Phác họa chân dung Nguyễn Bá Thanh

CÁNH CHIM BÁO BÃO

Vũ Lương

Kỹ sư và nhà báo Vũ Lương với tôi là chỗ thân tình, nhưng trước nay, không bao giờ vì sự thân tình mà anh ép tôi đồng nhất với quan điểm của anh trong các vấn đề thời sự xã hội được anh kỳ công viết và cho công bố. Việc Vũ Lương đánh giá ông Nguyễn Bá Thanh trong bài viết này xuất phát từ trải nghiệm thực tế riêng, do anh có những cuộc tiếp xúc đặc biệt với đương sự mà người khác không dễ có. Và niềm tin duy nhất ở người đọc đầu tiên là tôi, là sự chân thật của một ngòi bút biết tự trọng. Còn cách nhìn của chúng tôi thì cố nhiên không có cái cự ly của Vũ Lương, nên cũng không thể hay chưa thể nhìn được như anh.

Xin được nhắc lại ở đây những câu tôi từng viết trong lời đề từ cho bài “Hố sâu cũng tương ứng với tai ương đã dựng” của TS Tô văn Trường (http://www.boxitvn.net/bai/44174), nói lên những mối phân vân nhiều chiều mà cho đến lúc này vẫn chưa tìm ra được một đáp án sáng rõ:

“Việc đề cử hai ông Nguyễn Bá Thanh và Vương Đình Huệ vào hai chức vụ Trưởng ban Nội chính và Trưởng ban Kinh tế của Đảng nhằm cứu nguy cho tình trạng bên bờ vực thẳm của ĐCSVN, đang làm cho dư luận hết sức “nóng” trong mấy ngày qua. Vương Đình Huệ thôi khỏi nói làm gì, một người chưa để lại dấu ấn, nhưng Nguyễn Bá Thanh thì gần như là một ẩn số với nhiều giải đoán trái ngược trên cả báo chính thống lẫn báo không chính thống – báo mạng.

Quan trọng hơn nữa là liệu một vài cá nhân như bóng cây trên sa mạc có vực lại được một cục diện mà quy luật “thành, trụ, hoại, diệt” của nhà Phật đã ứng hiện quá rõ? Hay là lần này may ra có hy vọng lội ngược dòng, thực hiện được câu ngạn ngữ Việt Nam “Thời thế tạo anh hùng”, mà một nhà phân tâm học hậu cấu trúc luận người Pháp Jacques Lacan (1901 - 1981) cũng nói gần tượng tự: “En chacun de nous, il y a la voie tracée pour un héros” (Trong mỗi một chúng ta đều có con đường được vạch sẵn cho một anh hùng)”?

Chỉ xin bổ sung thêm vào đây một ý nhỏ thôi, rằng ngạn ngữ Việt Nam còn có câu “Thứ nhất sợ kẻ anh hùng / Thứ nhì sợ kẻ cố cùng liều thân”. Ở con người ông Nguyễn Bá Thanh phải chăng có sự trộn lẫn đến một chừng mực nào đó cả hai phẩm tính trong câu ngạn ngữ vừa dẫn? Chẳng thế mà ngay khi ông tỏ ra quyết đoán làm đến cùng việc này việc kia, ta vẫn thấy bộc lộ đó đây những nét “ương” và “thô” – thô đến dường như sống sượng – trong khu xử? Và khi quyền lợi của ông trực tiếp bị đụng chạm, chẳng hạn trong vụ Thiếu tướng Trần Văn Thanh đối đầu với ông mấy năm trước, thì cái “cố cùng” bỗng thắng cái “anh hùng”, cho đến đỗi đối thủ của ông thất điên bát đảo, đang đột quỵ cũng cứ phải thượng xe lăn trong tư thế nằm ngửa để xuất hiện trước tòa?

Một con người như vậy nếu được lịch sử trao cho sứ mệnh một “cánh chim báo bão”, thì khi cơn bão đi qua, liệu NHÂN DÂN có trụ được trong tư thế LÀM CHỦ hay không?

Nguyễn Huệ Chi

Từ tháng 9/1998, khi Công ty cầu 12 thuộc Tổng công ty xây dựng công trình giao thông 1 Bộ GTVT tham gia xây dựng dự án cầu sông Hàn, tôi mới gặp ông Chủ tịch thành phố Đà Nẵng Nguyễn Bá Thanh vài lần nhưng chưa có dịp tiếp xúc với ông. Tuy nhiên, tôi đã kịp ghi lại hình ảnh người đứng đầu thành phố thường xuyên có mặt trên công trường, hoặc lúc lũ lớn về đột ngột gây nhiều thiệt hại cho nhà thầu và đặc biệt hơn, vào dịp tết, ông dẫn đầu đoàn tới chúc mừng kèm theo lợn, gà, tiền thưởng… động viên những người công nhân ở lại, quên nỗi nhớ nhà để đẩy nhanh tiến độ thi công cho kịp lễ khánh thành tổ chức vào sáng 29/3/2000 để buổi chiều, khánh thành tuyến cáp treo lên đỉnh Bà Nà… Khó có thể quên không khí sôi nổi và phấn khởi của nhân dân thành phố đổ về chật kín hai bên bờ sông Hàn chứng kiên giờ phút thông xe… Kể từ ngày ấy Đà Nẵng bật dậy, đổi thay từng ngày làm nức lòng người và tên tuổi Nguyễn Bá Thanh được nhắc tới với lòng ngưỡng mộ chân thành nhưng cũng không ít lời đàm tiếu ngoài lề…

clip_image001

Hãy nhìn mặt mà... bắt hình dong ông Nguyễn Bá Thanh các bạn nhé

Cho tới tháng 6/2002, tôi và nhà báo Khắc Bình – ở báo Sài Gòn giải phóng được phân công đưa đoàn nhà báo đang công tác tại thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam đi tham quan công trường xây dựng đường Hồ Chí Minh. Theo lịch sắp sẵn sau chuyến đi tiền trạm, Đoàn nhà báo đầu tiên hơn 40 người ghé thăm Đà Nẵng. Hội nhà báo Đà Nẵng tiếp đón rất ân cần và lịch thiệp. Thời gian tuy ngắn nhưng các anh cũng tổ chức một buổi gặp mặt ông Nguyễn Bá Thanh, lúc ấy là Chủ tịch UBND thành phố. Ông mời cả đoàn vào phòng khách và chuyện trò cởi mở, thân tình, trả lời rất nhiều câu hỏi của các nhà báo phương Nam vì đã lâu nghe tên, nghe lắm chuyện về Nguyễn Bá Thanh mà giờ mới được gặp. Chiều tối, vị Chủ tịch chiêu đãi các nhà báo trên con tàu – nhà hàng nổi, chạy dọc sông Hàn lộng gió… Ông Thanh chúc rượu từng người, vui vẻ nghe “cây nhà lá vuờn” hát những bài ca viết về thành phố đang thay da đổi thịt từng ngày… Cuộc gặp ấy để lại nhiều kỷ niệm đẹp trong lòng các nhà báo phía Nam… Từ dạo ấy, chúng tôi thân biết nhau. Ông cho số điện thoại và dặn rằng, khi nào cần cứ gọi. Số điện thoại của ông được thông báo công khai để mọi người dân đều biết. Ai gọi tới, ông đều dành thời gian lắng nghe và vui vẻ trả lời. Mười năm trước đây, là một câu chuyện khá lạ lùng. Đến bây giờ, chuyện công khai số điện thoại liệu có mấy vị quan đầu tỉnh làm được như Nguyễn Bá Thanh nhỉ?

Vào một sáng giữa tháng 5/20007, tôi nhận được tin nhắn bay gấp ra Đà Nẵng… Tôi cùng một đồng nghiệp vội vàng ra sân bay lấy vé đi liền. May sao hôm ấy còn vài chỗ trống… Hơn một giờ bay, chúng tôi hạ cánh an toàn và chiếc xe đón sẵn chở chúng tôi ghé khách sạn cất đồ rồi chạy thẳng vào văn phòng Ủy ban nhân dân thành phố. Tiến sĩ Trần Văn Minh – Chủ tịch UBND đợi sẵn và sau vài câu chào hỏi, anh vào chuyện luôn vì chính hôm đó, UBND thành phố tổ chức công bố kết luận của thanh tra Chính phủ về những vấn đề nổi cộm và bức xúc “của những người khiếu kiện dài ngày đã gửi đơn thư khiếu nại, tố cáo tới các cơ quan Trung ương tại Hà Nội. Truớc đó cả tuần, ngoài việc đưa giấy mời tới 13 gia đình ở Đà Nẵng, đích thân vị Chủ tịch cùng một số cán bộ lặn lội ra Hà Nội, trao thư mời tới từng người đang “thường trực” tại các điểm tiếp dân về Đà Nẵng họp. Thế nhưng buổi họp ấy… chẳng có một người nào được mời có mặt! Hay nói cho đúng hơn, chỉ có một người từ Hòa Vang tới dự nhưng lại không có tên trong danh sách mời!

Tại sao một cuộc họp quan trọng đến vậy liên quan tới những người khiếu kiện mà họ cố tình vắng mặt??? Thì ra, trước đó vài ngày, trên một tờ báo lớn, có khá đông độc giả ở TP Hồ Chí Minh đã đăng tải bài quy kết lãnh đạo Đà Nẵng làm nhiều việc sai trái, bán đổ bán tháo tài sản nhà nước và xâm phạm nghiêm trọng tài sản, đất đai của công dân… Bài báo lại được photo thành nhiều bản, phát tán công khai khắp nơi như một loại tờ rơi trước ngày bầu cử Quốc hội khóa XII (sẽ diễn ra vào ngày 21/5/2007) như một đòn giáng mạnh vào uy tín của nhiều người, trong đó có các ứng viên Quốc hội khóa XII. Trong khí đó kết luận của Thanh tra Chính phủ trái ngược với nội dung bài báo nên những người khiếu kiện và những người “tát nước theo mưa” hy vọng sẽ đảo ngược tình thế, hạ bệ người mà họ đang tập trung sức vùi dập. Đó chính là Nguyễn Bá Thanh, khi ấy, ông đang ở cương vị Bí thư Thành ủy kiêm Chủ tịch Hội đồng nhân dân thành phố Đà Nẵng.

Theo lời hẹn, chiều hôm ấy, tại căn phòng làm việc Chủ tịch HĐND đầy ắp sách báo, tài liệu, ông Nguyễn Bá Thanh dành trọn buổi tiếp chúng tôi. Ông thuộc lòng tên tuổi, địa chỉ và nội dung đơn thư của hơn chục người theo đuổi ông nhiều năm nay, ông cũng nhiều lần trực tiếp nghe và trao đổi ý kiến đồng thời chỉ đạo các cơ quan chức năng tìm hiểu, điều tra và giải quyết dứt điểm những vấn đề viết trong đơn khiếu kiện. Nhiều lá đơn được Thanh tra Chính phủ xem xét và giải quyết, có kết luận rõ ràng… nhưng người ta vẫn tiếp tục… kiện! Ông Thanh kể, có một bà giáo già nói rằng sẽ kiện Nguyễn Bá Thanh đến khi nào chết mới thôi. Lý do lại hết sức đơn giản vì khi thu hồi đất của bà ở trong hẻm để mở rộng sân vận động Chi Lăng, theo quy chế bà được đền bù 2 lô đất, một lô ngay tại nơi giải tỏa đã trở thành mặt phố và một lô ở địa điểm khác. Bà nằng nặc đòi 2 lô cùng nơi giải tỏa. Đòi không được, bà mang đơn đi kiện khắp nơi và ra tận Hà Nội… Trong câu chuyện, ông Nguyễn Bá Thanh cho thấy sự cảm thông với người đi kiện nên ông không ngần ngại tiếp xúc với họ, lắng nghe và trao đổi cởi mở, thẳng thắn. Ông đã nhiều lần xuống tận hiện trường, nếu phát hiện thấy cán bộ, nhân viên có thiếu sót, khuyết điểm, làm bừa, làm ẩu, là ông yêu cầu phải sửa ngay để bảo đảm quyền lợi của người dân. Có lẽ nhờ vậy mà với hơn một trăm dự án mở đường xây cầu, chỉnh trang đô thị, xây dựng các khu dân cư mới làm ảnh hưởng tới hơn một trăm ngàn hộ gia đình nhưng chỉ có hơn 30 trường hợp “khiếu kiện” và sau nhiều lần họp lên, họp xuống thanh tra thành phố, thanh tra Chính phủ vào cuộc thì chỉ còn lại hơn chục hộ “kiên quyết” khiếu kiện đến cùng. Và… một số người vốn không ưa ông đã lợi dụng kết hợp với những vấn đề đã từng liên quan tới ông để khoét sâu thêm mâu thuẫn và chọn thời điểm chuẩn bị bầu cử Quốc hội “tung chưởng” nhằm hạ gục ông! Những đơn thư tố cáo, những văn bản cũ liên quan đến ông đều trở thành vũ khí của họ nhưng cuối cùng, tư cách ứng viên của ông vẫn được các cơ quan chức năng xác nhận đầy đủ nên sự hằn học, quấy rối vẫn tiếp diễn đến phút chót. Tuy nhiên, cuộc bầu cử Quốc hội tại Đà Nẵng vẫn diễn ra trong trật tự và kết quả cho thấy các cử tri vẫn tín nhiệm ông với tỉ lệ rất cao so với nhiều ứng cử viên khác tại Đà Nẵng.

Mười mấy năm trên cuơng vị Chủ tịch rồi làm Bí thư Thành ủy kiêm Chủ tịch Hội đồng Nhân dân, ông Nguyễn Bá Thanh đã có nhiều công tích, xây dựng Đà Nẵng thành một nơi “đáng sống” và bộ mặt đô thị khang trang, sạch đẹp. Trong quá trình điều hành, ông là người biết mở, biết thắt, sẵn sàng lắng nghe nhưng cũng quyết đoán và sẵn sàng chịu trách nhiệm về các chỉ đạo của mình. Giữa những người cộng sự, ông là người lãnh đạo cao nhất nhưng cũng là người anh lớn nên nhiều vấn đề gay cấn, ông vẫn phải đứng ra dàn xếp, giải quyết để trong ấm ngoài êm. Cuộc đời ông vốn trải nhiều lúc thăng trầm dù ông có một lý lịch đáng nể bởi thân phụ của ông là một cán bộ cách mạng đã anh dũng hy sinh cho sự nghiệp giải phóng đất nước. Bản thân ông cũng lăn lộn, tự vươn lên từ một Kỹ sư nông nghiệp bình thường tới Giám đốc nông trường rồi về Sở Nông nghiệp… Ông có cá tính mạnh mẽ, ý thích rèn luyện thân thể, chơi đá bóng, cầu lông… là những dịp để ông “hạ hỏa” và có dịp thư giãn sau những giờ phút căng thẳng. Ông kể rằng, đã có lúc “người ta” suýt đánh bại ông, đã có lúc tưởng như đất trời sụp đổ dưới chân ông nhưng rồi… Ông vẫn đứng vững. Sống trong một vùng đất có nhiều đặc đỉểm hay dở của Xứ Quảng, ông chịu đựng sóng gió ba bốn bề… Khi được cử đi học thêm, ông những tưởng mình sẽ “lên” nhưng không ngờ, lại quay về chốn cũ… đợi chờ. Số phận trớ trêu nhiều lần đùa cợt với ông, thử thách hệ thần kinh thép của ông!

Ông càng chịu trận bao nhiêu thì ông lại cởi mở bấy nhiêu. Ông giãi bày lòng mình không giấu giếm điều gì. Yêu thì nói là yêu, ghét thì nói là ghét. Ông khẳng định mình không có kẻ thù mà chỉ có người tỵ hiềm. Điều đó khiến ông vui vẻ hợp tác, làm việc bình thường với những người mà ông cho là “giống vợ chồng đã ly hôn” nhưng vẫn sống cùng một mái nhà! Ước vọng của ông về xây dựng Đà Nẵng vươn lên bằng anh, bằng chị, tạm gọi là thành công mặc dù còn nhiều khiếm khuyết. Hy vọng một thành phố không có người ăn xin, không có người nghiện hút trong cộng đồng, không có giết người, cướp của… trên thực tế đã làm cho Đà Nẵng an toàn, sạch sẽ hơn xưa nhiều lần. Ông thường xuống họp, tiếp xúc với đủ loại người. Từ người đi tù về, từ anh chàng hay đánh đập vợ con… cho tới viên cảnh sát giao thông… ông không thể theo sát họ nhưng sau những lần gặp gỡ ấy, nhiều người đã sống tốt hơn, các ngành chức năng đã giúp cho họ cải thiện điều kiện làm việc, ăn ở để Đà Nẵng bớt đi cái xấu góp phần an dân và xã hội ổn định và phát triển vững chắc hơn.

Sau nhiều năm xây dựng cơ ngơi, Đà Nẵng trở thành điểm đến của nhiều nhà đầu tư, sự hấp dẫn về tiềm năng du lịch, nghỉ dưỡng và có một hệ thống giao thông thủy, hộ, hàng không, đường sắt… tương đối hoàn chỉnh, chính là cơ hội vàng cho Đà Nẵng hiện tại và tương lại. Chân dung Nguyễn Bá Thanh cũng sáng láng và hoàn thiện nhờ ông dày công khổ luyện, chịu nhiều búa rìu dư luận để lập nên những kì tích mà chưa tỉnh thành nào sánh nổi. Trước đây năm, bảy năm, đã có nhiều bậc lão trượng tiền bối, nhiều vị cao niên đáng kính đã tiến cử Nguyễn Bá Thanh, mong muốn ông được giao trọng trách cao để ông có dịp kinh bang, tế thế, phục vụ cho đất nước, phục vụ nhân dân nhiều hơn nữa. Tuy nhiên, chẳng có con đường nào không có chông gai… nên ông vẫn “giữ gôn” ở Đà Nẵng mà lòng ngổn ngang trăm mối. Những người yêu mến ông tiếc cho một tài năng, một nhân vật hiếm hoi giữa thời củi quế, gạo châu chưa được trọng dụng xứng đáng.

Phải đợi đến những ngày cuối năm 2012 này, khi Bộ Chính trị ra quyết định tái lập Ban Nội chính và cử ông Nguyễn Bá Thanh giữ chức Trưởng ban thì dư luận vỡ òa! Điều mọi người trông chờ bấy lâu đã thành sự thật. Quả là một hạnh phúc lớn cho một người như Nguyễn Bá Thanh bởi trước ông (và có lẽ sau ông) chưa có một ai “lên chức” được dư luận xã hội đánh giá cao như thế. Nói cho đúng nghĩa, phần lớn cán bộ, đảng viên và nhân dân khắp nước mừng cho ông, gửi gắm niềm tin, niềm hy vọng vào ông. Họ từng tin, từng khắc khoải và cũng từng chán chường khi nhìn thấy sự xuống cấp nghiêm trọng, sự băng hoại đạo đức xã hội và cái xấu, cái ác ngự trị mọi nơi, vì thế, trách nhiệm của ông càng nặng nề, càng khó khăn trước ước vọng của nhân dân. Ông là người vực dậy thành công bộ môn bóng đá ở Đà Nẵng với việc trải thảm đỏ mời Lê Huỳnh Đức từ Sài Gòn ra làm Huấn luyện viên trưởng và Đức không phụ lòng ông. Bây giờ, ông ra Hà Nội, ở một góc độ nào đó, ông cũng giống người huấn luyện viên được giao nhiệm vụ phải đoạt được cúp vàng trong khi các cầu thủ đều rệu rã và thể trạng yếu ớt! Cũng bởi vậy, nhiều người kỳ vọng vào ông và lo lắng cho ông một mình một ngựa xông pha, hòn tên, mũi đạn làm sao tránh hết?

Báo chí trong và ngoài nuớc và cư dân mạng đã viết hàng chục bài về việc ông trở thành tân Trưởng ban Nội chính. Bài viết này chỉ thêm vài chi tiết vì tác giả đã nhiều dịp đàm đạo cùng ông với tư cách một nhà báo, một người bạn già. Tôi cũng như nhiều người, trân trọng và quý mến ông nhưng tôi không đòi ông sự vội vã. Hãy cho ông thời gian để ông xốc lại đội hình, có thêm người tâm huyết để ông chọn lựa chiến thuật, chiến lược. Ông vốn là người có bản lĩnh, quen trận mạc nên chắc chắn ông sẽ có nhiều quyết sách hợp lý, thực tế.

Dục tốc, bất đạt – người xưa đã dạy cần sự kiên nhẫn mới thành công.

Phía trước ông Nguyễn Bá Thanh là một chuổi ngày gian khổ vất vả gấp mấy lần khi ông phải tạm xa gia đình, vợ con, xa nơi ông gắn bó gần cả cuộc đời. Ông phải lao tâm, khổ tứ, phải gánh vác công việc nặng nề nhưng nặng hơn cả đó là bao nhiêu niềm tin còn sót lại mọi người giao hết cho ông!

Có nhiều người ví ông sẽ là Triệu Tử Long, là Bao Thanh Thiên…

Còn tôi, tôi đã được nghe, đã hiểu ông có nhiều trăn trở, suy tư trước thời cuộc, trước vận mệnh của nhân dân, của đất nước, của Đảng mà ông đã chọn, nên tôi cầu chúc cho ông chân cứng đá mềm, luôn là một Nguyễn Bá Thanh sống và làm việc bằng cả tấm lòng và đầy sáng tạo.

Tháng 4 này, ông tròn tuổi sáu mươi.

Ông còn đủ thời gian để trả lại cho nhân dân niềm tin đã bị đánh cắp.

Ông sẽ là CÁNH CHIM BÁO BÃO!

V.L.

Tác giả gửi trực tiếp cho BVN

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn