Chăm trong lò hạt nhân

Trà Vigia

image Người xưa có câu: “Biết thì thưa thốt, không biết thì dựa cột mà nghe” cho nên tôi luôn thận trọng khi phải nói điều gì. Lời nói mây bay gió thoảng chỉ nên cao hứng khi trà dư tửu hậu, còn bút sa thì gà chết nên khi viết lại càng cân nhắc hơn! Khổ là: nghe người xưa chưa đủ mà còn phải biết nghe người nay mà hậu sinh thì luôn khả úy, và chưa chắc tôi đã thông minh hơn học sinh lớp Năm! Tất cả vì tương lai con em của chúng ta không chỉ là khẩu hiệu mà phải là hành động trong định hướng và dẫn đường. Sai một ly đi một dặm, những gì có thể nói và đáng được làm trong hôm nay thì không nên để ngày mai.

Tôi không biết gì nhiều về điện hạt nhân, chỉ nghe phong thanh đâu đó ở các nước tiên tiến Âu Mỹ có nền khoa học kỹ thuật cao. Cứ tưởng nước mình còn nghèo vì mới ngày nào còn ăn bo bo mì lát ngơ ngác con trâu đi trước cái cày theo sau, nay phút chốc có ĐHN mới biết mình sánh vai cùng cường quốc năm châu lúc nào không biết! Rõ là mình lạc hậu tình hình, cũng nhờ chủ trương đi tắt đón đầu đốt cháy giai đoạn nên ta mới tiến nhanh tiến mạnh đến thế. Việt Nam có ĐHN là niềm tự hào chung của cả dân tộc, cơ hội xóa đói giảm nghèo là nhãn tiền không thể chối cãi; lại nằm chình ình trên Ninh Thuận quê tôi thì còn gì sướng hơn.

Vừa mừng vừa lo vì không biết thực hư thế nào, xem báo đài trong nước thì toàn tin thắng trận nên tôi cũng phấn khởi hồ hởi chẳng thua ai.  May ra mình kiếm được chân bảo vệ nhà máy có cơm cháo sống qua ngày, lại góp chút công sức vào tiến trình hạt nhân hóa đất nước thì một kiếp người coi như viên mãn. Tuy nhiên, càng tìm hiểu càng thấy không đơn giản nếu không muốn nói đó là một nhiệm vụ bất khả thi bởi chúng ta chưa đủ tâm, đủ tầm và đủ tài để hiện thực hóa. Có một mắt xích quan trọng và vô cùng nhạy cảm nhưng tuyệt nhiên không ai để ý hay đếm xỉa một cách vô tình đến lạnh lùng. Người ta chỉ đề cập đến lợi ích của ĐHN nhưng không một ai nhắc nhở hay quan tâm đến sự tồn vong của Chăm một khi ĐHN có sự cố. Có thể nói như đinh đóng cột: ĐHN là khắc tinh của Chăm, không thể cùng nhau sống chung hòa bình lâu dài dưới một mái nhà cho dù được sơn son thếp vàng rực rỡ đến mấy! Biết thế nhưng chỉ thế, biết nói với ai và nói ở đâu?!

Nhiều bạn già và trẻ có đến hỏi tôi mà có lẽ nhầm người và địa chỉ:

- Sao chú bác mày không lên tiếng cho đồng bào nhờ với?

- Sao chú bác mày không nói mà lại nhờ tui? – Tôi hỏi.

- Ờ cũng vì tui khó nói, không biết nói, không dám nói mới nhờ chú bác mày!

Nói như thế để thấy rằng: quyền được nghe, quyền được nói, quyền được sống ở ta còn nhiều hạn chế. Không phải ai cũng nói lên được tâm tư tình cảm và nguyện vọng của mình mà sự nghiệp xây dựng, phát triển bảo vệ đất nước là của toàn dân. Có cảm tưởng như một phát ngôn phản biện xã hội là một hành động liều lĩnh thiếu suy xét và hứng chịu nhiều rủi ro. Đành vậy, tôi chỉ là một nông dân chứ không là trí thức (nói nông dân cho oai thôi chứ thực ra tui chỉ biết cuốc, chả biết cày gieo gặt hái là gì) mà nông dân là lực lượng nồng cốt của xã hội Chăm nên tiếng nói của họ mang tính quyết định. Lẽ ra các bạn phải tìm đến những quan chức chính quyền là người có quyền nói, những kẻ sĩ có học hàm học vị cao là người biết nói, những vị bô lão có uy tín là người dễ ăn nói. Không thì biết rồi khổ quá nói mãi chỉ thêm rách việc! Chỉ xin dẫn lại một số ý kiến của các chuyên gia để nhận diện vấn đề:

1.   Gs Phạm Duy Hiển – nguyên Viện trưởng Viện nguyên tử Đà Lạt:

-         Việt Nam ta chẳng có chút lợi thế nào về ĐHN cả. Tài nguyên Uranium hầu như không có. Tri thức khoa học công nghệ còn ở mức a, b, c… Tiền bạc phải đi vay mượn. Cơ sở hạ tầng công nghiệp quá thấp. Trình độ quản lý và kỷ luật công nghiệp hiện đại kém, tai nạn lao động xảy ra liên tục mọi nơi…

-         Lại thêm vấn nạn tham những và lợi ích riêng. Cái chúng ta hiện có chỉ là ý muốn của một số người…

-         Làm ĐHN mà không đủ tri thức thì rất dễ trở thành một thứ con tin chính trị khi ai đó muốn gây sức ép lên chúng ta.

Qua những thông số trên, chúng ta hiện nguyên hình là con nhà nghèo chưa được học hành tử tế nhưng lại muốn chơi sang vung tay quá trán. Không, ta không nên ưu tiên ĐHN bằng cách định kế hoạch 2020 vận hành tổ máy đầu tiên, sau đó xây một lèo 16 lò phản ứng trong 10 năm!!! Và không biết phải thêm mấy chục lò nữa trong tương lai nếu cứ thừa thắng xông lên? Vô tình nước ta trở thành Khu chế xuất hạt nhân của thế giới lúc nào không hay và là nơi quy tập rác thải phóng xạ của địa cầu lúc nào không biết. Xưa, chất độc da cam từ ngoài mang đến con cháu ta gánh chưa xong. Hôm nay ta lại rước về điện hạt nhân tác hại phóng xạ ngàn lần hơn thì e là quá tải cho sự chịu đựng của đồng bào. Chỉ nên liệu cơm gắp mắm cho vừa sức, điện gió và điện mặt trời là ưu thế của miền đất đầy nắng gió này cần nên phát huy đúng mức và đúng sức. Dư dả chút đỉnh thì cho xây sân Gofl và Resort cho các đại gia và khách nước ngoài giải trí thì cũng chưa muộn. Còn nông dân chỉ cần yên ổn làm ăn, chiều sương sương cho tối ngủ ngon đã là phúc đức. Đó là giấc mơ của kẻ ăn mày, không biết trời có chìu lòng người?!

2.   Nhà văn Nguyên Ngọc – Tác giả tiểu thuyết [? - BVN] Rừng Xà nu:

-         Thứ nhất: họ đe Việt Nam sắp thiếu nhiên liệu đến nơi rồi, cần nhanh chóng xây dựng ĐHN để tránh nguy cơ trở thành nước phải nhập khẩu năng lượng.

-         Thứ hai: ĐHN rất an toàn, kinh nghiệm của chính phủ Nhật Bản đấy, chẳng có gì phải lo.

-         Nghề đi chào hàng mà lại! Vấn đề là ở chỗ có người chào hàng thì phải có người dắt mối. Chứ sao, trong nghề buôn bán làm sao có anh này mà không có anh kia!

-         Họ tranh thủ công chúng không biết chuyên môn bằng những lời to tát và bằng những thuật ngữ rất chi là bác học, thuyết giảng hùng hồn và đầy tự tin và coi như chỉ dẹp một lần này nữa là xong.

Qua câu chuyện trên, ta thấy đây là một vụ mua bán xuyên quốc gia mà mặt hàng ở đây là ĐHN. Thủ phạm chính là nhiên liệu mà chúng ta sắp hết đến nơi, không nên để nước đến chân mới nhảy. Lo xa như thế là tốt nhưng đôi khi tính già hóa non, tính còn hóa mất chưa nói đến tiêu cực hay thằng khờ ra tỉnh. Ta có mỏ than dầu khí cho nhiệt điện, có mỏ nước cho thủy điện, mỏ gió mỏ mặt trời vô tận cho phong quang điện. Chỉ còn thiếu hạt nhân để thâu tóm năng lượng của vũ trụ cho nên phải cấp tốc đầu tư bằng mọi giá khi chúng ta đang là thượng đế được nhiều khách hàng mời chào. Rất tiếc mình không có tiền nên phải mua thiếu giống như đại gia nợ đầm đìa nhưng vẫn nổ banh bách để rồi giãy đành đạch! Không có lò ĐHN nào là an toàn tuyệt đối, còn bảo rằng chất thải không còn phóng xạ thì đúng là coi thường hiện tượng vật lý của những kẻ điếc không sợ súng! Thảm họa Tchernobyl trước kia và Fukushima mới đây là một minh chứng chưa kể những vụ rò rỉ lẻ tẻ chưa được công khai. Cứ để cho Nga Nhật xây dựng ĐHN ở chính quốc vì họ làm chủ được công nghệ này và chẳng phải chính Nhật Bản là nước chủ yếu nhập khẩu năng lượng mà vẫn là một nước công nghiệp phát triển hàng đầu đó sao? Còn chuyện chào hàng, bán hàng và mua hàng thì rõ ràng chúng ta đang nắm lưỡi, nguy cơ đứt tay có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Ham thì ham thật, nhưng thôi cứ đi cày dành dụm tiết kiệm, khi nào có đủ tiền thì mua cho chắc ăn!

3.    Gs Nguyễn Minh thuyết – Cựu đại biểu Quốc hội:

-         Khá nhiều quốc gia đã đình chỉ, tiến tới gỡ bỏ các nhà máy ĐHN. Không có lý do gì mà chúng ta cứ cố kết làm một việc đi ngược lại xu hướng chung của khoa học kỹ thuật thế giới như vậy, mà những khả năng xảy ra mất an toàn cũng rất dễ.

-         Chúng tôi nghĩ rằng cần thay đổi tư duy. Nếu những gì đã đưa ra trong nghị quyết của Quốc hội, của Đảng, bây giờ so sánh với thực tế có những điều không phù hợp nữa, thì mình có thể thay đổi.

Nếu vị Đại biểu Quốc hội nào cũng công tâm như Gs Nguyễn Minh Thuyết thì đất nước này mới có cơ may tồn tại và phát triển. Chúng ta đã nhập nhiều thứ xa xỉ không phù hợp với nhu cầu tiêu dùng khi đất nước còn nghèo. Nhập máy móc lỗi thời của các nước phế thải tạo thêm gánh nặng như một tệ nạn xã hội. Cần phải thay đổi tư duy thôi, nhưng thay đổi là một cụm từ rất khó định nghĩa và tư duy là một hiện tượng siêu hình rất khó nắm bắt. Đành nhờ Trời Phật!

4.  Gs Nguyễn Khắc Nhẫn – nguyên cố vấn chiến lược của Tập đoàn Điện tử Pháp Electricite:

-         Bây giờ không có gì là muộn, Muốn dừng là dừng ngay chớ có cái gì đâu. Bao giờ đã xây rồi, lúc đó anh tháo gỡ một nhà máy đã chạy anh sẽ tốn kém hàng chục tỷ đô la. Anh tốn ba, bốn, năm chục năm mới tháo gỡ xong.

-         Bây giờ vẫn còn thì giờ để rút lui, và tôi xin cam đoan là Chính phủ thế nào cũng rút lui. Không thể nào đi tiếp được, bởi vì đi tiếp nó sẽ là Fukushima đấy!

Ừ cũng chỉ mới là dự định làm ăn lớn, nhưng nhiều người can quá nên chắc phải suy nghĩ lại cho thấu tình đạt lý. Nhưng nếu vì một lý do nào đó Chính phủ không thể rút lui thì làm sao?! Dĩ nhiên không một ai dù có đạo đức chân tu hay tài năng xuất chúng gì đi nữa cũng không ngăn lại được. Nói như ông Putin hồi còn là ở KGB khi nhận chỉ thị của cấp trên: Lệnh là Luật, cứ thế mà làm không phải bàn cãi. Một lò gaz bếp với cấu tạo đơn giản thôi nhưng nếu sử dụng không đúng cách vẫn bị xì nổ gây án mạng nói chi vận hành một nhà máy ĐHN. Cho nên những nghi vấn lo lắng của người Chăm là tất nhiên vì họ đang sống trong vùng phủ sóng hạt nhân tầm bán kính 30km chưa kể những nhà máy khác sẽ nối nhau mọc lên trong tương lai và nếu có sự cố sẽ gây phản ứng dây chuyền không lường được. Hội chứng tâm lý “bất an” thường trực dẫn đến khủng hoảng tinh thần là điều không tránh khỏi! Tôi rất cảm thông với bức xúc của Kiều Dung khi thắc mắc tại sao không đặt ĐHN ở nơi khác mà là Ninh Thuận quê mình. “Chính phủ có quyết định trên với lý do: đây là vùng ít cư dân, có thềm lục địa vững chắc và thuận tiện cho vận chuyển phục vụ vận hành nhà máy” (theo Inrasara). Mới nghe cũng có lý, nếu có sự cố thì vùng ít dân cư này chỉ chết có vài trăm ngàn; còn nếu đặt ở Hà Nội hoặc Sài Gòn thì tổn thất có thể lên vài triệu.

Thêm một thông tin thú vị, có một quan chức đầu ngành triệu tập một số trí thức Chăm phủ dụ: các anh chị đừng nghe kẻ địch tuyên truyền xuyên tạc chủ trương chính sách của Nhà nước. Nếu rủi ro có sự cố thì Chăm chết chỉ có một trăm ngàn, còn Kinh thì đến năm trăm ngàn hy sinh. Một tỷ số quá chênh lệch! Ngặt nỗi dân số Chăm (ở tỉnh này) chỉ có chừng ấy, chết hết thì coi như tiệt nòi trong khi thế giới đang nỗ lực bảo tồn những đông vật quý hiếm có nguy cơ tuyệt chủng. Cũng không nên đem sinh mạng người Kinh Ninh Thuận ra đánh cược vì ai cũng là người cho dù sống ở đâu, làm gì, đang vui hay buồn?! Có thềm lục địa vững chắc và thuận tiện cho vận chuyển thì xem ra ĐHN chỉ có thể trụ trì ở miền đất này, còn nơi khác thì không đủ điều kiện! Khía cạnh này, tôi nghĩ hơi khác Inrasara. Nhân mạng phải được đặt lên hàng đầu, không phải con người thiếu hụt mà phải là con người lành lặn để làm người. Vì một khi xì hoặc nổ thì một số người sẽ bỏ xác tại chỗ, một số không đui thì chột không cụt thì què. Số còn lại may mắn thoát chết thì cũng nhiễm xạ với những mầm bệnh tiềm ẩn. Cứ cho là di dời kịp thời thì họ sẽ sống như thế nào nơi vùng đất mới? Họ sẽ bỏ lại Tháp, Kut, Ghur… bỏ lại tổ tiên làng mạc quê hương đã thành miền đất chết đồng nghĩa với bỏ lại nghi lễ tôn giáo, phong tục tập quán ngàn đời. Di dời dân dành chỗ cho thủy điện có chuẩn bị trước còn gặp nhiều khó khăn bất cập nói chi đến cấp cứu sơ tán hàng trăm ngàn dân trong mưa bụi phóng xạ thì không đáng lo mới là chuyện lạ!

Tìm câu trả lời thỏa đáng cho những bất cập bất an đã nêu, tôi rất tâm đắc với mấy vần thơ (lúc dầu sôi lửa bỏng thế này mà còn thơ thì quả là siêu, Chăm nghệ sĩ có khác!) của Ma Kaiapa:

Ngày mai 11-3… Panduranga khải hoàn! Mơ ước là thế  nói làm gì chứ

Chúng ta luôn được vỗ vỗ rồi cho về

Luôn được tôn trọng mời tham dự tham quan lan man

Luôn được hỏi han trong tâm thế phải chấp nhận

Nói làm gì chứ

Ừ nói làm gì chứ, im lặng là vàng! Há miệng mắc quai thôi thì ngậm miệng ăn tiền là thượng sách. Không trách thế hệ trẻ Chăm như Kiều Dung có quyền “nghi ngờ”. Bởi kí ức về vụ 23 tiến sĩ viết cuốn sách miệt thị dân tộc Chăm đã có đơn khiếu kiện với nhiều chữ ký của thân hào nhân sĩ Chăm nhưng tác dụng chỉ như nước đổ đầu vịt, vẫn còn chưa xa.

Giả sử: Nếu người Chăm chúng tôi nhất định không chấp nhận làm lò hạt nhân này, các anh sẽ làm gì? Câu trả lời là: chúng tôi sẽ cố gắng giải thích để đồng bào hiểu, vì đây là dự án mang lại ích lợi cho đồng bào” (dẫn Inrasara).

Tôi không hiểu người Chăm hưởng lợi được gì nhưng tai họa mai sau không thể lường nổi. Xem ra vị tiến sĩ phụ trách Dự án này cũng không hiểu gì nhiều hơn đồng bào, chắc chỉ nghe người ta nói rồi rồi nhai lại cho trơn tru. Nói chung người Chăm không có lý do gì để chống ĐHN, chỉ vì ĐHN ở sát bên và thường trực đe dọa sự tồn vong của họ và cả cho bao thế hệ con cháu của họ. Trong quá khứ, họ đã nhiều lần phải sống trong nỗi sợ hãi này nên ngày nay không cần thiết phải lăp lại những sai lầm của lịch sử. Tổ tiên họ đã có công khai phá miền đất này cho chúng ta được thừa hưởng hôm nay, cho nên phải ghi nhận trân trọng và dành cho họ một khoảng trời để thở. Họ là người bản địa nên rất cần được hỏi ý kiến một cách công khai và dân chủ và họ có quyền chọn lựa cuộc sống của riêng mình. Một cuộc trưng cầu dân ý là cần thiết và phải có những giải pháp cụ thể. Ví dụ: nếu ai sợ chết hay không đồng ý thì di dời họ đến lục địa khác nếu có nước nào đồng ý tiếp nhận theo chính sách nhân đạo. Nói như vậy không có nghĩa là ai cũng chống đối, cũng có nhiều người Chăm ủng hộ triệt để. Nếu con mắt quáng gà của tôi nhìn thấy vận mệnh Chăm nằm lọt thỏm trong nồi hạt nhân thì nhiều người khác lại phấn khích hô hào ĐHN trong trái tim người Chăm và sẵn sàng làm nguyên liệu để đốt lò. Cũng không nên làm khó cho Đại biểu Quốc hội Chăm hay hy vọng vào một ai đó có chức năng thẩm quyền vì nếu có trách nhiệm họ đã lên tiếng từ lâu dù trong vô vọng. Chỉ là một tiếng kêu cứu cho người đời sau không oán trách tại sao lúc đó cha ông họ không một phản đối hay trần tình?!

Tối qua tôi gặp cơn ác mộng kinh hoàng, có lẽ tôi bị ám ảnh quá nhiều về hiểm họa hat nhân nên tôi thấy bão lửa từ Hiroshima hay Fukushima gì đó với nhiều xác chết dị hình. Viễn cảnh hạt nhân còn liên quan đến chiến tranh từ Iran, Bắc Triều Tiên hay một nước nào đó lấy hạt nhân làm vũ khí răn đe dưới chiêu bài hòa bình. Tôi rùng mình tỉnh dậy trong hơi thở gấp và tim đập mạnh, hình như tôi đã la lên lúc đầu còn ú ớ nhưng rồi cũng thét thành lời:

- Trời biển ơi cứu tôi với, cứu Chăm tôi với!

Bạn chú bác mày ơi, tôi đã kêu cứu rồi đó, dù chỉ trong giấc mơ!

T.V

Nguồn: inrasara.com

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn