Việt Nam: Dự thảo nghị định quản lý Internet bị chỉ trích

Thanh Phương

Lại học “bạn vàng”?

Xiết chặt hơn nữa việc quản lý Internet ư? Trên mặt trận thông tin và tư tưởng, việc xiết chặt này đâu phải lần đầu? Cứ mỗi khi nhà nước ở vào thế yếu, thế bất lợi, thế thua (trước thực tế và trước công luận) là cơ quan công quyền lại bổn cũ viết lại, “tăng cường quản lý” để cố bịt miệng bịt tai thiên hạ!

Chẳng lẽ hơn 700 tờ báo, hàng trăm kênh truyền thanh-truyền hình vẫn không đủ thông tin và đủ ngôn luận để đánh bạt một số nhỏ trang Web và Blog hay sao mà phải cầu viện đến Công an đe dọa? Trên mạng nếu có ý kiến sai trái thì dù lấy bút danh gì trước sau cũng bị cộng đồng các cư dân mạng bóc trần, đấy là sức mạnh ưu việt của sự công khai, của “thế giới phẳng”. Việc cấm đoán đã được thử sức nhiều lần, cuối cùng vẫn chỉ có một “kẻ” mạnh, không ai chống được, đó là SỰ THẬT. Ai đứng về phe với sự thật người ấy sẽ thắng, chứ đâu phải thuộc về “vỏ quít” hay “móng tay”?

Chắc là phía Trung Quốc cũng vửa có chủ trương xiết chặt Internet nên ta phải gắng “học tập và làm theo” “bạn vàng”, chứ kinh nghiệm tự thân ở Việt Nam mình thì thiết tưởng cũng chẳng nên lặp lại, để tô đậm thêm màu đen cho chữ S trên tấm bản đồ về tự do báo chí của cộng đồng nhân loại làm gì cho thêm đau lòng xứ sở "dân chủ gấp vạn lần thiên hạ".

Bauxite Việt Nam

clip_image001

Bản đồ của Phóng viên không biên giới về quyền tự do báo chí trên thế giới. Màu đỏ và đen chỉ các nước ít tự do nhất. rsf.org

Thứ sáu vừa qua, 06/04/2012, Bộ Thông tin và Truyền thông Việt Nam đã tổ chức hội thảo góp ý kiến cho bản dự thảo nghị định mới về việc quản lý dịch vụ Internet và nội dung thông tin trên mạng. Nghị định mới này, mà dự kiến sẽ được ban hành trong tháng Sáu năm nay, đang gặp nhiều chỉ trích, đặc biệt là về quy định buộc người sử dụng Internet phải đăng ký tên thật.

Hiện giờ, chính quyền Hà Nội đã hạn chế rất nhiều việc truy cập vào các trang web hoặc các trang mạng của ngoại quốc như Facebook, vốn thu hút ngày càng nhiều người sử dụng ở Việt Nam. Tại buổi hội thảo hôm thứ Sáu vừa qua, thứ trưởng Thông tin và Truyền thông Đỗ Quý Doãn đã tuyên bố rằng, các văn bản pháp luật trong lĩnh vực Internet không còn phù hợp nữa, cho nên cần phải “bổ sung, sửa đổi, hoàn thiện các chế tài”, nhằm tạo hành lang pháp lý cho “sự phát triển bền vững của Internet” ở Việt Nam. Nói cách khác, dự thảo nghị định mới đi xa hơn trong việc kiểm soát thông tin trên Internet ở Việt Nam.

Cụ thể, điều 5 của dự thảo nghị định mới quy định rằng những người sử dụng Internet bị cấm dùng các thông tin cá nhân giả để đăng ký vào các dịch vụ Internet, tức là mọi người buộc phải đăng ký tên thật, chứ không được sử dụng các bút danh, biệt hiệu. Những công ty thiết lập trang thông tin điện tử hoặc cung cấp dịch vụ được yêu cầu phải quản lý thông tin cá nhân của người sử dụng, theo đúng quy định của bộ Công an Việt Nam. Quy định này, như vậy, sẽ gây khó khăn cho nhiều blogger, mà vì nhiều lý do khác nhau, cho tới nay, không muốn để lộ tên thật của họ lên mạng. Những người tham gia các diễn đàn thảo luận trên mạng về những chủ đề cấm kỵ sẽ rất dễ gặp rắc rối với pháp luật, đơn giản là vì họ tham gia không phải với tên thật, mà với những bút danh, biệt hiệu.

Thứ hai, dự thảo nghị định mới buộc những công ty ngoại quốc cung cấp các dịch vụ Internet hoặc các mạng xã hội như Google hay Facebook phải đặt máy máy chủ và đặt văn phòng đại diện ở Việt Nam. Nói cách khác, họ sẽ bị đặt dưới quyền kiểm soát của Nhà nước Việt Nam. Theo quy định mới, các công ty ngoại quốc sẽ buộc phải cộng tác với chính quyền Việt Nam trong việc kiểm duyệt thông tin.

Trước đây, Sở Văn hóa-Thông tin Thành phố Hồ Chí Minh đã từng yêu cầu công ty Yahoo kiểm duyệt thông tin, nhưng công ty này đã không chấp hành, bởi vì, cho dù có văn phòng ở Việt Nam, họ lại hoạt động theo luật nước ngoài, mà luật nước ngoài thì không cho phép xóa bỏ thông tin một cách tùy tiện như vậy. Với nghị định mới, kể từ nay, những thông tin cá nhân của người sử dụng dịch vụ của các công ty Internet ngoại quốc cũng sẽ không còn được bảo vệ một cách an toàn như hiện nay nữa.

Trong những năm gần đây, tổ chức Phóng viên Không Biên giới năm nào cũng xếp Việt Nam vào danh sách các quốc gia “Kẻ thù của Internet”, nhất là vì đã bắt giam cả chục blogger và nhà báo, với tội danh “tuyên truyền chống Nhà nước” hoặc “hoạt động nhằm lật đổ chính quyền”. Với nghị định mới siết chặt thêm việc kiểm soát thông tin trên mạng, người sử dụng Internet nay lại càng phải thận trọng hơn và Việt Nam lại càng bị mang tiếng là đi ngược với xu thế tự do Internet trên thế giới.

T. P.

Nguồn: Viet.rfi.fr

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn