Làm gì để giữ 3,8 triệu ha đất lúa?

Bài 1: Đã mất bao nhiêu bờ xôi ruộng mật?

clip_image001

 

Cánh đồng lúa Lung Sen nổi tiếng ở Hậu Giang bị lấy làm khu công nghiệp. Ảnh: Bình Đại

 
Huy Phong - Cao Phong - Văn Phúc

Ở đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), cây lúa đã giúp cho nhiều nhà nông, doanh nghiệp làm giàu, phần gạo dư thừa còn để xuất khẩu. Còn ở đồng bằng sông Hồng, duyên hải miền Trung, dù sản lượng lúa gạo làm ra chỉ đủ tiêu dùng, đảm bảo an ninh lương thực tại chỗ nên nông dân cũng không thể thiếu ruộng. Nhưng cơn lốc đô thị hóa, xu hướng đầu tư ồ ạt làm khu công nghiệp, sân golf, thu hồi đất lúa tràn lan để làm dự án đã đẩy nhiều nông dân vào cảnh mất ruộng, không việc làm. Chuyện giữ đất trồng lúa đang là một thách thức!

Xà xẻo đất lúa

Từ quốc lộ 80, qua sông Cái Sắn, chúng tôi đến Khu công nghiệp (KCN) Thạnh Lộc (huyện Châu Thành, tỉnh Kiên Giang) trên con đường đất sình lầy. Sau hơn 4 năm công bố quy hoạch KCN 250 ha, đến nay vẫn chưa nên hình dáng, đang trong giai đoạn bồi thường giai đoạn 1 (120 ha). Hiện tại, đất KCN vẫn là cánh đồng lúa đông xuân đang xanh tốt.

Tuy nhiên người dân nơm nớp lo lắng. Nông dân Hồ Hữu Đáng có 2 ha đất lúa bị dính vào quy hoạch KCN Thạnh Lộc phản ánh: “Đây là vùng đất trồng lúa rất trúng, vụ đông xuân đến 8-9 tấn/ha. Nhưng có quy hoạch KCN, thông báo chỉ đền bù 45 triệu đồng/công, chúng tôi không biết phải đi đâu mua được miếng đất khác tương đương để trồng lúa, sinh sống”.

Ông Đinh Văn Bình, Chủ tịch UBND xã Thạnh Lộc thừa nhận, khu đất xây dựng KCN là đất sản xuất lúa rất trúng, riêng vụ đông xuân này ước tính khoảng 10 tấn/ha. Đến nay giai đoạn 1 đã bồi thường được 78 hộ với diện tích 80 ha. Tuy nhiên do chưa đầu tư xây dựng nên người dân được thuê lại để trồng thêm 1 vụ lúa.

Chúng tôi đến KCN Sông Hậu quy mô gần 340 ha, nằm ven sông Hậu thuộc địa phận xã Đông Phú huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang. Khó hình dung đây là một KCN vì hàng trăm hécta đất trống đầy cát và cỏ dại um tùm như rừng. Trước đây, nơi này nổi tiếng là vùng đất trồng lúa tốt với biệt danh: đồng Lung Sen.

Một cán bộ xã Đông Phú, huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang phản ánh: “Trước kia vùng đất này sản xuất một năm 2 vụ lúa năng suất 12-14 tấn và 1 vụ màu. Thu nhập bình quân của lúa và hoa màu trên mỗi hécta đất ở đây không dưới 70 triệu đồng/năm (chỉ tính giá lúa 2.000 đồng/kg). Việc bỏ trống diện tích đất lớn như thế rất lãng phí…”.

clip_image002

Người dân vào Khu công nghiệp Sông Hậu (Hậu Giang) trồng lúa.

Hạ cấp... đất vàng!

Trong khi đó, trên 70 ha/120 ha đất lúa của người dân ấp Ngan Rô 1, thị trần Trần Đề, huyện Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng được thu hồi làm KCN, rất nhiều người xót xa. Có đến 171 hộ dân (chủ yếu là nông dân) bị thu hồi đất và ảnh hưởng của dự án. Đầu năm 2011, người dân được thông báo nhận tiền bồi thường và giao trả đất lại để làm KCN. Tuy nhiên KCN đâu chẳng thấy, chỉ thấy những người có trách nhiệm cho người khác thuê lại để trồng lúa trong sự bức xúc của người dân địa phương…

Trong tờ trình gửi Chính phủ, tỉnh Vĩnh Long quy hoạch thêm 5 KCN mới, tập trung ở các huyện Long Hồ, Bình Tân, Bình Minh và huyện Mang Thít với tổng diện tích 1.930 ha. Trong đó, có hơn 1.000 ha đất lúa, nhưng năng suất rất thấp, khoảng 4,07 tấn/ha (sau đó điều chỉnh lên 5,5 tấn/ha); thấp hơn mặt bằng chung của tỉnh là 5,05 tấn/ha (so năm 2008). Thế nhưng trên thực tế, nhiều nơi đạt năng suất lúa khá cao, 6-7 tấn/ha, thậm chí nhiều diện tích đạt trên 7 tấn/ha. KCN Đông Bình 350 ha, thuộc phạm vi xã Đông Bình và Đông Thành, huyện Bình Minh, đất trồng lúa chiếm hơn 225 ha, 820 hộ với hơn 3.200 nhân khẩu bị mất đất.

Chúng tôi đã đến một trong ba vùng chuẩn bị lấy đất làm KCN tập trung Đông Bình, thật bất ngờ, cả người dân và cả cán bộ xã đều khẳng định, năng suất lúa đều đạt trên 7 tấn/ha. Nhiều nông dân phản ánh: “Đất lúa ở đây có thể coi là “đất vàng”, lấy làm KCN thì tiếc quá. Mấy chục năm làm ruộng, giờ giao đất cho nhà nước thì không biết chuyển sang nghề gì để sống?!”. Trong khi đó, người dân ở ấp Đông Hưng 2, xã Đông Thành (bị quy hoạch làm KCN) khẳng định: “Đất trồng lúa ở đây bình quân 3 vụ đều hơn 6 tấn/ha; trúng nhất là vụ đông xuân lên tới 7-8 tấn/ha”.

Nhà nông mất ruộng, hụt hẫng vì dự án ăn theo

  • TS. Lê Văn Bảnh, Viện trưởng Viện Lúa ĐBSCL:

      "Từ năm 2006 đến nay, bình quân mỗi năm Cần Thơ mất gần 1.000 ha đất nông nghiệp (phần lớn là lúa); từ 94.000 ha giảm còn 88.000 ha. Đây là vấn đề nóng, tuy nhiên tại cuộc họp HĐND tỉnh vừa qua các ngành chuyên môn không trả lời được việc chuyển đất nông nghiệp sang các hình thức sử dụng khác hiệu quả như thế nào. Thực trạng mở rộng các KCN, đô thị, sân golf… làm mất đất trồng lúa ở vùng ĐBSCL đã quá rõ ràng, đáng báo động; trong đó có nhiều diện tích đất “biền” (đất tốt) trồng lúa"

    Sau khi dự án làm đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng (quốc lộ 5B) khởi động thì hàng loạt dự án khu đô thị, KCN “ăn theo” hai bên mặt đường cũng đua nhau vẽ ra ngay trên những cánh đồng lúa của tỉnh Hải Dương, Hưng Yên và một phần của TP Hà Nội, Hải Phòng.

    Trong đó, chỉ riêng ở huyện Gia Lộc (Hải Dương) nơi đường cao tốc đi qua, để có mặt bằng làm đường và KCN, khu đô thị sẽ phải thu hồi tổng cộng 450 ha. Trong đó, diện tích thu hồi để làm KCN lên tới 250 ha, làm khu đô thị 100 ha.

    Ở thôn Long Tràng thuộc xã Hoàng Diệu (Gia Lộc), cũng như bao làng xã khác, từ bao đời nay hơn 500 người chỉ biết trông cậy vào 30 ha đất lúa, một năm hai vụ lúa và ba lứa rau vụ đông, một sào ruộng ở đây cho lãi ròng 10-12 triệu đồng. Nhưng bỗng có “lệnh” thu hồi 4 ha đất nông nghiệp để làm quốc lộ, nông dân xót đắng nhưng vẫn hưởng ứng vì là công trình lớn của quốc gia. Nào ngờ sau đó lại nảy thêm bản quy hoạch một khu đô thị rộng hơn 100 ha, “nuốt chửng” cả cánh đồng làng và nhiều cánh đồng bên cạnh. Cả làng phát hoảng vì toàn bộ ruộng sẽ bị thu hồi. Rồi đây, lúa và hoa màu phải nhường chỗ cho nhà cao tầng, nông dân sẽ sống bằng gì?

    Tương tự như thôn Long Tràng, ngay ngoại ô Hà Nội, trong 3 năm qua cũng có hàng trăm làng, xã bị thu hồi đất để làm đủ loại dự án. Trong đó, có những xã như An Khánh (Hoài Đức), Dương Nội, Văn Phú (Hà Đông), Quang Minh (Mê Linh), Cổ Nhuế (Từ Liêm)… còn bị thu hồi 100% diện tích, mà 90% là đất lúa. Nơi bị thu hồi đầu tiên là xã An Khánh, khi triển khai dự án đường cao tốc Láng-Hòa Lạc. Lúc đó, dân bị một cú sốc vì mất ruộng.

    Ông Nguyễn Văn Phiên, ngoài 50 tuổi, một người dân thôn Vân Lũng cho biết, thực ra chỉ một phần ruộng bị thu hồi để mở đường, còn lại 95% thu hồi là để xây 3 khu đô thị mới “ăn theo” dự án và hàng chục nhà máy mọc kín mít hai bên đại lộ. Trước kia, cả xã có 6 thôn với 150 ha nhưng bây giờ không còn lại một thửa ruộng. “Ruộng bị san lấp cả, không còn mảnh đất nhỏ để  trồng rau ăn, bây giờ chẳng lẽ tôi đi chăn vịt trên quốc lộ” - ông Phiên nói.

     
     

    Theo một khảo sát mới đây của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - Chi nhánh Cần Thơ (VCCI Cần Thơ): Vùng ĐBSCL hiện có 20 KCN với tổng diện tích 3.645 ha nhưng mới chỉ cho thuê hơn 810 ha, đạt tỷ lệ hơn 22%. Các tỉnh, thành ĐBSCL còn thành lập có 177 cụm công nghiệp, tổng diện tích 15.457 ha. Trong số này, mới có 15 cụm được các doanh nghiệp thuê hơn 700 ha đất, đạt tỷ lệ 4,5%. Như vậy, ĐBSCL đang lãng phí diện tích đất rất lớn trong các khu, cụm công nghiệp với diện tích lên đến hơn 17.600 ha (hơn 92% diện tích quy hoạch). Con số đất lúa bị giảm đi trong 10 năm qua là 270.000 ha, phần lớn là đất tốt, có cơ sở hạ tầng khá hoàn chỉnh, thuận lợi để thâm canh…

    Đáng chú ý là hàng ngàn hécta đất cặp sông Tiền, sông Hậu từ thượng đến hạ nguồn, được các chuyên gia nông nghiệp, nhà khoa học đánh giá là rất tốt, cần được bảo vệ phục vụ sản xuất nông nghiệp (lúa, cây ăn quả đặc sản, rau màu) đã và đang bị khoát lên chiếc áo KCN, do chưa sử dụng hết, nhiều diện tích bị bỏ hoang, cỏ mọc um tùm…

     
     

      H.P. – C.P. – V.P.

    Nguồn: sggp.org.vn

    Bài 2: Nỗi niềm nông dân mất đất

    NHÓM PV

    Bây giờ dọc dài miền quê các tỉnh miền Trung và ĐBSCL, rất nhiều nhà máy hiện đại sừng sững; những khu đô thị khang trang mọc lên minh chứng một xã hội công nghiệp hóa, đô thị hóa bắt đầu hình thành. Tất cả như một luồng sinh khí mới đối với một bộ phận người dân miền Trung vốn quanh năm nghèo khó. Thế nhưng, phía sau bóng dáng nguy nga ấy lại là nhiều ánh mắt buồn vời vợi, vì nhớ quê khi nông dân xa ruộng đồng, được tái định cư ở vùng đất mới. Có cả tiếc nuối lẫn hờn giận khi trên chính những mảnh đất bao năm cung ứng cho họ những hạt gạo, củ khoai trong cuộc sống thường ngày, vậy mà giờ đất đai hoang hóa, gây lãng phí bởi những dự án “treo”.

       

    • Nỗi nhớ ruộng đồng

    Chúng ta đã từng trải qua cái đói, phải đi vay gạo của nước ngoài để cứu đói cho dân. Cái thời đó không phải xa xưa mà cũng chỉ xảy ra cách đây có mấy chục năm thôi, sao chúng ta nhanh quên thế

    Ông Nguyễn Trí Ngọc

    Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT)

    Ông Phan Hòa, Chủ tịch UBND xã Bình Đông, huyện Bình Sơn (Quảng Ngãi), dẫn chúng tôi men theo những con đường ngoằn ngoèo, sình lầy với những vũng nước màu vàng đen dẫn vào khu dân cư số 6. Phóng tầm mắt ra xa, nơi cả một mặt bằng rộng mênh mông của dự án Nhà máy thép Quảng Liên chỉ có lô nhô vài cọc bê tông được đóng xuống, ông Hòa nói: “Không ai nghĩ đó lại là những tuyến đường dân sinh trong một khu kinh tế quy mô nhất Quảng Ngãi”. Ông Huỳnh Thuận, một người dân của khu dân cư số 6, nói: “Cả khu dân cư bị bỏ rơi trong mặt bằng dự án, chúng tôi quá mệt mỏi khi phải chờ đợi được di dời đến nơi ở mới để có đất sản xuất, ổn định cuộc sống. Là nông dân mà không có đất sản xuất, chỉ có nước chạy rông, đụng chi làm nấy chứ biết làm chi”.

    Rời Bình Đông, chúng tôi vào khu tái định cư Đông Thuận, xã Tịnh Hòa (Sơn Tịnh). Đã hơn 12 năm chuyển đi từ xã Bình Trị (huyện Bình Sơn) để nhường đất cho dự án Nhà máy lọc dầu Dung Quất, đường đi của khu tái định cư Đông Thuận vẫn là đất cát.

    Ông Vương Cộng, 60 tuổi, nói: “Hồi mới vào, họ bảo cứ ở đi, rồi làm đường nhựa cho đi. Đến nay có thấy gì đâu. Mà không riêng gì đường, còn nhiều công trình dân sinh khác nữa”. Ngồi xuống bờ kè sạt lở nham nhở, ông Nguyễn Hòa, 70 tuổi, nói: “Lời hứa của cán bộ vận động cách đây 12 năm rằng, bà con cứ về khu tái định cư mới sẽ có cuộc sống khá hơn chỗ ở cũ, có đường, trạm xá, có đất sản xuất, nhưng cũng từng ấy thời gian, họ phải chạy ăn từng bữa, đất không, ruộng không. Những nông dân chuyển sang làm ngư dân cũng không khá hơn, cuộc sống bấp bênh”.

         

    • Phải đi thuê ruộng

       

    Chúng tôi gặp ông Phạm Chỉnh (phường Mân Thái, quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng) đang tranh thủ làm đất trồng lứa rau cuối cùng trên mảnh ruộng hơn 2 sào đang thuê tại cánh đồng Sơn Thủy, phường Hòa Hải (Ngũ Hành Sơn), mai đây sẽ được “trưng dụng” để làm dự án suối khoáng nóng Hoàng Trà.

    Ông Chỉnh trầm tư: “Ba năm trước, khu vườn rau nhà tôi ở Mân Thái giải tỏa để chỉnh trang đô thị. Nhận tiền đền bù xong, chúng tôi chuyển sang buôn bán nhưng ế ẩm, lại quay về với nghề trồng rau. Có người chỉ tôi ra ngoại ô thuê đất. Thế là “dạt” về đây thuê được 2 sào dọc sông Cổ Cò (phường Hòa Hải) đầy cỏ dại, khai hoang vỡ hóa mới có được như hôm nay, nhưng e lại phải tiếp tục “dạt” rồi và không biết lần này sẽ đi đâu?”.

    Theo nhẩm tính của ông Chỉnh, trồng rau tuy vất vả nhưng mỗi tháng thu 4 - 5 triệu đồng, trang trải được cuộc sống gia đình. Nay mai sẽ không có đất để làm nữa, cả gia đình không biết làm gì kiếm kế sinh nhai. Có lẽ câu hỏi mà ông Chỉnh đau đáu cũng là câu hỏi của hàng ngàn hộ nông dân của Đà Nẵng hơn 10 năm qua khi TP này thực hiện chỉnh trang, mở rộng.

    Bây giờ có lẽ cụm từ đô thị Nam cầu Cẩm Lệ hay khu đô thị sinh thái Hòa Xuân đã quen với người Đà Nẵng. Với tham vọng biến cửa ngõ phía Nam TP thành một khu đô thị sầm uất, khang trang, Đà Nẵng đã cho quy hoạch hàng loạt khu dân cư, nhà máy ngay trên diện tích đất sản xuất nông nghiệp trước đây của xã Hòa Xuân (nay là phường Hòa Xuân). Điều đó đang dần thành hiện thực khi những ngôi nhà mới khang trang, đường nhựa phẳng lì, ánh điện lung linh… Nhưng đi về vùng ven ấy, những nông dân trong cơn lốc đô thị hóa ngồi “bó gối” với hàng loạt câu hỏi đặt ra phải làm gì nuôi sống gia đình và bản thân khi đất nông nghiệp đã bị thu hồi?

    Tại Hà Nội, Dương Nội là xã ngoại thành, cách đây 3 năm, khi có dự án đường Lê Văn Lương và Lê Trọng Tấn cắt qua, một lúc có tới 14 dự án đầu tư chung cư cao tầng, ăn theo cơn sốt đất. Người dân phản ứng rất dữ, đề nghị không được làm khu đô thị, để lại ruộng cho nông dân nhưng rồi toàn bộ đồng ruộng vẫn bị san lấp. Anh Bùi Văn Lý, nhà ở thôn Ỷ La, kể: “Bây giờ không còn ruộng để làm ăn, vợ chạy chợ, chồng đi phụ hồ”.

    Sau khi toàn bộ ruộng bị thu hồi, có chút vốn liếng từ tiền đền bù, nhiều hộ gia đình ở Dương Nội, An Khánh nhanh trí chuyển đổi sang làm dịch vụ như mở lò mổ thịt heo, thịt chó; bán hàng ăn uống; buôn gà, kinh doanh vật liệu xây dựng… Nhưng vẫn còn nhiều người tìm cách bám đồng ruộng để mưu sinh bằng cách kéo nhau đi sang các làng lân cận như La Tinh, Đông Lao, Đại Mỗ, La Phù, La Dụ… thuê đất để trồng hoa màu và lúa. Nhiều người dân ở các huyện Đan Phượng, Hoài Đức cũng buộc phải làm như vậy…

    clip_image003

    KCN Hưng Phú 1 (quận Cái Răng - TP Cần Thơ) quy hoạch trên đất ruộng vườn màu mỡ của dân, sau nhiều năm triển khai rất ì ạch.

    • Sinh kế - lâm thế khó

       

    Tại KCN Trần Đề (tỉnh Sóc Trăng) quy mô 120 ha, hầu hết diện tích này đều nằm trong vùng đất lúa. Khi thu hồi đất, rất nhiều người không còn đất sản xuất, không còn nhà để ở. Ông Nguyễn Minh Hùng ở ấp Ngan Rô 1, có hơn 1 ha đất lúa và nhà ở bị thu hồi, bức xúc: “Nhà nước bồi thường tổng cộng hơn 1,5 tỷ đồng. Nhận tiền rồi không biết làm gì sống nữa”.

    Tại KCN Sông Hậu, chúng tôi bắt gặp cảnh khốn khó của hàng chục hộ dân trong vùng dự án nhà máy đóng tàu Hậu Giang. Ngày 26-9-2006, số hộ dân thuộc ấp Phú Nhơn, xã Đông Phú được phát tiền bồi thường đất (50.000 đồng/m²) nhưng gần 4 năm sau mới được bồi thường tiền nhà. Mấy năm trời, người dân không biết đi đâu, cũng không thể bỏ đi vì chưa được bồi thường. Đất sản xuất đã giao cho nhà đầu tư, không có việc làm nên người dân ăn mòn tiền bồi thường đất.

    Trong gần 4 năm chờ bồi thường tiền nhà, không có việc làm ổn định vì KCN “trùm mền” nên gia đình nông dân Nguyễn Văn Thành (có 3 công đất bị thu hồi) với 14 người đã ăn hết số tiền bồi thường đất. Nông dân Võ Văn Mười có 9.000 m² đất và nhà cửa bị thu hồi, gần 4 năm chờ bồi thường đã bán ăn hết 2/3 suất nền tái định cư.

    Vì không có việc làm ổn định, không đất sản xuất, xài hết tiền đền bù, thấy đất tốt nhưng bị bỏ hoang nên nhiều hộ dân (vốn có đất bị thu hồi làm KCN) đã quay về “mượn” tạm đất bỏ hoang tại các KCN để trồng lúa, rau màu kiếm sống.

    Đang tất bật chăm sóc đám lúa gần 1 ha sắp tới ngày thu hoạch trên đất KCN Sông Hậu (xã Đông Phú, huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang), ông Nguyễn Văn Mắng ở ấp Phú Nhơn, xã Đông Phú nói: “Nhà tôi có 10 nhân khẩu, bị thu hồi toàn bộ 8 công đất lúa vào dự án làm đường và KCN. Thấy đất tốt bị bỏ hoang nên cha con tôi “mượn” tạm trồng lúa kiếm gạo ăn. Mà trồng lúa trúng lắm chú à, vụ nào cũng được 5-6 tấn/ha”.

    Nhiều nông dân khác như Năm Thiền, Hai Quốc, Bảy Nghi, Năm Mun… cũng tranh thủ mượn đất “hoang” của KCN để làm lúa, trồng ớt, đậu…

    TP Cần Thơ hiện có 8 KCN. Trong số này, ngoài KCN Trà Nóc 1, 2 có cơ sở hạ tầng tương đối hoàn chỉnh nên đã lấp đầy 100%, KCN Thốt Nốt (có 9 doanh nghiệp), KCN Ô Môn và Bắc Ô Môn đang lập quy hoạch. Còn lại KCN Hưng Phú 1, KCN Hưng Phú 2A, 2B “trùm mền” nhiều năm qua vì chủ đầu tư gần như giậm chân tại chỗ.

    Tổng diện tích đất trồng lúa của toàn tỉnh Quảng Ngãi đến năm 2020 còn trên 39.000 ha, trong đó đất trồng lúa nước từ 2 vụ trở lên khoảng 35.300 ha. Hiện tại diện tích đất trồng lúa nước trên địa bàn toàn tỉnh là 41.700 ha. Nghĩa là so với quy hoạch trên, diện tích đất lúa của tỉnh trong giai đoạn 2011-2020 giảm khoảng 2.600 ha. Trong khi đó, thống kê từ năm 2006 đến 2010, Quảng Nam đã có 4.056 ha đất canh tác lúa, hoa màu và 227 ha mặt nước nuôi trồng thủy sản bị thu hồi để xây dựng các xí nghiệp, đô thị, kết cấu hạ tầng. Điều tra của Hội Nông dân TP Đà Nẵng, toàn TP có khoảng 20.000 nông dân bị ảnh hưởng bởi việc giao khoảng 10.000 ha đất nông nghiệp cho các dự án sau hơn 10 năm Đà Nẵng thực hiện chủ trương quy hoạch, chỉnh trang đô thị.

    Nguồn: sggp.org.vn

    Sáng lập:

    Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

    Điều hành:

    Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

    Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

    boxitvn.online

    boxitvn.blogspot.com

    FB Bauxite Việt Nam


    Bài đã đăng

    Được tạo bởi Blogger.

    Nhãn