Tư liệu: Thư TS Phùng Liên Đoàn gửi Đại sứ Việt Nam tại Mỹ năm 2010 nói về một phương án điện hạt nhân ở Việt Nam

Thưa anh Huệ Chi,

Bài viết của Trà Vigia trên trang Bauxite Việt Nam rất hay. Văn chương và suy nghĩ như vậy thì quả là đại lão trí tuệ. Tôi hi vọng được quen với ông này, cũng như các ông Nguyễn Khắc Nhẫn, Phạm Duy Hiển, Hoàng Xuân Phú...

Suốt năm qua tôi không viết gì, phần cũng vì có nhiều việc riêng, mà phần khác vì viết cũng như nước đổ lá khoai, đâu có người nghe như các ông Võ Văn Kiệt, Nguyễn Đình Tứ. Người ta dùng bạc vạn bạc triệu của ngân sách quốc gia đi theo các ông rao hàng ĐHN. Các ông khoa học nói leo và các ông lãnh đạo Việt Nam cưỡi cọp tự cho rằng mình rất oai.

Trong quá khứ 45 năm, tôi đã gặp và làm việc với một số lớn những người khai sinh ra ĐHN và các kỹ thuật bên trong, đã làm việc với những người làm bom nguyên tử, đã thiết kế nhiều nhà máy ĐHN kể cả Brunswick giống Fukushima, đã khảo sát nhiều dạng năng lượng cổ điển và tái tạo, và đã tính toán kinh tế của các dạng năng lượng đó. Luận án tiến sĩ của tôi nói về một tai nạn ĐHN khi lò hạt nhân loại PWR bị bể (tai nạn lớn hơn Fukushima nhiều và ngang tầm với Chernobyl). Tôi được mời tham dự khảo cứu WASH-1400 năm 1973-1975 khi người ta lo sợ các tai nạn nếu như rất lớn thì làm sao bảo vệ người dân. Khảo cứu này là kinh kệ của mọi khảo cứu kế tiếp về sự an toàn của ĐHN khắp thế giới, và khiến Mỹ phải ban hành luật PAAA (Price Anderson Amendment Act) bắt buộc nghiêm túc về an toàn phóng xạ và cách bồi thường thiệt hại cho người dân. (Tôi đã viết vào tháng 4/2011 là ngay kinh kệ này cũng không ngừa tới động đất và sóng thần giống như Fukhshima). Tính đến nay Mỹ đã bồi thường tiền bạc cho cả chục ngàn người làm việc với phóng xạ từ Thế chiến II. Tôi cũng là người giúp thiết lập Chuông Hữu Nghị (Friendship Bell) 2 tấn treo tại Tennessee kỷ niệm Pearl Harbor và Hiroshima Nagasaki. Tôi cũng là người giúp thiết lập Viện Bảo Tàng Kỷ Vật về Bom Nguyên Tử tại Las Vegas.

Tuy nhiên trong ba tuần tới tôi rất bận vì phải góp phần trong việc tranh đua tìm việc cho công ty để "tiếp tục sống". Tôi chỉ xin gửi anh lá thư tôi gửi Chính phủ Việt Nam đề nghị Việt Nam hợp tác với Nga xây một kỹ nghệ ĐHN trên phà, nhỏ và tiện cho cả ngàn thành phố ven sông ven biển, không sợ động đất và tsunami, không lo sự cố vì tự nó an toàn, và không lo chất thải vì nó sẽ được đem về nguyên quán để được tái chế. Ý kiến này vừa giúp Việt Nam đi vào kỹ nghệ ĐHN đặc thù, vừa giúp kỹ nghệ đóng tàu, và vừa tránh Ninh Thuận. Tôi xin gửi kèm thư đã "gửi vào lỗ đen" đó để anh có thông tin, nếu có thể đăng lên cùng với các phụ lục giúp cư dân mạng Việt Nam tham khảo. 

Ngoài ra, tôi công nhận sẽ còn có tai nạn ĐHN, cũng như đã có và còn có nhiều tai nạn máy bay rơi và tàu lớn đắm (Titanic vào đầu thế kỷ XX và mới đây, tàu khách tại Ý). Tai nạn nguyên tử tại Three-Mile Island và Fukushima chưa làm chết một người dân nào vì phóng xạ, và sự nhiễm xạ vào nhiều năm tới cũng có thể tiên đoán không làm chết nhiều người và tốn kém như tsunami tại Nhật, tsunami tại Indonesia, động đất tại Haiti, động đất tại Tứ Xuyên. Chắc ta không nên nói, nhưng người thường dân chết tại Hiroshima và Nagasaki đâu có nhiều bằng người thường dân chết tại Việt Nam và ngoài Biển Đông từ 1945 đến 1975!

Vì thế, tôi thấy quí vị Inrasara và Nguyễn Khắc Nhẫn quá lo ngại về nạn "diệt chủng" vì tai nạn ĐHN. Ông Phạm Duy Hiển nói đúng hơn (những bài của tôi đã đăng trên Bauxite Việt Nam cũng đã đặt vấn đề theo hướng này), là ta phải lo nghĩ về vấn đề kinh tế. Ta không có người làm việc giỏi, không có văn hóa an toàn, hay cẩu thả (kể cả các vị tiến sĩ, kỹ sư), không có tiền, phụ thuộc ngoại quốc 100%. Nhà máy ĐHN Ninh Thuận sẽ là cái nợ, như sinh ra đứa con tàn tật, không duỗi ra được, sẽ rất tốn kém và là một con nợ với các ông luật sư quốc tế và các nhà chế tạo vật liệu và linh kiện ĐHN quốc tế. Ta sẽ mất quyền tự chủ và ta sẽ vẫn thiếu điện vì nhà máy nằm chết khi chỉ thiếu một con ốc tí teo. Chỉ một đội ngũ vài người cũng có thể phá hoại làm nhà máy nằm chết cả nhiều năm, tốn 2 triệu USD mỗi ngày. 

Xin chào anh và các bạn. Tôi sẽ có thêm liên lạc sau.\

Thân ái,

Phùng Liên Đoàn

clip_image002

116 Milan Way

Oak Ridge, Tennessee 37830 Telephone: (865) 483-0666 Fax: (865) 481-0003

Ngày 30 tháng 8, 2010

Kính gửi Đại Sứ Việt Nam tại Mỹ

Đại Sứ Quán Việt Nam 1233 20th St NW, Suite 400

Washington, DC 20036

V/v Xây nhà máy điện hạt nhân (ĐHN) tại Việt Nam

Thưa ông Đại Sứ:

Tôi là Phùng Liên Đoàn, 71 tuổi, người Mỹ gốc Việt, đã ở Việt Nam 21 năm và ở Mỹ 50 năm. Tôi chuyên môn về ngành nguyên tử, được huấn luyện tại trường Massachussetts Institute of Technology (MIT) với bằng thạc sĩ và tiến sĩ nguyên tử. Tôi cũng đã có bằng hành nghề kỹ sư nguyên tử chuyên nghiệp tại các tiểu bang Florida, Pennsylvania và Tennessee (P.E. = professional engineer). Tôi đã từng làm việc với nhiều khoa học gia phát minh ra các nhà máy điện hạt nhân (ĐHN), và đã từng làm cố vấn cho U.S. Nuclear Regulatory Commission và U.S. Department of Energy. Trong 27 năm qua tôi là chủ tịch công ty tư vấn về nguyên tử PAI Corporation (Professional Analysis, Inc.), đã thực hiện hơn 200 giao kèo kỹ thuật, khoa học, và môi trường với chính phủ và các công ty Mỹ.

Năm 2009 tôi có vài bài viết đề nghị Việt Nam tìm nhiều phương pháp làm điện rẻ tiền khác trước khi quyết định xây nhà máy ĐHN. (Xin xem phụ bản 1). Tuy nhiên, Quốc Hội đã cho phép chính phủ thực hiện chương trình ĐHN, và tôi chắc chương trình này đang hoạt động ráo riết vì ta có rất nhiều việc phải làm để có ĐHN an toàn và giá rẻ. Việc này tôi không có tham dự và chỉ biết tin qua bạn bè và báo chí.

Tôi có một ý kiến nhờ ông Đại Sứ chuyển giao tới những người có trách nhiệm, với mục đích là giúp Việt Nam thực hiện được ĐHN nhanh chóng, an toàn, và rẻ tiền. Hơn nữa, ý kiến này lại có thể giúp Việt Nam có nền kỹ nghệ đóng tầu trù phú nhờ ĐHN. Tôi chắc ý kiến này cũng đã có người hoặc cơ quan Việt Nam nghĩ ra hoặc đang thực hiện, nhưng hiện tôi không có thông tin gì.

Ý kiến như sau:

    • Các nước có ĐHN hoặc chương trình ĐHN hầu hết đều giầu hơn ta, có nhiều nhân lực kinh nghiệm hơn ta, và có nhiều công kỹ nghệ chất lượng cao hơn ta. Vì thế, ta không thể “nhẩy vọt” nếu ta muốn tránh những bài học đắt tiền và tốn thì giờ phát triển như đã xẩy ra trong tiến trình của nhà máy Dung Quất, công ty Vinashin, chương trình nhà máy than, chương trình dầu và khí đốt, và chương trình thủy điện…(Xin xem phụ bản 2 về ý kiến của ông Homi Kharas của Brookings Institution khi dự cuộc họp tại Hanội về chiến lược phát triển Việt Nam trong 10 năm tới.)

    • Vì vấn đề ô nhiễm, hâm nóng khí quyển, khan hiếm xăng dầu, và giá đắt của năng lượng tái tạo, ĐHN là xu hướng tất yếu của thế kỷ 21 và các thế kỷ tiếp theo. Thế giới sẽ xây hơn 500 lò ĐHN trong vòng 50 năm tới. Hầu hết đó là các nhà máy lớn (công suất 1000 MW-1500 MW cho mỗi lò nguyên tử), kỹ thuật rất cao, giá rất đắt. Chỉ có những nước giầu và tiền tiến như Nhật, Hàn, Mỹ, Pháp, Anh, Đức, Trung Quốc… mới có thể tham dự ngành kỹ nghệ đáng giá nhiều ngàn tỉ USD này. (Giá nhà máy ĐHN năm 2010 là $4000/KW, sẽ tăng lên trong tương lai vì vật giá leo thang. Vì thế, 500,000 MW x 1000 kW/MW x 4,000 USD/kW = 2,000 tỉ USD, tính theo tiền 2010.)

    • Với một đội ngũ kỹ thuật còn rất yếu không những về ĐHN mà còn cả về ngoại ngữ rất cần thiết phải học hỏi cả chục triệu trang tài liệu thế giới đã tích lũy về ĐHN, và với kinh nghiệm xây và điều hành nhà máy lọc dầu Dung Quất mà bản chất dễ dàng hơn ĐHN rất nhiều, Việt Nam nên thương lượng mua điện từ nhà máy ĐHN do các công ty ngoại quốc xây và bảo trì ven bờ biển Việt Nam. Việc này có lợi cho ta về rất nhiều phương diện: an toàn năng lượng, không bị cháy túi vì sự cố, đào tạo có hệ thống chuyên viên khi họ làm việc hàng ngày với chuyên viên ngoại quốc, và an toàn bờ biển nếu có chiến tranh (vì đối phương không muốn gây hấn với một cường quốc khác.)

    • Đứng về phương diện ĐHN, kỹ thuật Nga chưa thể bì với kỹ thuật của các nước phương Tây. Nhưng sau tai nạn Chernobyl, các nhà máy ĐHN mới của Nga nay đều làm theo phương Tây, cho nên cũng rất an toàn. Đặc biệt, Nga đang theo đuổi và đã thực hiện nhà máy ĐHN nổi (floating nuclear power plants) dựa trên kinh nghiệm của các tầu ngầm nguyên tử và tầu xẻ băng tại Bắc Cực. Các nhà máy ĐHN nổi có công suất khoảng 100 – 300 MW là rất hợp với các xứ đang mở mang có bờ biển dài như Phi Luật Tân, Việt Nam, Mã Lai, Nam Dương, các nước châu Phi và các nước Nam Mỹ …, nghĩa là khoảng 50% người trên thế giới. Các nhà máy này hợp với nhu cầu địa phương vì điện không phải dẫn đi xa rất tốn kém, và trong trường hợp thành phố lớn cần nhiều điện thì xây ba bốn nhà máy nổi, tăng thêm niềm tin là khó có nạn cúp điện khi một nhà máy không chạy (high system availability). Vì thế, đây là môt chiều hướng kinh tế quan trọng.

    • Vì thành kiến và vì “không muốn bỏ kỹ thuật đã chin muồi của mình,” các nước phương Tây chưa muốn cạnh tranh với Nga về ĐHN nổi. Việt Nam đang bàn mua ĐHN của Nga, có thể vì chỉ có Nga mới nhân nhượng bán rẻ và cho ta vay tiền, nhưng đây có thể là cơ hội Việt Nam cộng tác với Nga làm nhà máy ĐHN nổi. Năm mười nhà máy như vậy đặt gần các tỉnh lớn tại miền Trung và tại đồng bằng sông Cửu Long và nối vào đường dây 500 KV Bắc Nam sẽ bảo đảm có điện cho toàn quốc vào năm 2022. Ta sẽ xây phần bè (barge) giống như kỹ nghệ đóng tầu, và Nga sẽ đảm nhiệm mọi kỹ thuật đã được chứng minh là an toàn và hoạt động tin cậy (reliable). Lúc đầu có thể là công nhân của ta sang Nga làm việc trong các xưởng đóng tầu bè, nhưng sau đó ta sẽ làm việc đóng bè tại Việt Nam cho các mối mua ĐHN nổi của Nga hoặc của các nước khác khi họ nhẩy vào cạnh tranh.

    Sự thực thì ta không thể làm giỏi và rẻ hơn các xưởng đóng tầu tại Nhật, Hàn, Trung Quốc…, (Xem phụ bản 3 về ý kiến của ông Đại Sứ Nhật về chất lượng và vật liệu của công nghiệp Việt Nam,) nhưng nếu ta lợi dụng có nhu cầu bây giờ và giúp Nga bành trướng thị trường ĐHN, thì may ra Việt Nam có thể tranh thủ được thời gian và cơ hội để góp mặt với thế giới về ĐHN và đồng thời phát triển kinh tế Việt Nam. Phương cách trên giúp cho Việt Nam gia nhập thế giới ĐHN mau chóng, đặc thù, và tạo công ăn việc làm cho nhiều chục ngàn chuyên viên và công nhân với kỹ thuật tiên tiến.

    • Có nhiều chi tiết kỹ thuật và kinh tế liên quan tới ĐHN nổi, tuy nhiên thư này không phải là nơi để bàn. Tôi sẽ có thể phản biện các ý kiến tiêu cực; ví dụ các lo ngại về tai nạn nguyên tử, tai nạn tầu bè, tai nạn khủng bố, động đất, sóng thần, bão… Chúng đều có thể dự phòng một cách khoa học và ít tốn kém hơn nhà máy ĐHN xây trên cạn.

    Kính mong ông Đại Sứ chuyển thư này tới các giới hữu trách Việt Nam. Tùy ý kiến phản hồi, trong vòng ít lâu, có thể tôi sẽ cho đăng báo ý kiến này với nhiều chi tiết hơn.

    Kính thư,

    clip_image004

    Doan L. Phung, Ph.D., P.E.

    President and CEO

    DoanLPhung@gmail.com

    ĐT riêng: 702-395-6680

    Đính kèm phụ bản:

    1. Vài tài liệu viết của Phùng Liên Đoàn

    2. Ý kiến về phát triển của TS Homi Kharas, Hanoi, 8/2010

    3. Ý kiến của Đại Sứ Nhật Mitsuo Sakaba về công nghiệp Việt Nam (3/3/09)

    clip_image005

    Hình chụp ngày 10 tháng 11 năm 2010 tại cuộc họp quốc tế của Hội Nguyên tử Mỹ (American Nuclear Society)

    Ngồi:

       

  • TS Charles Newstead, viên chức cao cấp về nguyên tử của Bộ Ngoại Giao Mỹ

  • TS Phùng Liên Đoàn, Chủ tịch công ty Nguyên tử và Môi trường Professional Analysis, Inc.

       

    Đứng:

       

  • TS Alvin Trivelpiece, nguyên Thứ trưởng Bộ Năng lượng Mỹ về khoa học kỹ thuật, nguyên Tổng Giám đốc Trung tâm Nguyên tử 5000 nhân viên Oak Ridge National Laboratory, Tennessee

  • Viện sĩ Evgeniy Velikhov, TGĐ Viện Nghiên cứu Kurchatov, Moskva. Ông Velikhov chúc Việt Nam và Nga có thể xây 1000 nhà máy ĐHN trên bè (công suất khoảng 300 MWe mỗi bè) tại bờ bể các nước đang mở mang, với sự bảo đảm an toàn và nhiên liệu bởi các cường quốc

  • TS Andrew Kadak, nguyên Hội trưởng Hội Nguyên tử Mỹ (20.000 hội viên), bạn học của PLĐ

     

Attachment 1

VÀI NÉT SƠ LƯỢC VỀ QUÁ TRÌNH LÀM VIỆC VỀ NGÀNH PHÓNG XẠ VÀ NGUYÊN TỬ CỦA PHÙNG LIÊN ĐOÀN

Ông Phùng Liên Đoàn học tại Mỹ về ngành vật lý và kỹ thuật hạt nhân từ năm 1958. Ông đậu hai bằng cử nhân (B.A.) về toán và vật lý tại Florida State University năm 1961, hai bằng thạc sĩ thạc sĩ (M.S.) về vật lý và hạt nhân tại Massachusetts Institute of Technology (MIT) năm 1963, và bằng tiến sĩ về kỹ thuật hạt nhân cũng tại MIT năm 1972.

Từ 1964 tới 1966 ông Đoàn làm việc tại Trung Tâm Nguyên Tử Đà Lạt. Từ 1967 tới 1969 và 1972 tới 1983, ông Đoàn làm việc xây các nhà máy điện hạt nhân và khảo cứu kỹ thuật và kinh tế của các dạng năng lượng khác nhau cho các công ty Mỹ và viện khảo cứu Institute for Energy Analysis. Từ 1983 cho tới nay, ông Đoàn là chủ tịch và Tổng Giám Đốc công ty tư vấn nguyên tử và môi trường PAI Corporation. Trong quá trình đó, ông Đoàn đã làm việc tại hầu hết các trung tâm nguyên tử khắp nước Mỹ và trên 10 nhà máy điện hạt nhân tại Mỹ và Pháp.

Các bài viết của ông Đoàn được liệt vào ba loại:

A. Các bài viết kỹ thuật đi tranh thầu các dịch vụ nguyên tử và môi trường, gồm trên 200 tài liêu về các ngành sau:

• Phóng xạ và định chuẩn phóng xạ.

• Luật lệ phóng xạ và sự tuân thủ tại các trung tâm nguyên tử.

• Luật lệ an toàn kỹ nghệ và sự tuân thủ tại các trung tâm nguyên tử.

• Ảnh hưởng tới môi trường của các công trình nguyên tử và sự tuân thủ luật môi trường.

• Phá rỡ các thiết bị và công trình xây dựng thời Chiến Tranh Lạnh, và việc tuân thủ luật lệ phóng xạ, an toàn công nghệ và môi trường.

• Sử lý chất thải có nhiễm xạ và độc tố hóa học cho an toàn nhiều ngàn năm.

• Hệ thống hóa các công trình chắt lọc plutonium và uranium, cùng là việc sử dụng các chất này từ việc tháo gỡ bom nguyên tử để phụng sự hòa bình.

• Chống khủng bố và đánh cắp vật liệu và tài liệu: an toàn phòng vệ, an toàn hệ thống, an toàn nhân sự, an toàn công tác, an toàn điện toán (physical security, vulnerability security, personnel security, operations security, cyber security.)

B. Các bài viết chuyên môn về khoa học và kỹ thuật an toàn hạt nhân, gồm hơn 100 bài viết trước năm 1983, về các đề tài như sau:

• Khảo cứu tai nạn hạt nhân ghê gớm nhất có thể xẩy ra (với xác suất vô cùng nhỏ), ví như lò hạt nhân bị nổ và số lượng phóng xạ gấp ngàn lần phóng xạ của bom nguyên tử bị thất thóat ra khí quyển (ví như Chernobyl).

• Khảo cứu tai nạn Three Mile Island và các yếu tố an toàn đã được chỉnh đốn sau tai nạn đó cho mọi nhà máy điện hạt nhân.

• Khảo cứu bằng phương pháp thống kê và xác suất nhiều trăm ngàn rủi ro nhà máy điện hạt nhân có thể gây tai nạn cho công nhân và người dân và môi trường.

• Khảo cứu lò phản ứng hạt nhân hết sức an toàn.

So sánh giá thành kinh tế của điện hạt nhân với các nguồn điện khác, và khảo sát các điều kiện thực tế như vị trí trên trái đất, cơ chế hạ tầng, việc sử lý chất thải, nạn hâm nóng khí quyển, và chính sách quốc gia.

• Cách tối ưu đặt vị trí của nhà máy điện hạt nhân và ảnh hưởng tới kinh tế và đời sống của người dân.

C. Cộng tác viết sách, gồm năm quyển sách mà hai quyển đáng kể nhất với sự kiện hiện tại là:

• “Economic and Environmental Consquences of a Nuclear Power Plant Moratorium, 1978, Oak Ridge Associated Universities.” (ành hưởng kinh tế và môi trường khi có chính sách hoãn xây nhà máy điện hạt nhân), và

• “The Second Nuclear Era, 1985, Praeger Publishers, New York.” (Thời đại thứ hai của nhà máy điện hạt nhân.)

Một vài bài viết của ông Đoàn có liên quan tới điện hạt nhân tại Việt Nam như sau:

1. Giảm thiểu 15 rủi ro của nhà máy điện hạt nhân (tại Việt Nam). Bauxitevn, 10/2009; Danchu va Phat Trien, 10/2009.

2. Đừng sợ nhà máy điện hạt nhân nguy hiểm, hãy lo con cháu ta mắc nợ dài dài. Bauxitevn, 11/2009; KhoaHoc@ĐoiSong, 11/2009

3. Điện hat nhân: Bài học từ 127 nhà máy phải bỏ dở và 10 phương pháp tạo dựng việc làm cho người dân Việt Nam. Bauxitevn, 11/2009; KhoaHoc@ĐoiSong, 12/2009.

4. Điện hạt nhân sẽ đắt gấp ba, Bauxitevn, 11/2009; KhoaHoc@ĐoiSong, 11/2009, Ngày Nay, 11/2009.

5. Phung L. Doan, D.D. Lanning, and R.C. Rasmussen, 1973. “Pressurized Water Reactor Loss-of-Coolant Accidents by Hypothetical Vessel Rupture” Nuclear Safety, Vol. 14, No.4.

6. Doan L. Phung and Wm B. Cottrell, 1983. “Pressure Vessel Thermal Shock: Experience at U.S. Pressurized Water Reactors, 1963-1981”, Nuclear Safety, Vol.24, No.4.

7. J.H. Crowley, P. L. Doan and D.R. McCreath, 1974. “Underground Nuclear Plant Siting: A Technical and Safety Assessment”, Nuclear Safety, Vol 15, No. 5.

8. Doan L. Phung and William B. Cottrell, 1983. “Analyzing Precursors to Severe Thermal Shock”, Nuclear Engineering International, Vol. 28.

9. U.S. Nuclear Regulatory Commission. 1975. WASH-1400 (NUREG-75/014): Reactor Safety Study: An Assessment of Accident Risk in U.S. Commercial Nuclear Power Plants. Washington D.C. (P.L. Doan is a co-author).

10. Doan L. Phung. 1985. “Light Water Reactor Safety Before and After the Three Mile Island Accident,” Nuclear Science and Engineering, Volume 90, No.4,

11. Weinberg, Spiewak, Barkenbus, Livingston and Phung, 1985. The Second Nuclear Era: A New Start for Nuclear Power. Praeger Publishers, New York.

12. Doan L. Phung. 1984. Technical Note: “Light Water Reactor Safety After the Three Mile Island Accident,” Nuclear Safety, Vol. 25, No. 3.

13. Doan L. Phung. 1983. ORAU/IEA-83-1 (M). “Economics of Nuclear Power: Past Record, Present Trends, and Future Prospects”. Institute for Energy Analysis, Oak Ridge Associated Universities, Oak Ridge, Tennessee, USA.

DLP-8/29/10

Attachment 2

MƯỜI NĂM TỚI, KINH TẾ TƯ NHÂN VIỆT NAM VẪN ĐANG HỌC VIỆC

Tác giả: Huỳnh Phan

(Bài đã được xuất bản tháng 8, 2010 tại Tuần Viet Nam)

"Mười năm tới là giai đoạn học việc cho khu vực kinh tế tư nhân ở Việt Nam. Cũng như trong thể thao, Việt Nam không thể mới bước vào cuộc chơi Olympics mà đã nghĩ tới việc đoạt huy chương vàng được". TS Homi Kharas khuyến cáo.

Tiến sĩ Homi Kharas đến Hà Nội tuần trước để dự Hội thảo đóng ý kiến cho Dự thảo Chiến lược Phát triển Kinh tế - Xã hội giai đoạn 2011-2020, không thuần túy với tư cách chuyên gia cao cấp của Trung tâm phát triển Wolfensohn thuộc Viện Nghiên cứu Brookings (Hoa Kỳ). Ông đã từng làm chuyên gia kinh tế trưởng của Ngân hàng Thế giới phụ trách khu vực Đông Á - Thái Bình Dương hơn mười năm qua, và kể từ năm 1999 hàng năm ông đều vào Việt Nam ít nhất một lần.

Với những kinh nghiệm về Việt Nam trong tiến trình hội nhập vào nền kinh tế khu vực và toàn cầu một thập kỷ qua, TS Kharas đã có cuộc trao đổi thẳng thắn với Tuần Việt Nam về những vấn đề được nêu lên trong cuộc hội thảo góp ý cuối cùng, trước khi bản dự thảo được công bố lấy ý kiến toàn dân vào 15/9 tới.

Không còn là chuyện tranh cãi

Xin ông cho biết đánh giá chung của ông về cuộc hội thảo này, và sự khác biệt với cuộc hội thảo với mục đích tương tự cách đây 10 năm?

Tôi nghĩ việc họ đưa ra thảo luận một cách tương đối mở những vấn đề lớn của Việt Nam trong 10 năm tới là một điều tốt. Việc ông thủ tướng đến dự và chắm chú lắng nghe cả buổi sáng là điểm đáng khích lệ thứ hai. Điều đó cho thấy chính phủ coi việc đưa bản dự chiến lược này ra thảo luận rộng rãi là một câu chuyện nghiêm túc. Và điều tôi thấy thích nhất là có rất nhiều ý kiến khác nhau về cùng một vấn đề, và, như vậy, dường như đã có cách tiếp cận mới về những vấn đề chưa có sự đồng thuận. Cách đây một thập kỷ, người ta chủ yếu bàn cách làm sao có thể tận dụng những mặt tích cực của kinh tế thị trường, trong việc chuyển đổi một nền kinh tế kế hoạch tập trung. Vẫn có những câu hỏi mang tính lưỡng lự, như liệu Việt Nam có nên phát triển kinh tế thị trường.

Nhưng, đến hội thảo này, các yếu tố kinh tế thị trường đã định hình khá rõ ràng, mặc dù vẫn tồn tại một thành tố phi thị trường khá mạnh khu vực kinh tế nhà nước với những đặc quyền đặc lợi của nó. Tức là việc chuyển đổi sang sự tự do hóa thị trường, định hình các lực lượng thị trường, cũng như sự định giá theo thị trường, đang diễn ra ở Việt Nam.

Phát triển một nền kinh tế thị trường không còn là câu chuyện của sự tranh cãi.

clip_image007

TS Homi Kharas chăm chú lắng nghe các diễn giả Việt Nam trao đổi.

Tức là ông coi việc thể hiện sự bất đồng quan điểm một cách thẳng thắn và cởi mở, thậm chí gay gắt, hay hơn sự đồng thuận một cách hình thức trong im lặng?

Đúng vậy. Tranh luận luôn là một giải pháp tìm kiếm sự đồng thuận một cách lành mạnh.

Chưa đủ chín để đi tắt đón đầu về công nghệ

Tại sao ông nhấn mạnh nhiều đến các rủi ro trong tham luận của mình?

Trong hội thảo lần này, chúng tôi quan tâm tới các vấn đề thể chế trung hạn cho 10 năm tới. Chúng ta thấy rằng đó là giai đoạn của một sự thiếu ổn định và rất phức tạp, và, vì vậy, khá rủi ro. Có hai nguyên nhân toàn cầu và nguyên nhân nội tại của Việt Nam. Chính vì vậy tại sao tôi lại nhấn mạnh tới tầm quan trọng của việc dự báo các rủi ro mà Việt Nam có thể phải đối mặt, để từ đó chọn các thể chế thích hợp nhằm duy trì sự năng động cho nền kinh tế Việt Nam.

Ý ông nói, muốn vạch ra sự phát triển phù hợp nhất, Việt Nam, trước hết, phải định vị mình ở đâu trong sự phát triển của toàn cầu trong 10 năm tới?

Đúng vậy. Và một điều may mắn cho Việt Nam là những nền kinh tế ở châu Á phát triển rất mạnh mẽ, và như tôi dự đoán trong 10 nền kinh tế lớn nhất sau 10 năm tới có tới 4 thuộc về châu Á, gồm Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản và Indonesia. Điều đó tạo cơ hội cho Việt Nam phát triển theo. Và để tận dụng cơ hội đó, Việt Nam phải tiếp tục tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng khu vực, và tiếp tục thu hút những nhà đầu tư nước ngoài, hiện đang làm ăn ở Trung Quốc, Indonesia, hay Malaysia, và đang muốn tìm địa chỉ đầu tư cạnh tranh hơn về giá nhân công.

Có những ý kiến của giới chuyên gia Việt Nam cho rằng nếu phát triển theo cách truyền thống như vậy, Việt Nam sẽ không bao giờ đuổi kịp được các nước đi trước. Ông sẽ giải thích ra sao?

Tôi nghĩ trước hết Việt Nam phải tập trung xây dựng một khu vực kinh tế tư nhân mạnh. Và cách làm tốt nhất là học cách phát triển khu vực này từ các nước khác. Điều tôi hàm ý ở trên là như vậy.

Tất nhiên, khi thu hút đầu tư từ nước ngoài vào, Việt Nam buộc phải lựa chọn những công nghệ đảm bảo tính cạnh tranh trên thị trường toàn cầu. Việc này không ai làm hộ Việt Nam được.

Ông nghĩ sao về ý kiến cho rằng Việt Nam phải có cách đi tắt - đón đầu để đuổi kịp nhanh các nước khác? Ông nghĩ điều đó có quá lạc quan với hiện trạng của nền kinh tế của Việt Nam không?

Tôi cho rằng khoảng cách về công nghệ giữa Việt Nam và phần còn lại của thế giới, tất nhiên trừ những nước kém phát triển, hay đồng hạng với Việt Nam, là khá lớn. Việt Nam hoàn toàn có thể nghĩ tới bước nhảy vọt, hay như ở Việt Nam gọi là đi tắt - đón đầu. Có điều không phải vào lúc này.

Như tôi đã nói, Việt Nam nên tập trung vào việc xây dựng năng lực cạnh tranh. Cái ý đuổi kịp (catching-up) là nhanh chóng kết thúc giai đoạn học hỏi, và đủ độ chín để chuyển sang giai đoạn sáng tạo ra những sản phẩm mới cho thị trường toàn cầu. Thời cơ vẫn chưa chín muồi với Việt Nam.

Tạo bàn đạp phát triển từ chiến lược mang tầm nhìn dài hạn

Ông nghĩ Việt Nam phải chờ đợi bao nhiêu lâu để có thể chuyển sang giai đoạn sáng tạo?

Tôi nghĩ Việt Nam đặt ra mục tiêu trong thập kỷ tới là tăng gấp đôi GDP trên đầu người, và muốn đuổi kịp nhanh, Việt Nam có thể đặt mục tiêu tham vọng hơn nâng mức này lên 3000-3500 USD, tức là vượt qua ngưỡng của một quốc gia có thu nhập trung bình thấp. Cùng lúc đó, khu vực doanh nghiệp tư nhân sẽ đủ độ chín để hiểu thị trường toàn cầu và khu vực hơn. Họ có thể nghĩ ra những ý tưởng kinh doanh mới, hay sáng tạo ra những sản phẩm mới.

clip_image009

TS Kharas thảo luận bên lề với chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan.

Muốn có được bước nhảy vọt, hay đi tắt - đón đầu, về sử dụng công nghệ, trước hết Việt Nam phải có một nền tảng, hay bàn đạp vững vàng đã, và điều quan trọng là khi hoạch định chiến lược phát triển, hay đừng nghĩ thuần túy cho 10 năm tới, mà phải nghĩ xa hơn, đến 2050, với mục tiêu của từng 10 năm tiếp tục ra sao.

Ý ông nói khi xây dựng chiến lược 10 năm, Việt Nam vẫn phải có tầm nhìn tới 40 năm sau?

Đúng vậy. 10 năm tới là giai đoạn học việc cho khu vực kinh tế tư nhân ở Việt Nam. Cũng như trong thể thao, Việt Nam không thể mới bước vào cuộc chơi Olympics mà đã nghĩ tới việc đoạt huy chương vàng được. Cứ tham gia, cứ học hỏi đã, để từ đó rút ra rằng mình mạnh nhất về những môn nào, để tập trung đầu tư vào đó. Các doanh nghiệp tư nhân ở Việt Nam phải mất học phí để có những kinh nghiệm đó để rồi biết mình có thể sáng tạo ra những sản phẩm gì có khả năng cạnh tranh trên thị trường toàn cầu.

Đi tắt đón đầu trong chính sách

Nhưng, thực ra, liệu có những cơ hội cho việc đi tắt đón đầu hay không? Ông có nhìn thấy những lĩnh vực nào đó mà người Việt Nam có thể làm chuyện này?

Ở đây chúng ta đang bàn về chiến lược phát triển nói chung, và về mặt chính sách nhà nước có thể làm được điều gì nhằm phục vụ mục tiêu này. Chứ chúng ta không bàn về phát triển ngành, hay lĩnh vực. Vì vậy, việc đi tắt - đón đầu nên tập trung vào đi tắt - đón đầu trong chính sách.

Chẳng hạn, nhiều doanh nghiệp Việt Nam thiếu mặt bằng sản xuất, thiếu một hệ thống hậu cần tốt. Vậy tại sao Việt Nam không mạnh dạn thúc đẩy các đặc khu kinh tế, đặc khu thương mại, hay khu thương mại tự do? Điều này sẽ giúp các doanh nghiệp đó có thể cạnh tranh bình đẳng với các doanh nghiệp có điều kiện tiếp cận đất đai tốt hơn, cũng như các doanh nghiệp quốc tế.

Điều quan trọng là phải nghiên cứu kỹ cả những mô hình thành công, lẫn những mô hình thất bại, bởi số thất bại dường như nhiều hơn số thành công. Nhưng vấn đề ở đây không phải là chuyện làm hay không làm, mà làm thế nào. Bởi tại sao có người thành công và có người lại thất bại?

Hơn nữa, phải để các doanh nghiệp tập trung vào việc phát triển sản xuất, và chỉ hiệu quả sản xuất thôi, thay vì phải lo lắng rằng kết quả sản xuất kinh doanh, hay lợi nhuận, lại đến từ những yếu tố phi sản xuất. Muốn như vậy, chính phủ phải lo ổn định về vĩ mô, từ tỷ giá hối đoái, tỷ lệ lạm phát, đến thâm hụt tài khóa.

DNNN không làm tròn vai dẫn dắt nền kinh tế

Trong chiến lược phát triển của mình, chính phủ Việt Nam, thông qua bài phát biểu của Thủ tướng trước hội thảo, dường như có xu hướng muốn kết hợp hai mô hình phát triển của Hàn Quốc và Đài Loan. Tức là, trong khi vẫn coi khu vực kinh tế nhà nước, với nòng cốt là các tập đoàn kinh tế lớn nhà nước, đóng vai trò chủ đạo và dẫn dắt, họ cũng muốn khu vực kinh tế tư nhân, chủ yếu là các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMEs), đóng vai trò động lực. Ông nghĩ Việt Nam có thể thành công với sự kết hợp này hay không, khi nguồn lực để đầu tư lại quá hạn chế?

Còn quá sớm để đưa ra kết luận rằng mô hình nào tốt hơn cho Việt Nam. Nhưng việc theo đuổi cả hai mô hình, hay như cách anh nói là kết hợp giữa hai mô hình phát triển của Hàn Quốc và Đài Loan, là khá phức tạp. Bởi khu vực SMEs được coi là năng động và sáng tạo hơn, trong khi đó các tập đoàn kinh tế nhà nước lại có ưu thế về qui mô và quyền tiếp cận các nguồn lực của đất nước. Điều quan trọng là nền kinh tế thế giới trong 10 năm tới sẽ phát triển như thế nào? Và điều duy nhất chúng ta có thể nói tại thời điểm này là nó sẽ hoàn toàn khác so với cái chúng ta đang chứng kiến hiện nay.

Còn câu chuyện thành công của mô hình Đài Loan lại có những lý do riêng của mình.

Thứ nhất, họ có những Hoa Kiều đã rất thành công ở Mỹ và trở về đầu tư ở Đài Loan. Họ có vốn, có công nghệ, và quan trọng nhất có cửa vào thị trường Mỹ, sự đảm bảo quan trọng cho sự thành công của các nhà xuất khẩu.

Thứ hai, quan trọng hơn, những nhà điều hành nền kinh tế Đài Loan không khuyến khích lập ra các doanh nghiệp vừa và nhỏ, họ chỉ cố gắng tạo dựng một sân chơi bình đẳng giữa các doanh nghiệp với nhau. Và họ làm theo cách, đúng như kiến nghị của chuyên gia nói trên, là hạn chế tối đa các đặc quyền, đặc lợi của doanh nghiệp nhà nước. Anh cứ chơi trong sân chơi cạnh tranh bình đẳng đó, và nếu anh thành công, điều đó quá tốt. Nhưng kết quả, như chúng ta đã thấy, là sức cạnh tranh của các doanh nghiệp tư nhân ở Đài Loan tốt hơn, và họ đã lớn rất nhanh.

Một chuyên gia trẻ tuổi, người phát biểu ý kiến cuối cùng trong hội thảo, đã nói rằng cách duy nhất nhà nước có thể hỗ trợ khu vực kinh tế tư nhân, khu vực được coi là động lực của nền kinh tế, là tước bỏ mọi đặc quyền, đặc lợi của khu vực kinh tế nhà nước, nhằm đảm bảo một sân chơi cạnh tranh bình đẳng. Ông nghĩ thế nào về ý kiến này?

Theo tôi được biết, Nhà nước Việt Nam trao cho doanh nghiệp nhà nước, đặc biệt là các tập đoàn kinh tế lớn, những đặc quyền tiếp cận về vốn, đất đai và quyền kinh doanh, là do mong khu vực này đóng vai trò dẫn dắt cả thị trường, kể cả tạo ra một nền công nghiệp hỗ trợ, chứ không thuần túy hiệu quả kinh doanh của họ được thể hiện như thế nào trong nền kinh tế.

Các cuộc thảo luận về công nghiệp hỗ trợ trong hội thảo khá thú vị và sôi nổi. Điều đó chứng tỏ kỳ vọng của xã hội về vai trò dẫn dắt thị trường của khu vực kinh tế nhà nước cho đến nay đã không được đáp ứng. Và đó là lý do vì sao người ta lại phản ứng gay gắt về những đặc quyền, đặc lợi dành cho khu vực này đến như vậy.

Trường hợp Vinashin là một ví dụ điển hình của sự thất bại về vai trò dẫn dắt thị trường. Thay vì tập hợp các doanh nghiệp khác để cùng phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ cho ngành đóng tàu, tập đoàn này lại lập ra những công ty con của mình, và sự đầu tư tràn lan, trong khi thiếu cả vốn lẫn kinh nghiệm, đã khiến họ suýt phá sản.

Khuyến khích cạnh tranh thay vì hợp lý hóa chủ trương

Nhưng chúng ta cũng có một ví dụ thành công khác về vai trò của các tập đoàn kinh tế lớn. Chẳng hạn, Việt Nam có thể phát triển hạ tầng viễn thông, nhất là Internet, nhanh đến vậy, là do có sự tập trung đầu tư của các tập đoàn lớn. Chứ để mấy doanh nghiệp vừa nhỏ làm thì lâu lắm.

Nhưng đó không phải câu chuyện thành công riêng của Tập đoàn Viễn thông (VNPT), bởi trong sân chơi này chúng ta có ít nhất hai đối thủ cạnh tranh (VNPT và Vietel). Và mặc dù, về cơ bản, họ đều là doanh nghiệp nhà nước, điều đó có lợi cho nền viễn thông Việt Nam, và người tiêu dùng Việt Nam. Ông nghĩ sao về những lĩnh vực khác, khi chỉ có một người chơi?

Ít nhất, từ những câu chuyện chúng ta đã đề cập ở Việt Nam, có thể một lần nữa khẳng định rằng cạnh tranh luôn là động lực mạnh mẽ cho phát triển. Và chính sách của chính phủ là phải khuyến khích cạnh tranh, thay vì hợp lý hóa trong chủ trương bằng cách phân công doanh nghiệp này phải làm cái này, doanh nghiệp kia phải làm cái kia. Hãy để cho họ cạnh tranh với nhau, và họ tự biết cách phải tự chống chọi để tồn tại và phát triển như thế nào.

Việt Nam đang nỗ lực yêu cầu các đối tác chính trong Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) như Hoa Kỳ, hoặc Liên minh châu Âu (EU), sớm công nhận thể chế kinh tế thị trường cho Việt Nam. Ít nhất là để tránh các vụ kiện chống phá giá, hoặc giảm bớt thiệt hại, và qua đó thúc đẩy sản xuất - xuất khẩu. Nhưng với việc vẫn duy trì ưu đãi với khu vực kinh tế nhà nước như hiện nay, khiến thị trường cạnh tranh bị méo mó, liệu Việt Nam có đang đi ngược lại với nỗ lực trên?

Đúng, đây chính là vấn đề lớn, và chính là lý do Việt Nam đã gia nhập WTO với tư cách một nền kinh tế phi thị trường. Cùng với ưu đãi khác nhau của nhà nước đối với khu vực kinh tế nhà nước là cơ chế quản lý tỷ giá hối đoái, hay cơ chế quản lý giá...

Tôi nghĩ Việt Nam nên tiếp tục con đường đã chọn là chuyển sang một nền kinh tế thị trường, để hội nhập quốc tế nhanh vì mục tiêu phát triển.

Xin cám ơn ông.

Attachment 3

ĐẠI SỨ NHẬT BỊ SỐC VÌ CÔNG NGHIỆP PHỤ TRỢ VIỆT NAM

Cập nhật lúc 13:27, Thứ Ba, 03/03/2009 (GMT+7)

Ngành công nghiệp phụ trợ của VN chỉ cung cấp được thùng các-tông, thậm chí chưa thể sản xuất vỏ chai rượu đủ chất lượng, tỉ lệ nội địa hóa thực chất rất thấp... khiến Đại sứ Nhật Bản Mitsuo Sakaba phải thốt lên "tôi bị sốc", tại Diễn đàn kinh tế Việt - Nhật lần 3 diễn ra sáng 3/3 ở Hà Nội. Ông cảnh báo: Thời gian để tranh đấu nỗ lực vì sinh mệnh của nền công nghiệp VN không còn nhiều nữa.

clip_image012

Đại sứ Nhật Bản Mitsuo Sakaba: "Thời gian không còn nhiều để chúng ta tranh đấu nỗ lực vì sinh mệnh của nền công nghiệp VN". Cuối tháng 2 năm ngoái, khi đi thị sát một số doanh nghiệp Nhật Bản tiêu biểu, Đại sứ Mitsuo Sakaba nhận ra rằng VN vẫn phải nhập từ Nhật Bản và các nước Đông Nam Á lân cận nhiều loại

phụ tùng, linh kiện. 

"Tôi đã rất ngạc nhiên khi được biết VN chỉ cung cấp được thùng các-tông và tôi đã bị sốc khi nghe nói rằng, các doanh nghiệp sản xuất rượu của Nhật Bản còn phải nhập khẩu đến cả chai rượu".

Đại sứ dẫn ví dụ nếu độ dày của chai thủy tinh không đều sẽ ảnh hưởng đến lượng rượu chứa trong nó. Phối màu của chai thủy tinh không đều thì ngoại quan của chai sẽ không đẹp.

"Thật đáng tiếc, ở VN chưa có nhà sản xuất thủy tinh nào có thể sản xuất và cung ứng sản phẩm chai rượu có thể đáp ứng được tiêu chuẩn yêu cầu của phía nhà sản xuất rượu".

Thâm nhập thực tế, ông Đại sứ khẳng định, ngay cả những phụ tùng linh kiện mua trong nước có nguyên vật liệu và phụ tùng nhỏ phải nhập khẩu, nên về thực chất tỉ lệ "nội địa hóa" còn thấp hơn thế.

"Chưa đủ tin cậy"

Cho rằng ngành công nghiệp phụ trợ của VN chưa đủ tin cậy, Đại sứ Nhật Bản khuyến cáo với các bộ, ngành VN có liên quan rằng vận mệnh của công nghiệp VN sẽ ảnh hưởng đến tương lai phát triển kinh tế của đất nước. Đồng thời, vấn đề này không đơn giản chỉ ảnh hưởng đến quan hệ đầu tư thương mại và chính sách ODA trong tương lai giữa Nhật Bản và VN, mà còn ảnh hưởng đến địa vị chính trị của VN ở Đông Nam Á. 

Lần đầu tiên sau những "dư chấn" của vụ ODA Nhật, một đoàn doanh nghiệp đông đảo vùng Kansai, Nhật Bản đang có mặt tại VN tìm hiểu môi trường kinh doanh. Tham dự Diễn đàn kinh tế Nhật - Việt sáng 3/3 có đại diện của 350 doanh nghiệp hai nước.

Đã từng có làn sóng đầu tư của Nhật đổ vào VN, nhiều dự án đầu tư lớn do Nhật bỏ vốn đang được triển khai nhưng nhiều nhà đầu tư Nhật Bản vẫn kêu gọi VN tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.

"Có vẻ quý vị đều cho rằng "thật là phóng đại", nhưng tôi nghĩ vấn đề này có tầm quan trọng như vậy đấy", Đại sứ Sakaba phát biểu tại Diễn đàn.

Đại sứ Nhật cũng cho biết, khoảng tháng 6 năm ngoái, một lãnh đạo của Chính phủ VN từng nói với ông: "Chính phủ VN đã có quy hoạch tổng thể phát triển công nghiệp phụ trợ".

Sau đó, Đại sứ đã nhanh chóng tìm hiểu thì đúng là vào tháng 7/2007 đã có văn bản tổng hợp mà Bộ Công thương là cơ quan chủ trì. Theo nhận định của ông, đó là một quy hoạch có nhiều điều hay, thể hiện những phương hướng, chủ trương đúng đắn. Nhưng đến giờ vẫn chưa có kế hoạch hành động cụ thể nói rõ khi nào, ai, làm cái gì và như thế nào.

"Chính vì thế mà quy hoạch tổng thể của rất nhiều nỗ lực cũng không được vận dụng đầy đủ và chưa thực sự được triển khai. Tôi có ấn tượng về tổng thể nhưng về chi tiết thì chưa có".

Lợi thế lao động rẻ sẽ giảm

Cho đến nay, chi phí lao động giá rẻ vẫn là điểm hấp dẫn lớn của việc đầu tư vào VN. Tuy nhiên, Đại sứ Nhật Bản nhận định năng lực cạnh tranh quốc tế nhờ vào giá rẻ sẽ giảm dần đi. Con đường tiếp cận của doanh nghiệp quốc tế vào thị trường VN đang dần dần trở nên dễ dàng hơn do VN đã gia nhập WTO và các hiệp định FTA/EPA đã có hiệu lực.

"Nếu không sản xuất được sản phẩm chất lượng cao, rẻ, phù hợp nhu cầu, thì không thể tránh được việc bị loại bỏ khỏi thương trường".

Ông Đại sứ nêu giả thiết nếu doanh nghiệp đa quốc gia có nhiều cơ sở sản xuất ở Đông Nam Á và phát triển chiến lược kinh doanh mang tính toàn cầu thì có thể từ bỏ sản xuất ở VN và chuyển sang hướng nhập sản phẩm đã sản xuất ở các nước lân cận. Tuy nhiên, nền công nghiệp nội địa của VN sẽ không đơn giản như vậy. Quá trình tự do hóa dựa vào FTA trong khu vực ASEAN và FTA giữa Trung Quốc và ASEAN đã bắt đầu.

"Thời gian không còn nhiều để chúng ta tranh đấu nỗ lực vì sinh mệnh của nền công nghiệp VN".

Xuân Linh

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn