Trận đấu tay đôi vì Trung Quốc

Phần 2

1946 – 1949: Nội chiến

Johannes Schneider

Phan Ba dịch từ chuyên san lịch sử "Trung Quốc của Mao Trạch Đông" do GEO EPOCHE xuất bản

Thế rồi, vào sáng sớm ngày 7 tháng 12 năm 1941, người Nhật gửi 378 chiếc máy bay chiến đấu đến hòn đảo núi lửa Oahu ở Hawaii, đến cảng chính của Hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ: Pearl Harbor (Trân Châu Cảng).

Các chỉ huy ở Tokyo đã quyết định tấn công Hoa Kỳ, thế lực mà từ nhiều năm nay đã cho Tưởng, đối thủ của họ, vay bạc triệu; thế lực mà họ đã cảnh cáo một cách dứt khoát rằng không nên tiếp tục bành trướng ở châu Á nữa; và thế lực mà từ một vài tháng nay đã ban hành lệnh cấm vận dầu hỏa đối với đảo quốc của họ, điều bây giờ đang đe dọa làm tê liệt quân đội của Nhật Hoàng.

Quyết định tấn công Pearl Harbor của người Nhật cũng được đưa ra bởi vì cuộc chiến chống Trung Quốc không thể kết thúc một cách nhanh chóng bằng một chiến thắng được – và nó là một quyết định sai lầm lớn. Vì chỉ một ngày sau cuộc tấn công, Hoa Kỳ tuyên chiến công khai với đế chế. Bây giờ Trung Quốc có một cường quốc đứng cạnh mình.

Hoa Kỳ lo liệu sao cho Liên bang Xô viết và Liên hiệp Anh công nhận Trung Quốc là nước lớn và nhận đất nước này thêm vào nhóm tay ba đặc biệt của họ: bắt đầu từ năm 1942, từ câu lạc bộ của "Ba nước lớn", các đồng minh quan trọng nhất trong cuộc chiến chống phe Trục của Đức, Ý và Nhật, đã trở thành "Bốn nước lớn".

Trước khi Hoa Kỳ bước vào cuộc chiến, mục đích duy nhất của Quốc Dân Đảng là cố chống đỡ. Bây giờ thì dường như việc chiến thắng nước Nhật chỉ còn là câu hỏi về thời gian. Và Tưởng làm tất cả mọi việc để sau khi chiến thắng, ông ấy sẽ là người thống nhất Trung Quốc dưới sự lãnh đạo của mình.

Ông luôn yêu cầu Hoa Kỳ giúp đỡ về mặt quân sự. Ông bi kịch hóa tình hình, nói rằng những lần cung cấp vũ khí – xe tăng, xe tải, đại bác, máy bay – là không đủ, ông còn cần nhiều hơn nữa.

Người Mỹ huấn luyện quân đội Tưởng, cấp tiền xây dựng đường băng cho máy bay chiến đấu loại mới. Năm 1944, họ còn thành công trong việc bảo đảm cho Trung Quốc có một ghế thường trực trong Hội đồng Bảo an sắp được thành lập của Liên Hiệp Quốc.

Nhưng Tưởng không thể ngăn cản được việc một phái đoàn của Hoa Kỳ bay đến Diên An trong cùng năm, để gặp Mao và những người trung thành với ông ấy – cuối cùng thì cả những người Cộng sản cũng chiến đấu chống Nhật Bản, và người Mỹ tìm cách thống nhất tất cả các lực lượng Trung Quốc – nếu có thể thì dưới quyền lãnh đạo của một viên tổng chỉ huy người Mỹ.

Mao, người hy vọng sẽ nhận được vũ khí từ Washington, xuất hiện trước những người khách đến thăm trong Diên An, nơi phần lớn đã bị phá hủy bởi bom của người Nhật, như một nhà cải cách dung hòa chứ không phải là một nhà cách mạng cực đoan.

Ông chào mừng phái đoàn với một dàn nhạc quân đội, xin lỗi vì những ổ gà trên đường băng, cho phép những người đến thăm tự do đi lại trong trung tâm quyền lực của ông ấy. Ông ấy cho xe tải chở người Mỹ đến nơi cư ngụ của họ: hang động được đào sâu vào trong sườn núi dốc.

Vấn đề quan trọng nhất của ông ấy là lo cho người dân ở nông thôn được tốt hơn, Mao giải thích cho những người khách của ông ấy.

Ông ấy giữ kín những tiết học chính trị mà trong đó cán bộ của ông ấy giảng dạy cho người nông dân về các lý thuyết của Chủ nghĩa Cộng sản Xô viết. Ông ấy cũng dấu cả việc những thành viên mới của chính phủ không chính thức của ông ấy buộc phải đọc những bài luận văn về ý thức hệ ba tháng trời, do Stalin, Lenin và chính ông viết.

Thêm vào đó, ông cũng giấu giếm việc sử dụng các hình thức tra tấn để khuất phục những người hoài nghi đường lối chính trị của ông ấy – và cũng không nói về việc ông khuyến khích sự tôn sùng cá nhân của ông ấy, kể từ khi ông chính thức nhận cương vị lãnh đạo của ĐCS với chức vụ Chủ tịch Bộ Chính trị và Chủ tịch Ban Bí thư năm 1943.

Ông ấy thích phô trương nhà trẻ hơn nhiều, nhà trẻ mà họ đã xây dựng trong Diên An. Và nói về việc dân chủ mang tầm quan trọng đối với ông như thế nào. Những người khách đến thăm bị gây ấn tượng.

Nhưng Tưởng dứt khoát chống lại các đề nghị hỗ trợ Mao mạnh hơn nữa của người Mỹ.

Và không có sự đồng ý của ông ấy thì người Mỹ không bước thêm bước tiến nào để đến với những người Cộng sản. Con người Dân tộc Chủ nghĩa đó – sự tính toán là như thế – cần phải là đối tác đáng tin cậy của họ cả cho thời gian sau khi nước Nhật đã bại trận.

Nhưng điều đấy không có nghĩa là họ hé lộ kế hoạch của họ cho ông ấy biết. Vì khi quả bom nguyên tử đầu tiên của lịch sử rơi xuống Hiroshima vào ngày 6 tháng 8 năm 1945, Tưởng – cũng như Mao – vẫn còn chuẩn bị tinh thần cho một cuộc chiến kéo dài nhiều năm chống lại láng giềng phía Đông. Ông ấy hoàn toàn không biết gì về vũ khí kỳ diệu của Hoa Kỳ cả.

Vẫn còn mang ấn tượng về lực tàn phá của loại bom mới của người Mỹ, Tưởng trải qua lần quân đội Xô viết tấn công người Nhật ở Mãn Châu vào ngày 8 tháng 8: tại Hội nghị Malta trong tháng 2 năm 1945, Stalin đã hứa với người Mỹ rằng trong vòng ba tháng sau khi chiến thắng Hitler, ông ấy sẽ bước vào cuộc chiến ở Thái Bình Dương. Bây giờ, nhà độc tài đấy thực hiện lời hứa và gửi quân đội của ông ấy đến để chống lại một địch thủ mà sau cơn sốc Hiroshima đã gần như bại trận.

Chỉ một ngày sau khi chiến dịch tấn công của Xô viết bắt đầu, ba ngày sau Hiroshima, quả bom nguyên tử thứ hai của Hoa Kỳ nổ tung ở Nagasaki, và vào ngày 15 tháng 8, Tưởng – người đang ăn tối với Đại sứ Mexico ở Trùng Khánh – biết rằng Hoàng đế Hirohito đã tuyên bố đầu hàng trong radio.

Tám năm liền, Tưởng đã chiến đấu chống lại người Nhật hùng mạnh hơn, chiến tranh dường như đã trở thành việc thường ngày. Thế nhưng bây giờ bất thình lình lại là hòa bình (trong những năm trước đó, người tướng lĩnh này đã lôi kéo cả các viên tư lệnh về phía mình: bằng áp lực hay với lời hứa hẹn một chức vụ cao trong quân đội của ông ấy; bây giờ chỉ còn người Cộng sản là chưa nằm dưới sự kiểm soát của ông ấy).

clip_image002

Chế độ của Tưởng cố ngăn chận một cách dã man không cho người dân chạy đến với người Cộng sản: năm 1948, địch thủ bị bắt ở Thượng Hải bị hành quyết công khai trên đường phố bằng cách bắn vào đầu. Ảnh: GEO EPOCHE

Ở Mãn Châu, từ 1931 trong tay người Nhật, khoảng 900.000 người lính bắt đầu rút quân; trong phần Trung Quốc còn lại, trước hết là ở vùng bờ biển phía Đông, cả 1,25 triệu quân lính chiếm đóng bây giờ cũng rời khỏi đất nước này.

Để người của Tưởng có thể tiếp nhận được lần đầu hàng của người Nhật, trong vòng hai tháng người Mỹ đã cho máy bay chở hơn 110.000 người lính và sĩ quan của Quốc Dân Đảng đến những vùng bị chiếm đóng trước đây: Mãn Châu cũng như các thành phố lớn của Trung Quốc.

Những người chiếm đóng trước đây chỉ được phép đầu hàng họ, Tưởng ra lệnh.

Nhưng những người Cộng sản cũng vội vã đi vào các tỉnh, thành phố và làng mạc, ở những nơi mà các Thống đốc người Nhật đang chờ để ký văn kiện đầu hàng.

Đó là một cuộc chạy đua giữa ĐCS và Quốc Dân Đảng, về việc ai được phép đại diện cho quyền lực nhà nước – bây giờ, vì trong nước đã mở ra một khoảng chân không quyền lực khổng lồ.

Hoa Kỳ cố gắng thúc đẩy các đối thủ đi đến một giải pháp chung. Họ muốn có một đối tác Trung Quốc mạnh và thống nhất, cũng là đối trọng với Liên bang Xô viết. Và họ biết rằng mâu thuẫn giữa Quốc Dân Đảng và những người Cộng sản có thể đẩy đất nước này vào một cuộc nội chiến.

Vì thế mà trong tháng 8 năm 1945, Đại sứ Hoa Kỳ Hurley đã thúc giục Mao Trạch Đông và Tưởng Giới Thạch đi đến những cuộc hội đàm hòa bình ở Trùng Khánh.

VÀ THẬT SỰ: bảy tuần sau khi Mao đến Trùng Khánh, đông đảo người dân đã vui mừng reo hò trên đường phố của thủ đô Trung Quốc. Các cuộc thương lượng kéo dài 43 ngày, Tưởng và Mao đã trực tiếp gặp nhau bốn lần để bàn về các hồ sơ do nhân viên thương lượng dưới quyền trình lên.

Vào ngày 10 tháng 10, cuối cùng hai người đã ký tên vào một văn kiện mà trong đó họ tuyên bố ý định sẽ thống nhất lực lượng quân đội của họ; thêm vào đó, họ muốn triệu tập một hội nghị nhằm đưa ra một Hiến Pháp mới cho Trung Quốc.

Cả hai người đàn ông tươi cười rạng rỡ sau khi ký vào văn kiện và ăn mừng.

Thế nhưng khi Mao trở về đến Diên An, ông bị chứng tim đập nhanh và choáng váng, ông nằm xuống giường nhưng không nghỉ ngơi được, toát mồ hôi, run cả người. Con người lãnh đạo ĐCS dễ bị stress gây bệnh, và bây giờ ông ấy căng thẳng tới mức thân thể của ông nổi loạn.

Ông biết rằng cuộc đấu tranh giành Trung Quốc bây giờ chỉ vừa mới bắt đầu.

Ngay trước khi khởi hành đến Trùng Khánh, Mao đã chỉ thị cho những người đồng chí của ông ấy nắm lấy quyền chỉ huy trong càng nhiều vùng đất càng tốt, ngay cả trong lúc đang thương lượng. Vì cuộc gặp gỡ Tưởng Giới Thạch đối với ông trước hết chỉ là một sự nhượng bộ Hoa Kỳ: một mưu mẹo để không đứng đấy như một người cản trở sự thống nhất trong hòa bình.

Mao không tin Tưởng. Nếu như không có Hoa Kỳ, ông ấy phỏng đoán như thế, thì kẻ thù không đội trời chung của ông ấy đã tiến công từ lâu, để tiêu diệt ông.

Và vì thế mà cuộc chạy đua tranh giành vùng ảnh hưởng càng rộng càng tốt cũng diễn ra trong thời gian ngưng bắn chính thức, người Quốc gia và người Cộng sản tiếp tục việc mà họ đã làm chậm nhất là kể từ khi người Nhật đầu hàng: chuẩn bị cho trận đại chiến cuối cùng.

Trong những tháng tiếp theo sau đó thường xuyên xảy ra những trận đánh nhỏ giữa quân đội Quốc gia và Cộng sản. Những người Cộng sản tấn công trước hết là trong vùng Mãn Châu phát triển cao về công nghiệp, phá hủy đường ray cũng như cột điện tín theo lối đánh du kích đã có nhiều kinh nghiệm – và qua đó gây khó khăn cho Quốc Dân Đảng trong việc lấy lại quyền kiểm soát ở miền Bắc Trung Quốc.

Dù Tưởng và Mao có cam đoan muốn hòa bình đi nữa – thật sự là cả hai đều nói dối.

Tuy Hoa Kỳ vẫn tiếp tục cố gắng làm trung gian: Tổng thống Harry S. Truman gửi George Marshall đến Trung Quốc, một trong những nhà ngoại giao tài giỏi nhất của ông ấy (người sau này sẽ phát triển kế hoạch tái xây dựng châu Âu được gọi theo tên mình).

Nhưng khi người Cộng sản không tham dự hội nghị ban hành Hiến Pháp do Quốc Dân Đảng triệu tập vào cuối năm 1946 thì cuối cùng người ta cũng biết chắc rằng sẽ không có sự hợp nhất về chính trị.

Mao không muốn là đối tác nhỏ hơn của Quốc Dân Đảng. Ông ấy muốn thống trị toàn Trung Quốc.

Tháng 1 năm 1947, George Marshall thất vọng trở về Hoa Kỳ, và ngay trong cùng tháng đó, Bộ Ngoại giao Mỹ tuyên bố trong một bản thông tin báo chí gồm mười dòng, rằng họ đã gọi về tất cả các nhà ngoại giao có nhiệm vụ làm trung gian giữa Tưởng và Mao.

Washington không còn hy vọng có được một giải pháp hòa bình. Cuộc đấu tranh giành quyền thống trị Trung Quốc bước vào giai đoạn quyết định. Đó là về quyền thống trị nửa tỉ con người, tròn mười triệu kilômét vuông đất.

Về quyền thống trị dân tộc lớn nhất thế giới.

J.S.

Dịch giả gửi trực tiếp cho BVN

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn