Khoa học Nga hậu Xô Viết

Khiết Đam

Bài viết dưới đây nói về khoa học Nga, nhưng do nội dung chỉ nói đến khoa học–kỹ thuật, nên mới có thể nói qua loa tới một “nền khoa học Nga hậu Xô-Viêt”. Còn nếu định nói thêm cả về khoa học xã hội–nhân văn, thì e rằng hơi liều lĩnh! Lý do duy nhất: ngay sự tồn tại một nền văn hóa “xô viết” đã là điều đáng ngờ rồi, nói gì đến “triết học xô viết”, “khoa học nhân văn xô viết”!

Nhà nghiên cứu Nguyễn Chí Tình, trong giai đoạn hoàn thiện tác phẩm đồ sộ “cãi nhau” với Samuel Huntington về chuyện “đụng độ giữa các nền văn minh”, đã nêu cho tôi một câu hỏi: có nền văn minh Lưỡng Hà, có nền văn minh Cổ đại Ai Cập và Hy Lạp–La Mã, có nền văn minh Nhật Bản, Ấn Độ, hoặc nền văn minh phương Tây hiện đại, …, vậy có hay không có một nền văn minh xô viết?

Lúc đó, chúng tôi hầu như đã thống nhất ý kiến với nhau như thế này. Văn hóa, đó là mọi thứ gì con người làm ra khiến cho cái thiên nhiên không còn là cái thiên nhiên hoang dã nữa. Có một con sông hoang dã trong giới tự nhiên, nhưng lâu dần, đã có những công trình bao quanh con sống ấy: ruộng vườn, đê điều, làng mạc, lối canh tác, quan hệ con người, tục lệ, tín ngưỡng, … , và vô vàn dấu hiệu văn hóa do con người tạo ra ở chính nơi đó… Một nền văn hóa như vậy đòi hỏi cả ngàn vạn năm vun quén – vì vậy mà theo từ nguyên Tây phương culture có nghĩa văn hóa và cũng mang nghĩa vun trồng.

Khi một nền văn hóa đủ sức hấp dẫn như một cái mẫu để lan tỏa đi xa, xa cả trong không gian và xa cả trong thời gian, khi đó nó thành một nền văn minh. Khái niệm văn hóa văn minh được định nghĩa như vậy có thể giúp chúng ta tự trả lời câu hỏi: đã có hay không có một nền văn minh xô viết?!

Sức lan tỏa của văn hóa và văn minh không bao giờ có thể thực hiện được nhờ áp đặt. Những đạo quân Mông Cổ xưa từng mang nền văn minh sữa ngựa đi gieo rắc khắp thế giới (chỉ chưa có tàu thuyền để vượt biển qua châu Mỹ và châu Phi thôi). Thế nhưng, khi những con ngựa chiến đó lui quân, con người của nền văn minh lúa gạo vùng đồng bằng sông Hồng chẳng hạn lại vẫn ta về ta tắm ao ta với gạo tám thơm, với cốm xanh hồng đỏ và chuối trứng cuốc, và vô khối cô gái Thái Bình năm tấn thời nay khi bị ốm vẫn không chịu uống sữa! Trên bức tường Berlin người Đức cố ý để sót lại làm chứng tích, ta thấy một tấm ảnh đồng chí Brezhnev hôn vào miệng đồng chí Honecker – một sự giễu nhại nền văn hóa hôn giữa đàn ông với nhau, vốn là của Nga thì nó đẹp, áp đặt sang cho đàn ông Đức thì tởm lợm!

Vào những năm nền nông nghiệp Liên Xô bỗng dưng bội thu ở thế kỷ trước nhờ “xuân hóa lúa mì” và ngẫu nhiên lai ghép khoai tây với cà chua chẳng hạn, ông Stalin liền hứng chí bắt khoa học xã hội và nhân văn thuộc “thiên tài đảng ta” phải tuyên truyền cổ xúy cho một nền khoa học vô sản – ai không theo thì bỏ tù hoặc thủ tiêu cho gọn chuyện. Chết cả triệu người song may lắm là có một nền khoa học nông nghiệp, tịnh không có và không thể có nền khoa học vô sản! (Dominique LECOURT, Lyssenko, câu chuyện có thật về một “nền khoa học vô sản” (Lyssenko, Histoire réelle d’une science prolétaire”) Francois Maspéro xuất bản, Paris, 1976 – sẽ có dịp xuất bản tại Hà Nội bằng tiếng Việt.

Bình luận dài dòng vậy chỉ cốt nói điều này: không có nền khoa học xã hội và nhân văn hậu kỳ xô viết, đơn giản chỉ vì nó chưa từng có ở ngay chính giữa thời xô viết, mà chưa có thì lấy đâu ra cái hậu kỳ của nó?

Xin hứa một dịp khác sẽ có hẳn một bài kỹ hơn về nội dung này. Hôm nay, xin không lạm dụng thêm thời giờ của bà con. Kính chào!

Phạm Toàn

Bài 1: Di sản một thời thành phế tích

Sau ngày Liên Xô tan rã, Nga đã để mất một thế hệ các nhà khoa học, một số khác bốc hơi khỏi nước Nga, nhiều người đã và đang xếp hàng để đi ra nước ngoài...

LTS: Liên Xô mà nòng cốt là nước Nga từng là cường quốc về nghiên cứu khoa học, là nước đầu tiên đưa vệ tinh và con người vào vũ trụ… Sau 20 năm kể từ ngày Liên bang Xô Viết tan rã, Nga thành quốc gia độc lập, nền khoa học uy tín một thời của nước này hiện ra sao?

Khoa học từng tạo ra uy tín và sự ủng hộ của người dân Liên Xô. Không chỉ ở lĩnh vực vũ khí hạt nhân và khoa học vũ trụ, các nhà sinh học chuyên sâu Liên Xô từng tạo ra ngân hàng hạt giống hàng đầu thế giới, đảm bảo cho nước này tồn tại cả khi phát xít Đức bao vây Leningrad đến 900 ngày. 10 giải thưởng Nobel (chín cho vật lý và một cho hóa học) đã khẳng định vị trí cường quốc trên lĩnh vực nghiên cứu khoa học của Liên Xô.

Thế nhưng sau 20 năm kể từ 1991, những di sản ấy đang teo tóp dần.

Vận hành trong kiệt lực

Mấy thập niên qua, nước Nga đã đổ tiền của vào lĩnh vực nghiên cứu khoa học, cố gắng bù đắp khoảng trống do sự sụp đổ của Liên Xô năm 1991 gây ra. Nhưng việc này không đưa lại kết quả như mong đợi.

Tại Pushchino - một trong những kho công cụ đầy ắp của nền khoa học Liên Xô ngày nào, một khu đô thị bí mật, đặc biệt, dành cho những nghiên cứu có uy tín của ngành sinh học - các phòng thí nghiệm đang thoi thóp.

Chính phủ Nga chuyển sang ưu tiên tập trung vào những dự án mới hơn. Các chương trình khoa học của nhà nước được đầu tư gấp ba lần kinh phí trong vòng 10 năm qua nhưng thành tựu đạt được lại không tương xứng. Số bài nghiên cứu của Nga được công bố trên các tạp chí khoa học bằng với năm 1990, trong khi thế giới đang tiến như vũ bão. Tình hình trên đã tác động đến cả Mỹ - quốc gia phụ thuộc vào tàu vũ trụ Nga trong việc đưa các phi hành gia lên trạm không gian quốc tế.

Pushchino được xây dựng vào năm 1966 trong một khu rừng nằm dọc sông Oka, cách Moscow khoảng 75 dặm về phía nam. Đây là một trong hàng chục thành phố khoa học đặc biệt được xây dựng trên khắp lãnh thổ Liên Xô, do Viện Hàn lâm khoa học Liên Xô quản lý. Với hơn 1 triệu nhân lực trên toàn quốc vào thời kỳ hoàng kim của mình, cái học viện tự trị này - chứ không phải các trường ĐH - điều hành các viện nghiên cứu đã tiến hành các nghiên cứu theo yêu cầu của đất nước. Viện phân phối căn hộ, quản lý các bệnh viện, bỏ tiền nuôi các nhà trẻ, thể hiện sự ưu ái đối với các nhà khoa học tầm cỡ ngôi sao của đất nước. Ngày nay, nước Nga vẫn điều hành các thành phố này nhưng trong sự kiệt lực.

Viện Hàn lâm vẫn còn đấy, phần lớn chuyên gia vẫn là người Nga nhưng nó giờ là một tổ chức khổng lồ và uể oải.

clip_image001

Tổng thống Dmitry Medvedev bên tên lửa Topol ở sân bay vũ trụ Plesetsk. Ảnh: Kremlin.ru

Sống lay lắt với đồng lương bèo bọt

Bây giờ nhìn lại những cơ sở nghiên cứu do Liên Xô xây dựng trước đây chẳng khác nào những bộ khung “da bọc xương” già nua, cũ kỹ. Các phòng thí nghiệm được trang bị nghèo nàn và nhà nghiên cứu nhận mức lương thảm hại.

20 năm sau ngày Liên Xô tan rã, Nga đã để mất một thế hệ các nhà khoa học, một số khác bốc hơi khỏi nước Nga...

Tại Viện Sinh hóa và Sinh lý học về vi sinh, 70% các nhà nghiên cứu trên 50 tuổi. Vị giám đốc đã bước vào tuổi 73.

Natalia Desherevskaya - một nhà sinh vật học của viện nói: “Suốt 20 năm qua, tất cả những gì tích cực từng tồn tại trong thời Xô Viết đã bị phá hủy và không có gì thay thế chúng”.

Ở tuổi 37, Desherevskaya đang đứng ở ngã ba đường: bỏ nước Nga ra đi để tìm chân trời nghiên cứu khoa học mới hay giữ mãi những cái đang có trong sự bào mòn lý tưởng, sự kỳ vọng của một thời tuổi trẻ. Mắt cô sáng lên khi cô nói về nghề nghiên cứu của mình. Tuy nhiên, hoàn cảnh làm việc hiện nay tại viện nghiên cứu lại khiến cô chán ngấy. “Tại sao tôi lại làm cái việc húc đầu vào cửa này?” - cô tự hỏi. Bước trên những đại lộ to rộng theo thiết kế của Liên Xô những năm 1960, cô kể rằng hơn một nửa bạn học của cô ở Nizhny Novgorod hiện đang sống ở nước ngoài.

Tại Pushchino cũng như trên toàn nước Nga, số người trong độ tuổi làm nghiên cứu hiệu quả nhất - từ 35 đến 50 tuổi - đang thiếu. Hầu hết đã rời bỏ khoa học hoặc đi khỏi nước Nga. Một đồng nghiệp cùng tổ với Desherevskaya hiện ở Nhật Bản. Người bạn thân thiết nhất đã định cư tại Úc. Một người khác đang làm việc ở Scotland.

Xa vời giấc mơ "thung lũng Silicon"

Dưới sự chỉ đạo của Tổng thống Dmitry Medvedev, nhà nước đã chi ngân sách hàng tỉ USD để đầu tư một trung tâm công nghệ cao gọi là Skolkovo với tham vọng sẽ tạo ra một thung lũng Silicon của Nga. Viện Kurchatov, nơi phát triển vũ khí hạt nhân của Liên Xô trước đây, là một trung tâm độc lập được ưu tiên và đã phát triển thành một loạt cơ sở. Điều hành viện này là những người bạn thân cận của Thủ tướng Putin.

Đồng thời, bộ trưởng Giáo dục và Khoa học Nga đang cố gắng tạo ra các trung tâm nghiên cứu ở các trường ĐH theo mô hình phương Tây, mặc dù bản thân các trường ĐH là những “tảng đá nguyên khối” quan liêu, cồng kềnh.

Năm 1998, các nhà khoa học Nga xuất bản khoảng 27.000 bài viết trên các tạp chí quốc tế, kể từ đó con số này vẫn chưa khá khẩm lên. Điều đó có nghĩa là sự đóng góp về khoa học của Nga đối với toàn cầu giảm 30%. (Ông Mikhail Kovalchuk, người đứng đầu Viện Kurchatov, chế giễu điều này và nói rằng sẽ ra sức khởi động nhiều tạp chí hơn nữa để xuất bản các công trình nghiên cứu của Nga.) Năm 1994, có hơn 1,1 triệu người làm việc trong các lĩnh vực nghiên cứu và phát triển ở đây. Đến năm 2008, con số này là 760 ngàn người, giảm gần phân nửa.

Nga có hai trường ĐH được xếp trong tốp 500 toàn thế giới theo bảng xếp hạng hằng năm do Trường ĐH Giao thông Thượng Hải (Trung Quốc) thực hiện (theo bảng xếp hạng này, nước Mỹ có 156 trường cả thảy). ĐH Quốc gia Moscow, con chim đầu đàn của giáo dục ĐH Nga, bị rớt hạng từ thứ 66 (năm 2004) xuống thứ 74 (năm 2010). Cụ thể, về công tác nghiên cứu khoa học, ĐH này bị tụt hậu so với thế giới, rớt 10 bậc kể ​​từ năm 2007, ngay cả khi chính phủ Nga nỗ lực biến nó thành một trung tâm nghiên cứu hàng đầu.

Tham nhũng và “lại quả”

“Tiền đi đâu cả rồi?” - các nhà khoa học tự hỏi.

Sau năm 1991, Nga bắt đầu xây dựng một hệ thống công khai và trung thực để hỗ trợ cho khoa học. Người ta lập ra hai tổ chức được tài trợ, tương tự Tổ chức Khoa học quốc gia của Mỹ, và mời các phòng thí nghiệm tham gia. Thế nhưng 20 năm sau, khi Nga tìm lại được “phong độ” về tài chính, chính phủ Nga lại cắt giảm sự hỗ trợ đối với những tổ chức này. Thay vào đó, các bộ có liên quan thích xuất bản các bài báo nói về những nghiên cứu mà họ muốn hơn.

Ông Kovalchuk - Giám đốc Viện Kurchatov và ông Andrey Fursenko - Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Khoa học Nga, tự nhận mình là những người đổi mới tiên tiến đang đấu tranh với Viện Hàn lâm khoa học “cổ lỗ sĩ”. Tuy nhiên, Viện Kurchatov - vẫn còn mạnh trong lĩnh vực vật lý hạt nhân - ít xuất bản những loại nghiên cứu mới mà viện tuyên bố mình hỗ trợ. Một phần đáng kể trong kinh phí của Bộ được chi nhưng không phải cho các nhà khoa học mà là cho các công ty do Bộ thành lập để tiếp thị và xúc tiến công tác khoa học.

Tình trạng tham nhũng trong các cơ quan có liên quan khiến các nhà khoa học Nga rất bức xúc. Họ phàn nàn rằng những người nhận đài thọ phải biết “lại quả” xứng đáng cho những người ký quyết định, nếu không thì đừng hòng nhận được kinh phí nghiên cứu.

K. Đ.

Nguồn: phapluattp.vn

Bài 2: Một nền khoa học “ngái ngủ”

Nạn quan liêu, trì trệ và tình trạng tham nhũng trong nghiên cứu khoa học đã khiến nền khoa học vàng son một thời của Nga đang đà tụt dốc.

Xã hội Nga đã có nhiều thay đổi: Xe cộ, quần áo, mức sống… Tuy nhiên, nhiều người Nga vẫn luôn nhớ về cái thời quá vãng Liên Xô, cái thời họ là những công dân của một đất nước tuyệt vời - cường quốc ngự ở đỉnh cao về khoa học và giáo dục.

Xà xẻo tiền nghiên cứu

Ông Viktor Veselago, 82 tuổi, là một nhà vật lý từng thực hiện công trình quan trọng nhất của mình trong những năm 1960 (liên quan đến sự khúc xạ tiêu cực của ánh sáng). Là ủy viên Viện Hàn lâm khoa học, giờ ông vẫn điều hành một phòng thí nghiệm tuềnh toàng. “Tôi không có cộng sự trẻ bởi vì tôi không có tiền” - ông nói. “Tôi không có tiền vì tôi là một sản phẩm của hệ thống khoa học của Liên Xô. Tôi không phải là một nhà doanh nghiệp. Điều đó xa lạ với tôi”.

Anna Kvitkina là một nhà nghiên cứu về đất, 28 tuổi, ở Pushchino. Cô và các đồng nghiệp cần ủng cao su để đi lại khi nghiên cứu thực tế nhưng ủng cao su không có trong danh sách vật dụng, trang thiết bị được mua. Ngay cả khi đề xuất về ủng được đồng ý, họ cũng phải mất sáu tháng mới nhận được chúng do phải qua các kênh mua sắm theo quy định.

Tháng 10-2009, hơn 170 nhà khoa học Nga đang sống ở nước ngoài gửi thư cho Tổng thống Dmitry Medvedev và Thủ tướng Vladimir Putin phàn nàn về điều kiện bi đát của khoa học cơ bản. Khắp nước Nga, các nhà khoa học đã và đang đấu tranh chống lại những quy định quan liêu để có được ống nghiệm, thuốc thử, dòng tế bào, ống hút, thậm chí cả bóng đèn. Phư?ng ph?p ơng pháp duy nhất mà họ thường áp dụng là đi tắt và thắc thỏm mong đừng có ai để ý đến những việc họ đang làm. Kvitkina sắp đến Munich vào mùa xuân tới nhờ học bổng cao học khi cô sẽ bước vào giai đoạn chín muồi của một nhà nghiên cứu. Cô hy vọng mình có thể kiếm được một vị trí ổn định ở đó.

clip_image003

Boris Yeltsin “giao ca” cho Vladimir Putin. Ảnh: kremlin.ru

Tại ĐH Quốc gia Moscow, các nhà khoa học thế hệ mới đang cố gắng xây dựng một hệ thống nghiên cứu dựa vào trường ĐH, trong đó có nhà sinh vật học Sergei Dmitriev, 34 tuổi. Công việc của anh có liên quan đến virus và tổng hợp protein và nó được hỗ trợ một phần bởi một khoản trợ cấp đặc biệt của tổng thống dành cho những nhà khoa học đầy hứa hẹn. Anh là một ngôi sao đang nổi và cũng là một trong những người tổ chức phong trào phản đối trong giới khoa học trên toàn quốc. Hầu hết bạn bè cùng học ĐH với anh đã bỏ ra nước ngoài hoặc chuyển sang kinh doanh. Cái cách người ta chi kinh phí - và làm lãng phí nó khiến anh bối rối. “Những nhà khoa học tìm được nguồn tài trợ một cách tốt nhất dường như là những người ít có khả năng làm khoa học nhất. Chính phủ sẽ đầu tư 323 tỉ rúp (khoảng 11 tỉ USD) cho khoa học vào năm nay. Nhưng hầu hết số tiền này không dành cho những người làm khoa học thực sự” - Sergei Dmitriev nói.

“Cầu thủ” tụt dốc trên sân khoa học

“Những sự phản kháng có tổ chức của giới khoa học đã gây sức ép khiến chính phủ dường như sắp cho phép các nhà nghiên cứu sử dụng kinh phí linh hoạt hơn” - nhà sinh vật học Sergei Dmitriev nhận định. Nhưng Tổng thống Medvedev và một số thuộc cấp của ông cho rằng một vài dự án phô trương không thể duy trì nền văn hóa khoa học của đất nước.

Sự vận hành chương trình không gian thất bại gần đây của Nga phản ánh những điểm yếu của khoa học Nga. Mỹ bị ảnh hưởng trực tiếp trong vụ này bởi vì kể từ khi tàu con thoi của Mỹ ngừng hoạt động, tên lửa của Nga đưa các phi hành gia Mỹ lên trạm vũ trụ quốc tế từ một giàn phóng ở Kazakhstan. Cho đến nay chương trình có người lái đã tránh được những vấn đề trục trặc nhưng phần còn lại của hệ thống đã giảm một phần.

Hơn hai thập niên qua, việc trả thù lao không ra gì, sự xao nhãng và uy tín thấp đã hợp lại làm đội ngũ những nhà chuyên môn ngày một thưa vắng. Và những hậu quả của tình trạng này là rất thực tế. Tháng 11-2011 vừa qua, người ta lại chứng kiến sự cố tàu Phobus-Grunt có nhiệm vụ thám hiểm sao Hỏa. Trước đó, vào tháng 8, tàu vũ trụ chở hàng mang tên Tiến Bộ cũng bị trục trặc. Còn nữa, một vệ tinh đo đạc được phóng thất bại vào tháng 2 và một tên lửa được đặt vào ba vệ tinh của hệ thống định vị của Nga được gọi là Glonass đã bị rơi cách đây một năm. Tổng thống Medvedev đã yêu cầu điều tra và truy tố hình sự nếu có thể. Ông Igor Marinin, biên tập viên tờ News of Cosmonautics, cho rằng chương trình có người lái là pháo đài cuối cùng của hệ thống kiểm soát chất lượng mặc dù trong tháng 9, kỹ sư trưởng của trung tâm đào tạo phi hành gia bị cáo buộc tội tham nhũng. Khoảng trống trong chương trình vũ trụ của Nga sẽ phải mất nhiều năm mới khôi phục nổi ngay cả khi chính phủ có kế hoạch đầu tư gấp đôi kinh phí vào năm 2014.

clip_image005

Quảng trường Đỏ vẫn “trơ gan cùng tuế nguyệt”. Ảnh: kremlin.ru

Tại Pushchino, nơi có liên quan đến chương trình vũ trụ, những vấn đề về chất lượng vẫn tồn tại. Nhà sinh vật học Desherevskaya được thông báo nhà nước sẽ cấp cho cô một căn hộ dành cho nhà nghiên cứu trẻ khi cô đến Pushchino vào năm 1996. Cô đã phải chờ đợi quá lâu, đến mức khi cuối cùng tiêu chuẩn căn hộ được duyệt thì cô lại không đủ điều kiện: Cô không còn là một nhà khoa học trẻ. Cô nói cô không có kế hoạch ra đi: “Kiểu gì thì chúng tôi cũng không có bất kỳ sự lựa chọn nào cả. Cuộc sống của chúng tôi đã được đính vào trong hệ thống rồi”.

Chính trị bất ổn, chảy máu chất xám và sự thiếu quan tâm đã biến Nga từ nước đầu tiên phóng vệ tinh trở thành một “cầu thủ” ngày càng nhỏ yếu trong sân chơi khoa học của thế giới. Nga không chỉ xuống dốc trong khoa học mà cả trong các ngành công nghiệp dựa trên khoa học. Cơ sở nghiên cứu của Nga có vấn đề và ít có giải pháp. Người ta không chỉ ngạc nhiên mà còn sốc khi thấy Nga hiện chỉ chiếm một phần nhỏ trong các hoạt động trên thế giới và đang suy yếu những ưu thế cốt lõi trong khi nước này từng tiên phong trong nghiên cứu khoa học và tư duy trên toàn châu Âu và thế giới.

Viện Hàn lâm già cỗi

“Trong khi các nước khác gia tăng sản phẩm nghiên cứu của họ, nước Nga lại phải vật lộn để duy trì con số ít ỏi và thậm chí bị tụt hậu trong các lĩnh vực như vật lý và khoa học vũ trụ, hai thế mạnh cốt lõi trong quá khứ của Nga” - ông Jonathan Adams, người phụ trách mảng đánh giá về nghiên cứu khoa học của Thomson Reuters, công ty mẹ của Reuters, nói.

Các nghiên cứu của Nga chiếm khoảng 2,6% số bài báo được đăng trên các tạp chí do Thomson Reuters thống kê trong các năm từ 2005 đến 2009. Con số này lớn hơn Brazil (102.000 bài, tỉ lệ 2,1%) nhưng nhỏ hơn Ấn Độ (144.000 bài, tỉ lệ 2,9%) và thua xa Trung Quốc (415.000 bài, tỉ lệ 8,4%)”.

Chính việc cắt giảm tài trợ và sự già hóa đội ngũ nhà nghiên cứu đã làm khoa học Nga suy yếu. Năm 2007, chỉ có một vài viện nghiên cứu tốt nhất của Nga có nguồn kinh phí dành cho nghiên cứu (bằng 3%-5% so với Mỹ). Tuổi trung bình của thành viên Viện Hàn lâm Khoa học Nga trên 50. Uy tín của lĩnh vực từng chế tạo ra vệ tinh nhân tạo Sputnik, làm nên ưu thế nổi bật trong thời chiến tranh lạnh đã tụt dốc.

(Trích Báo cáo công tác nghiên cứu khoa học

Nga đầu năm 2010)

K. Đ.

Nguồn: phapluattp.vn

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn