Cũng là nhờ ơn ông đấy, Mao thân mến

Andreas Lorenz, từ Bắc Kinh

Phan Ba dịch từ spiegel.de

clip_image002

 

Vật chứng của một sự tôn sùng cá nhân ở khắp mọi nơi: bức chân dung nổi tiếng của Mao ở Thiên An Môn. Ảnh: Reuters.

 

Ông ấy đã có 20, cần phải là 100: triệu phú người Trung Quốc Phiền Kiến Xuyên (Fan Jianchuan) sưu tập viện bảo tàng như người ta sưu tập tem thư. Ở trong đó, ông trưng bày bộ sưu tập khổng lồ của mình về lịch sử mới đây của Trung Quốc. Đối với ông, đấy không phải là để kinh doanh, mà là lời phê phán chế độ – khiến cho những người kiểm duyệt hết sức khó chịu.

Phiền Kiến Xuyên sợ chết. Trong khi đấy thì ông chỉ mới 55 tuổi và trông rất khỏe mạnh. "Nếu bây giờ tôi chết", ông ấy nói, "thì tôi không thể hiện thực được các kế hoạch của mình." Và các kế hoạch của ông ấy nghe có vẻ chẳng hề khiêm tốn chút nào: "Tôi muốn đứng ở trên cao nhất, tôi muốn là số một của thế giới."

Môn mà ông ấy muốn đứng đầu là một môn khác thường: Phiền, triệu phú kinh doanh bất động sản từ Thành Đô ở giữa Trung Quốc, xây viện bảo tàng – bằng tiền riêng, hết cái này đến cái khác. Không chỉ thế: ông làm đầy chúng với những bộ sưu tập riêng của mình. Từ năm 2006, ông ấy đã xây được 20, ông ấy muốn lên đến 100. "Tôi muốn góp phần cho văn hóa Trung Quốc và cho văn hóa thế giới qua đó", ông ấy nói.

Mỗi viện bảo tàng một đề tài

An Nhân cách Thành Đô, thủ phủ của tỉnh Tứ Xuyên, tròn một giờ ô tô. Bảng hiệu chỉ đường vào "Nhóm Viện bảo tàng", ở cổng vào có một chiếc máy bay chiến đấu MiG cũ. Nhân viên trật tự trong đồng phục màu xám canh gác khu đất mà vào cái ngày trời mưa ướt đẫm này chỉ có học sinh của một lớp học đang ồn ào lạc lõng ở trên đó.

Phiền đã mua hai kilômét vuông đất từ Ủy ban Hành chính làng, và từ lúc đấy ông xây hết bảo tàng này sang bảo tàng khác, mỗi một bảo tàng chỉ dành cho một đề tài nhất định. Kể từ lúc đấy, doanh nhân này cũng khiến cho các nhà kiểm duyệt của tỉnh phải nín thở. Vì Phiền có ý tưởng riêng của mình về việc muốn cho giới công chúng xem những gì – và những điều đó thường không trùng hợp với những điều của các nhà viết sử ĐCS.

Ví dụ như ông dành tòa nhà triển lãm mới nhất của mình cho một chiến dịch quần chúng của Mao Trạch Đông, cái đã đặt dấu ấn lên cuộc sống của hàng triệu người Trung Quốc và thường là đã phá hủy nó: "Thanh thiếu niên có học tiến về nông thôn", nhà độc tài đã yêu cầu học sinh và sinh viên như thế bắt đầu từ năm 1962. Họ cần phải học tập ở những người nông dân và những người chăn súc vật. Tròn 17,7 triệu người trẻ tuổi đã đi về làng mạc, đến thảo nguyên và sa mạc, và vùng biên giới hẻo lánh của đất nước. Cho tới ngày hôm nay, nhiều người trong số họ vẫn còn chưa trở về quê quán.

Có những người nào đấy đã để cho lòng nhiệt tình cách mạng thúc đẩy, những người khác không còn có sự lựa chọn nào khác hơn là quay lưng lại với thành phố và cha mẹ của mình. Triển lãm mang quá khứ trở lại một cách đầy ấn tượng: ở đấy là những ấm trà, xô rửa mặt, bình và lọ với các chủ đề cách mạng, thư từ cá nhân, hình ảnh và con dấu.

Phê phán ngầm chế độ Cộng sản

Với những viện bảo tàng khác của mình, Phiền cũng phá bỏ những điều cấm kỵ: ông dành một tòa nhà cho các phi công người Mỹ, những người – bị các sử gia ĐCS phớt lờ hầu như toàn bộ – vào đầu những năm 40 của thế kỷ trước đã cùng với người Trung Quốc chiến đấu chống quân đội Nhật Bản đang chiếm đóng. Đơn vị đặc biệt này tự gọi mình là "Flying Tigers" [Cọp bay].

Một trong các tòa nhà mang chủ đề về quân đội của Quốc Dân Đảng theo Chủ nghĩa Dân tộc, quân đội mà trong những năm 20 của thế kỷ trước dưới quyền của người tổng chỉ huy Tưởng Giới Thạch đã chiến đấu chống lại những người Cộng sản để giành quyền thống trị trong Trung Quốc. Tuy vậy, trong chiến tranh chống người Nhật (1937 đến 1945), cả hai quân đội lại cùng nhau chiến đấu. Ngược với phiên bản lịch sử của ĐCS được chăm sóc lâu nay, Quốc Dân Đảng thường đứng ở đầu chiến tuyến và cũng đã chịu những hy sinh nhiều nhất – chứ không phải quân đội của Mao.

clip_image004

Triển lãm của ông ấy nói quá khứ đáng sợ mới đấy của Trung Quốc. Trong ảnh: cuốc xẻng rỉ sét nhắc lại chiến dịch "Thanh thiếu niên có học tiến về nông thôn" của Mao năm 1962. Ảnh: Spiegel Online.

Phiền cũng trưng bày một thời kỳ đen tối khác trong lịch sử mới đây của Trung Quốc: cuộc Cách mạng Văn hóa, tàn phá từ 1966 đến 1976. Khách đến thăm có thể xem hàng nghìn huy hiệu Mao, đồng hồ, chén bát từ thời đấy. Phòng của cán bộ, công nhân, nông dân và quân nhân được tái tạo trong các mô hình với những vật dụng nguyên thủy, cả trạm phát thanh tuyên truyền của một công xã nhân dân cũng được dựng lại.

Phiền cho rằng cuộc Cách mạng Văn hóa do Mao khởi động dưới câu khẩu hiệu "Oanh tạc các trụ sở" là "một thảm họa không được phép tái diễn". Cả chiến dịch "Thanh thiếu niên có học tiến về nông thôn" theo quan điểm của ông ấy cũng chỉ là một sự điên rồ mà chính ông ấy đã là nạn nhân của nó nhiều năm liền.

Thế nhưng người ta không thấy rõ thông điệp của ông ấy qua cái nhìn đầu tiên, khách tham quan phải nhìn kỹ mới phát hiện ra được sự phê phán các chiến dịch tàn phá này. Ví dụ như một phần nhỏ của triển lãm được dành cho diễn viên điện ảnh Phùng Đề (Feng Zhe) nổi tiếng thời đấy, người đã bị tra tấn cho đến chết trong cuộc Cách mạng Văn hóa.

Là kết quả của sự bất tài của ĐCS trong việc tạo công ăn việc làm cho thanh thiếu niên, chiến dịch "Thanh thiếu niên có học tiến về nông thôn", người ta viết trên một bảng thông tin như thế, không được cách mạng cho lắm. Những người trẻ tuổi đấy đã phải trải qua "lộn xộn, gian nan và đau khổ không thể tả xiết".

Biểu tượng thay vì phê phán công khai

clip_image006

Những cái đồng hồ này xuất phát từ thời của cuộc Cách mạng Văn hóa. Phiền muốn người ta hiểu nó như "những cái chuông báo động". Ảnh: Spiegel Online.

Thay vì thông tin rõ ràng, Phiền thường làm việc với biểu tượng: trên một cái sân là đồ sứ vỡ, cuốc xẻng đã hư hỏng từ thời đấy. Đồng hồ từ thời Cách mạng Văn hóa, được ghi lại trên tấm bảng, cần phải được hiểu là "những cái chuông báo động".

Vì vậy mà một vài khách tham quan hiểu các triển lãm này như những lời ca tụng Mao chứ không phải như những lời cảnh cáo. "Mao muôn năm", đã có ai đó viết vào trong sổ lưu niệm, hay "Mao, chúng tôi luôn nhớ Người."

"Tôi phải thỏa hiệp", sếp bảo tàng Phiền nói, người thích ăn mặc như một người lính: giày ủng, quần màu ngụy trang, nón đen với ngôi sao đỏ. "Tôi không vượt qua ngã tư lúc đèn đỏ mà cố gắng qua đấy lúc đèn còn vàng. Tôi tạm thời theo chiến lược từng bước một."

Một ngày nào đó, ông hy vọng thế, có thể sẽ chỉ rõ ra được mặt đẫm máu và coi thường con người của cuộc Cách mạng Văn hóa – những cuộc đấu tố, chỉ điểm, những cuộc chiến giữa các phái khác nhau của Hồng Vệ Binh.

Ông muốn đặt cuộc triển lãm này trong một cái cầu qua một con suối mà ông đã bắt đầu xây dựng nó. "Nếu như được phép thì đấy là một đột phá", Phiền nói.

Xì căn đan sữa bột, một trường hợp để triển lãm

Cơ quan nhà nước ở địa phương để cho ông ấy làm, họ bị thương mại thúc đẩy: khách du lịch cần phải mang tiền vào két tiền của họ. Tuy vậy, cho đến nay có ít khách tham quan đến Anhe hơn là dự tính, Phiền phải chi thêm tiền, để trả lương cho tròn 500 nhân viên.

Ông tự đóng góp những vật triển lãm. Ông là "một người sưu tập điên cuồng", ông ấy nói và cho tới nay ông ấy chỉ trưng bày có 1% của những vật ông ấy sở hữu. "Tôi có hàng triệu huy hiệu Mao, trên một triệu ảnh cũ, hàng tấn lời tự phê bình, hơn 10.000 nhật ký, tròn 300.000 áp phích tuyên truyền." Nhiều người trợ giúp đã mua vật chứng từ lịch sử vừa qua của Trung Quốc trên khắp nước.

Bây giờ Phiền chen xuống miền Nam. Trong thành phố lớn Thâm Quyến gần Hồng Kông, ông dự định chẳng bao lâu nữa sẽ lập một viện bảo tàng về "Ba mươi năm Chính sách Cải cách và Mở cửa" của Trung Quốc. "Tôi dự định một tầng lầu cho mỗi một năm", ông nói. Cả triển lãm này, nếu như nó được hiện thực lúc nào đó, cũng sẽ có một góc nhìn khác thường. Ví dụ như ông ấy muốn tưởng nhớ tai nạn tàu hỏa ở Ôn Châu vào cuối tháng 7 năm 2011, khiến cho 40 người chết và 191 người bị thương. Thảm họa đấy đã gây ra một cuộc tranh cãi trên khắp nước về tốc độ tăng trưởng kinh tế.

Cả xì căng đan melamine năm 2008, khi hàng nghìn trẻ sơ sinh phần nào mắc bệnh nặng vì bột sữa bị pha trộn và nhiều người Trung Quốc đã mất lòng tin vào ĐCS, theo ý của ông ấy cũng sẽ có trong viện bảo tàng này. Phiền nói: "Tôi đã kiếm được những mảnh vỡ từ tai nạn tàu hỏa. Và tôi cũng đã có một vài hộp sữa đấy.“

A. L.

Dịch giả gửi trực tiếp cho BVN.

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn