Tư vấn độc lập phải vào cuộc!

Tô Văn Trường

Dư luận đang “nóng” lên bởi sự cố rò rỉ nước ở đập thủy điện Sông Tranh 2, tỉnh Quảng Nam. Và đại diện Ban Quản lý dự án phải vội lên truyền hình để trấn an với những lý lẽ rất " chuyên môn” rằng đó là việc bình thường nằm trong dự kiến, đó là do khe dãn nở phải có trong thiết kế kỹ thuật. Tuy nhiên, không vì thế mà dư luận bớt “nóng”.

Hiện nay, có hai luồng ý kiến khác nhau. Cơ quan quản lý dự án cho rằng nơi chảy nước là những khe nhiệt có trong thiết kế cho sự giãn nở của bê tông. Và nước thoát qua khe nhiệt là lượng nước thẩm thấu đều nằm trong tính toán của thiết kế, không nên quá lo lắng. Ngược lại, một số nhà khoa học như Gs Nguyễn Thế Hùng (Phó Chủ tịch Hội Khoa học Thủy khí Việt Nam) và Gs Phạm Hồng Giang (Chủ tịch Hội Đập lớn Việt Nam) lại lo lắng cho rằng công trình bị thấm như vậy là bất bình thường, nếu có một cơn dư chấn bất thường do động đất ở khu vực này có thể phá hủy đập bất cứ lúc nào. Nước chảy qua thân đập rỉ thành dòng từ thượng lưu ngấm qua thân đập xuống hạ lưu là “rất nguy hiểm”, là điều không được phép trong xây dựng đập. Nếu không kiểm tra, xử lý kịp thời thì từ vết nứt, dòng nước rò rỉ trong thân đập sẽ làm hỏng, xói mòn vật liệu (bê tông) tạo thành xói ngầm. Chậm xử lý xói ngầm sẽ sinh năng lượng và đến thời điểm sẽ gây bục, vỡ đập.

Đập thủy điện Sông Tranh 2, kết cấu gồm 5 cửa xả tràn ở giữa cùng thân bờ đập hai bên và được thi công theo công nghệ bê tông đầm lăn hiện đại. Phần thân đập phía hạ lưu có một số mảng bê tông ở nửa thân dưới hướng về đáy có hiện tượng thấm nước, phần thân đập phía trái có đến 4 điểm nứt và rò rỉ nước. Trong đó, có một vết nứt khá lớn khiến nước từ trên cao thấm xuống, tuôn chảy xối xả. Tốc độ nước rò rỉ khoảng 30 lít nước/giây. Nguyên nhân chính rò rỉ nước, người ta cho rằng là do các tấm bố của hành lang thu thấm nước trong lòng bờ đập bị xê dịch, dẫn đến nước rò rỉ ra ngoài. Nhìn hình ảnh chiếu trên Truyền hình và qua các ảnh chụp đăng trên báo thấy rõ nước phun thành dòng khá mạnh từ các khe nứt đang được công nhân khoan đục để xử lý bằng bao nilông, túi vải nhằm ngăn dòng nước tuôn ra. Ở những đoạn khe nhiệt đã khô, công nhân dùng ximăng, keo và hóa chất hàn dán lại. Tuy nhiên, dòng nước vẫn bắn ra không ngừng từ các vị trí này.

Theo tôi hiểu, đập thủy điện Sông Tranh 2 là đập bê tông đầm lăn có ưu điểm là ít dùng xi măng, nhiệt tỏa ra ít hơn nên khi thi công đổ thành khối lớn, tốc độ xây dựng rất nhanh. Nhược điểm vì ít dùng xi măng, nếu chất phụ gia và cấp phối không đúng tiêu chuẩn thiết kế, quá trình thi công không tốt dễ gây ra thấm.

Nhìn bài toán tổng thể, trên lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn hầu hết các đập thủy điện là những công trình có quy mô lớn, đặc biệt nhiệm vụ khi được phê duyệt của các công trình này chủ yếu là có nhiệm vụ phát điện, như trong phê duyệt quy trình vận hành liên hồ chứa A Vương, Sông Tranh 2 và Đăk Mi 4 cũng mới chỉ có thêm nhiệm vụ tham gia cắt giảm lũ cho hạ du. Với diễn biến suy giảm nguồn nước đến, nhu cầu dùng nước của vùng hạ du ngày càng tăng cùng với những bất thường của lũ lụt trong thời gian gần đây, cần thiết phải xem xét điều chỉnh để bổ sung nhiệm vụ cấp nước và phòng lũ cho các hồ chứa thủy điện. Đặc biệt với lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn thời gian vừa qua cũng đã có nhiều ý kiến về nhiệm vụ của công trình thủy điện ĐakMi 4 và thủy điện sông Bung 4 và bây giờ là rò rỉ nước qua đập Sông Tranh 2.

Đối với đập thủy điện sông Tranh 2, biện pháp hữu hiệu và khách quan khoa học nhất là phải mời tư vấn độc lập có kinh nghiệm vào cuộc càng sớm, càng tốt. Không thể coi chuyện thấm ở đập là bình thường được, nhất là ở vùng có động đất.

Bất cứ sự cố nào, muốn xử lý, trước hết phải xác định rõ, chính xác nguyên nhân

Trước hết, phải kiểm tra lại hồ sơ thiết kế, quá trình thi công đối chiếu với tiêu chuẩn thiết kế, an toàn của đập kể cả đặc thù về kiến tạo địa chất, địa chấn và cấp động đất trong vùng. Kiểm tra khảo sát ở hiện trường, đo đạc lưu lượng thấm hiện tại, ngoài lưu lượng thấm toàn bộ phải đo cả lưu lượng thấm tập trung (ví dụ như trên đơn vị chiều dài) để xác định phương cách thích hợp xử lý thấm qua vết nứt định trước. Lưu ý là xử lý chống thấm tại khe nứt chứ không phải chỉ lo chống nứt. Về nguyên lý, dù bằng bất cứ cách nào cũng phải xử lý chống thấm từ mái thượng lưu đập, không phải từ phía mái hạ lưu đập như cách làm hiện nay. Khi xử lý tùy tình hình cụ thể có thể phải quây vùng, bơm nước ra để mái khô mới xử lý triệt để được việc thấm nước.

Qua sự cố thủy điện Sông Tranh 2, rõ ràng cần một cơ chế và chính sách cho hoạt động tư vấn độc lập, nhất là đối với các vấn đề về khoa học công nghệ, về chuyên môn kỹ thuật. Bởi lẽ, lâu nay, người ta rất ít chịu nghe những phản biện trái chiều, nếu có Hội đồng nhiều khi mang tính hình thức. Đã đến lúc phải thay đổi, mà tư vấn độc lập là một trong những giải pháp hiệu quả mà thế giới đã làm từ lâu.

T. V. T.

Tác giả gửi trực tiếp cho BVN.

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn