"Đừng là bầy cừu!"

Der Spiegel số 10/2012

Phan Ba dịch

clip_image002

 

Ca sĩ rock Shevchuk với một tấm ảnh từ những năm 70. Ảnh: Der Spiegel

 

Nhạc sĩ rock người Nga Yuri Shevchuk nói về những cuộc biểu tình phản đối ở Moscow, về một lần tranh cãi với Putin, gái mại dâm ở Ural và những đĩa nhạc Stones từ Phương Tây

Ca sĩ và nhà soạn nhạc Shevchuk, 54 tuổi, sinh ra trong vùng Viễn Đông cạnh Thái Bình Dương và sống ở St. Petersburg. Năm 1980 ông thành lập ban nhạc rock DDT, thuộc những nhóm nổi tiếng nhất trong bí mật dưới thời Xô viết và là ban nhạc mà sau này ông đã cùng với nó đi lưu diễn qua Hoa Kỳ, Canada, Liên hiệp Anh, Đức và Israel.

SPIEGEL: Ông Shevchuk, lúc trước cuộc bầu cử tổng thống, tại sao ông lại trình diễn ở những cuộc biểu tình của những người chống Putin?

Shevchuk: Vì tôi không thể chịu đựng được sự dối trá. Gian lận trong những cuộc bầu cử của chúng tôi không khác gì hơn là một sự dối trá khổng lồ. Chính trị và chân thật bao giờ cũng đã là những khái niệm riêng biệt trong nước Nga. Nhưng bây giờ thì chúng tôi nghĩ chúng cùng với nhau: chính trị chân thật! Cũng như Gin với Tonic trong một cái ly. Con người khát nó.

SPIEGEL: Trong một cuộc biểu tình, ông đã trình diễn bài hát nổi tiếng "Quê hương" của ông mà trong đó ông đã ca ngợi nước Nga như một "người đẹp đang ngủ". Người đẹp đấy bây giờ đã tỉnh giấc chưa?

Shevchuk: Chúng ta đang trải qua lần sinh ra đời của xã hội dân sự Nga, và mỗi một lần sinh sản đều là một rủi ro. Đứa con nào được sinh ra đời? Người mẹ có chết vì bác sĩ phạm lỗi không? Chúng ta có cứu đứa bé không? Tình trạng là nghiêm trọng, nhiều người muốn giúp đỡ như bà mụ. Cũng như chúng ta lo lắng cho những người chúng ta yêu mến, tôi cũng lo lắng cho nước mẹ Nga và về sự sinh tồn của đứa con gái bà, nền dân chủ. Tôi đang đứng trước phòng sinh với một bó hoa và hy vọng những gì tốt đẹp nhất.

SPIEGEL: Nước Nga mới này sẽ trở thành một đứa con ra sao?

Shevchuk: Lần này, tôi nghĩ thế, sẽ là một đứa bé khỏe mạnh, khác với năm 1991, khi Liên bang Xô viết sụp đổ. Thời đấy, người ta nói về dân chủ, mặc dù không có dân chủ. Tất cả đều còn đứng với cả hai chân trong quá khứ, nhưng cần phải xây dựng tương lai. Bây giờ thì đi biểu tình là những người trẻ tuổi đã đến với thế kỷ 21.

SPIEGEL: Sẽ có đổ máu không, hay vẫn hòa bình?

Shevchuk: Xin lỗi, câu hỏi này nghiêm trọng tới mức tôi phải đốt một điếu đã. (Hút thuốc, im lặng lâu.) Thế nào đi chăng nữa thì tôi thấy nhiệm vụ quan trọng nhất của tôi là ngăn chận không cho đổ máu.

SPIEGEL: Ông nghĩ gì về ban nhạc Punk nữ Pussy Riot, đã kêu gọi nổi dậy trên Quảng trường Đỏ?

Shevchuk: Tôi thấy họ tuyệt vời. Họ trẻ, cực đoan và xuất hiện như Che Guevara. Trong lứa tuổi của họ, nếu anh không phải là một nhà cách mạng, thì anh không có trái tim. Nhưng ai với năm mươi tuổi rồi mà còn tin vào phúc lành của cách mạng thì không có trí óc.

SPIEGEL: Thời trẻ, ông có phải là một người giống như một nhà cách mạng không?

Shevchuk: Chúng tôi không có câu lạc bộ. Tôi uống rượu rẻ tiền trong những lồng cầu thang lạnh lẽo, ngồi trên lò sưởi và chơi đàn giutar trong bóng tối cho tới khi đau ngón tay. Từ trong những lồng cầu thang đấy, chúng tôi bay vào vũ trụ mà không cần đến ma túy, nhạc rock đã tặng cho chúng tôi một thế giới không có biên cương. Vào đầu những năm 80, tôi để râu dài cho đến rốn, dầy đến mức tôi ảo thuật ra được thuốc lá từ nó. Bọn con gái thích lắm. Có lần cảnh sát đã chặn tôi lại trong công viên và đốt cho nó cháy sém đi. Họ đã phản ứng giống như ngày nay họ phản ứng lại phong trào chống đối – từ trên xuống, như trong thời phong kiến. Họ cảm thấy tất cả những gì mới đều là một mối đe dọa.

SPIEGEL: Nước Nga tự do hơn thời Xô viết từ lâu rồi kia mà?

Shevchuk: Đúng thế. Bây giờ nhiều người nghĩ về tương lai, nhưng một phần lớn xã hội của chúng tôi vẫn còn là phản cách mạng. Vladimir Putin là một người đã lỗi thời. Thời đấy, chúng tôi đã chán ngấy Chủ nghĩa Xã hội Hiện thực của Breshnev, những cuộc hành trình bất tận, nhạc tiêu khiển buồn thảm. Người ta nói là con người đứng trong trung tâm của nghệ thuật. Nhưng con người đó trống rỗng, chết như một tấm áp phích. Ngày nay, người ta chán ngấy cái mỹ học của Putin. Nó không có sự sống. Bị thổi phồng lên, một người giả Nga.

SPIEGEL: Âm nhạc cũng chia cắt nước Nga. Ông có khinh thường ban nhạc Ljube được Putin thích nhất không, ban nhạc mà đã tiến hành tranh cử cho ông ấy?

Shevchuk: Đấy là một ban nhạc pop chính thức, trung bình. Cũng như dưới thời những người Cộng sản đã có những cái gọi là ban đồng diễn ca hát-nhạc cụ. Họ tuyên truyền. Ljube tượng trưng cho Chủ nghĩa Tuân thủ, rock'n'roll thật sự tượng trưng cho tự do và sự khác biệt. Ở nhạc pop là ngủ với nhau hay không ngủ với nhau. Ở nhạc rock là sự tồn tại. To be or not to be. Nhạc rock thật sự đã sống sót được ở Nga, khác với ở các anh bên Phương Tây.

SPIEGEL: Tại sao ông lại cho rằng nhạc rock Phương Tây đã chết rồi?

Shevchuk: Vì nó không còn răng nữa và người nhạc rock trình diễn chung với ca sĩ nhạc pop. Tất cả đã trở thành một, điều đấy khiến cho tôi phát ốm lên được. Tôi không hát trong những sự kiện của doanh nghiệp và không quảng cáo cho rượu với thuốc lá. Nhạc pop lúc nào cũng muốn đưa ra cái tốt.

SPIEGEL: Ông không muốn làm điều gì tốt sao?

Shevchuk: Có chứ. Nhưng tư thế của tôi không giả tạo, không phải băng chuyền, không có mốt iPhone, nhạc của DDT là rock thật sự, trả giá bằng sự chịu đựng đau khổ, đó là tư thế của một Hamlet trước lần đấu tay đôi cuối cùng. Cuộc sống là tốt đẹp, nhưng cái chết bao giờ cũng đã ló ra nhìn từ một góc nào đó. Sống và chết đi cùng với nhau. Vì thế mà chúng tôi ôm lấy cả hai. Tôi cảm thông được khi những bài hát của tôi làm cho con người ta ăn mất ngon.

SPIEGEL: Khi Putin thích những bài hát ca tụng của Ljube đến thế thì điều đấy hé lộ những gì về ông ấy?

Shevchuk: Tôi không muốn khẳng định rằng Putin không yêu nước. Có lẽ là ông ấy yêu nước đấy. Nhưng tình yêu tổ quốc của ông ấy khác với tình yêu tổ quốc của tôi. Lòng yêu nước của Putin là lòng yêu nước của những tấm áp phích và những lần duyệt binh mừng chiến thắng. Lòng yêu nước của tôi bao gồm không chỉ nhìn thấy cái tốt đẹp trong quê hương của tôi, mà cả cái xấu nữa. Một người yêu nước thật sự cũng nhận lấy trách nhiệm về tất cả các cuộc chiến và về tất cả những sự đau khổ của người dân.

SPIEGEL: Tháng 5 năm 2010, trước camera đang quay ông đã đối chất với Putin về những mặt tối của nước Nga và yêu cầu tự do báo chí và tự do biểu tình. Đầu đuôi như thế nào?

Shevchuk: Sau một buổi biểu diễn từ thiện vì trẻ em bị ung thư, Putin đã mời nghệ sĩ đến nói chuyện, cả tôi nữa. Rất đáng tiếc là ở nước Nga có quá nhiều ca sĩ của hoàng cung, những người nhảy múa theo điệu nhạc của chính phủ và phụ thuộc vào tiền của họ. Tôi đã quyết định nói thẳng vào mặt Putin những gì đang thật sự xảy ra trong xã hội.

SPIEGEL: Ông có sợ không?

Shevchuk: Trước đấy là tôi đã thích thú rồi. Trong đêm trước đấy tôi đã ngủ rất ngon. Tôi đã kinh qua Chiến tranh Chechnya, tôi biết là người ta phải khỏe trước khi tấn công. Tôi cũng rõ là người ta có thể làm khó dễ nhóm DDT của tôi và có thể cấm biểu diễn. Một nữ diễn viên cố khuyên tôi không nên hỏi những câu hỏi khó chịu. "Đừng làm thế, Yuri", cô ấy nói. "Anh làm hỏng sự nghiệp của anh. Hãy để chúng mình uống trà yên lành với ông ấy."clip_image003

DDT biểu diễn ở Kiev vào ngày 22 tháng 1: "Nhạc rock Nga nói với thế giới" Ảnh: Der Spiegel

SPIEGEL: Putin phản ứng ra sao?

Shevchuk: Ông ấy bối rối. Khi Putin phải tiếp xúc với giới trí thức thì ông ấy không ở trong môi trường của mình.

SPIEGEL: Ông có bị áp lực sau đấy không?

Shevchuk: Không. Một tuần sau đấy, Putin gửi cho tôi một bức điện tín và cảm ơn tôi. "Tôi hiểu là có không ít người trong nước Nga cùng chia sẻ quan điểm của anh. Chúng tôi hiểu là chúng tôi cũng phải nghe anh", trong đấy nói thế. Ông ấy chúc tôi sức khỏe và hạnh phúc. Nhưng đã từ lâu rồi DDT không còn biểu diễn trên truyền hình Nga nữa.

SPIEGEL: Tại sao Putin vẫn còn được nhiều người ưa thích?

Shevchuk: Những người theo ông ấy là những người nhận tiền lương từ nhà nước: cảnh sát, nhân viên nhà nước, giáo viên, người về hưu. Họ đã trải qua nhiều khổ cực trong 20 năm vừa qua. Khi bao tử con họ sôi lên vì đói thì họ không màng đến tự do. Họ là đồng bào của tôi, và điều quan trọng đối với tôi là chúng tôi đừng nhìn xuống họ. Nhưng tôi có thể hát cho họ nghe! Và qua đó nói với họ rằng "Đừng là bầy cừu! Đừng là những CD trắng mà người ta ép chương trình nghị sự của người ta lên đấy!"

SPIEGEL: Công thức thành công của Putin là gì?

Shevchuk: Tôi dùng một hình ảnh chiến tranh. Putin đang bò tới trước. Đạn bắn khắp mọi phía. Một người tử thương ở đây, một người chết ở kia, ở phía trước, ở phía sau. Putin cứ tiếp tục bò đi, lạnh lùng và thẳng tắp. Ông ấy không phải là người hay gặp may. Ông ấy không tự hoài nghi mình và hết sức tin tưởng vào những nguyên tắc của mình. Điều đấy mang lại sức lực cho ông ấy.

SPIEGEL: Những nguyên tắc nào?

Shevchuk: Tất nhiên ông ấy – nói một cái dè dặt – không phải là một người hâm mộ dân chủ. Putin tin tưởng sâu sắc rằng nước Nga phải được lãnh đạo bởi một bàn tay mạnh. Ông ấy nhìn nó như là một sự pha trộn từ đảng nhà nước, chế độ Nga hoàng và nhà thờ Chính Thống Giáo. Như là một cường quốc, được kính nể bởi vì người ta sợ nó. Không phải Putin mạnh, mà là hệ tư tưởng mà ông ấy bảo vệ cho nó. Nó chuyên quyền, của ngày hôm qua.

SPIEGEL: Trên đường phố Moscow thì nghe có vẻ lại khác.

Shevchuk: Vâng, nhưng cũng có không ít đàn ông ngồi uống vodka trong bếp, lòng đầy hoài cổ đập lên bàn và nói rằng: "Mẹ kiếp, mới đây cả thế giới còn run rẩy trước chúng ta." Tư tưởng Cộng sản đã giữ chặt một đế quốc lại với nhau, ít ra thì cũng là bảy thập niên liền. Putin là hiện thân của lòng yêu nước tung hô đó. Người của ông ấy, trong cảnh sát và trong mật vụ, chỉ biết những kiểu mẫu của quá khứ. Họ sợ tương lai, vì họ không có dữ liệu về nó. Putin giống như tông đồ Thomas [chỉ tin vào Jesus khi đã tận mắt nhìn thấy Jesus xuất hiện]. Ông ấy chỉ tin vào những gì mà ông ấy có thể sờ thấy và những gì ông ấy đã trải qua: Liên bang Xô viết.

SPIEGEL: Ông ấy cũng đã gọi nhà đầu tư người nước ngoài vào đấy chứ?

Shevchuk: Ông ấy đã tạo ra một Liên bang Xô viết được hiện đại hóa một chút. Lenin đã rập khuôn câu khẩu hiệu rằng Chủ nghĩa Cộng sản là quyền lực Xô viết cộng với điện khí hóa. Ngày nay, chúng ta có một cái gì đó giống như quyền lực Xô viết với một núi tiền dollar dầu mỏ. Putin nhìn nhân dân như đứa con và chính mình là người cha của dân tộc. Như một ông vua mặt trời mới [Louis XIV của Pháp, le Roi-Soleil], Louis 2012; đó là huyền thoại và vẻ ngoài.

SPIEGEL: Ông ấy còn có thể nắm giữ quyền lực được bao lâu nữa?

Shevchuk: Tôi tin vào một tương lai không có ông ấy, nhưng lo ngại rằng nó chỉ bắt đầu khi những đứa con của chúng tôi khôn lớn. Bây giờ thì Putin có thể đạt được những chiến thắng về chiến thuật. Về trung hạn, chúng tôi sẽ chiến thắng.

SPIEGEL: Trong tương lai, ông ấy sẽ cầm quyền độc đoán hay đưa ra những cải cách dân chủ?

Shevchuk: Đấy là câu hỏi của tất cả các câu hỏi.Ông ấy có vượt qua được chính bản thân mình không? Bỏ đội ngũ và tư tưởng của ông ấy ở lại phía sau? Thay đổi mình?

SPIEGEL: Ông ấy có thể không?

Shevchuk: Tôi không muốn phủ nhận Putin và chính phủ, rằng cả họ cũng có thể tự cải thiện một chút. Nếu không thì không còn hy vọng được gì cả.

SPIEGEL: Là tay chơi nhạc rock về già rồi mà ông vẫn còn mơ mộng?

Shevchuk: Vâng, có lẽ tôi còn trải qua được một Mahatma Gandhi Nga, một chính trị gia không nghĩ đến cái ví tiền riêng của mình. Một người như Rakhmetov, người anh hùng trong quyển tiểu thuyết "Bây giờ phải làm gì" của Nikolay Chernyshevsky. Một nhà cách mạng lý tưởng, đẹp, sẵn sàng hy sinh, người như Rakhmetov ngủ trên chiếc giường đinh, để chiến thắng cái đau.

SPIEGEL: Ông muốn có một đấng cứu thế.

Shevchuk: Không, điều đấy là ngu xuẩn. Tất cả đều phụ thuộc vào chúng tôi. Không có mơ mộng thì không có tiến bộ. Có lẽ chúng tôi cũng cần một người như tỷ phú Mikhail Prokhorov bây giờ đang chen vào chính trị. Một người thực tế, đơn giản là hiện đại hóa nền kinh tế của chúng tôi, để chúng tôi vượt qua được sự phụ thuộc giống như nghiện vào dầu mỏ và khí đốt.

SPIEGEL: Ông đã có lần nào muốn trở thành chính trị gia chưa, một Václav Havel của Nga?

Shevchuk: Tôi thiếu tham vọng và thiếu chương trình chính trị. Con sâu của sự hoài nghi cứ cắn rứt tôi, luôn luôn và bất tận. Như trong một bài hát của tôi: sự hoài nghi ăn sạch lấy chúng ta. Chúng giúp tôi trong lúc làm việc như một người nghệ sĩ và ngăn không cho tôi trở thành chính trị gia. Tôi là một công dân bình thường.

SPIEGEL: Ông đã bắt đầu tham gia chính trị như thế nào?

Shevchuk: Sau khi đi học ở trường về, tôi lén đọc sách của Aleksandr Solzhenitsyn và Warlam Shalamov về hệ thống đàn áp Xô viết. "1984" của George Orwell đã lật đổ hình ảnh thế giới của tôi. Tôi đã đọc ngấu nghiến nó. Tôi khóa cửa nhốt mình trong nhà cầu để không ai phát hiện ra tôi. Ai đọc sách cấm có thể bị xử bảy năm tù. Thời đấy tôi bắt đầu đặt ra những câu hỏi cứng rắn.

SPIEGEL: Ông đã muốn biết những gì?

Shevchuk: Lịch sử gia đình tôi. Ông nội tôi là người Cozak, tức là tín đồ Kitô giáo. Ông tên là Sosfer. Dưới thời Stalin, ông và cả gia đình bị đẩy lên một cái toa tàu hỏa chở bò và bị đày đi Siberia. Hai trong số ba người con đã chết cóng trên đường đi. Năm 1937, ông Sosfer của tôi bị bắn chết, cha tôi được xem như là người con trai của kẻ thù nhân dân. Ông cố bên ngoại của tôi là một giáo sĩ Hồi giáo từ Tatarstan, ông cũng bị giết chết năm 1937. Con trai Akram của ông, ông ngoại của tôi, căm thù Xô viết vô cùng. Ông cũng trở thành giáo sĩ Hồi giáo. Khi ông xem thấy tuyên truyền Cộng sản trong truyền hình, ông lúc nào cũng nói "Satan! Việc làm của quỷ!" Và khi tôi hỏi ông rằng tại sao ông lại bí mật cầu nguyện cùng với những người đồng tín ngưỡng trong ngôi nhà nhỏ bé của ông và đọc kinh Koran thì ông nói: "Yên đi. Khi cháu lớn cháu sẽ hiểu được điều đấy."

SPIEGEL: Thời đấy, không chỉ tôn giáo bị cấm mà cả nhạc rock nữa. Làm sao mà ông có được những đĩa nhạc của Rolling Stones và Led Zeppelin?

Shevchuk: Tôi sống ở Ufa cạnh Ural. Người Pháp xây một nhà máy ở đấy. Họ mang theo đĩa nhạc vào trong nước và dùng chúng để trả cho các cô gái mại dâm của chúng tôi. Chúng tôi mua những đĩa đấy qua dân buôn lậu. Và cha của bạn tôi, một giáo sư, được phép sang Anh và Mỹ, và mang cả vali đầy nhạc về.

SPIEGEL: Nhạc rock Phương Tây có ý nghĩa gì đối với ông?

Shevchuk: Chúng tôi hiểu ngay lập tức rằng đấy là âm nhạc của chúng tôi. Stones, Doors, Creeedence Claerwater Revival. Tiếng đàn ghi ta điện méo mó là âm thanh của thế hệ tôi. Nó mới một cách cực đoan và đầy năng lượng, Chúng tôi trao đổi đĩa nhạc, chúng tôi đã sống cho nhạc rock. Nó có một ảnh hưởng khổng lồ đến giới trẻ trong Liên bang Xô viết. Chúng tôi cảm thấy mình tự do như Jimi Hendrix.

SPIEGEL: Ngay đến Julio Iglesias cũng bị quyền lực Xô viết cấm.

Shevchuk: Chúng tôi đánh lừa những người giám sát. Chúng tôi hát trong công viên. Mọi thứ được đăng ký ở Ủy ban Văn hóa của Đoàn Thanh niên Cộng sản như sự kiện khiêu vũ. Khi người ta hỏi về "Satisfaction" của ban nhạc Stones, chúng tôi nói rằng đấy là một bài hát phản đối của công nhân Anh quốc chống lại tư sản. Chúng tôi thoát bằng cách đấy. Nhưng khi chúng tôi bắt đầu hát tiếng Nga thì lại có vấn đề.

SPIEGEL: Bài hát phản chiến "Đừng bắn" từ năm 1982 của ông lúc đầu được tặng giải thưởng rồi bị cấm khi những người kiểm duyệt nhận ra rằng nó chống lại cuộc chiến ở Afghanistan. Tại sao ông lại trình diễn cho quân nhân người Nga trong Chiến tranh Chechnya?

Shevchuk: Tôi cũng đã biểu diễn cho người Chechnya. Tôi không ngây thơ đến mức nghĩ rằng tôi có thể làm ngưng được cuộc chiến, nhưng tôi phải làm điều gì đấy. Nếu anh là công dân, nhà thơ hay ca sĩ cũng vậy, thì anh không được phép chỉ la cà trong quán rượu với câu lạc bộ. Anh phải đi đến nơi sự việc đang tồi tệ. Một nghệ sĩ phải tận mắt nhìn thấy sự thống khổ.

SPIEGEL: Rồi ông đã nhìn thấy những gì?

Shevchuk: Trẻ em chết, xác chết đã bị chó gặm của những người lính Nga chúng tôi. Trong khoảng khắc đấy, tôi đã căm thù chính phủ của chúng tôi. Trên một cái cáng, tôi đã lôi một người phụ nữ già người Chechnya ra khỏi một đống đổ nát. Bà ấy vẫn còn cầm ở trên tay một cái túi có một cái nắp ấm trà. Đấy là tất cả những gì mà bà ấy còn lại. Rồi có một người lính Nga nằm chờ chết, anh ấy thiếu một chân và một tay. Anh ấy rên rỉ: "Mẹ ơi, mẹ ơi". Tôi bay trở về Moscow, chỉ một giờ rưỡi thôi. Nhưng ở đấy thì tất cả mọi người đều mặc kệ mọi việc. Xã hội dửng dưng – và chúng tôi phải làm thay đổi chính điều đấy ngay bây giờ.

SPIEGEL: Tức là rock'n'roll có thể làm thay đổi thế giới?

Shevchuk: Tôi không phải là đấng cứu thế. Nhưng tôi biết rằng nhạc rock Nga đang nói với thế giới. Tôi đã gạch bỏ thế hệ của tôi rồi. Nhưng tôi tin vào tuổi trẻ của nước Nga. Họ tự do và suy nghĩ mà không có những miếng da che mắt ngựa của sự sợ hãi. Tuổi trẻ phải tiếp tục mang lá cờ của tự do. Tôi cầu nguyện cho nó không bị gãy mất.

SPIEGEL: Ông Shevchuk, chúng tôi xin cảm ơn ông vì cuộc trao đổi này.

Ngưởi dịch gửi trực tiếp cho BVN.

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn