Những bất ổn trong ngành than

Nhân Khánh, thông tín viên RFA

Phần 1

clip_image001  

Hình chụp mỏ than ở phía Bắc tỉnh Quảng Ninh ngày 28 tháng 10 năm 2007. AFP PHOTO/Hoang Dinh Nam

 

Ngành than là một trong những ngành cung cấp nguyên liệu chính trong lãnh vực năng lượng ở Việt Nam. Hoàn cảnh làm việc của thợ lò và tình hình tai nạn lao động của ngành than hiện nay như thế nào?

Thông tín viên Nhân Khánh có bài tường trình như sau:

Nặng nhọc, độc hại, vất vả

Than hiện nay phần lớn vẫn được khai thác theo phương pháp thủ công truyền thống, kể cả trong các khâu: khoan, nổ, đào, chống, xúc... Có 2 hình thức khai thác, khai thác than lộ thiên và khai thác hầm lò. Cực nhất có lẽ là thợ lò. Làm việc trong đường hầm rất nóng, dưới lò đi lên, thường ai nấy quần áo ướt sũng mồ hôi. Cụ thể như điều kiện lao động của thợ lò thuộc mỏ Mạo Khê ở Đông Triều, Quảng Ninh; ông Đỗ Quang Thu, Chủ tịch Công đoàn công ty này, cho chúng tôi biết rằng:

“Ở công ty chúng tôi làm, hiện nay ở độ sâu so với mực nước biển là 150 m. Đi xuống giếng rồi, thì lại phải xuống sân ga ở cái mức so với mặt nước biển 100 m. Phải đi bộ vào 6 cây số nữa, ở dưới đường ngầm. Rồi đến cái vị trí sản xuất. Chúng tôi hiện nay là đương làm ở mức sâu như thế. Làm 3 mức: mức -25, mức -80 và mức -150. Có chỗ là chúng tôi có dùng xe thông moong chở vào, có chỗ chưa có phương tiện xe thông moong thì công nhân phải đi bộ”.

Trong không gian làm việc chật chội, những công nhân mỏ thay nhau 3 ca một ngày. Người lao động phải trực tiếp khuân vác những chiếc cột thủy lực, xà chống rất nặng trong điều kiện tối tăm, trơn trượt.

Số vụ tai nạn lao động và số người thiệt mạng trong ngành than từng chiếm vị trí đầu bảng trong tổng số người chết do tai nạn lao động trong cả nước. Nhận xét về nghề thợ mỏ, ông Đỗ Quang Thu cho biết:

Nó là một cái nghề nặng nhọc, độc hại, vất vả. Bản chất của công việc không thể nào khác được.

Ô. Đỗ Quang Thu

“Nó là một cái nghề nặng nhọc, độc hại, vất vả. Bản chất của công việc không thể nào khác được. Chúng tôi hiện nay nhập các thiết bị của từ Ucraina, của Ba Lan về. Nó cũng không thể cải thiện, nó vẫn quanh đi quẩn lại, cái nghề khai thác mỏ cũng chỉ có thế thôi. Không phải là nhà nước hay công ty không cải thiện điều kiện làm việc, không cải thiện điều kiện công nghệ. Vẫn là các thiết bị hiện đại ở Trung Quốc đưa về. Thế nhưng vì cái nghề làm thợ mỏ là vẫn phải cái nghề là lao động bằng cơ bắp”.

Khi nguồn than lộ thiên ngày một cạn kiệt, xu hướng chuyển dần xuống khai thác dưới các hầm lò sâu là tất yếu. Việc đưa khoa học công nghệ hiện đại vào khai thác than hầm lò cần những nỗ lực ứng dụng mạnh mẽ hơn.

Tính trong 10 năm gần đây, có gần 3 trăm công nhân khai thác lò thiệt mạng. Nếu như trong năm 2011, tai nạn lao động của ngành than có suy giảm thì từ Tết Nguyên Đán tới nay, tình hình đang diễn biến xấu đi. Cụ thể riêng trên địa bàn Quảng Ninh, đã xảy ra 6 vụ tai nạn lao động, khiến 6 công nhân ngành than thiệt mạng. Trong thực tế, thợ lò chỉ thực sự an toàn, sau khi họ đặt chân lên mặt đất. Về vấn đề này, một viên chức không muốn nêu tên ở Phòng Chính sách thuộc Cục An toàn Lao động có ý kiến rằng:

“Ngành than ở Việt Nam thì chủ yếu tập trung ở Quảng Ninh. Tỷ lệ tai nạn của ngành than là một trong những ngành có nguy cơ cao về tai nạn lao động. Nhưng mà theo tỷ suất, tức là số vụ tai nạn với số người chết trên một triệu tấn than khai thác ra thì Việt Nam so với các nước trên thế giới không phải là cao. Có thể so với ngay cạnh như là Trung Quốc, ta không phải là cao so với họ; chúng ta thấp hơn.

Diễn biến về ngành than, trong năm vừa rồi thì không có những vụ nghiêm trọng như những năm trước".

Cục trưởng Cục An toàn Lao động Hà Tất Thắng cũng từng phát biểu về trường hợp nhiều doanh nghiệp không báo cáo tai nạn lao động theo quy định, nên công tác thống kê gặp khó nhiều khó khăn. Trừ những vụ việc gây chết người, đa phần bị chìm trong im lặng. Chẳng hạn vào giữa tháng trước, vụ hơn 50 công nhân của Xí nghiệp than Cẩm Thành, bị ngạt khí phải nhập viện cấp cứu, đến nay chưa thấy công bố nguyên nhân.

Tuổi nghề người thợ lò ngắn, tối đa trong nghề cũng chỉ chừng 15 năm xuống lò là phải chuyển công việc khác. Vì vậy, so với mặt bằng chung, lương thợ lò mỏ than không thấp. Ông Đỗ Quang Thu cho biết cụ thể là:

“Lương thợ lò, người cao người thấp. Người nào cao nhất thì hơn chục triệu, người nào thấp thì cũng là 6, 7 triệu. Là tổng thu nhập tất cả các khoản; tiền lương, tiền thưởng, tiền nọ tiền kia. Tháng là phải 26 ngày đấy”.

Nan giải bài toán nhân lực

clip_image002

Các công nhân đang di chuyển than trên một chiếc thuyền cập bến tại Sông Cầu ở Bắc Ninh. AFP photo

Những khoản lương có vẻ hậu hĩnh kia đôi khi không đảm bảo được cuộc sống của người lao động trong ngành này. Vì điều kiện làm việc thường xuyên bụi bặm, thiếu khí thở trong lò sâu khiến số người mắc bệnh bụi phổi silic, bụi phổi than chiếm đa số các loại bệnh nghề nghiệp tại Việt Nam. Do đó về tình hình tuyển dụng thợ lò, Chủ tịch Công đoàn mỏ than Mạo Khê cho biết:

“Tuyển thợ lò khó lắm, nó rất khó. Với lý do là bây giờ cuộc sống của người dân Việt Nam cũng khá lên rồi. Thứ hai là làm cái nghề thợ mỏ vất vả, cái độ rủi ro cao. Nhưng vì nền kinh tế của quốc dân, ta vẫn phải tiếp tục sản xuất than. Cho nên phải động viên công nhân, cho nên toàn ngành than hiện nay là riêng tuyển thợ lò cũng rất là, hơi hơi khó”.

Chính vì vậy, việc tuyển thợ lò đáp ứng đủ các yêu cầu đã trở thành một nỗi lo thường trực với các công ty than. Thậm chí, có nơi phải hạ mức chuẩn mới tuyển được người. Còn vài năm nữa, toàn bộ công nhân khai thác sẽ xuống các hầm lò sâu. Bài toán nhân lực và chuyển dịch lao động quả là nan giải đối với ngành than.

Với hoàn cảnh làm việc của lực lượng lao động chủ lực như vậy, quả là hoạt động của ngành than Việt Nam khó có nhiều lạc quan. Những ảnh hưởng đến môi trường trong hiện tại và tương lai của ngành than sẽ ra sao, một khi kế hoạch phát triển gắn liền với trữ lượng của bể than đồng bằng sông Hồng? Đây là nội dung sẽ được gửi đến quí thính giả trong phần trình bày tiếp theo.

Phần 2

Trong quá trình hoạt động, ngành than và môi trường có những tác động đến nhau rất lớn.

clip_image003

Trụ sở công ty Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam tại Hà Nội. RFA photo

Vấn đề hoàn thổ trong ngành than đã được giải quyết như thế nào trong thực tế? Lượng tài nguyên của bể than đồng bằng sông Hồng đóng vai trò gì trong tương lai?

Thông tín viên Nhân Khánh có bài tường trình như sau:

Thách thức công tác hoàn thổ

Căn cứ vào sản lượng khai thác hàng chục triệu tấn than mỗi năm, Tập đoàn Than thải ra hàng trăm triệu tấn chất thải rắn. Việc hoàn thổ sau khi khai thác hoàn tất là trách nhiệm với cộng đồng. Tuy nhiên, ngay từ cách nhìn nhận sự việc, đây là một vấn đề không đơn giản. Theo như ý kiến của ông Hoàng Việt Dũng, Chi cục Trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường Quảng Ninh, cho biết:

“Thực ra việc hoàn thổ là không thực hiện được. Hoàn thổ là cái từ của Việt Nam, tức là anh phải trả lại đúng như cái vị trí và cái độ cao như thế, thì không thể thực hiện được.

Mà bây giờ theo pháp luật Việt Nam quy định, đấy nó gọi là cải tạo phục hồi môi trường, theo Quyết định 71 của Thủ tướng Chính phủ”.

clip_image004

Hình chụp mỏ than ở phía Bắc tỉnh Quảng Ninh ngày 28 tháng 10 năm 2007. AFP PHOTO/Hoang Dinh Nam

Tự thân các thuật ngữ không thể khắc phục được sự tổn hại về môi trường, mà cần phải có các hoạt động cụ thể. Về cách thức trồng cây trên các bãi thải, ông Dũng cho biết rằng:

“Có những nơi chúng tôi trồng cây lần thứ 4, thứ 5 và đổi 5 loại cây thì nó mới sống được. Ví dụ ở bãi thải Nam Đèo Nai như anh nói, từ thời Pháp để lại, chúng tôi phải trồng cây đến 5 lần.

Thực ra thì đất bãi thải đó, mà nếu muốn trồng được cây thì chúng tôi phải làm như thế này. Người ta đào những cái hố ra, người ta đổ những cái đất gọi là đất thịt nhẹ. Tức là đất ở đây là đất sét thịt nhẹ rất là nhiều. Chớ còn nếu như không, mà trồng lên đấy thì có lẽ là không sống được”.

Đất đá đổ thải thường nghèo kiệt dinh dưỡng, lại đa phần bị nhiễm a xit. Những cây trồng hoàn nguyên môi trường ở đây có phát triển được hay không là một đáp án thuộc về tương lai. Công tác xử lý lượng đất đá thải này là thách thức không nhỏ. Theo ông Hoàng Việt Dũng, tình hình cải tạo môi trường ở Quảng  Ninh như sau:

Có những nơi chúng tôi trồng cây lần thứ 4, thứ 5 và đổi 5 loại cây thì nó mới sống được.

Ô. Hoàng Việt Dũng

“Hiện nay là theo quy định, những nơi nào đã kết thúc đổ thải, tức là không đổ thải nữa thì là tiến hành cải tạo phục hồi môi trường. Tỉnh Quảng Ninh cũng đã tiến hành một số vị trí, địa điểm. Chỗ nào đã kết thúc đổ thải, chúng tôi đã triển khai xanh xong hết rồi. Còn những chỗ năng đổ thải thôi”.

Tuy nhiên, những đánh giá việc khắc phục hoàn nguyên môi trường khai thác than khó có thể chính xác nếu căn cứ trong ngắn hạn. Theo như ông Lê Minh Chuẩn, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Than từng phát biểu, phải 40 đến 50 năm sau mới có kết quả cụ thể. Trong thực tế đã xảy ra trường hợp, nhiều tỷ đồng được bỏ ra, song cây chỉ sống lay lắt được vài năm rồi tàn lụi.

Do đó những thực tế về công tác hoàn nguyên môi trường tại những bãi thải của ngành than cần được thường xuyên cập nhật trước công luận. Vì Tập đoàn Than - Khoáng sản cũng chính là đơn vị triển khai 2 dự án khai thác bô xit ở Nhân Cơ và Tân Rai vùng Tây Nguyên. Những quan ngại lớn về vấn đề môi trường chẳng phải là không có cơ sở, khi các bãi thải than rộng mênh mông và hoang vu vùng Đông Bắc vẫn đang đập vào mắt dư luận.

Bài toán năng lượng bất ổn

clip_image002[1]

Các công nhân đang di chuyển than trên một chiếc thuyền cập bến tại Sông Cầu ở Bắc Ninh. AFP photo

Bên cạnh công tác hoàn nguyên môi trường, giải quyết nhu cầu than tăng rất nhanh trong thời gian tới cũng là một vấn đề nổi cộm không kém của ngành than. Để giải quyết bài toán năng lượng, Tập đoàn Than – Khoáng sản đặt nhiều hy vọng vào bể than đồng bằng sông Hồng, với trữ lượng dự báo đến 210 tỷ tấn, gấp 20 lần lượng than Quảng Ninh. Thính giả Đài Á Châu Tự Do có thể nghe ý kiến của một nhà khoa học liên quan ngành than không muốn nêu tên, phát biểu về số liệu dự báo này, như sau:

“Nhưng mà đấy không là trữ lượng, đấy chỉ là phỏng đoán của các nhà địa chất cách đây mấy chục năm thôi. Không phải trữ lượng đâu, không phải reserves đâu, là resources thôi ông ạ. Còn phải thăm dò mới ra trữ lượng, trữ lượng nó ít hơn nhiều. Phải thăm dò, phải khoan thì mới ra trữ lượng chính xác được. Người Mỹ, người ta nói trữ lượng - reserves riêng, mà resources riêng.

Ta nói thế là không đúng, ta nói triển vọng thôi. Phỏng đoán thôi, có thể sai số 80%.

Vì quá trình khoan dầu khí đấy. Khoan ở hàng nghìn mét, hàng mấy km người ta thấy những vỉa than. Thế bây giờ các nhà địa chất mới dự đoán là như thế thôi. Tôi xin thông báo với ông là, trữ lượng than của trên toàn thế giới hiện nay còn có 861 tỷ thôi”.

Hướng đi của lãnh vực năng lượng Việt Nam có vẻ ẩn chứa nhiều bất ổn, một khi trữ lượng bể than đồng bằng sông Hồng đến nay chỉ là những số liệu thuần túy mang tính dự báo.

Nhưng mà đấy không là trữ lượng, đấy chỉ là phỏng đoán của các nhà địa chất cách đây mấy chục năm thôi.

Một nhà khoa học liên quan ngành than

Hiện có quá nhiều yếu tố về tác động tự nhiên và xã hội cần làm rõ trong quy trình khai thác bể than đồng bằng sông Hồng. Ngoài ra, công nghệ khai thác có thể áp dụng cho bể than này vẫn chưa có gì cụ thể. Những kinh nghiệm khai thác hầm lò vùng Quảng Ninh không thể áp dụng ở vùng sông Hồng. Theo ý kiến của nhà khoa học này thì:

“Bây giờ trước mắt phải nghiên cứu thử. Chứ còn đấy cả hàng chục triệu dân, vừa thóc như vậy là phức tạp lắm. Không phải lấy ngay xơi được đâu, vài chục năm nữa, chứ không phải vài năm nữa.

Bây giờ là cho thí điểm 2 vùng thôi, tốn kém lắm nhưng mà cũng đã xong đâu”.

Vì vậy, hướng khai thác chọn lọc để tiết kiệm tài nguyên và nâng cao chất lượng than cần được thực thi nghiêm túc hơn. Sử dụng tài nguyên quốc gia không có chiến lược thì chắc chắn sẽ bị cạn kiệt. Tăng nguồn thu ngân sách từ khai thác tài nguyên không phải là xu hướng phát triển bền vững.

Nếu không trù tính về trữ lượng có hạn của nguồn tài nguyên, mà tiếp tục gia tăng sản lượng khai thác, liên tục xuất khẩu; chắc chắn ngành than Việt Nam sẽ không tránh khỏi tình trạng mất cân đối trong tương lai gần.

N. K.

Nguồn: rfa.org

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn