Bộ Giao thông Vận tải và Bộ Tài chính làm xiếc?

Thái Bình

Dự thảo Thông tư thu Phí bảo trì đường bộ gặp phản đối quyết liệt từ người dân và doanh nghiệp. Người dân và doanh nghiệp cho rằng hai bộ này đã lập 56 trạm thu phí toàn quốc để thu phí sử dụng đường bộ, giờ dân phải đóng thêm Phí bảo trì đường bộ qua đầu phương tiện, như vậy là phí chồng phí.

Quan chức của Bộ Giao thông Vận tải và Bộ Tài chính giải thích: khi thu Phí bảo trì đường bộ theo đầu phương tiện sẽ bỏ các trạm thu phí trên đường. Báo VNexpress ngày 15/03/2012 đưa tin: “Năm 2010, Bộ Giao thông Vận tải đã soạn thảo 2 phương án thu phí bảo trì đường bộ. Một là thu trực tiếp từ đầu phương tiện cơ giới với ôtô và xe máy, đồng thời giữ các trạm thu phí nộp ngân sách nhà nước hiện nay. Hai là thu gián tiếp qua xăng và xóa bỏ các trạm thu phí”.

Thực chất đến nay theo Thông báo của Bộ Giao thông Vận tải, từ 01/01/2013 chỉ có 17 trạm thu phí được xoá bỏ, cả nước còn gần 40 trạm thu phí vẫn tồn tại. Các phương tiện giao thông đi qua các trạm này vẫn phải trả tiền. Người dân và doanh nghiệp biết rõ chủ trương của Nhà nước là thuế và các loại phí không được phép thu trùng, nên xin hỏi ông Bộ trưởng Giao thông Vận tải và ông Bộ trưởng Tài chính rằng các ông tham mưu cho Chính phủ ra Nghị định và chính các ông ra Thông tư hướng dẫn thu Phí sử dụng đường bộ, tại sao lại thu trùng? Năng lực các ông có vấn đề hay các ông cố tình lợi dụng quyền lực nhà nước móc túi dân?

Thu Phí sử dụng đường bộ theo đầu phương tiện rất bất công, xa thực tế. Gia đình cạnh nhà tôi gồm 5 nhân khẩu, có tới 4 xe máy, nhưng thực tế họ chỉ sử dụng 1,5 xe: chỉ có con lớn sáng đi làm kết hợp đưa đứa em nhỏ đi học, hai vợ chồng về hưu, con dâu đi làm gần nhà không sử dụng xe, chiều bà mẹ đón đứa con nhỏ đi học về bằng xe máy cự ly 3 km. Trường hợp những gia đình sắm xe không sử dụng hết (trừ lễ tết và ngày nghỉ có thể sử dụng nhiều) như gia đình hàng xóm tôi không phải ít. Nếu không có chính sách phù hợp rất có thể lợi bất cập hại, vì người ta cho rằng đã đóng phí thì phải sử dụng xe, nên sẽ đi xe thay vì đi xe buýt như tước đó, làm tăng lượng xe lưu thông, gia tăng ùn tắc và tai nạn.

Cách thu Phí sử dụng đường trên đầu phương tiện được nhiều người xem là một loại thuế đánh vào sở hữu tài sản. Vì rất nhiều phương tiện một năm chỉ đi vài ba trăm km thậm chí vài ba chục km hoặc ở vùng sâu vùng xa thì chỉ sử dụng đường dân sinh do dân tự đóng góp xây dựng, không sử dụng đường bộ của Nhà nước hoặc sử dụng rất ít nhưng vẫn phải đóng phí.

Hiện chất lượng đường bộ kể cả đường cao tốc rất kém, nhiều ổ gà ổ trâu, đường đô thị thì bị băm nát do đào đường, các phương tiện rất vất vả khi tham gia giao thông và tai nạn luôn rình rập, liệu đóng phí bảo trì chất lượng đường có được cải thiện?

Gia đình người viết bài này cũng có hai xe máy, nhưng sử dụng rất ít vì cả hai vợ chồng đã nghỉ hưu, với đồng lương hưu ít ỏi lại phải đóng phí sử dụng đường cũng là gánh nặng, nhưng mâu thuẫn và phi lý là trả phí sử dụng rồi nhưng rất ít dùng.

Chúng ta đang phấn đấu xây dựng xã hội “công bằng, dân chủ, văn minh”, nhưng các quan chức lại làm ngược lại thì đến bao giờ dân Việt mới được hưởng công bằng dân chủ văn minh?

Hãy đợi đấy!

Hà Nội ngày 05/01/2013

T.B.

Tác giả gửi trực tiếp cho BVN

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn