Nhà máy điện hạt nhân vào năm 2014, nên chưa?

Trần Sơn Lâm

Nguyên Trưởng phòng Phân tích đồng vị - Địa niên biểu hạt nhân, Giám đốc Trung tâm Chuyển giao công nghệ - Viện Địa chất và Khoáng sản Bộ Công nghiệp

clip_image001

Nhà máy điện hạt nhân Fukushima bị hư hỏng nặng trong thảm họa động đất và sóng thần vừa qua

(TBKTSG) - Kinh nghiệm cho thấy, việc chuẩn bị và ra quyết sách cho một chủ trương lớn càng thận trọng và khoa học thì nguy cơ xảy ra rủi ro càng nhỏ. Việc triển khai chương trình điện hạt nhân cần có những chuẩn bị, khảo sát kỹ lưỡng về địa điểm, về môi trường địa lý, về lựa chọn công nghệ hạt nhân, về nhiên liệu, và nguồn nhân lực cũng như sự đồng thuận của người dân. Nước ta đã sẵn sàng cho việc xây dựng nhà máy điện hạt nhân vào năm 2014 như kế hoạch chưa?

Địa điểm và môi trường xây dựng nhà máy điện hạt nhân

Để xây dựng nhà máy điện hạt nhân, ngoài việc phải tiến hành khảo sát rất kỹ về cấu trúc, nền móng địa chất, phải tiến hành quan trắc môi trường hàng chục năm trước khi đưa nhà máy vào vận hành nhằm đặt ra chế độ phòng ngừa an toàn cho nhà máy khi có các dấu hiệu biến đổi của môi trường xung quanh.

Theo các nhà địa chất, Việt Nam là nước nằm trong khu vực chịu ảnh hưởng vành đai núi lửa Thái Bình Dương, nơi cơ quan khoa học liên tục đo được các dư chấn động đất tại các tỉnh vùng miền Trung và Nam bộ. Thực tế, xét riêng về mặt cấu tạo địa chất, địa điểm Ninh Thuận chưa phải là địa điểm an toàn nhất. Địa điểm dự kiến xây dựng lại nằm gần đứt gãy địa chất vì vậy việc khảo sát cấu trúc địa chất ở vùng này là việc làm vô cùng cần thiết.

Về môi trường địa lý, nơi đây có khí hậu nóng, ẩm, độ mặn của nước biển rất cao khác hẳn với môi trường địa lý của các vùng biển Nhật Bản nơi có các nhà máy điện hạt nhân đang hoạt động. Khí hậu Việt Nam thuộc vùng nhiệt đới có độ ẩm ướt và khô hanh thất thường, tần suất biến đổi về khí hậu rất lớn nên vật liệu để chế tạo các chi tiết của lò phản ứng cũng như các chi tiết, thiết bị của các hệ thống trên cũng phải nghiên cứu để nhiệt đới hóa. Độ mặn nước biển lớn cùng với môi trường khắc nghiệt của vùng nhiệt đới rất dễ làm biến đổi chất lượng của các vật liệu. Chỉ cần một trận động đất cũng có thể phá vỡ hệ thống làm mát lò phản ứng như đã xảy ra đối với nhà máy điện hạt nhân ở Fukushima.

Về lựa chọn công nghệ điện hạt nhân

Việc lựa chọn công nghệ điện hạt nhân cần phải cân nhắc hết sức thận trọng trên cơ sở đánh giá khách quan, khoa học về kinh nghiệm vận hành, xử lý sự cố và khả năng cung cấp nhiên liệu hạt nhân, các trang thiết bị thay thế của các đối tác mà ta nhận chuyển giao, cũng như khả năng chuyển giao công nghệ để ta có khả năng nội địa hóa từng phần như Hàn Quốc đã làm.

Nhà máy điện hạt nhân mà Nga định chuyển giao cho ta là loại lò mới nhất có kết hợp với các thành tựu về công nghệ thiết kế chế tạo các thiết bị đi kèm của các nước Mỹ, Pháp, Đức. Vì vậy trong nhà máy điện hạt nhân mà Nga dự định xây dựng ở Việt Nam có nhiều chi tiết, cụm chi tiết, thiết bị mà Nga phải nhập của nước ngoài. Do đó nếu xảy ra một sự cố hỏng hóc đối với các loại chi tiết, thiết bị này, việc thay thế sẽ gặp khó khăn.

Mặc dù Nhật đã thiết kế, chế tạo và xây dựng nhiều nhà máy điện hạt nhân trên đất Nhật nhưng cho đến thời điểm này Nhật vẫn chưa xuất khẩu được nhà máy điện hạt nhân ra nước ngoài, lý do vì sao ta cũng cần tìm hiểu rõ về ưu nhược điểm của các nhà máy điện hạt nhân của Nhật với các nhà máy điện hạt nhân của các nước khác để lường trước mọi vấn đề trong ký kết hợp đồng.

Để xây dựng nhà máy điện hạt nhân có công suất 1.000 MW, dự kiến kinh phí ta phải vay theo lãi suất thương mại là trên dưới 5 tỉ đô la Mỹ (theo quy định của quốc tế không dùng vốn ODA để xây dựng nhà máy điện hạt nhân). Với lãi suất trên dưới 3%/năm, sau khi tiếp nhận, nếu xảy ra một sự cố cần khắc phục và phải thay thế một cụm chi tiết nào đấy phải dừng hoạt động, tính toán cho thấy một tháng ta cũng phải trả lãi cho khoản vay trên khoảng 12,5 triệu đô la Mỹ chưa kể phải trả tiền lương cho công nhân và chuyên gia để bảo hành và duy trì nhà máy.

Nhiên liệu cho nhà máy điện hạt nhân

Theo tính toán của các nhà khoa học, trữ lượng của các mỏ urani trên thế giới cũng đang cạn kiệt dần và chỉ đủ dùng cho các nhà máy điện hạt nhân trong vòng 50-60 năm nữa nếu không tái tạo được nhiên liệu hạt nhân đã qua sử dụng.

Việc mua nhiên liệu hạt nhân bị hạn chế bởi hiệp ước chống phổ biến vũ khí hạt nhân. Bản thân Nhật Bản vẫn phải nhập nguyên liệu urani từ các nước khác để chế tạo thành nhiên liệu hạt nhân sử dụng cho các nhà máy điện hạt nhân của mình. Vì vậy việc cung cấp nhiên liệu của Nhật Bản cho nhà máy điện hạt nhân dự định xây dựng tại Việt Nam và nhận lại các thanh nhiên liệu đã qua sử dụng cũng là một vấn đề cần đặt ra.

Thực tế trên thế giới chỉ Mỹ, Nga, Pháp vừa sở hữu công nghệ điện hạt nhân vừa có công nghệ chế tạo nhiên liệu hạt nhân và chỉ những nước này mới có quyền chuyển giao các công nghệ này. Sở dĩ Nhật và Hàn Quốc phát triển mạnh được chương trình điện hạt nhân vì hai nước này là đồng minh chiến lược mật thiết của Mỹ, họ đã nhận được sự ủng hộ của Mỹ và Pháp trong việc nhận chuyển giao công nghệ điện hạt nhân và công nghệ chế tạo nhiên liệu hạt nhân.

Việc tính toán để nội địa hóa nhiên liệu hạt nhân cần phải đặt ra ngay từ lúc này, vì ta có thuận lợi là theo khảo sát, thăm dò và đánh giá địa chất, mỏ urani tại Nông Sơn, Quảng Nam có thể đạt tới khoảng 8.000 tấn U3O8 cấp 122. Vì vậy chúng ta cũng cần tìm một đối tác vừa có khả năng chuyển giao cho ta công nghệ chế tạo nhiên liệu hạt nhân cùng với chuyển giao công nghệ điện hạt nhân. Vấn đề này cần được đặt ra trong tầm nhìn của chiến lược, tránh để ta bị lệ thuộc.

Về nguồn nhân lực kỹ thuật

Cho đến thời điểm này ngoài việc gửi một số học sinh đi đào tạo tại Nga và Nhật Bản về điện hạt nhân, việc chuẩn bị các nguồn lực có liên quan trực tiếp đến việc xây dựng nhà máy điện hạt nhân vẫn chưa có tiến triển gì đáng kể. Ban Quản lý dự án điện hạt nhân Ninh Thuận của EVN gồm khoảng 80 người, song số người được đào tạo chuyên ngành về điện hạt nhân chỉ đếm trên đầu ngón tay. Năm 2010, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định thành lập ban chỉ đạo xây dựng nhà máy điện hạt nhân, hầu hết là cán bộ quản lý, không có các cán bộ chuyên môn thuộc lĩnh vực này.

Một kịch bản là nếu ta chưa đủ khả năng vận hành nhà máy kể từ thời điểm “chìa khóa trao tay”, ta phải thuê tối thiểu khoảng từ 700-1.000 cán bộ kỹ thuật, lương bình quân của mỗi người là 7.000 đô la Mỹ thì tổng tiền lương phải chi trả hàng tháng sẽ là 4,9-7 triệu đô la Mỹ, việc này sẽ đưa giá thành điện lên rất cao.

Kinh nghiệm của các nước Mỹ, Nga, Pháp, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc khi xây dựng nhà máy điện hạt nhân, lãnh đạo cấp cao nhất thường lựa chọn một chuyên gia với tư cách là một tổng công trình sư để tập trung đội ngũ chuyên gia xây dựng đề án, từ lựa chọn công nghệ đến tất cả các khâu chuẩn bị và một nhà quản lý cấp cao chịu trách nhiệm trực tiếp với Tổng thống hoặc Thủ tướng để lo phối hợp giữa các bộ, ngành, cơ quan có liên quan triển khai đề án.

Chú trọng văn hóa an toàn

Xây dựng nhà máy điện hạt nhân cần phải có đủ tri thức, hạ tầng kỹ thuật và sự thận trọng và kỷ luật hành chính nghiêm khắc. Sự cố hạt nhân có thể không xảy ra ở thời điểm mới đưa vào vận hành và sau hàng chục năm vận hành, nhưng sau vài chục năm thì không chắc chắn vì chất lượng của các vật liệu cấu thành nhà máy điện hạt nhân có thể bị biến đổi, nhất là trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt của Việt Nam.

Cũng như người Nhật chưa bao giờ nghĩ sự cố ở Fukushima lại có thể xảy ra vì họ đã lường trước trong thiết kế tất cả các kịch bản an toàn và mọi cách thức để xử lý sự cố kể cả động đất và sóng thần, nhưng đã không lường được thiên tai ngày 11-3-2011 gây nên thảm họa hạt nhân nghiêm trọng tại Fukushima.

Với công việc chuẩn bị xây dựng nhà máy điện hạt nhân đang tiến triển chậm chạp như hiện nay, việc triển khai xây dựng nhà máy điện hạt nhân vào năm 2014 sẽ là một sự vội vã. Chúng ta hãy thử hình dung một sự cố nào đó xảy ra với nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận do động đất và sóng thần, đất nước ta sẽ bị chia cắt làm đôi, mọi phương tiện đi lại trên đường bộ của ta sẽ bị đứt đoạn và đó sẽ là thảm họa đối với đất nước vì sự cố hạt nhân không thể khắc phục trong một thời gian ngắn.

Việc xây dựng nhà máy điện hạt nhân cần hết sức tránh tư duy văn hóa nhiệm kỳ và phó thác hoàn toàn về mặt công nghệ cho đối tác nước ngoài theo tư duy chìa khóa trao tay. Văn hóa an toàn hạt nhân đề cao sự ủng hộ của dân chúng, trước khi triển khai xây dựng nhà máy điện hạt nhân các cấp chính quyền cần cung cấp cho toàn bộ người dân biết các công việc đã chuẩn bị căn cứ theo các văn bản đã ban hành và thăm dò ý kiến của nhân dân cả nước để tạo nên sự đồng thuận rộng lớn.

T.S.L.

Nguồn: thesaigontimes.vn

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn