Văn “đáp từ” bác Hữu Thỉnh

Kỹ sư Vi Toàn Nghĩa

Đôi lời của Toàn – Kỹ sư Vi Toàn Nghĩa viết rất đều. Viết như một nhà văn. Viết hơn một nhà văn. Nhà văn bây giờ viết bằng gân của ngón tay giữ bút bi hoặc gõ gõ bàn phím, trong đầu nghĩ tới cái vinh quang chắc rồi sẽ đến – chí ít là cái vinh quang được thành hội viên của cái Hội ấy. Kỹ sư Vi Toàn Nghĩa viết hoàn toàn không có các động cơ như của một nhà văn như của các nhà văn.

Nhưng đừng nghĩ là Vi Toàn Nghĩa điên. Hãy xem cách anh hỏi và xem cách anh gợi ý những điều chắc chắn người được hỏi chẳng sao có thể trả lời.

Tôi yêu anh Vi Toàn Nghĩa, nên tôi ngồi chữa lại chính tả hộ anh, đánh dấu chấm phẩy hộ anh, sửa sang mớ tóc cho anh để anh ra chợ không bị chị em cười trêu chọc. Và để những chị em nào còn biết nghĩ ngợi hãy nhìn vào mắt anh Vi Toàn Nghĩa của chúng ta mà nức nở.

Có lẽ cuộc đời này chỉ còn nước mắt là đẹp thôi. Giữa mùa phản phúc, tối đen tù ngục… Suối đã đục dòng, chỉ lệ còn trong

Xin mời.

Phạm Toàn

Buổi sáng tinh mơ - giở net ra đọc: "văn học phải được phóng lên từ bệ phóng dân tộc" (HỮU THỈNH) Ôi! Sướng quá! Sướng tột độ! Sướng lai láng!

Đã lâu không thấy VĂN HỌC nói đến danh từ "riêng" này. Hôm nay thấy bác Hữu Thỉnh nhắc đến! Mà nhắc theo "loại to từ" (tức là đại từ).

Sướng quá! Có thế chứ! Bác HỮU THỈNH thật là bậc "đại nhân” – đã không dùng "từ" thì thôi! Khi dùng đến là "chết người – chết điếng"!

Tôi không phải nhà văn – hồi xưa học phổ thông có được học "chút chút" – vào Bách Khoa, họ nhét vào sọ toàn NƯU-TƠN, BOIMARIOT, KIECSOP, ANHSTANH, lại còn cả CU LÔNG nữa... khô khan chán phèo! Được khơi mào của bác – cái sướng trong tôi bật dậy – bỏ buổi xe ôm – mạn đàm cùng bác.

Văn học là cái gương soi vào cuộc sống. Mà hiện nay – ngay bây giờ, dân tộc ta đang trong một giai đoạn:

Vô cùng huy hoàng!

Đại tang thương!

Không phương định hướng!

(Đã giống thơ chưa?).

Không phải cuộc sống được quyết định bởi văn học – nó được quyết định bởi "một số nguyên tố - nhân" (số nguyên tố là số chỉ chia hết cho 1 và cho chính nó: 1, 2, 3, 7.... – định nghĩa toán) lãnh đạo nhưng cũng "đầy tính văn học":

Anh giơ tay vẽ giữa đồng xanh

Vẽ cả ngày mai thành bức tranh.

ƠI anh chủ nhiệm (thủ tướng?) yêu anh thế... (Hoàng Trung Thông)

"Sữa để em thơ lụa tặng già ..." (x-y-z). Bức tranh ấy thế nào mỗi người chúng ta tự suy ngẫm.

Thưa bác HỮU THỈNH (hữu thỉnh có nghĩa là: có nghe) tôi không phải nhà văn, nhà thơ – nghe bác hỏi các cháu, các em nhà văn trẻ (U60, U70, Uu80, U90):

"Những nhà văn trẻ, bạn từ đâu đến?" sau đó bác lại tự trả lời – bác cho phép tôi trẻ lại (và tự vu cho mình là nhà văn) xin trả lời với bác:

"Thưa bác chúng tôi là những nhà văn trẻ – đến từ một xã hội đang "hỏng mất cái la bàn" – không biết phương hướng để đi.

Chúng tôi đến đây để hội ý chữa lại "cái la bàn” đó. Để hòng có những tác phẩm "để đời" trong "giai đoạn vô cùng lịch sử của dân tộc này".

Thưa bác! Bác ví von văn học nước nhà là quả tên lửa "phóng lên từ bệ phóng dân tộc" – bác hãy cho tôi "cách điệu" cùng:

Quả tên lửa này đang chứa một lượng nhiên liệu vô cùng sôi sục – đó là sự phân hóa của xã hội đã lên đến cực điểm: – phân hóa về mức sống – phân hóa quan hệ "người với người" – phân hóa "lý luận - thực tiễn" – phân hóa đến mức rất nhiều nhà trí thức "bỗng nhiên" trở thành "phản động" trong đó có rất nhiều nhà thơ, nhà văn – thậm chí họ còn dám "yêu nước trước khi về hưu" – chắc tôi không phải nêu tên họ cho bác.

Nhưng ai sẽ bấm nút ? Bác chăng? Không đời nào! Bác còn phải làm Tổng thư ký Hội. Hay là ban tuyên giáo Trung ương? Không đời nào! Lửa phản lực thiêu cháy họ mất – Những người dám ấn nút dù họ phải quên mình như TRẦN DẦN, PHÙNG QUÁN, VĂN CAO, TRẦN ĐỘ (vì họ dám viết cả khi ở tù)... bây giờ tìm đâu ra nữa?

Thưa bác! Biết bác đã là một nhà thơ trong chiến tranh – hơn nữa lại là một người lính làm thơ, xin hỏi bác một câu thật lòng:

– Có bao giờ chúng ta nghĩ đi chiến đấu để có một xã hội như bây giờ?

Tôi còn nhớ bác có bài thơ với tiêu đề "HỎI?" (Bạn nào tò mò hãy vào gu gờ gõ từ "hỏi"):

Trong đoạn cuối bác "hỏi" 3 lần da diết: " – người sống với người như thế nào?" mà không trả lời được. Tôi xin mạn phép xuống dòng và viết: VÔ CẢM rồi chấm than (!). Có được không ạ?

Chưa bao giờ tôi thấy xã hội ta có nhiều đề tài nóng hổi như bây giờ – "ĐÂY LÀ GIAI ĐOẠN LỊCH SỬ BI HÙNG CỦA DÂN TỘC", vậy mà ta có tác phẩm nào hay đâu? (Xin lỗi các nhà văn) – còn văn nô thì lại ngập tràn trên báo, cướp, giết, hiếp... đã được vào "định hướng" bao giờ ta lại có VĂN CAO, NGÔ TẤT TỐ, NGUYỄN CÔNG HOAN...? – Liệu "định hướng" đã làm thui chột những nhà văn?

Bác có bài thơ "HỎI?"

Tôi không biết làm thơ nên tôi viết "đáp từ " này cho bác – và cũng đặt tên là "HỎI?":

QUẢ TÊN LỬA "TRÊN BỆ PHÓNG DÂN TỘC" – AI SẼ LÀ NGƯỜI BẤM NÚT?

AI SẼ LÀ NGƯỜI BẤM NÚT?

V.T.N.

Tác giả gửi trực tiếp cho BVN.

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn