Map of China”, dating approximately to the Ming Dynasty. Based on this map, some Chinese scholars affirmed that the place names of Vạn Lý Trường Sa and Vạn Lý Thạch Đường (called the Spratly and Paracel islands in the Chinese ancient bibliography) shown in the map were in the territorial waters of Guangdong province under the Ming Dynasty.

Through the survey on the place names shown in “The Selden Map of China”, combined with the extraction and analysis of the bibliographic notes in Chinese bibliographies (official history, travel stories, maps...), the author claims that “The Selden Map of China” was the first to use the place names of Vạn Lý Trường Sa and Vạn Lý Thạch Đường and set their positions quite accurately. The comparison also shows that most of the material extracted say that Vạn Lý Trường Sa and Vạn Lý Thạch Đường are in the territorial waters of the Southeast Asia’s countries. Records of Chinese navigation notes also confirmed quite clearly that Vạn Lý Trường Sa and Vạn Lý Thạch Đường are the territorial waters of Giao Chỉ (present-day Vietnam).

Nguồn: Tạp chí Nghiên cứu và Phát triển, Sở Khoa học và Công nghệ Thừa Thiên Huế, số 8-9, 2012, tr. 106-121.

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn