Bức tranh về lạm phát Việt Nam năm 2011

Vũ Hoàng, Phóng viên RFA

Một trong những vấn đề nổi cộm của nền kinh tế Việt Nam năm 2011 là lạm phát. Đã có những tháng, Việt Nam nằm trong số các quốc gia có lạm phát cao nhất thế giới.

clip_image001

Rau quả bán tại một chợ ở TP HCM, ảnh chụp tháng 4-2011. RFA PHOTO

Vì sao hiện tượng này diễn ra và tác động của nó đến đời sống của người dân và các doanh nghiệp ra sao? Vũ Hoàng ghi nhận lại bức tranh tổng quát về lạm phát trong năm 2011 vừa qua.

Thưa quí thính giả, “lạm phát” “giá cả leo thang”, “hàng hóa đắt đỏ”… là những câu chữ mà chúng ta nghe thấy hàng ngày và dĩ nhiên là tác động trực tiếp đến túi tiền của chúng ta. Nhưng vì sao hiện tượng này diễn ra và lạm phát là gì mà trong suốt năm qua, Việt Nam phải “đấu tranh”, phải “chống lại” như một vấn nạn.

Xin được trả lời ngay rằng, “lạm phát” hay chỉ số giá tiêu dùng là mức tăng của giá cả hàng hóa và dịch vụ tại thời điểm này so với một khoảng thời gian trước đó, thường được tính theo tháng hoặc theo năm.

Nhưng chắc hẳn, quí vị sẽ tự hỏi, tại sao “lạm phát” lại xuất hiện, chẳng nhẽ người ta không thể loại bỏ được nó hay sao? Xin thưa rằng, giá cả hàng hóa tăng hay giảm là một quy luật không thể tránh trong một nền kinh tế thị trường, khi mọi hoạt động mua bán đều được quyết định qua nhu cầu tiêu thụ của xã hội và mức cung cấp của nhà sản xuất. Nói một cách khoa học, “lạm phát” xảy ra khi có nhiều tiền hơn được lưu thông và trao đổi trong một nền kinh tế.

Bài tổng kết của chúng tôi không đi vào giải thích cụ thể từng thuật ngữ, mà chỉ muốn đem lại đến quí vị một bức tranh tổng thể về hiện tượng kinh tế này trong năm 2011, để phần nào quí vị hình dung được vì sao trong năm qua, đã có lúc chúng ta thấy như bị “mất cắp” khi đi chợ, còn doanh nghiệp thì không thể chống đỡ nổi “cơn bão giá.”

Thất bại

clip_image002

Thịt heo được bán theo giá niêm yết tại siêu thị Big C ở Hà Nội, ảnh chụp hôm 14/08/2011. RFA PHOTO

Nếu tháng giêng năm 2011, lạm phát Việt Nam khởi điểm 7% so với cùng kỳ năm 2010 thì đúng 3 tháng sau đó, cuối tháng 4/2011, Tổng cục Thống kê Việt Nam chính thức thông báo lạm phát hay chỉ số giá tiêu dùng (gọi tắt là CPI) nhảy vọt lên mức gần 18% so với một năm trước đó.

Nghe các con số thì khô khan, nhưng chỉ cần hình dung thế này, nếu quí vị, tháng tư năm trước bỏ ra 100,000 cho một ký lô thịt heo, thì đến tháng tư năm nay, quí vị phải bỏ ra gần 118,000 đồng cũng chỉ để mua một ký lô thịt heo. Trong khi lương tháng vẫn không hề thay đổi, hàng hóa thì tăng, còn tiền lương lại cố định, làm cho quí vị có cảm giác như như mình vừa bị “lấy trộm” mất gần 18,000 đồng.

Với mức tăng xấp xỉ gần 18%, tốc độ leo thang của giá cả được cho là tăng nhanh nhất kể từ hồi năm 2008.

Tuy nhiên, lạm phát Việt Nam vẫn chưa dừng lại ở đó. Lạm phát tháng 7 lên đến đỉnh điểm, tăng hơn 22% so với cùng kỳ năm 2010 và tăng xấp xỉ 15% so với ngày đầu tiên của năm 2011. Lạm phát tháng 7 của Việt Nam lúc này ở mức cao nhất Châu Á và đứng thứ nhì thế giới, chỉ sau Venezuela.

Sau những tháng ngày được coi là hết sức khó khăn chống chọi với mức tăng giá cả, lạm phát bắt đầu có dấu hiệu chững lại và tốc độ tăng chậm hơn trong quí 3 và đến những tháng cuối cùng của năm, lạm phát được xem là bắt đầu giảm từ từ, chẳng hạn ở mức gần 22% trong tháng 10, xuống gần 20% trong tháng 11, và 18% trong tháng 12. Cho đến khi chúng tôi thực hiện bài viết này, lạm phát trung bình cả năm 2011, là xấp xỉ 19% so với năm 2010.

Như vậy, so với mục tiêu đề ra ban đầu, khống chế lạm phát toàn năm ở mức 7% đã hoàn toàn thất bại. Mọi câu chuyện giờ đây là làm rõ trách nhiệm và chất lượng bộ máy điều hành vì sao lại để chỉ số vĩ mô này không đạt được như mục tiêu đề ra.

Sản phẩm của chính sách tiền tệ/tài khóa

VIETNAM-THEME-MARKET

Dãy hàng bún tươi ở một chợ nhỏ HN. AFP photo

Cũng xin được nhắc lại, dưới góc độ vĩ mô, có 2 công cụ chính được áp dụng để điều tiết nền kinh tế là chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa mà chúng ta thường được nghe.

Chính sách tiền tệ là việc Chính phủ, thông qua ngân hàng Trung ương nới lỏng hoặc siết chặt dòng tiền lưu thông trong nền kinh tế bằng biện pháp tăng hoặc giảm lãi suất và tỉ giá hối đoái. Còn chính sách tài khóa là việc áp dụng tăng hoặc giảm thuế và chi tiêu của chính phủ (mà chúng ta thường nghe là đầu tư công).

Nhắc lại vấn đề này, TS Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung ương cho biết:

"Lạm phát trước hết là sản phẩm của chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ, bởi vì so với các nước trong khu vực thì lạm phát của Việt Nam cao nhất và cung tín dụng, cung tiền của Việt Nam cũng là cao nhất, và bội chi ngân sách của Việt Nam cũng là cao nhất."

Còn nhớ hồi đầu năm, hàng loạt những sự kiện lớn của thế giới xảy ra như những biến động chính trị ở Trung Đông, Bắc Phi và thiên tai ở Nhật Bản đẩy giá tiêu dùng toàn thế giới lên cao và Việt Nam cũng bị ảnh hưởng. Giới hữu trách cho rằng những yếu tố khách quan đó ảnh hưởng đến lạm phát Việt Nam, nhưng theo lời bà Phạm Chi Lan, một chuyên gia kinh tế độc lập hàng đầu cho biết để lạm phát xảy ra vẫn là do yếu tố nội tại trong nước. Bà nói:

“Tôi cho những nguyên nhân khách quan đó nó chỉ là những lý do rất nhỏ thôi. Nó tác động cả những nền kinh tế khác nhất là các nước chung quanh Việt Nam và Đông Nam Á nhưng họ không có tình trạng lạm phát như Việt Nam.

Lạm phát trước hết là sản phẩm của chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ, bởi vì so với các nước trong khu vực thì lạm phát của Việt Nam cao nhất và cung tín dụng, cung tiền của Việt Nam cũng là cao nhất, và bội chi ngân sách của Việt Nam cũng là cao nhất.

TS Lê Đăng Doanh

Không nên đổ thừa do những lý do bên ngoài mà Việt Nam không kiểm soát nổi. Những lý do chính làm cho lạm phát cao trong mấy tháng gần đây tôi nghĩ tất cả các người nghiên cứu quốc tế ở tại Việt Nam đều thừa nhận do những lý do khác, những lý do nằm trong nội bộ nền kinh tế Việt Nam”.

Chúng ta còn nhớ việc phá giá đồng nội tệ hơn 9%, tăng giá xăng dầu lên gần 3.000 đồng/lít, cho đến việc điều chỉnh giá điện sinh hoạt hơn 15% được thực hiện một cách liên tục, dồn dập và thiếu đồng bộ trong một thời gian ngắn đầu năm khiến chỉ số CPI tăng không ngừng ở những tháng tiếp theo.

Hơn nữa, với nền kinh tế tăng trưởng quá nóng từ các năm trước đó, Chính phủ liên tục bơm tiền vào nền kinh tế qua các biện pháp tín dụng mở rộng, khiến lượng tiền dư thừa, đẩy giá cả hàng hóa lên cao một cách chóng mặt.

Với chính sách tiền tệ mở rộng, tổng phương tiện thanh toán toàn xã hội tính đến giữa năm lên xấp xỉ 130% lượng GDP. Đi đôi với tốc tăng trưởng cao là cái giá phải trả cho lạm phát cũng bị kéo lên theo.

Tạp chí kinh tế Economist hồi tháng 7, đã xếp Việt Nam vào một trong 7 nền kinh tế mới nổi, có nguy cơ tăng trưởng nóng nhất thế giới. Riêng về góc độ “nóng” của nền kinh tế, trong lần trả lời phóng viên Nam Nguyên, TS Võ Trí Thành, [Phó] Viện trưởng Viện nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương nhận xét:

“Theo tôi mức độ tăng trưởng của kinh tế Việt Nam còn hơi dưới mức tiềm năng một chút, xét về góc độ tiềm năng thì có lẽ nền kinh tế Việt Nam không phải quá nóng. Cái ‘nóng’ ở đây là do sự sai lầm nhất định trong điều hành chính sách cộng với việc nền kinh tế trở nên mở hơn rất nhiều, việc điều hành cũng khó hơn. Do đó làm cho lạm phát cao, rủi ro bất ổn kinh tế vĩ mô cao”.

clip_image004

Minh họa chương trình bình ổn giá tại một siêu thị ở SG tháng 2/2011. RFA photo

Với nền kinh tế quá nóng dẫn đến lạm phát là điều khó tránh khỏi, chính sách tài khóa mở rộng cũng là nguyên nhân chính khác khiến tổng lượng tiền chung của toàn bộ nền kinh tế bị đẩy lên cao. Cụ thể, là việc đầu tư công của chính phủ thông qua chi tiêu quá nhiều cho khối doanh nghiệp Nhà nước. Một lần nữa, bà Phạm Chi Lan giải thích:

“Chi tiêu công của Việt Nam trong suốt mấy năm vừa qua ở một tỷ lệ khá cao và là một trong những nguyên nhân gây ra lạm phát. Chính vì vậy, trong 6 nhóm giải pháp cơ bản để chống lạm phát ở Việt Nam, thì Chính phủ đề ra việc cắt giảm chi tiêu công và hạn chế chi tiêu công xuống. Trên thực tế, sở dĩ trong thời gian vừa qua nó chưa có tác động gì được là bởi vì việc chi tiêu công chưa thực sự được cắt giảm với yêu cầu cần thiết của nó.

Tôi cho rằng quan trọng nhất là làm sao giảm mức tín dụng quá nhiều và quá lớn ở các doanh nghiệp Nhà nước cũng như các dự án liên quan đến đầu tư công. Bởi vì đây là khu vực thường gây ra lãng phí lớn nhất, hiệu quả của nó thấp nhất và có cả những nhân tố tham nhũng ở đó nữa”.

Với con số khoảng 300.000 dự án đầu tư công mỗi năm, lượng tiền đổ ra cho các dự án này lên đến nhiều ngàn tỉ đồng cộng với số tiền thất thoát 68.000 ngàn tỉ đồng của Vinashin hay 3.000 tỉ đồng của công ty cho thuê Tài chính 2 của Ngân hàng NN và PTNN khiến lượng tiền đổ ra thị trường quá nhiều khiến lạm phát bùng nổ là điều dễ nhận thấy. Do đó, vấn đề tái cấu trúc nền kinh tế hiện nay với mục tiêu cắt giảm chi tiêu công đang là trọng tâm hàng đầu mà Chính phủ Việt Nam phải nỗ lực.

Có thể nói rằng, quá trình đấu tranh chống lạm phát sẽ còn là câu chuyện dài hơi, với quyết tâm kiềm chế lạm phát, thậm chí đánh đổi tăng trưởng đang là những ưu tiên hàng đầu mà Chính phủ Việt Nam thực hiện. Hy vọng rằng, sang năm mới 2012, bức tranh chung về lạm phát sẽ có những mảng sáng hơn là những gam màu tối như năm nay.

V.H.

Nguồn: rfa.org

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn