“Gục ngã” trên đống tài sản

Kỳ 2: Hàng tồn chất cao như núi!

 

Một cơ sở dệt ở quận Tân Bình (TP.HCM) hiện tồn trên 50.000m vải các loại từ tết đến nay - Ảnh: MINH ĐỨC

 

TT - Khách hàng đặt cọc rồi vẫn bỏ. Đua khuyến mãi, tăng hoa hồng vẫn không bán được hàng. Nhiều loại nguyên liệu như vải may mặc, đường, phân bón... đang chịu cảnh ế ẩm, “nằm ngủ” trong kho.

Thậm chí có mặt hàng đến thời điểm này lượng tồn kho lên đến hàng trăm ngàn tấn.

Tình trạng trên khiến nhiều tiểu thương phải sang nhượng, bán sạp. Các doanh nghiệp buộc phải cắt giảm lượng sản xuất. Các công ty chuyên làm phân phối cũng không dám “ôm” nhiều hàng để tránh vốn nằm chết một chỗ.

Khuyến mãi vẫn èo uột

Mỗi ngày tại chợ Bình Tây (TP.HCM) có đến hàng ngàn tấn hàng được bán ra, nhưng riêng mặt hàng vải lụa, sợi dệt tại đây gần như đang “chết” đứng. Không riêng chợ Bình Tây, hàng loạt chợ chuyên về vải vóc ở TP.HCM như An Đông, Soái Kình Lâm, Tân Bình... cũng xảy ra tình trạng người bán nhiều hơn người mua!

"Ngoại trừ những lô hàng đã lỡ sản xuất trước tết còn tồn đọng, hầu hết doanh nghiệp đều phải thay đổi chiến lược sản xuất nhằm thích nghi với bối cảnh thị trường nội địa quá èo uột như hiện nay "

Ông PHẠM XUÂN HỒNG

(Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may VN)

 

Chị Tuyết, tiểu thương chợ Bình Tây, cho biết nếu may mắn mỗi ngày bán được vài mét vải, còn không thì mở sạp ngồi coi để giữ mối là chính. Tại chợ này, ghi nhận sáng 8-4 chỉ có vài người đi dạo xem hàng. Chị Hòa Thanh, bán hàng ở đây, cho hay từ đầu năm nay đã phải nhập thêm mặt hàng khăn len, mũ nón để bán kèm vì ngồi không cũng không biết làm gì. Một số chủ sạp phải sang nhượng cho người khác để bán mũ bảo hiểm, túi xách... Một số sạp cố gắng cầm cự cũng rơi vào tình trạng hàng chất đống trong sạp, tồn kho từ cuối năm ngoái đến nay vẫn chưa bán được.

Tại khu vực “làng” dệt Bảy Hiền (Q.Tân Bình), nếu như trước đây các cơ sở dệt phải để máy chạy suốt ngày đêm mới cung cấp đủ lượng hàng cho các chợ đầu mối thì nay chỉ làm cầm chừng. Tại cơ sở dệt sợi BH (Năm Châu, Tân Bình), vải dệt thành phẩm chất thành từng đống ra tận cửa. Chủ cơ sở cho biết hàng tồn kho còn khá lớn do hầu hết chợ đầu mối, công ty từ chối đơn hàng hoặc nhập số lượng nhỏ. Cơ sở này đang lúng túng chưa biết xử lý ra sao với lượng hàng tồn ngày càng nhiều lên.

style="align: center; background: #eeeeee; width: auto; margin-left: auto; margin-right: auto" border="0" cellspacing="4" cellpadding="0">

Tồn trên 380.000 tấn đường

Tính đến cuối tháng 3-2012, lượng hàng tồn kho tại các nhà máy đường là 380.000 tấn. Theo Hiệp hội Mía đường VN, lượng hàng tồn cao do sức mua tiếp tục thấp từ cuối năm ngoái đến nay. Nguyên nhân chính do doanh nghiệp sản xuất cầm chừng, không dám mạnh tay mua hàng dự trữ. Bà Oanh, kinh doanh đường tại khu vực chợ Trần Chánh Chiếu (Q.5,TP.HCM), cho biết thị trường tiêu dùng ế ẩm nên lượng đường bán ra để phục vụ sản xuất, chế biến cũng giảm theo. Hiện nhiều sạp chỉ biết sống nhờ vào các mối quen là những lò sản xuất bánh, kẹo, nước giải khát hay các quán cà phê nhưng chỉ mang tính thời vụ.”Sản xuất ít thì đường bán ra cũng ít đi, so với năm ngoái đã giảm gần 30%”, bà Oanh nói.

Theo dự báo của Hiệp hội Mía đường VN, sản lượng đường niên vụ 2011-2012 ước đạt 1,4 triệu tấn, dư khoảng 170.000 tấn đường, trong đó 100.000 tấn tồn để chuyển sang vụ sau và có thể dư 70.000 tấn cho xuất khẩu. Tuy nhiên, vấn đề hiện nay là các nhà chế biến sản xuất trong nước của ngành bánh kẹo, nước giải khát, sữa... VN lại không mặn mà với đường trong nước mà tiếp tục đăng ký với Bộ Công thương để xin được nhập gần 270.000 tấn đường vì lý do giá nhập khẩu cạnh tranh hơn. Hệ lụy là giá bán buôn đường của các nhà máy giảm mạnh, giá thu mua mía nguyên liệu của người nông dân rớt theo.

Ông Nguyễn Thành Long, chủ tịch Hiệp hội Mía đường VN, cho biết từ tháng 3-2012, hiệp hội đã gửi công văn lên Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn kiến nghị cho xuất khẩu 250.000 tấn đường nhằm giải quyết lượng tồn kho, nhưng đến nay lượng đường tồn vẫn chưa được giải tỏa.

Tương tự, ban giám đốc Công ty TNHH sản xuất thương mại Fabric VN (TP.HCM) như đang ngồi trên đống lửa khi số lượng sợi, vải tồn kho đã lên tới 300.000m. Các loại vải sợi của công ty như jacquard, sợi T/C,T/R, slub yarn, fancy yarn... tồn kho ngày càng nhiều khi sức mua đã giảm trên 50% trong ba tháng đầu năm, thậm chí có khách đến đặt cọc cho công ty 30% rồi bỏ cọc không lấy hàng.

Tình trạng ế ẩm của mặt hàng vải chủ yếu do đặt hàng từ các doanh nghiệp may mặc sụt giảm. Giới kinh doanh hàng may mặc hiện đang lo sốt vó vì đã tổ chức rất nhiều đợt khuyến mãi nhưng vẫn không bán được hàng. Theo tìm hiểu của chúng tôi, hàng loạt thương hiệu thời trang có tiếng như M, B. N, A... đều tồn ít nhất vài ngàn đến hàng chục ngàn sản phẩm thành phẩm kể từ Tết Nguyên đán đến nay.

Bà T., chủ đại lý phân phối cấp 1 của thương hiệu áo sơmi T trên đường Hai Bà Trưng (Q.1, TP.HCM), xác nhận từ giữa tháng 1-2012 đến nay, doanh số bán ra của cửa hàng bà giảm đến 40% so với cùng kỳ năm 2011.

Khách hàng thưa thớt

Nhắc đến tình hình buôn bán, ông Cường, chủ cửa hàng phân bón trên đường Lê Quang Sung, Q.6, TP.HCM, than vắn thở dài: “Chưa bao giờ việc kinh doanh lại khó khăn như hiện nay. Cứ nghĩ ngành phân bón phục vụ sản xuất sẽ không bị ế vì kiểu gì bà con nông dân cũng vẫn phải dùng trong sản xuất. Ai ngờ từ đầu năm đến nay, lượng tiêu thụ sụt xuống thê thảm”. Ông Cường cho biết khách mua hàng ngày càng thưa thớt.

Nhiều khách quen trước đây mua hàng rất đều đặn, nay thi thoảng mới xuất hiện, thậm chí có khách biệt tăm. Hiện lượng hàng bán ra của cửa hàng chỉ bằng khoảng 50% so với cùng kỳ năm ngoái. Nhóm hàng giảm mạnh nhất là phân bón phục vụ ngành trồng hoa, cây cảnh. “Kinh tế khó khăn, nhiều người hạn chế chơi hoa, cây cảnh khiến các vựa cây cảnh, các khu vực trồng hoa ở Củ Chi, Bình Chánh làm cầm chừng” - ông Cường nhận định.

Ông Hiệp, phụ trách kinh doanh một công ty chuyên bán sỉ và lẻ các loại phân bón sản xuất trong nước và cả nhập khẩu, trụ sở tại Q.Gò Vấp, cho biết do không dự báo được tình hình tiêu thụ nên trong tháng 1 và 2 tổng lượng hàng công ty nhập về kho tới 400 tấn. Tuy nhiên, lượng hàng đi Bình Dương, Long An... lại giảm mạnh. Do đó, sau hai tháng tiêu thụ nhỏ giọt, kho hàng của công ty chất hàng tồn ngoài dự kiến. Theo ông Hiệp, sang tháng 3 lượng hàng tồn trong kho tới hơn 200 tấn.

Theo ông Nguyễn Văn Sung, giám đốc Công ty cổ phần Phân bón Sinh hóa Củ Chi, hiện một bộ phận máy móc của công ty đang được “nghỉ ngơi” vì lượng hàng bán ra bị giảm thê thảm. Nếu như thời điểm này năm ngoái, mỗi tháng công ty bán được khoảng 1.000 tấn phân bón thì nay chỉ bán được 500 tấn. Vì vậy, ngoài lượng nguyên liệu đưa vào sản xuất thông thường, lúc nào trong kho của công ty cũng tồn khoảng 1.500 tấn nguyên liệu sản xuất...

Lượng tiêu thụ giảm khiến các công ty phân bón phải tăng chiết khấu để đẩy hàng tồn. Theo đó, từ mức 2% hoa hồng được hưởng, nay đại lý lấy khoảng 100 tấn hàng/tháng sẽ được hưởng mức hoa hồng 3%, từ 800-1.000 tấn sẽ được hưởng mức chiết khấu 3% giá trị lô hàng. Tuy nhiên, do sức mua chưa có dấu hiệu được cải thiện nên các đại lý vẫn chần chừ, không dám ôm hàng.

Nhóm PV Kinh tế

Nguồn: tuoitre.vn

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn