Làm ơn đi, các đồng chí ơi…

Hồ Cương Quyết - André Menras

image Thành phố Hồ Chí Minh, chiều thứ Bảy. Trong căn hộ bỏ trống mà vợ chồng người em gái có nhã ý cho tôi trú tạm, tôi nghe nhạc Trịnh Công Sơn. Không muốn đọc mà cũng chẳng buồn viết lách gì cả. Những bộ mặt và cảnh tượng cứ xuất hiện liên tục, trộn lẫn vào nhau, chồng lấp lên nhau như hình ảnh trong một bộ phim không có đạo diễn. Một điệu nhạc buồn gọi cơn mưa đến như bám vào từng mẩu da thịt tôi và thực tại đang sống lại mỗi ngày một mạnh mẽ hơn.

Sáng hôm nay tôi tình cờ được mời đến một quán “café-philo”. Chủ đề cuộc tọa đàm: Marx, Engels, Hegel(*). Căn phòng nhỏ lèn chặt người, như chực vỡ tung. Có người tôi đã biết, có người chưa quen. Một không khí tìm tòi và chia sẻ. Người có tuổi lẫn với sinh viên trẻ: tâm hồn, đầu óc trẻ trung của mọi lứa tuổi hòa lẫn vào nhau. Lòng khát khao được học hỏi, trao đổi và cả các ý kiến đối chọi nhau. Sức mạnh và vẻ đẹp của niềm ham thích, của thị hiếu lành mạnh và tích cực, không ngại cản trở, không sợ điều cấm kỵ, và loại bỏ tất cả những ai nhát sợ.

Cơn mưa buồn trong nhạc Trịnh, những ý kiến tranh luận sôi nổi cùng không khí năng động của quán café-philo như muốn thoát ra khỏi những cản ngại thường ngày đã làm dậy lên trong tôi một góc ký ức mà tôi ngỡ đã chôn vùi từ lâu trong quá khứ. Những mẩu ký ức đau buồn về một Sài Gòn cũ mà tôi từng trải qua, giờ đây lại tái hiện ở TP.HCM, như đang giáng cái tát nảy lửa vào niềm tin của tôi.

Cấm chiếu phim, đóng cửa quán cà phê, cắt điện, đe dọa cá nhân. “Mật vụ” với bộ mặt lầm lầm lì lì, điện thoại di động lúc nào cũng dán chặt vào lỗ tai, máy ghi âm và caméra sẵn sàng hoạt động. Cảm giác ngột ngạt nặng trĩu vì không lúc nào được ở một mình. Hơn 40 năm trước, tôi đã từng trông thấy những cặp mắt rình rập hệt như thế, mà khi tôi hướng về họ thì chỉ được lẳng lặng đáp lại bằng cái nhìn đầy hăm dọa. Tôi hiểu rõ những bàn tay ấy có khả năng làm chuyện gì khi nhận được lệnh cấp trên.

Các đồng chí can trường của tôi, các bạn hiện đang ở đâu? Làm sao các bạn có thể quên chúng ta từ đâu đến và chúng ta đang đi về đâu? Tôi nghe bài hát “Một ngày dài trên quê hương” mà nước mắt cứ lăn dài, thật buồn cười, nhưng tôi cũng chẳng muốn kiềm lòng làm chi. Nỗi đau các thành quả của những cuộc đấu tranh bị tịch thu, của niềm hy vọng bị đánh cắp. Lòng phẫn nộ khi phải khóc thương cho một thời tuổi trẻ vẫn chưa lụi tàn trong tôi, cái thời thanh niên giờ đây bừng sống lại trong hoàn cảnh đầy cản ngại, và khiến cho tôi quên bẵng đi nỗi mệt nhọc hiển nhiên do tuổi tác.

Các đồng chí ơi, làm ơn đi, làm ơn nói cho tôi biết rằng điều tôi đang cảm nhận lúc này đây là hoàn toàn ngộ nhận và sai lầm, rằng các thế lực thù địch với chế độ ta không hề có lý, rằng tôi không buộc phải một lần nữa lên đường đấu tranh, ra tiền tuyến...

H. C. Q. – A. M.

Trần Hữu dịch từ tiếng Pháp.

Tác giả gửi trực tiếp cho BVN.

Chú thích:

(*) Buổi giới thiệu cuốn sách Karl Marx của Peter Singer (nxb Tri thức 2011) sáng ngày 3/12/2011 tại quán Cà phê Thứ Bảy 37 Nguyễn Đình Chiểu, Quận 1, TP. HCM với diễn giả là nhà nghiên cứu Lữ Phương và người chủ trì là nhà triết học Bùi Văn Nam Sơn – BVN.

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn