Thư gửi một nhà báo trẻ nhân ngày 30.4.2012

Nguyễn Việt

Cháu P. thân mến,

Cảm ơn cháu đã gửi Email hỏi chú viết cho Nguoiviet.de một bài về đề tài „Hòa giải dân tộc“ mà cháu muốn đăng trong dịp 30.4 này. Thú thực, nhìn vào trang nhà của báo các cháu, chú mất hết hứng thú viết bài khi nhìn thấy những tin về giết người, hiếp dâm, „lộ hàng“ trong mục „Tiêu Điểm“. Tuy rất thông cảm với các cháu, phải bám vào quảng cáo để duy trì sự sống của tờ báo, chú vẫn mong nó có một diện mạo văn minh hơn, phù hợp với mục tiêu nâng cao nền dân trí vốn đã bị kìm hãm ở mức thấp đến nỗi „đe dọa sự tồn vong“ của dân tộc.

Nhưng điều an ủi chú chính là lòng yêu nước và ý thức tôn trọng sự thật của cháu và các bạn trong BBT, tuy phải kiếm tiền, nhưng vẫn cố gắng tìm cách đưa tin về các hoạt động yêu nuớc bảo vệ biển đảo và không e ngại khi nêu những phản hồi „nhạy cảm“ về các vụ cưỡng chế nông dân Văn Giang, về đề tài hòa giải dân tộc. Vì vậy chú viết thư này để trao đổi với cháu những cảm nghĩ của chú nhân ngày mà cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã coi là „Ngày vui của hàng triệu người, đồng thời cũng là ngày buồn của hàng triệu người khác“.

Ngay từ khi còn là cán bộ nhà nước, được đi lại khắp mọi miền của tổ quốc, chú đã thấu hiểu nỗi khổ của đồng bào ta ở cả hai miền Nam Bắc. Nhưng đối với những người đã liên đới đến chính quyền VNCH, nối thống khổ đó còn bị đè nặng thêm bởi sự phân biết đối xử dành cho „bọn Ngụy“. Trong hoàn cảnh cha anh bị tù đày, thậm chí có người bị hành quyết, gia sản bị tịch thu, con cái không có cơ hội được học hành, những người đã tin vào lời phát biểu của Tướng Trần Văn Trà chiều 30.4.1975 tại Sài Gòn: „Hôm nay không có bên thắng, bên thua, chỉ có dân tộc Việt Nam là người chiến thắng“, đã vỡ mộng hoàn toàn. Họ bị đẩy vào chỗ cùng đường và phải liều chết rời bỏ quê hương chôn rau cắt rốn đi tìm cuộc sống mới. Làn sóng vượt biển lớn nhất trong lịch sử nhân loại với hơn 2 triệu người ra đi trong những năm cuối thập kỷ 70, kéo dài hơn 12 năm.

Khi sang Đức định cư, chú mới được tiếp xúc những người may mắn sống sót. Nghe họ kể, chú mới biết là hàng trăm ngàn đồng bào xấu số đã chết vì đói, khát, vì cướp biển, vì đắm tàu tại biển Đông. Cháu có biết không, danh từ „Boat people“ (Thuyền nhân) chính là đóng góp ô nhục nhất của dân tộc Việt Nam vào tự điển của nhân loại.

Từ đó đến nay, vấn đề đòi lại sự công bằng cho những đồng bào vì số phận mà phải đứng trong hàng ngũ những người thua trận trong cuộc chiến huynh đệ tương tàn đã kết thúc 37 năm trước luôn là vấn đề được chú nêu lên trong các bài viết và các bình luận của mình.

Mỗi khi chú đau xót cho số phận của những Cô gái Ngã ba Đồng-Lộc, của hàng ngàn nữ Thanh niên Xung phong quá lứa sẵn sàng nhận tiếng chửa hoang để có mụn con, mỗi khi nghĩ đến các bà mẹ nông thôn miền Bắc mất cả hai, ba người con trên chiến trường B thì chú lại nghĩ đến thân phận của những nguời xấu số hơn ở phía bên kia. Họ cũng mất đi tuổi thanh xuân, mất đi một phần cơ thể hoặc mất người thân, nhưng chỉ vì sinh ra ở một miền đất khác của tổ quốc mà không được xã hội nhìn nhận công bằng, thậm chí còn bị chà đạp nhân phẩm đến vài thế hệ sau.

Do vậy chú rất tâm đắc với bài „Vấn đề hòa giải giữa người Việt với nhau vẫn đặt ra“ của đạo diễn Trần Văn Thủy mà chú vô tình đọc trên Nguoiviet.de cách đây hai tuần. Trả lời câu hỏi „Bao giờ mới có hòa giải giữa người Việt với người Việt?“, chú Thủy đề nghị phải chấp nhận „Sự khác biệt về chính kiến“ „Công bằng minh bạch với lịch sử và quá khứ“. Hai điều khiếm khuyết này trong sinh hoạt tư tưởng của nước ta đã dẫn đến một thực tế oái oăm là, mặc dù nhà nước Việt Nam đã coi các kẻ thù cũ như Pháp, Nhật, Mỹ là bạn, thậm chí coi chính quyền Trung Quốc đang âm mưu xâm lược nước mình là đồng chí, nhưng vẫn coi những người Việt bất đồng chính kiến là kẻ thù, là các thế lực thù địch.

Mỗi khi nghĩ đến bác sỹ, liệt sỹ Đặng Thùy Trâm với quyển nhật ký bất hủ đã được cả thế giới biết đến, chú lại không thể quên được những người đã gìn giữ quyển nhật ký đó. Đáng tiếc mọi người chỉ nhắc đến sỹ quan quân báo Whitehurst, là người đã nâng niu và đem quyển nhật ký đó về Việt Nam cho gia đình bác sỹ Đặng Thùy Trâm. Không hiểu vô tình hay hữu ý, người ta quên đi Thượng sỹ quân lực VNCH Nguyễn Trung Hiếu, là người có công nhất trong sự việc này. Chính Hiếu đã can các binh lính Mỹ không được đốt quyển nhật ký. Anh nói „Đừng đốt, trong đó đã có lửa rồi“. Theo chú, hành động của Thượng sỹ Hiếu và của Whitehurst là một biểu hiện cao của của tính nhân đạo, của một lối sống văn hóa, rất đáng cho mọi người Việt học tập. Có lẽ chính vì vậy mà đạo diễn Đặng Nhật Minh đã lấy câu nói của Thượng sỹ Hiếu để đặt tên cho bộ phim.

Như vậy có nghĩa là nếu chúng ta công bằng và minh bạch với lịch sử thì không phải những người khoác áo lính rằn ri, đội mũ sắt khi xưa đều là ác quỷ, đáng bị trừng phạt. Họ cũng là những con người được giáo dục về đạo làm người và có trái tim, biết yêu nước, yêu đồng bào như cháu. Hơn nữa cũng nên hiểu là: Hành động của Thượng sỹ Hiếu đã đặt ra một tiền đề cho hòa giải dân tộc ngay từ khi cuộc chiến chưa ngã ngũ. Đáng tiếc là những người chiến thắng đã không nhìn nhận ra điều đó.

P. thân mến,

Chú viết cho cháu những dòng này vào buổi chiều ngày 29.4. sau khi bạn chú mừng rỡ báo tin cô Bùi Minh Hằng, một người phụ nữ yêu nuớc, bị công an bắt giữ năm tháng nay vì tham gia biểu tình chống Trung Quốc xâm lược tại Hà Nội, đã được trả lại tự do.

clip_image001

Có thể cháu không biết cô Hằng, hoặc nếu có biết, chỉ thông qua các bài viết trên các báo đảng về đời tư của cô ấy. Theo chú, Hằng (cô ấy còn ít tuổi hơn em gái chú) cũng chỉ là một người phụ nữ bình thường, với những cảnh đời éo le như trong hàng triệu gia đình Việt Nam khác. Chỉ những người đầu óc không bình thường mới đem đời tư của công dân ra công bố trên cả một mạng lưới truyền thông quốc gia. Điều chú đánh giá cao ở Hằng là tinh thần yêu nước vô biên. Nếu không yêu nước vô biên thì Hằng đã không thể bất chấp mọi hành động đàn áp bẩn thỉu của mật vụ để tham gia vào 11 cuộc biểu tình chống Trung Quốc xâm lăng trong mùa hè vừa qua tại Hà Nội.

Từ chỗ chỉ là một người yêu nuớc thuần túy, bị khủng bố, bị bôi nhọ, bị tước đi quyền được nói lên chính kiến của mình, Hằng đã hiểu được thêm giá trị của dân chủ và cô đã đưa thêm mục tiêu đấu tranh đòi quyền được nói, được sống tự do cho đời mình. Trong cuộc đấu tranh đó, Hằng và các bạn của cô đã hiểu được thêm giá trị của sức mạnh dân tộc. Họ là những người Việt đầu tiên công khai lên tiếng đòi nhà nước Việt Nam phải vinh danh cho các chiến sỹ thủy quân VNCH hy sinh trong trận hải chiến Hoàng Sa năm 1974. Trong nhiều cuộc biểu tình ở Hà Nội, tên của các chiến sỹ Hải quân VNCH cũng như các chiến sỹ Hải quân Nhân dân Việt Nam hy sinh trong các cuộc chiến bảo vệ Hoàng Sa 1974 và Trường Sa 1988 đều được mọi người giơ cao. Đây chính là sự công bằng và tôn trong lịch sử, là khát vọng hòa hợp dân tộc được nuôi dưỡng bởi tinh thần yêu nước chân chính, bởi chính giá trị văn hóa tiềm ẩn trong lòng dân tộc ta. Những giá trị này không một thế lực nào có thể xóa bỏ được.

clip_image002

Bằng trường hợp cô Hằng, bằng hình ảnh nhà thơ Nguyễn Tường Thụy, cựu sỹ quan Quân đội Nhân dân Việt Nam, đang kêu gọi vinh danh Thiếu tá Ngụy Văn Thà, Hạm trưởng tàu Nhật Tảo của Việt Nam Cộng hòa trong một cuộc biểu tình bị đàn áp tại Hà Nội tháng 7.2011, chú chỉ muốn nói với cháu rằng:

Hòa giải Dân tộc, Dân chủ, Nhân quyền và Bảo vệ Tổ quốc là các nội dung không thể tách rời nhau.

Chú,

N.V.

Cologne ngày 29.04.2012

Nguồn: nguoiviet.de

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn