Trung Quốc: "Cứ như trong Địa Ngục"

Wieland Wagner

Phan Ba dịch từ Der Spiegel 12/2012

clip_image002

 

Tự thiêu ở Đạo Phu trong tháng 11 năm 2011. Ảnh: Der Spiegel

 

Hơn chục người Tây Tạng đã tự thiêu trong những tháng vừa qua – một phản kháng tuyệt vọng chống lại sự đàn áp dân tộc họ. Nhà nước phản ứng cứng rắn không khoan nhượng.

Tiếng tụng kinh đều đều của các nhà sư Tây Tạng, có tiếng trống kèm theo, xuyên qua các vết nứt của căn nhà nhỏ bằng đất sét. Ở bên trong, cha mẹ của Tsering Kyi đã bày bơ, bánh và trà sữa lên bàn cho các nhà sư, trên tường có treo một tấm chân dung to của Đạt lại Lạt ma. "Con gái tôi rất tôn kính Ngài", người cha nói. Đau buồn sâu sắc pha trộn với tự hào thách thức trong giọng nói của ông ấy.

Đấy không phải là một tang lễ bình thường, cái mà họ đang cử hành ở đây – dưới chân của một tu viện trên cao nguyên Tây Tạng trong tỉnh Cam Túc. Vì Tsering Kyi, người phụ nữ trẻ tuổi vẫn còn đi học, đã tưới xăng lên người ở một chợ rau quả trong huyện lỵ Mã Khúc vào đầu tháng 3 và đã tự thiêu. Cô ấy hai mươi tuổi. Tsering Kyi thuộc trong số ít nhất là 27 người Tây Tạng đã tự thiêu từ tháng 3 năm 2011 để phản đối sự đàn áp của Trung Quốc, 18 người trong số đó đã chết. "Cuộc sống không còn có ý nghĩa gì cả, nếu như chúng ta không làm gì cho Tây Tạng", người ta cho rằng cô ấy đã nói như thế trong gia đình.

Làn sóng tự sát lại khiến cho người ta nhìn đến vùng cao nguyên cạnh dãy núi Himalaja. Người biểu tình lại bị cảnh sát bắn chết – cuộc nổi dậy quanh Tây Tạng vẫn tiếp tục. Nó đe dọa sự ổn định của một vùng đất trải qua các tỉnh Cam Túc, Tứ Xuyên, Thanh Hải và Vân Nam ở phía Tây của Trung Quốc, gần 3,5 triệu người Tây Tạng sống ở trong đó. Tức nhiều hơn vùng trung tâm của Tây Tạng khoảng 500.000 người, vùng mà năm 1950 Trung Quốc đã "giải phóng" bằng quân sự và sau đấy đã sáp nhập như là "vùng tự trị".

Vào ngày 10 tháng 3, nhà sư 18 tuổi Gepey tự thiêu ở A Bá, ông ấy tự đốt mình ở phía sau một trại lính Trung Quốc. Giới người Tây Tạng lưu vong nói rằng qua đó mà ông ấy muốn nhắc nhở đến lần nổi dậy bất thành của người Tây Tạng năm 1959. A Bá, một nơi tu hành trong tỉnh Tứ Xuyên, là trung tâm của phong trào phản kháng chống Trung Quốc. Hiện giờ, quyền lực nhà nước đang dùng một lực lượng an ninh lớn để cô lập vùng này với thế giới bên ngoài.

Và ở Đồng Nhân, trong tỉnh Thanh Hải, nhà sư Jamyang Palden đã tự thiêu vào thứ Tư tuần vừa rồi, ông ấy được cứu thoát trong giây phút cuối cùng. Các hành động tuyệt vọng của người Tây Tạng đã phủ bóng tối lên hội nghị của Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc, Quốc Hội hình thức của Trung Quốc, cái đã họp cho tới giữa tuần rồi ở Bắc Kinh. Thật ra thì nghi thức hàng năm trong Đại lễ đường Nhân dân này cần phải khởi đầu cho lần thay đổi lãnh đạo ở vị trí đứng đầu nhà nước và Đảng: trong mùa Thu, Tổng Bí thư Đảng Hồ Cẩm Đào sẽ được thay thế bởi Phó Chủ tịch nước Tập Cận Bình, Tập cũng sẽ kế nhiệm ông ấy trở thành lãnh tụ quốc gia trong mùa Xuân 2013. Chúng tôi kiểm soát được mọi việc – đó là thông điệp ở phía sau màn kịch đấy.

Tình trạng không yên ổn kéo dài trong các vùng đất có người Tây Tạng sinh sống không phù hợp vào trong đó. Nó khiến cho thế giới nhớ rằng cường quốc thế giới đang trỗi dậy này có vấn đề với quốc gia đa sắc tộc của nó, những vấn đề mà nó không có khả năng giải quyết: thay vì nghiêm chỉnh xem xét những nỗi lo âu của người Tây Tạng, nhà cầm quyền Cộng sản lại dựa trên bạo lực và tạo ra thêm sự căm thù mới.

Kể từ lúc cô học sinh Tsering tự tử, sợ hãi thống trị trong Mã Khúc và vùng phụ cận càng nhiều hơn thường lệ. Lực lượng an ninh Trung Quốc tuần hành qua thành phố; ai bị bắt quả tang đang đi trên đường phố vào lúc quá nửa đêm đều có thể bị đánh đập hay bị bắt giam.

Cả cha mẹ của Tsering cũng sợ cảnh sát. Cơ quan nhà nước còn giữ lại cả xác chết của con gái họ – họ chỉ muốn trao ra khi gia đình ký tên tuyên bố rằng Tsering không tự tử vì những động cơ chính trị.

Cơ quan thông tấn chính thức Tân Hoa Xã quả quyết rằng lần tự thiêu này là hành động của một người điên: cô gái người Tây Tạng đó đã đập đầu vào lò sưởi ở trong trường, kể từ lúc đấy cô ấy "thỉnh thoảng ngất xỉu".

"Tsering là một thiếu nữ hoàn toàn bình thường và là một học sinh tốt, cháu là người tôi thương yêu nhất", người cha nói. Cũng như nhiều người cùng sắc tộc, ông ấy chỉ nói tiếng Tây Tạng, không nói tiếng Trung. Ông tháo ảnh được cuộn lại trong một cái khăn lụa trắng ra, những tấm ảnh chụp người con gái của ông như một đứa bé được chăm sóc chu đáo. "Con tôi không có lý do cá nhân gì để mà tự tử cả". Người cha không muốn nói nhiều hơn, ông ấy sợ quyền lực nhà nước.

Lúc thi hành nhiệm vụ trong vùng đất đồng cỏ bao la của Tây Tạng, các lực lượng an ninh đối xử như một thế lực chiếm đóng. Tuần vừa rồi, họ đã tăng cường kiểm soát, vì ngày 14 tháng 3 cũng là ngày kỷ niệm những cuộc bạo động đã bùng phát ở thủ đô Tây Tạng Lhasa trong năm Thế Vận Hội 2008.

"Từ năm 2008, chúng tôi sống cứ như trong Địa Ngục", một người Tây Tạng trẻ tuổi nói trong thành phố Langmusi nằm ở ranh giới giữa Cam Túc và Tứ Xuyên. Từ trên ô tô, anh ấy chỉ vào một con đường dẫn đến tu viện: ở đấy đang có những người hành hương nằm quỳ lạy trên mặt đất theo phong tục Tây Tạng. Một đội an ninh mặc đồng phục đen với khiên và nón trông rất đáng sợ đang bước đều bước đi ngang qua.

Các cuộc bạo động trước đây bốn năm bắt đầu với việc các nhà sư Tây Tạng đã phóng hỏa đốt cửa hàng người Trung Quốc. "Sau đấy, cảnh sát đã lục soát trong nhà của chúng tôi để tìm ảnh của Đức Đạt lai Lạt ma", người đàn ông thuật lại. Tuyên truyền Trung Quốc đã nguyền rủa vị nguyên thủ của những người Tây Tạng đang sống lưu vong ở Ấn Độ là "con sói trong chiếc áo thầy tu" – thủ lĩnh băng đảng của những người muốn ly khai.

Người Tây Tạng trẻ tuổi trong Langmusi đó mặc trang phục Phương Tây và lái một chiếc ô tô Trung Quốc còn mới. Anh ấy sống tốt hơn là những người Tây Tạng đi chăn súc vật, sưởi ấm nhà của mình bằng phân bò Tây Tạng và tốt lắm là chạy xe gắn máy.

Bắc Kinh cố nâng mức sống của vùng đất quanh Tây Tạng lên, lôi kéo khách du lịch và bơm tiền nhà nước vào các thành phố. Nhưng không vì vậy mà vùng này được bình yên. Vì cùng với sự thịnh vượng, giới trẻ Tây Tạng lại càng muốn bảo tồn nét đặc sắc về văn hóa và tín ngưỡng của họ. "Chúng tôi muốn có nhà nước riêng của chúng tôi", một người nói.

Đó là những giọng nói mà đã lâu rồi người ta không còn nghe thấy từ những người Tây Tạng yêu hòa bình sống theo đạo Phật này. Không phải là Đức Đạt lại Lạt ma đã quả quyết không biết mệt rằng ông ấy không đòi hỏi một nền độc lập cho Tây tạng, mà chỉ là sự tự trị trong các sự việc về tôn giáo và văn hóa thôi sao?

 

clip_image004

 

Tập Cận Bình lúc đến Lâm Chi trong tháng 7 năm 2011. Ảnh: Der Spiegel

Bắc Kinh cũng gán cho ông không biết mệt điều ngược lại: chính phủ lưu vong muốn "tách rời Tây Tạng và những vùng đất có người Tây Tạng sinh sống ra khỏi Trung Quốc", Thủ tướng Ôn Gia Bào mới khẳng định vào thứ tư tuần vừa rồi. "Chúng tôi có một lập trường dứt khoát về việc này."

Tuy vậy, một ngày nào đó giới lãnh đạo ĐCS Trung Quốc có thể sẽ hối tiếc rằng họ đã khước từ lời mời đối thoại của Đức Đạt lai già nua – trong thời mà người này còn có uy quyền. Trong năm vừa qua, ông ấy đã giao việc lãnh đạo chính trị người Tây Tạng lưu vong lại cho Lobsang Sangay, một luật sư có bằng tiến sĩ ở Havard. Kể từ lúc đấy, ông tự giới hạn mình ở vai trò của một lãnh tụ tôn giáo.

Người Tây Tạng trẻ tuổi hầu như không còn sẵn sàng đi theo đường lối mềm mỏng của Đức Đạt lai Lạt ma nữa. "Ông ấy đã sống quá lâu và quá tiện nghi ở nước ngoài rồi", người Tây Tạng trẻ tuổi ở Langmusi nói, "làm sao mà ông ấy có thể hiểu được sự đau khổ của chúng tôi?" Phần lớn ở đây chưa từng bao giờ nghe về Lobsang Sangay. Tuy gần như nhà nào ở trên vùng đất đồng cỏ này cũng có một chảo vệ tinh, nhưng chương trình truyền hình lại bị kiểm duyệt.

Nhà cầm quyền Cộng sản Trung Quốc bây giờ cố gắng cô lập các tu viện Tây Tạng, cả trong trung tâm chống đối A Bá. Người ta cho rằng ba phần tư của trước đây là 2500 nhà sư đã rời bỏ tu viện dưới áp lực của cảnh sát.

"Chúng tôi rất cảm thông với tình trạng của các huynh đệ chúng tôi ở A Bá", một nhà sư có địa vị cao trong tu viện Labrang ở Hạ Hà trong tỉnh Cam Túc nói. Phòng của ông được trang bị một máy truyền hình màn mỏng to, và một cái lò sưởi cung cấp hơi ấm dễ chịu. Nhưng dù vậy, nhà sư vẫn bứt rứt trượt qua lại trên chiếc gối của mình, phải cần đến một người trung gian thuyết phục ông ấy mới đồng ý tiếp SPIEGEL. Trong tu viện có "tai mắt ở khắp nơi", ông ấy nói.

Trước đây bốn năm, Hạ Hà là một trong những điểm bất an ở Tây Tạng, lúc đấy các nhà sư đã tấn công đồn cảnh sát địa phương, họ yêu cầu tự do cho tôn giáo của họ. Chỉ sau khi bắt giam những người cầm đầu, chính quyền Trung Quốc mới tái kiểm soát được thành phố Tây Tạng này. Cảnh sát thường xuyên kiểm tra tu viện, nhà sư tường thuật lại, "vì thế mà ông không thấy ảnh của Đức Đạt lai Lạt ma ở chỗ tôi". Người ta không được phép liều lĩnh làm bất cứ điều gì: "Chỉ cần một người trong số 3000 nhà sư của chúng tôi phản đối thôi, người Trung Quốc sẽ đóng cửa Labrang, rồi thì một trong những thánh địa Tây Tạng quan trọng nhất sẽ chết đi."

Chính quyền Trung Quốc thích nhất là để cho Labrang hoạt động như một Disneyland Phật giáo – cho những người khách du lịch như những người đang chụp ảnh các nhà sư đang tụng niệm ở ngoài kia. Bắc Kinh giới hạn nghiêm ngặt thế hệ trẻ nối tiếp. Hàng năm, nhà sư nói, Labrang chỉ còn được phép nhận 20 người mới.

Người tu hành này không trông chờ đợi một sự cải thiện nào từ người lãnh đạo Đảng và nhà nước tương lai Tập Cận Bình. Vì trong năm vừa qua, Tập đã yêu cầu ở Lhasa là phải "đập tan mỗi một cố gắng gây bất an trong Tây Tạng". Đảng Cộng sản với yêu cầu nắm giữ quyền lực tuyệt đối của nó và người Tây Tạng với đạo Phật của họ – "điều đấy đơn giản là không phù hợp với nhau", nhà sư nói.

W. W.

Dịch giả gửi trực tiếp cho BVN.

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn